Năm 2014: Đẩy mạnh thực thi pháp luật, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra trong toàn ngành tài nguyên môi trường

Thứ năm - 09/01/2014 14:45 750 0

Năm 2014: Đẩy mạnh thực thi pháp luật, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra trong toàn ngành tài nguyên môi trường

Sáng 7/1/2014, Bộ TN&MT đã tổ chức hội nghị tổng kết công tác năm 2013 và triển khai kế hoạch năm 2014. Tới dự và phát biểu ý kiến chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đánh giá, năm 2013, ngành tài nguyên và môi trường đã bám sát các chỉ tiêu, nhiệm vụ về phát triển kinh tế - xã hội, triển khai toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm và hoàn thành tốt các nhiệm vụ trên các lĩnh vực được giao, đạt được nhiều kết quả quan trọng, đóng góp tích cực vào những thành tựu chung của đất nước.

 Năm 2013 - ghi nhận nhiều điểm sáng toàn ngành

Báo cáo kết quả tình hình thực hiện nhiệm vụ công tác năm 2013, Bộ trưởng Bộ TN&MT Nguyễn Minh Quang cho biết, ngành tài nguyên và môi trường đã hoàn thành tốt nhiệm vụ được Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ giao, góp phần quan trọng vào việc giữ ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm tăng trưởng kinh tế, an sinh xã hội, phục vụ mục tiêu phát triển bền vững của đất nước.

Cụ thể, trong năm qua, thể chế, chính sách, pháp luật về quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường tiếp tục được hoàn thiện. Đặc biệt, việc hoàn thành chỉnh lý Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) song song với quá trình sửa đổi các quy định về quản lý đất đai trong Hiến pháp 1992 và được Quốc hội khóa XIII thông qua tại kỳ họp thứ 6 vừa qua đã đánh một dấu mốc quan trọng của ngành trong lĩnh vực quản lý đất đai. Xác định nhiệm vụ cấp Giấy Chứng nhận quyền sử dụng đất theo Nghị quyết số 30/2012/QH13 của Quốc hội là công việc trọng tâm, Bộ đã chỉ đạo quyết liệt các địa phương thực hiện cấp Giấy Chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất. Kết quả đạt được là cả nước đã cấp được gần 41 triệu Giấy chứng nhận với tổng diện tích 22,7 triệu ha, đạt 94% diện tích các loại đất cần cấp Giấy Chứng nhận và đạt 96% tổng số trường hợp sử dụng đất đủ điều kiện cấp Giấy Chứng nhận.

Bên cạnh đó, lĩnh vực địa chất khoáng sản cũng có sự chuyển biến rõ nét. Công tác thanh tra, kiểm tra và giám sát quản lý cấp phép hoạt động khoáng sản được tăng cường. Tình trạng “chảy máu khoáng sản” từng bước được hạn chế. Trong lĩnh vực tài nguyên nước, ngành tài nguyên môi trường đã tập trung triển khai thực hiện Luật Tài nguyên nước, đẩy mạnh công tác lập quy hoạch tài nguyên nước cho các lưu vực sông, xây dựng quy trình vận hành liên hồ chứa, tích cực triển khai thực hiện Nghiên cứu tác động của các công trình thủy điện trên dòng chính sông Mê Kông do Việt Nam chủ trì với sự tham gia của Lào và Campuchia…

 

Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang báo cáo nhiệm vụ công tác năm 2013 và nhiệm vụ năm 2014

Năm 2013 cũng cho thấy nhiều cố gắng, nỗ lực của ngành khi triển khai toàn diện các hoạt động quản lý Nhà nước về môi trường. Bộ TN&MT đã xây dựng dự án Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi), đẩy mạnh công tác kiểm tra, thanh tra, xử lý nghiêm các vụ vi phạm pháp luật về môi trường. Hiện nay, trong 439 cơ sở gây ô nhiễm nghiêm trọng trên địa bàn cả nước, đã xử lý triệt để 378 cơ sở (chiếm 86%). Chất lượng thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường chiến lược (ĐMC), báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) cũng được nâng cao.

Trong lĩnh vực biển và hải đảo, ngành tài nguyên và môi trường cả nước đã tiếp tục kiện toàn bộ máy tổ chức, tập trung xây dựng Dự thảo Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo. Thủ tướng cũng đã phê duyệt Chiến lược khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên và bảo vệ môi trường biển đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; ban hành Quy chế quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường biển, hải đảo.

Năm qua, những biến động của thời tiết và ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đã tác động mạnh đến đời sống của nhân dân cả nước. Với nỗ lực và quyết tâm của các cán bộ ngành khí tượng thủy văn và biến đổi khí hậu, 15 cơn bão, các đợt áp thấp nhiệt đới, không khí lạnh, rét đậm, rét hại…đều được dự báo kịp thời, góp phần quan trọng trong việc phòng, chống giảm nhẹ thiên tai. Hợp tác quốc tế về biến đổi khí hậu luôn được chú trọng, khi năm 2013, tại Hội nghị các bên tham gia công ước khung của Liên Hợp quốc về Biến đổi khí hậu và Nghị định thư Kyoto lần thứ 19 tại Ba Lan (COP 19), Việt Nam đã khẳng định quyết tâm cùng cộng đồng quốc tế ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu.

Với những kết quả đạt được năm 2013, bước sang năm 2014 - một năm giữa nhiệm kỳ Đại hội Đảng lần thứ 11 có ý nghĩa quan trọng, tạo đà cho việc thực hiện thắng lợi các mục tiêu của Kế hoạch phát triển kinh tế  - xã hội 5 năm (2011-2015), Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang chỉ đạo, nhiệm vụ trọng tâm của năm 2014 là “Đẩy mạnh thực thi pháp luật, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra trong toàn ngành tài nguyên và môi trường”.

Theo đó, ngành cần tiếp tục xây dựng, hoàn thiện và tổ chức triển khai có hiệu quả các chính sách pháp luật về tài nguyên và môi trường; Tăng cường công tác thanh tra, xử lý vi phạm trong các lĩnh vực, nhất là bảo vệ môi trường; Kiện toàn tổ chức bộ máy và tăng cường năng lực quản lý Nhà nước từ Trung ương đến địa phương; Nâng cao năng lực, tăng cường kỷ luật, kỷ cương của cán bộ công chức trong thực hành công vụ, phòng chống tham nhũng, lãng phí; Đẩy mạnh hợp tác quốc tế, tranh thủ kinh nghiệm, nguồn tài trợ của các nước, các tổ chức quốc tế cho công tác tài nguyên và môi trường.

Tiếp tục nâng cao hiệu lực quản lý Nhà nước trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường

Đây là chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng sau khi ghi nhận những thành tích mà ngành tài nguyên và môi trường đạt được trong năm 2013. Theo Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, năm 2014, ngành cần tập trung hoàn thiện xây dựng thể chế, chính sách, làm cơ sở pháp lý quan trọng cho việc quản lý đạt hiệu quả cao, phù hợp với thực tiễn đời sống.

Trước hết, về quản lý đất đai, Bộ TN&MT và Bộ Tài chính cần xây dựng kịp thời 5 Nghị định để thi hành Luật Đất đai (sửa đổi), trình Chính phủ trước ngày 1/7/2014, tập trung ban hành các Thông tư, Thông tư liên Bộ để khi Luật có hiệu lực sẽ kịp thời tháo gỡ khó khăn, bất cập trong cơ chế quản lý đất đai hiện nay, đặc biệt là những vấn đề liên quan đến việc thu hồi đất, đền bù, giá đất.

Quản lý chặt chẽ và khai thác các nguồn tài nguyên như đất, nước, khoáng sản, biển-hải đảo cũng là việc cần chú trọng. Với đặc điểm sông ngòi Việt Nam có liên quan đến nhiều quốc gia trong vực, ngành tài nguyên và môi trường cần quản lý việc sử dụng hiệu quả, bền vững nguồn nước, đảm bảo an ninh nguồn nước, bảo vệ tính mạng và tài sản của người dân trong mùa lũ cũng như mùa kiệt. Mặt khác, tài nguyên khoáng sản có hạn, cần khai thác hiệu quả, có chiến lược, quy hoạch rõ ràng, bảo đảm lợi ích cho đời sau. Ngành cũng cần tăng cường công tác thăm dò, đánh giá đúng trữ lượng, tránh việc thất thoát tài nguyên quốc gia. Cấp phép đúng luật, bảo vệ môi trường trong quá trình khai thác là nhiệm vụ quan trọng. Thủ tướng cũng đề nghị, Bộ, ngành cần xem xét lại tình trạng khai thác cát gây sạt lở tại các địa phương đang trở thành tâm điểm của dư luận.

Bảo vệ môi trường là trách nhiệm lớn của ngành tài nguyên và môi trường. Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, các đơn vị cần kiểm soát chặt chẽ các cơ sở gây ô nhiễm môi trường, nghiên cứu các mô hình xử lý rác hiệu quả. Tăng cường hiệu quả của công tác dự báo thời tiết, tích cực triển khai các chương trình ứng phó với biến đổi khí hậu. “Thực hiện đúng chủ trương của Nghị quyết 24 về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường là yếu tố quyết định tới tự phát triển bền vững của đất nước”, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định.

Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ TN&MT Nguyễn Minh Quang đã tặng Cờ thi đua xuất sắc cho 16 tập thể, tặng Bằng khen cho 20 tập thể có thành tích xuất sắc trong cấp Giấy Chứng nhận quyền sử dụng đất, tặng 22 Bằng khen cho các tập thể và cá nhân thực hiện tốt nội dung Nghị quyết Nghị quyết 19-NQ/TW về tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai trong thời kỳ đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới và Nghị quyết 24-NQ/TW về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường.

 

Theo Bộ Tài nguyên & Môi trường

  Ý kiến bạn đọc

  Góp ý

Mã bảo mật   
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây