Ngày 12/6/2017, UBND tỉnh ban hành kế hoạch số 1552/KH-UBND về Kế hoạch thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải sinh hoạt nông thôn trên địa bàn tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2017 – 2020, nội dung cụ thể Kế hoạch như sau:
I. MỤC ĐÍCH
Quản lý, thu gom và xử lý triệt để rác sinh hoạt phát sinh ở nông thôn, chấm dứt tình trạng vứt rác, đổ rác bừa bãi không đúng nơi quy định gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến cảnh quan và kế hoạch xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Tây Ninh.
II. YÊU CẦU
1. Mọi tổ chức, cá nhân và hộ gia đình có trách nhiệm thực hiện các quy định vệ sinh môi trường, giữ gìn vệ sinh nơi công cộng, nơi cư trú không vứt rác bừa bãi ra môi trường; tự phân loại rác, lưu giữ chất thải, nộp tiền dịch vụ cho việc thu gom, vận chuyển và xử lý hoặc phải tự thu gom, xử lý triệt để đảm bảo bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật; đổ chất thải đúng thời gian, đúng nơi quy định.
2. Khuyến khích việc xã hội hóa công tác thu gom, vận chuyển, tái chế, tái sử dụng và xử lý rác thải sinh hoạt nông thôn theo hướng giảm ô nhiễm môi trường.
III. NỘI DUNG
1. Phân loại, thu gom, lưu giữ và vận chuyển rác thải sinh hoạt
- Rác sinh hoạt phát sinh từ các tổ chức, cá nhân và hộ gia đình nông thôn được khuyến khích phân loại thành các nhóm:
+ Nhóm hữu cơ dễ phân hủy (thức ăn thừa, lá cây, rau, củ, quả, xác động vật) để ủ làm phân bón cho cây trồng theo phương pháp ủ compost, phương pháp ủ yếm khí.
+ Nhóm có khả năng tái sử dụng, tái chế (giấy, nhựa, kim loại, cao su, ni lông, thủy tinh) để cung cấp cho các nhà máy, cơ sở tái chế.
+ Nhóm không thể tái sử dụng, tái chế hoặc ủ làm phân, phải xử lý theo quy định hiện hành.
Việc phân loại rác nhằm giảm thiểu chi phí xử lý, hạn chế ô nhiễm môi trường và tạo ra các sản phẩm phục vụ đời sống của con người.
- Các tổ chức, cá nhân và hộ gia đình phải thu gom rác bằng thủ công hàng ngày hoặc cách ngày và lưu giữ rác trong bao bì hoặc thiết bị phù hợp, đảm bảo vệ sinh môi trường và vận chuyển tới nơi lưu giữ rác tạm thời của địa phương để chuyển đến khu xử lý tập trung theo quy hoạch của tỉnh; nộp chi phí trả cho dịch vụ thu gom, xử lý chất thải theo quy định của pháp luật. Nghiêm cấm việc xả rác, đốt rác bừa bãi tại các tuyến đường giao thông nông thôn.
- Mỗi xã bố trí ít nhất một điểm lưu giữ rác tạm thời có diện tích phù hợp và được che chắn đảm bảo không bị nước mưa, động vật làm phát tán chất ô nhiễm ra môi trường. Điểm lưu giữ rác tạm thời phải có khoảng cách vệ sinh đạt ≥ 20m đến khu vực dân cư tập trung, thuận tiện về giao thông để người dân thực hiện.
- Mỗi khu dân cư bố trí từ 1-2 thùng chứa rác tập trung và thành lập tổ tự quản về bảo vệ môi trường hoạt động theo nguyên tắc tự nguyện, cộng đồng trách nhiệm, tuân theo quy định của pháp luật; đôn đốc các tổ chức, cá nhân và hộ gia đình thực hiện quy định về giữ gìn vệ sinh môi trường; thu gom, phân loại và xử lý rác tại khu dân cư và nơi công cộng; vận động nhân dân xóa bỏ hủ tục, thói quen mất vệ sinh, có hại cho sức khỏe và môi trường.
2. Xử lý rác thải sinh hoạt
- Rác sinh hoạt phát sinh ở khu dân cư nông thôn sau khi được phân loại, nếu không thể tái chế, tái sử dụng hoặc ủ làm phân bón thì phải chuyển về các khu xử lý rác tập trung để xử lý triệt để, không gây ô nhiễm môi trường. Các tổ chức, cá nhân và hộ gia đình ở đơn lẻ, phân tán, cách xa khu tập trung dân cư, chất thải rắn chủ yếu là chất hữu cơ chưa có dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý tập trung thì khuyến khích tự xử lý tại gia đình như ủ làm phân hữu cơ.
- Nhà nước khuyến khích, ưu đãi đầu tư theo quy định của pháp luật đối với các thành phần kinh tế, tổ chức, cá nhân và hộ gia đình tham gia các hoạt động thu gom, phân loại, vận chuyển, xử lý và đầu tư xây dựng, nghiên cứu, chuyển giao công nghệ xử lý rác sinh hoạt.
3. Truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng về quản lý rác thải
- Tuyên truyền về tác hại của việc xả rác bừa bãi và xử lý rác không hợp vệ sinh ảnh hưởng tới cảnh quan, môi trường và sức khỏe cộng đồng.
- Tuyên truyền các nội dung của kế hoạch thu gom, vận chuyển và xử lý rác sinh hoạt nông thôn để người dân biết và vận động các tổ chức, cá nhân và hộ gia đình tham gia thực hiện kế hoạch.
Việc tuyên truyền, vận động quản lý rác thải được lồng ghép vào các cuộc họp sinh hoạt của các tổ dân cư tự quản, phát thanh trên các đài truyền thanh của địa phương, nêu các gương tốt, điển hình đồng thời cũng phê bình các tổ chức, cá nhân và hộ gia đình vứt rác, đổ rác bừa bãi không đúng nơi quy định gây mất mỹ quan và ô nhiễm môi trường.
IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Sở Tài nguyên và Môi trường
Chủ trì và phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan, ủy ban nhân dân các huyện, thành phố và các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh hướng dẫn triển khai thực hiện kế hoạch này đến các tổ chức, cá nhân và hộ gia đình; cán bộ cấp huyện, cấp xã; các đơn vị thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải sinh hoạt trên địa bàn tỉnh và theo dõi, giám sát, kiểm tra việc thực hiện kế hoạch.
2. Sở Tài chính
Hàng năm, phân bổ nguồn kinh phí sự nghiệp môi trường cho ủy ban nhân dân các huyện, thành phố để thực hiện kế hoạch thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải sinh hoạt trên địa bàn tỉnh theo quy định hiện hành.
3. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh
- Chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường tích cực tuyên truyền, vận động người dân thực hiện bảo vệ môi trường nói chung và kế hoạch thu gom, vận chuyển và xử lý rác sinh hoạt nông thôn nói riêng trên địa bàn tỉnh.
- Chỉ đạo các cấp phối hợp với cơ quan chuyên môn cùng cấp tổ chức, xây dựng mô hình điểm và các phong trào thi đua bảo vệ môi trường của các khu dân cư, các tổ chức tôn giáo.
4. Đài Phát thanh và Truyền hình Tây Ninh, Báo Tây Ninh và các cơ quan truyền thông các cấp
- Phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường để tuyên truyền giáo dục về bảo vệ môi trường, kế hoạch thu gom, phân loại, vận chuyển và xử lý rác sinh hoạt nông thôn trên địa bàn tỉnh.
- Phối hợp, các sở, ban, ngành, các tổ chức chính trị - xã hội, ủy ban nhân dân các huyện, thành phố tổ chức các hoạt động truyền thông về môi trường trên địa bàn tỉnh.
5. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố
- Tổ chức tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn, chỉ đạo và giải quyết các yêu cầu về chuyên môn của cấp xã trong việc thực hiện kế hoạch thu gom, vận chuyển và xử lý rác sinh hoạt nông thôn trên địa bàn.
- Chỉ đạo các phòng, ban liên quan, ủy ban nhân dân cấp xã thực tốt kế hoạch thu gom, phân loại, vận chuyển và xử lý rác sinh hoạt nông thôn trên địa bàn và bố trí, phê duyệt kinh phí cho các xã xây dựng nông thôn mới thực hiện kế hoạch.
- Hàng năm, vào các ngày hưởng ứng kỷ niệm về môi trường, xây dựng Kế hoạch chi tiết để huy động lực lượng (tổ chức, cá nhân, hộ gia đình) tham gia vệ sinh, thu gom, xử lý triệt để rác thải phát sinh tại các khu vực công cộng, khu lưu giữ rác tạm thời, chợ, đường giao thông, khai thông kênh mương, cống thoát nước, . . .
- Có cơ chế, chính sách khuyến khích các tổ chức, cá nhân và hộ gia đình tham gia thực hiện phân loại, thu gom, vận chuyển và xử lý rác sinh hoạt nông thôn trên địa bàn.
6. Ủy ban nhân dân cấp xã
- Tổ chức tuyên truyền, phổ biến chính sách và pháp luật về bảo vệ môi trường nói chung và Kế hoạch thu gom, vận chuyển và xử lý rác sinh hoạt nông thôn trên địa bàn. Vận động các tổ chức, cá nhân và hộ gia đình tham gia thực hiện kế hoạch.
- Hàng năm, xây dựng kế hoạch, kinh phí thực hiện Kế hoạch trình ủy ban nhân dân cấp huyện phê duyệt và tổ chức thực hiện.
- Bố trí điểm lưu giữ rác tạm thời đạt quy định, hợp đồng với đơn vị, tổ chức có chức năng thu gom, vận chuyển rác đến khu xử lý tập trung theo quy hoạch của tỉnh.
- Khuyến khích cộng đồng dân cư thành lập tổ chức tự quản về bảo vệ môi trường; quy định về tổ chức, hoạt động và tạo điều kiện để tổ tự quản về bảo vệ môi trường hoạt động có hiệu quả.
- Giám sát, kiểm tra việc thực hiện kế hoạch. Phát hiện, xử lý theo thẩm quyền các hành vi vứt rác, đổ rác bừa bãi không đúng nơi quy định, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến cảnh quan và kế hoạch xây dựng nông thôn mới trên địa bàn.
7. Tổ chức, cá nhân và hộ gia đình có phát sinh rác thải sinh hoạt
- Giảm thiểu, thu gom, phân loại và chuyển rác thải sinh hoạt đến đúng nơi quy định của địa phương; giữ gìn vệ sinh nơi công cộng.
- Các tổ chức, cá nhân và hộ gia đình phải thu gom rác bằng thủ công hàng ngày hoặc cách ngày; thu gom, phân loại, lưu giữ rác trong bao bì hoặc thiết bị phù hợp, đảm bảo vệ sinh môi trường và vận chuyển đến đúng nơi quy định của địa phương.
- Nộp đủ và đúng thời hạn phí dịch vụ thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt theo quy định của pháp luật. Nghiêm cấm việc vứt rác, đổ rác bừa bãi ra đường giao thông nông thôn hoặc sông, suối, kênh, rạch, ao hồ, . . . gây mất vệ sinh và ô nhiễm môi trường.
- Tham gia hoạt động bảo vệ môi trường công cộng và tại khu dân cư.
8. Trách nhiệm của đơn vị thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt nông thôn
- Bảo đảm yêu cầu về nhân lực, phương tiện và thiết bị chuyên dụng để thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt đáp ứng yêu cầu kỹ thuật và quy trình quản lý theo quy định. Không để rơi vãi rác thải, phát tán bụi, mùi hoặc nước rò rỉ gây ảnh hưởng xấu đến môi trường trong quá trình thu gom, vận chuyển rác.
- Thông báo về thời gian, địa điểm, tần suất và tuyến thu gom rác tại các khu dân cư.
- Thu gom, vận chuyển rác thải đến nơi lưu giữ rác tạm thời của địa phương và chuyển đến khu xử lý tập trung theo quy hoạch của tỉnh.
- Định kỳ hàng năm báo cáo kết quả thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải sinh hoạt theo quy định cho cơ quan chuyên môn về môi trường.
CCBVMT
Ý kiến bạn đọc