Ở một góc độ rộng hơn, mức độ tiếp cận thông tin về đất đai lại là thước đo mức độ minh bạch trong quản lý đất đai. Chính phủ đã ban hành một số quy định về chính sách công bố thông tin và đơn giản hóa thủ tục hành chính nhằm tăng cường tiếp cận thông tin cho công chúng, giảm quan liêu và ngăn ngừa tham nhũng trong quản lý hành chính về đất đai. Để đánh giá cho vấn đề này, Ngân hàng Thế giới (World Bank) đã tiến hành thực hiện dự án: “Minh bạch Việt Nam”.
Dự án Minh bạch Việt Nam được thực hiện dựa trên một số nguyên tắc cơ bản. Thứ nhất, minh bạch quyết định tiến bộ kinh tế - xã hội. Thứ hai, minh bạch trao quyền cho người dân, doanh nghiệp, xã hội dân sự, báo chí truyền thông, Quốc hội, và chính quyền địa phương, qua đó giúp họ có vai trò tích cực hơn trong quản trị nhà nước. Thông qua việc đo lường và theo dõi mức độ minh bạch theo thời gian, Dự án Minh bạch Việt Nam sử dụng cách tiếp cận mang tính xây dựng đối với vấn đề minh bạch, đó là đưa ra những khuyến nghị thiết thực dựa trên bằng chứng nhằm cải thiện tính minh bạch, đồng thời tăng cường vận động chính sách để hoàn thiện luật pháp về bảo đảm tiếp cận thông tin.
Từ năm 2010, Ngân hàng Thế giới đã độc lập thực hiện một số nghiên cứu liên quan đến lĩnh vực quản lý đất đai, trong đó có một nghiên cứu đo lường mức độ minh bạch thực tế thông tin về quản lý đất đai.
Theo World Bank, các quy định hiện hành của pháp luật Việt Nam quy định một số loại thông tin về đất đai bắt buộc phải được công bố công khai trên các trang thông tin điện tử của tỉnh và tại trụ sở chính quyền địa phương các cấp, từ tỉnh đến xã (gọi là công khai thông tin đất đai tại chỗ). Căn cứ vào các yêu cầu công khai này, World Bank đã tiến hành khảo sát việc công khai thông tin đất đai năm 2013 trên cổng thông tin đất đai của 63 tỉnh/thành phố và công khai thông tin đất đai tại chỗ tại 63 tỉnh, 126 huyện và 321 xã được chọn mẫu của tất cả các tỉnh/thành phố trong cả nước.
Các thông tin mà World Bank khảo sát trên mạng điện tử của tỉnh gồm sáu loại: (i)Thủ tục hành chính liên quan đến đất đai; (ii)Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; (iii)Quy hoạch đô thị; (iv)Quyết định thu hồi đất, kế hoạch bồi thường, hỗ trợ và tái định cư; (v)Thông tin về giao đất, cho thuê đất; (vi)Thông tin về mức phí, lệ phí, thuế liên quan đến đất đai.
Các thông tin khảo sát tại chỗ ở cấp tỉnh gồm năm loại: (i)Trình tự, thủ tục, thẩm quyền về việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; (ii)Thông tin về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; (iii)Thông tin về quy hoạch đô thị; (iv)Thông tin về các quyết định thu hồi đất và phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư; (v)Thông tin về giao đất, cho thuê đất.
Tại Hội thảo tham vấn “Kết quả khảo sát công khai thông tin đất đai năm 2013” do World Bank phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức tại Đà Nẵng từ ngày 13 đến ngày 15/8/2014, kết quả đánh giá xếp hạng thứ bậc của World Bank cho thấy:
1. Kết quả công khai thông tin trên mạng điện tử
Trên cơ sở quy định về công bố thông tin liên quan đến đất đai và thực tế công bố thông tin trên trang mạng của các tỉnh, chỉ số công khai thông tin đất đai trên mạng đã được xây dựng cho từng tỉnh với thang điểm từ 0 (không công bố thông tin nào) đến 100 (công bố đầy đủ các loại thông tin theo đúng quy định). Kết quả tính toán chỉ số này cho từng tỉnh được trình bày trong Hình 1
Hình 1
Theo chỉ số này, Tây Ninh có điểm số 36/100. Khi so sánh với tất cả các tỉnh, thành phố, Tây Ninh đứng thứ 22/63.
Tình hình công khai thông tin trên mạng điện tử: Trong số 23 loại thông tin đã được kiểm tra, có 10 loại thông tin bắt buộc phải công khai trực tuyến (BBO), 4 loại thông tin bắt buộc công khai nhưng không nhất thiết là công khai trực tuyến (BB) và 9 loại thông tin không bắt buộc công khai (KBB) như được trình bày trong Bảng 1
Bảng 1
Trong số 23 nhóm thông tin được kiểm tra, tỉnh Tây Ninh đã công bố công khai 11 loại thông tin. Trên tổng số 10 thông tin bắt buộc công khai trực tuyến, tỉnh công bố 6 loại thông tin. Trong số các thông tin được công bố trên trang thông tin điện tử, có ba loại thông tin đạt điểm tối đa về mức độ đầy đủ, đó là: (i) thông tin về câu hỏi và kiến nghị của cá nhân và tổ chức về quy định hành chính trong quản lý đất đai, (ii) kết quả trả lời câu hỏi và kiến nghị về thủ tục hành chính trong quản lý đất đai và (iii) bảng giá đất.
Như có thể thấy trên Bảng 1, có một số thông tin bắt buộc phải công khai trực tuyến nhưng đã không thể tìm thấy các thông tin này. Các chức năng tìm kiếm đều cho biết không có kết quả nào được tìm thấy. Trong thời gian tới tỉnh Tây Ninh cần bổ sung các thông tin này để cải thiện mức độ công khai các thông tin liên quan đến đất đai.
2. Kết quả công khai thông tin tại chỗ
Trên cơ sở quy định về công bố thông tin về đất đai và thực tế công khai thông tin ở cấp tỉnh, chỉ số đo lường mức độ công khai thông tin tại chỗ tại cấp tỉnh đã được xây dựng với thang điểm từ 0 (không công bố thông tin nào) đến 100 (công bố đầy đủ các loại thông tin theo đúng quy định). Kết quả tính toán chỉ số này cho từng tỉnh được trình bày trong Hình 2
Hình 2
Theo chỉ số này, Tây Ninh là một trong những tỉnh có điểm ở mức khá với số điểm 72/100. Thông tin liên quan đến đất đai được kiểm tra tại cấp tỉnh gồm 17 thông tin nằm trong 5 nhóm, được trình bày ở Bảng 2.
(Bảng 2: Tình hình công khai thông tin ở cấp tỉnh ): (i) thông tin về thủ tục hành chính cho việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, (ii) thông tin về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, (iii) thông tin về quy hoạch đô thị, (iv) thông tin về thu hồi đất, phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư và (v) thông tin về thuê đất, giao đất. Trong 17 thông tin này, 11 thông tin bắt buộc công bố công khai theo quy định (BB). Bảng 2 cho biết chi tiết về những thông tin nào được công khai và thông tin nào không được công khai. Kết quả khảo sát năm 2013 cho thấy Tây Ninh đã công bố công khai 11 trong tổng số 17 thông tin. Trong số 11 thông tin tỉnh Tây Ninh công bố công khai, 8 thông tin nằm trong nhóm thông tin bắt buộc công bố công khai.
Bảng 2
Điểm tích cực trong công khai thông tin liên quan đến đất đai ở tỉnh Tây Ninh là thông tin về thủ tục hành chính cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được niêm yết công khai và đầy đủ tại phòng Một cửa của Sở Tài nguyên và Môi trường (Hình 3) và Hồ sơ quy hoạch sử dụng đất (Hình 4).
Hình 3
Hình 4
Kết quả đánh giá và xếp thứ bậc của World Bank đã phản ánh khách quan sự nỗ lực cố gắng của các cấp, các ngành và chính quyền tỉnh Tây Ninh trong việc tổ chức công khai minh bạch các thông tin về đất đai, để mọi tổ chức, người dân, doanh nghiệp có thể tiếp cận một cách nhanh nhất, chính thống nhất đối với các thông tin về đất đai của tỉnh. Từ đó tổ chức, người dân, doanh nghiệp có thể quyết định đề đầu tư vào đất đai sao cho mang lại hiệu quả cao nhất.
Tuy nhiên, World Bank cũng đánh giá còn một số thông tin bắt buộc phải công khai trực tuyến (BBO) nhưng nhóm nghiên cứu đã không thể tìm thấy các các thông tin này trên trang thông tin điện tử của tỉnh, đó là: (i)Thông tin về địa chỉ, điện thoại, địa chỉ email nhận câu hỏi và kiến nghị của cá nhân và tổ chức về quy định thủ tục hành chính trong quản lý đất đai; (ii)Bản đồ hiện trạng sử dụng đất; (iii)Bản đồ quy hoạch sử dụng đất chi tiết; (iv)Đồ án quy hoạch phân khu.
Sắp tới, UBND tỉnh Tây Ninh cần tiếp tục chỉ đạo Sở Thông tin Truyền thông, Sở Tài nguyên và Môi trường và các cơ quan hữu quan của tỉnh rà soát, tăng cường hơn việc công khai minh bạch các thông tin đất đai của tỉnh theo đúng quy định pháp luật; bổ sung trên trang thông tin điện tử của tỉnh đối với những thông tin còn chưa được cập nhật công khai trực tuyến theo phát hiện của World Bank. Mục tiêu của tỉnh là tập trung chỉ đạo, phát huy những kết quả đã đạt được, khắc phục những tồn tại hạn chế để hướng đến một nền hành chính chuyên nghiệp trong quản lý, sử dụng đất đai, nhằm phục vụ một cách hiệu quả nhất đối với nhu cầu tra cứu thông tin đất đai của tổ chức, doanh nghiệp, người dân khi có nhu cầu./.
Bài báo có tham khảo thông tin của dự án “Minh bạch Việt Nam” của Ngân hàng thế giới.
Đình Xuân - Quang Định - Huy Chương
Ý kiến bạn đọc