Tây Ninh không giữ được đất lúa theo quy hoạch

Thứ năm - 23/10/2014 15:05 1.417 0

Tây Ninh không giữ được đất lúa theo quy hoạch

Theo kế hoạch sử dụng đất đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đến năm 2020 tỉnh Tây Ninh phải bảo đảm được 81.000 ha đất trồng lúa, nhưng qua rà soát, kiểm kê thực tế gần đây, diện tích cây lúa chỉ còn 66.071 ha, do người dân chuyển đất trồng lúa sang mục đích sử dụng khác. Đều đó cho thấy tỉnh Tây Ninh khó bảo đảm được diện tích trồng lúa theo quy hoạch.

 

Một cơ ngơi bề thế xây dựng trên đất trồng lúa chưa được phép chuyển mục đích. 

 

Báo cáo kết quả điều tra tình hình sử dụng đất lúa trên địa bàn tỉnh gần đây, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) cho biết, diện tích đất trồng lúa của tỉnh hiện nay chỉ còn 66.071 ha, trong đó đất chuyên trồng lúa nước là hơn 47.322 ha, đất trồng lúa nước khác (đất lúa có luân canh cây hoa màu) là hơn 18.748 ha. Như vậy sau gần 4 năm (kể từ năm kiểm kê 2010) diện tích đất trồng lúa của tỉnh hiện đang sử dụng vào mục đích khác là trên 15.000 ha.

Số diện tích đất lúa thực giảm được người dân tự ý chuyển sang trồng cây lâu năm, chủ yếu là cây cao su và cây ăn quả là 6.715 ha, cây hằng năm (mía, mì…) là 8.261 ha, chuyển sang đất ở là 240 ha. Hầu hết diện tích đất lúa được chuyển mục đích sử dụng (trái phép) đều thực hiện trước thời điểm Nghị định số 42/2012/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý, sử dụng đất trồng lúa nhưng không phù hợp với quy hoạch sử dụng đất được phê duyệt.

Lý giải về tình trạng diện tích trồng lúa của tỉnh bị “sụt giảm” nghiêm trọng trong những năm qua, một cán bộ Sở TN&MT cho rằng, do một số vùng đất trong tỉnh tuy là đất lúa (ghi trên giấy tờ), nhưng có thể trồng phù hợp với các loại cây trồng khác như cao su, mía, mì và hoa màu khác, giá trị lợi nhuận lại cao hơn gấp nhiều lần so với cây lúa, nên người dân mạnh dạn chuyển đổi cây trồng để sử dụng quỹ đất có hiệu quả hơn.

Đặc biệt, những năm trước đây do giá mủ cao su đạt mức từ 60.000 đồng – 90.000 đồng đồng/kg (quy khô), cây cao su đem lại mức lợi nhuận “khủng” nên người dân đổ xô nhau tận dụng đất lúa triền gò để trồng cây cao su. Theo thống kê, trong số diện tích 6.715 ha cây lâu năm trồng trên đất lúa, có đến trên 5.000 ha là cây cao su. Mặt khác, quá trình đô thị hoá, phát triển cơ sở hạ tầng, nhựa hoá đường giao thông về vùng sâu, vùng xa, biên giới… là điều kiện thuận lợi để người dân “tiến ra mặt tiền” xây nhà, dựng lều quán ngay trên đất ruộng lúa để làm ăn, buôn bán, biến ruộng lúa trở thành đất thổ cư (bất hợp pháp).

Từ thực tiễn kể trên, Sở TN&MT đề xuất UBND tỉnh xin ý kiến Bộ TN&MT thực hiện các giải pháp phù hợp, nhằm ổn định trong quản lý và nâng cao hiệu quả sử dụng đất trong thời gian tới. Cụ thể là: Đối với diện tích đất trồng lúa đã chuyển sang đất trồng cây lâu năm, khó phá bỏ để khôi phục lại đất lúa (thời điểm trước khi Nghị định 42/2012/NĐ-CP có hiệu lực), đề nghị giữ nguyên diện tích đất này, yêu cầu người sử dụng đất thực hiện thủ tục chuyển mục đích đúng quy định; số diện tích đất trồng lúa đã chuyển sang đất ở, đất phi nông nghiệp đã được tôn tạo, san lấp xây dựng ổn định nhiều năm, về điều kiện tự nhiên thì khó có khả năng phục hồi lại đất trồng lúa, đề nghị tỉnh chấp thuận chủ trương cho giữ nguyên hiện trạng, buộc người sử dụng làm thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất, đồng thời phải nộp tiền sử dụng đất theo đúng quy định; còn phần diện tích đất lúa (8.629 ha - bao gồm 368 ha đất trồng cây hằng năm chuyển sang đất trồng lúa) đã chuyển sang trồng cây hằng năm (mía, mì, hoa màu…), có thể trồng lại được cây lúa, thì người dân vẫn được tiếp tục trồng các loại cây trồng phù hợp, nhưng không được thay đổi hiện trạng đất và chuyển mục đích sử dụng. Như vậy, theo nội dung đề xuất này thì diện tích đất lúa còn lại được xác định là 74.700 ha (66.071 ha đất chuyên lúa và 8.629 ha trồng cây hằng năm). Được biết, tỉnh sẽ trình Bộ Tài nguyên và Môi trường, Chính phủ phê duyệt điều chỉnh vào cuối năm 2015 cho phù hợp với thực tế.

Theo UBND tỉnh, đối với những trường hợp sử dụng đất lúa sai mục đích sau khi Nghị định 42/2012/NĐ-CP có hiệu lực (1.7.2012), tỉnh sẽ kiên quyết tăng cường quản lý, kiểm tra và xử lý nghiêm nhằm lập lại trật tự, kỷ cương trong quản lý và sử dụng đất trồng lúa theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Theo baotayninh.vn

 

  Ý kiến bạn đọc

  Góp ý

Mã bảo mật   
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây