Đống đất lấy từ Gò Mô đổ trong sân nhà một cán bộ ấp Tầm Long, xã Trí Bình.
Trước hết, đó là sự nhập nhằng giữa các khái niệm “hạ cấp, san lấp”. Theo tờ trình của UBND xã Trí Bình, xã xin chủ trương “san lấp mặt bằng và làm đường giao thông nông thôn”, “san lấp mặt bằng sân bóng”. Còn tại Văn bản số 561 ngày 2.6.2014 của UBND huyện Châu Thành thì ghi “chủ trương hạ cấp đất công khu vực Gò Mô”. Một văn bản khác cũng của UBND huyện lại ghi “hạ cấp mặt bằng sân bóng xã Trí Bình”.
Tờ trình của Phòng TN&MT huyện Châu Thành xác định khu đất xin “hạ cấp” thuộc thửa đất số 490, tờ bản đồ số 15 và thửa đất số 55 tờ bản đồ số 20, có tổng diện tích 104.331,5m2, toạ lạc tại ấp Tầm Long thuộc quỹ đất công do UBND xã Trí Bình quản lý. Đây là khu đất có nhiều gò mô nổi cao, lồi lõm, bỏ hoang nhiều năm.
Trong khi đó, tờ trình của Sở TN&MT gửi UBND tỉnh “xem xét chấp thuận chủ trương cho UBND huyện Châu Thành tận dụng đất dôi dư sau khi hạ cấp mặt bằng sân bóng xã Trí Bình để phục vụ cho việc xây dựng nông thôn mới. Vị trí tận dụng là khu đất có diện tích 38.454m2, là những gò mô”. Các văn bản thiếu thống nhất về nội dung này khiến người đọc không hiểu được thực chất địa phương muốn san lấp mặt bằng sân bóng, hạ cấp sân bóng hay san lấp - hạ cấp Gò Mô, hay cả hai?
Theo ghi nhận của phóng viên, từ thực tế và qua câu chuyện trao đổi với đơn vị thi công thì sân bóng xã Trí Bình là phần diện tích đất nằm trong khu vực Gò Mô. Và đơn vị thi công cho biết họ thực hiện “hạ cấp” khu đất Gò Mô, không phải “hạ cấp” sân bóng.
Địa phương “tiền trảm hậu tấu”?
Theo hồ sơ vụ việc, đến ngày 5.12.2014, UBND tỉnh mới có Văn bản số 3277/UB-KTN đồng ý với đề xuất của Sở TN&MT về việc tận dụng đất dôi dư sau khi hạ cấp mặt bằng sân bóng xã Trí Bình để phục vụ thi công một số công trình trên địa bàn huyện Châu Thành. Thế nhưng trước đó, UBND xã Trí Bình đã được UBND huyện cho phép “hạ cấp” khu đất trên và sử dụng đất để thi công một số tuyến đường.
Cụ thể, ngày 20.6.2014, Chủ tịch UBND xã Trí Bình Phạm Văn Hồng ký quyết định thành lập tổ giám sát hạ cấp đất công khu vực Gò Mô, do ông Lưu Xuân Đạt- Phó Chủ tịch UBND xã làm tổ trưởng. Tháng 9.2014, Chủ tịch UBND xã ký lệnh khởi công công trình đường giao thông nông thôn từ đường 781 đến nhà ông Hai Điều. Trước đó, đơn vị thi công cũng được UBND xã cho phép khai thác đất khu vực Gò Mô làm đường từ nhà ông Tư Nết đến đường Gõ Đôi.
Theo một văn bản của UBND xã Trí Bình, đoạn đường từ nhà ông Tư Nết đến đường Gõ Đôi chỉ dài hơn 300m, rộng hơn 3m nhưng ông Chủ tịch UBND xã “ước tính” sử dụng khối lượng đất lên đến… 10.000m3. Sau đó, Phòng TN&MT báo cáo về huyện, tỉnh khối lượng đất làm đường này là 3.500m3.
Thế nhưng, đại diện đơn vị thi công khẳng định: “Đoạn đường này tôi đổ chưa tới 1.000m3 đất. Hơn nữa, tôi làm từ thiện cho địa phương, không lấy tiền và cũng không làm thủ tục, hồ sơ quyết toán gì cả”. Như vậy, số lượng đất làm đường thực tế và con số báo cáo của Phòng TN&MT chênh nhau khoảng 2.500m3, còn so với tính toán của UBND xã Trí Bình thì chênh đến khoảng 9.000m3 đất (?).
Mặt khác, trong các văn bản của Sở TN&MT (được UBND tỉnh chấp thuận) về chủ trương “hạ cấp mặt bằng sân bóng” xã Trí Bình đều ghi rõ: “chỉ phục vụ mục đích san lấp mặt bằng các công trình đường giao thông nông thôn trên địa bàn xã Trí Bình theo khối lượng đã đề xuất và chỉ cho dự án trong quyết định đầu tư có ghi rõ nguồn cấp đất san lấp, không để bán đất ra ngoài”.
Vậy nhưng, không hiểu sao UBND xã Trí Bình lại cho nhà thầu vận chuyển đất sang xã Hảo Đước, san lấp mặt bằng trường mẫu giáo ở xã này với khối lượng khoảng 2.300m3. Đồng thời, do việc kiểm tra, giám sát thiếu chặt chẽ của chính quyền địa phương, người của đơn vị thi công đã mang đất bán cho người dân gần đó cũng như đưa sang nơi khác sử dụng không đúng mục đích, chủ trương đã được UBND tỉnh phê duyệt.
Đã có hiện tượng vi phạm
Từ phản ánh của người dân về việc Công ty TNHH Thông Thuận Phát - đơn vị thi công “hạ cấp mặt bằng sân bóng xã Trí Bình” mang đất khai thác từ Gò Mô đi các xã Biên Giới, Hảo Đước (huyện Châu Thành) và xã Suối Đá (huyện Dương Minh Châu), chúng tôi đã đến các địa phương này để làm rõ thêm thông tin.
Tại xã Biên Giới, chính quyền địa phương cho biết đúng là Công ty Thông Thuận Phát đang thi công 2 tuyến đường giao thông nông thôn trên địa bàn xã. Tuy nhiên, nguồn đất san lấp làm 2 tuyến đường này được lấy… tại địa phương, không phải mang từ Trí Bình sang.
Còn tại xã Hảo Đước, hiện Công ty Thông Thuận Phát không có thi công dự án đường giao thông nông thôn nào. Riêng công trình san lấp mặt bằng Trường mẫu giáo Hảo Đước, lãnh đạo xã cho biết do huyện làm chủ đầu tư nên xã không nắm được hồ sơ, cũng không biết đất san lấp mặt bằng này lấy từ đâu. Còn lãnh đạo xã Suối Đá thì khẳng định: hiện tại cũng như trước đây, không có công trình, dự án nào trên địa bàn xã do Công ty Thông Thuận Phát thi công.
Theo ghi nhận của phóng viên, công trình san lấp mặt bằng Trường mẫu giáo xã Hảo Đước đã được thực hiện khoảng 5 - 6 tháng qua, nhưng chưa hoàn chỉnh. Khối lượng đất dùng để san lấp ở đây khá lớn, ước tính trên dưới 2.000m3. Đại diện đơn vị thi công xác định đúng là mặt bằng này được san lấp từ nguồn đất lấy ở Gò Mô sang. Tuy nhiên, đây là chủ trương của UBND huyện Châu Thành và UBND xã Trí Bình.
Ông Trần Công Khanh- Giám đốc Công ty TNHH Thông Thuận Phát, đơn vị thi công cho biết: “Công ty chúng tôi đã thực hiện việc san lấp mặt bằng Gò Mô theo đúng chủ trương của UBND huyện Châu Thành và UBND xã Trí Bình. Số đất ở đây được đem đi thi công các tuyến đường theo chỉ định của UBND xã Trí Bình. Đối với mặt bằng Trường mẫu giáo xã Hảo Đước cũng vậy, chúng tôi thực hiện theo chủ trương của huyện, xã chứ không thể tự ý làm”.
Trước dư luận cho rằng nhà thầu đã khai thác nhiều khối lượng đất mang đi thi công nhiều công trình ở những nơi khác trên địa bàn huyện Châu Thành, ông Khanh phủ nhận và cho rằng chỉ sử dụng đất khai thác từ Gò Mô đem đi thi công các công trình được sự cho phép của UBND huyện Châu Thành và UBND xã Trí Bình. Tuy nhiên, ông thừa nhận có trường hợp tài xế làm công cho ông đã… lén bán vài xe đất cho người dân quanh vùng.
Về dư luận có lời đồn đơn vị thi công “hạ cấp Gò Mô” đào sâu như ao nuôi cá để lấy đất phún, ông Khanh khẳng định: “Không thể có chuyện đào sâu 4 - 5m như người dân phản ánh. Bởi nếu làm như thế thì chính quyền địa phương và các ngành chức năng đã xử lý, ngăn chặn rồi.
Tôi làm sai đến mức đó thì liệu có thoát được không?”. Dù vậy, ông Khanh cũng xác nhận có “sơ suất” trong quá trình thi công san lấp mặt bằng Gò Mô. Theo ông, do lúc đầu, huyện ước tính trữ lượng sỏi phún nhiều hơn trữ lượng thực tế nên khi san lấp mặt bằng ở đây và lấy sỏi phún làm đường thì thiếu sỏi phún thi công.
Do nhu cầu nên đơn vị thi công có đào hơi sâu so với quy định một vài nơi để lấy cho đủ phún làm đường chứ không cố tình đào sâu để khai thác phún. Tuy nhiên, theo ông, độ sâu đào vượt quy định cũng chỉ vài tấc và sau đó đã được cào lấp lại ngay.
Ông Phạm Văn Hồng- Chủ tịch UBND xã Trí Bình cũng xác nhận điều này, khẳng định không có chuyện đơn vị thi công đào sâu 4 - 5m và cũng không có chuyện đơn vị thi công ồ ạt mang đất lấy từ Gò Mô đi bán khắp nơi như phản ánh.
Chúng tôi đã tìm hiểu một trường hợp UBND xã Trí Bình tự ý cho phép đơn vị thi công mang đất lấy từ Gò Mô đi sử dụng không đúng mục đích.
Theo biên bản xác minh vụ việc vi phạm hành chính do cán bộ Phòng Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường- Công an Tây Ninh lập ngày 26.6.2015, UBND xã Trí Bình đã cho Công ty Thông Thuận Phát lấy 3 xe sỏi tại Gò Mô mang đi vá hương lộ 2 (từ ngã ba Sọ đến quốc lộ 22B).
Ngày 24.6.2015, khi Công ty đang vận chuyển đất sỏi thì bị cán bộ Phòng Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường phát hiện, lập biên bản.
Qua việc này, một lần nữa cho thấy, UBND xã Trí Bình không những không thực hiện tốt công tác giám sát hoạt động “hạ cấp” khu vực Gò Mô, mà còn tự ý cho phép nhà thầu khai thác, vận chuyển đất khoáng sản đi nơi khác trái với quy định của UBND tỉnh, UBND huyện.
Đất san lấp mặt bằng Trường mẫu giáo Hảo Đước lấy từ Gò Mô.
Có nhất thiết phải “hạ cấp” Gò Mô?
Vấn đề chính được đặt ra là tại sao phải “hạ cấp mặt bằng sân bóng” xã Trí Bình? Nếu thực sự cần san lấp khu đất công “bị bỏ hoang” này, trước hết UBND xã cần công bố mục đích, chủ trương để người dân được biết.
Nguyên trạng nơi này vốn có chỗ gò, chỗ trũng nhưng quá trình san lấp liệu có nhất thiết phải mang một khối lượng lớn đất, sỏi phún đi nơi khác để thi công các công trình, khiến cho cả khu vực trở nên trũng thấp? Trong khi chỉ cần san ủi đất từ các gò cao xuống các chỗ trũng và khu vực sân bóng, nhà văn hoá xã (vốn thấp hơn khu vực quanh đó) thì cảnh quan môi trường cũng như địa hình nơi đây sẽ đẹp hơn nhiều. Và nếu như thế, chắc hẳn người dân không những không phàn nàn mà còn đồng tình ủng hộ.
Thiết nghĩ, ngành chức năng, UBND huyện Châu Thành cần làm rõ những vấn đề mà dư luận đã đặt ra, cũng như làm rõ trách nhiệm của người có liên quan để người dân địa phương không còn xầm xì bàn tán.
Theo BTNO
Ý kiến bạn đọc