Khu đất bị bỏ hoang gần 8 năm qua |
Ở phường 4, thị xã Tây Ninh có một khu đất vuông vắn, rộng đến hơn 7.600m2 nằm cặp đường Nguyễn Trãi bị bỏ hoang đã nhiều năm. Điều đó khiến cho người dân lấy làm bức xúc vì vừa gây lãng phí tiềm năng đất đai, vừa làm xấu cảnh quan của một khu đô thị đang trên đà vươn lên thành thành phố. Gần đây, qua đề xuất của UBND Thị xã, UBND tỉnh Tây Ninh đã đồng ý cho chuyển dự án xây dựng Trường tiểu học Tôn Thất Tùng về đây để thực hiện- thay thế cho dự án Trường đại học Khai Minh đã bị thu hồi.
GẦN 8 NĂM... ĐỂ ĐÓ
Khu đất bỏ hoang ấy trước năm 2001 thuộc địa bàn huyện Hoà Thành. Khoảng 15 năm trước, huyện Hoà Thành cho xây dựng Trường THPT Dân lập Tây Ninh tại đây. Sau đó, do trường dân lập không phát triển được nên đã có chủ trương thay đổi chủ trường để tăng cường nguồn vốn và nhân lực phát triển. Từ đó, Công ty TNHH Thương mại - Dịch vụ Tân Bách Khoa thay thế quản lý, đầu tư và phát triển ngôi trường này. Lúc này, phần diện tích ngôi trường toạ lạc đã được sáp nhập về thị xã Tây Ninh và thuộc địa bàn phường 4.
Năm 2005, Thủ tướng Chính phủ đồng ý chủ trương thành lập Trường đại học tư thục (ĐHTT) Á Châu tại Tây Ninh, do Công ty TNHH Thương mại - Dịch vụ Tân Bách Khoa mà đại diện là tiến sĩ Trần Công Toại làm chủ đầu tư. Theo dự án, Trường ĐHTT Á Châu có quy mô khá lớn: gồm 11 khoa, dự kiến tuyển khoảng 1.500 sinh viên mỗi năm với tổng vốn đầu tư xây dựng khoảng 300 tỷ đồng, thực hiện trong vòng 10 năm. Dự án trường đại học đầu tiên của tỉnh khiến cho nhiều người dân Tây Ninh phấn khởi vì sẽ góp phần giảm bớt khó khăn cho nhiều hộ gia đình nghèo có con em muốn tiếp tục học lên sau khi tốt nghiệp phổ thông. Theo tính toán của chủ đầu tư, tại khu đất thuộc phường 4- Thị xã nói trên sẽ xây dựng trước toà nhà 1 trệt 3 lầu để tuyển sinh trước, trong thời gian chờ khu chính ở xã Bàu Năng, huyện Dương Minh Châu xây dựng. Thế là toàn bộ những dãy nhà cấp 4 của Trường THPT Dân lập cũ bị phá bỏ để đào đất, xây móng cho những dãy nhà lầu quy mô lớn. Thế nhưng do không thể xoay xở nguồn vốn đầu tư, sau khi hoàn thành được phần móng thì Công ty Tân Bách Khoa… “thối tiền”, thế là công trình khu đất này đành bỏ hoang.
Đầu năm 2007, một lần nữa khu đất ở phường 4 được chọn là một trong hai cơ sở xây dựng trường đại học. Thấy dự án Trường ĐHTT Á Châu không triển khai được, tiến sĩ Huỳnh Văn Duyên- Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ đề nghị được tiếp tục xây dựng Trường ĐHTT Đông Dương- sau đổi thành Trường ĐHTT Khai Minh. Theo dự án, trường đại học này có hai cơ sở- một ở phường 4, Thị xã và một ở xã Bàu Năng, huyện Dương Minh Châu giống như trường đại học trước. Giai đoạn đầu trường có 8 khoa, không chỉ thu nhận sinh viên ở Tây Ninh và cả nước mà còn chào đón người học đến từ các nước lân cận. Năm 2008, dự án này được UBND tỉnh đồng ý về nguyên tắc và được Chính phủ đồng ý chủ trương cho phép thành lập. Năm học 2009-2010, dự kiến Trường ĐHTT Khai Minh bắt đầu tuyển sinh. Thêm một lần nữa các bậc phụ huynh học sinh ở Tây Ninh lại chờ đợi, hy vọng.
Thế nhưng sau lễ khởi công được tổ chức khá rầm rộ vào tháng 6.2010, khu đất phường 4- Thị xã vẫn... y như cũ- nghĩa là vẫn tình trạng bỏ hoang. Một thời gian sau, để “hâm nóng” khu đất, chủ đầu tư dự án Trường đại học Khai Minh lại tổ chức lễ động thổ. Tuy nhiên sau đó, ngoài những đống vật liệu xây dựng “đổ cho có” thì khu đất vẫn tiếp tục bị bỏ hoang. Nhận thấy chủ đầu tư không đủ năng lực về tài chính, tháng 6.2012, UBND tỉnh quyết định thu hồi chủ trương đầu tư xây dựng Trường ĐHTT Khai Minh.
Như vậy, sau gần 8 năm từ khi tiến hành xây phần móng, khu đất trên đường Nguyễn Trãi vẫn liên tục… để đó.
XÂY TRƯỜNG TIỂU HỌC BÁN TRÚ- DỰ ÁN HỢP LÒNG DÂN
Gần đây, thể theo nguyện vọng của người dân, thị xã Tây Ninh đã kiến nghị tỉnh giao lại khu đất dành cho dự án xây dựng trường đại học- chưa ra đời đã “chết non” nói trên để thực hiện dự án xây dựng Trường tiểu học Tôn Thất Tùng. Việc xây dựng trường tiểu học tại đây có nhiều cái lợi. Thứ nhất là không phải thay đổi mục đích sử dụng đất (vì vẫn là đất dành cho giáo dục). Thứ hai là không để tình trạng lãng phí đất kéo dài, gây bức xúc cho người dân. Hơn nữa, trên địa bàn phường 4 hiện nay chỉ có 2 trường tiểu học không bán trú với quy mô nhỏ, không đủ phục vụ nhu cầu học tập của nhân dân địa phương. Do đó, việc xây dựng Trường tiểu học Tôn Thất Tùng theo mô hình bán trú và đạt chuẩn quốc gia là rất cần thiết, phù hợp nhu cầu của người dân.
Thực ra, dự án Trường tiểu học Tôn Thất Tùng đã có từ trước khi dự án trường đại học tư thục bị thu hồi. Trước đây, Thị xã đã lập dự án xây dựng trường tiểu học này và theo chủ trương ban đầu thì địa diểm xây dựng là tại khu phố 4, phía sau UBND phường 4. Thế nhưng, do hiện trạng khu đất dự kiến xây dựng trường có nhà dân, đòi hỏi chi phí bồi thường, giải toả quá lớn, đồng thời khu đất thực hiện dự án trường đại học đã bị thu hồi, nên Sở Kế hoạch và Đầu tư tham mưu UBND tỉnh chọn phương án chuyển địa điểm xây dựng Trường tiểu học Tôn Thất Tùng sang khu đất thu hồi. Đề xuất thay thế này được đa số các sở, ngành và nhân dân phường 4 đồng tình ủng hộ. Tuy nhiên, do vị trí xây dựng trường tiểu học mới đã có phần móng trước đây nên tỉnh yêu cầu đơn vị tư vấn lập dự án phải có biện pháp tận dụng lại. Theo đó, Trường tiểu học Tôn Thất Tùng phải có quy mô tương xứng.
Theo dự án hiện nay, Trường tiểu học Tôn Thất Tùng là công trình giáo dục thuộc nhóm B, cấp II, xây dựng trên khu đất rộng hơn 7.600m2 với quy mô thiết kế gồm 1 trệt 2 lầu, trong đó có khối phục vụ học tập, phòng luyện tập đa năng, nhà ăn, nhà bếp... theo mô hình chuẩn quốc gia. Tổng vốn đầu tư khái toán ban đầu là gần 56,5 tỷ đồng (riêng chi phí xây dựng gần 27 tỷ đồng, chi phí bồi thường phần móng cho chủ đầu tư dự án cũ khoảng 2,5 tỷ đồng, chi phí tư vấn, thiết kế gần 5 tỷ đồng, còn lại là chi phí dự phòng và quản lý).
Ông Nguyễn Nam Hưng- Phó Chủ tịch UBND Thị xã cho biết: hiện nay dự án xây dựng Trường tiểu học Tôn Thất Tùng đã được ghi vốn chuẩn bị đầu tư. Từ nay đến cuối năm, Thị xã sẽ triển khai công việc lập thiết kế, dự toán công trình trình lên cấp thẩm quyền thẩm định, phê duyệt. Nếu không có gì vướng mắc, vào khoảng quý 1 năm 2014 dự án sẽ được đưa ra đấu thầu thi công và giữa năm 2014 có thể triển khai thi công. Theo dự án, thời gian thi công công trình là 18 tháng. Như vậy, đến cuối năm 2015 Trường tiểu học Tôn Thất Tùng sẽ được xây dựng hoàn chỉnh, để khi đưa vào hoạt động sẽ giúp kéo giảm áp lực cho các trường bán trú trên địa bàn Thị xã nói chung và phường 4 nói riêng.
Theo baotayninh.vn
Ý kiến bạn đọc