Theo nội dung của Luật, có 65 điều Quốc hội trực tiếp giao cho Chính phủ quy định chi tiết để thi hành, 08 điều giao trách nhiệm cho Bộ TN&MT hướng dẫn và 07 điều giao trách nhiệm cho UBND cấp tỉnh. Để chuẩn bị tốt cho việc thi hành Luật Đất đai 2013, Bộ TN&MT đã khẩn trương chuẩn bị nội dung 04 dự thảo Nghị định gồm: Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Đất đai; Nghị định quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất; Nghị định quy định phương pháp xác định giá đất, khung giá đất, bảng giá đất, giá đất cụ thể và tư vấn xác định giá đất; Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai.
|
Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang cho rằng, yêu cầu đặt ra khi xây dựng các nội dung của các dự thảo Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai cần tiếp tục bám sát tinh thần của Nghị quyết số 19-NQ/TW của Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật đất đai trong thời kỳ đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, tạo nền tảng để đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Các Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật phải bảo đảm tuân thủ và phù hợp với quy định của Hiến pháp, Luật Đất đai và các pháp luật khác có liên quan; Nghị định chỉ quy định chi tiết những điều, khoản mà Luật giao cho Chính phủ; đồng thời làm rõ các nội dung trong Luật còn được hiểu chưa thống nhất; kế thừa các quy định hiện hành còn giá trị; bảo đảm tính khả thi, ổn định của chính sách, pháp luật về đất đai. Đặc biệt, phải đảm bảo tính khả thi và giải quyết được những bất cập, tồn tại trong thực tiễn.
Đặc biệt, Bộ trưởng lưu ý việc xây dựng các Nghị định Luật cần theo quan điểm quản lý chặt chẽ nguồn tài nguyên đất đai theo quan điểm xuyên suốt: Sử dụng đất tiết kiệm, hiệu quả và không ngừng đảm bảo quyền lợi của người dân bị thu hồi đất.
|
Sau khi nghe Thứ trưởng Bộ TN&MT kiêm Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý đất đai Nguyễn Mạnh Hiển trình bày báo cáo đề dẫn thảo luận, các đại biểu tham dự Hội nghị đã tập trung thảo luận và đóng góp nhiều ý kiến về các vấn đề quan trọng để xây dựng các Nghị định của Luật Đất đai như: Vấn đề lập quy hoạch sử dụng đất, lập kế hoạch sử dụng đất hàng năm của cấp huyện để làm căn cứ quyết định thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất. Các điều kiện để được Nhà nước giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án đầu tư; việc thu hồi đất do không đưa đất vào sử dụng hoặc chậm đưa đất vào sử dụng theo quy định; cụ thể các trường hợp bất khả kháng dẫn đến chậm tiến độ sử dụng đất mà Nhà nước không thu hồi đất là những trường hợp nào. Vấn đề cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác cho người đang sử dụng; đặc biệt là đối với trường hợp hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất nhưng không có giấy tờ về sử dụng đất theo quy định; hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất có vi phạm pháp luật về đất đai.
|
Đặc biệt, vấn đề bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất được các đại biểu tập trung thảo luận và có nhiều ý kiến đóng góp quan trọng. Theo đó, các quy định của Nghị định cần phù hợp với thực tiễn; tránh xáo trộn, gây so bì, khiếu kiện khi triển khai thực hiện. Việc hỗ trợ đối với đất nông nghiệp xen kẽ trong khu dân cư; hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm đối với trường hợp thu hồi đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp; quy định về suất tái định cư tối thiểu...;việc ban hành và điều chỉnh khung giá đất, bảng giá đất theo yêu cầu của Luật Đất đai; việc xác định giá đất cụ thể, đặc biệt là xác định giá đất để bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất; việc xử lý giá đất tại khu vực giáp ranh; các thông tin đầu vào cho việc định giá...
Đánh giá cao những đóng góp ý kiến của các đại biểu, Bộ TN&MT sẽ tổng hợp, lựa chọn để chỉnh sửa các bản dự thảo Nghị định; đồng thời tiếp tục tổ chức nhiều hội nghị lấy ý kiến nữa nhằm hoàn thiện các dự thảo Nghị định để trình Chính phủ ban hành kịp thời khi Luật Đất đai 2013 có hiệu lực.
Theo Bộ Tài nguyên & Môi trường
Ý kiến bạn đọc