Bộ trưởng TNMT: Không thể thu hồi đất dễ dãi như trước

Thứ hai - 07/07/2014 21:10 727 0

Bộ trưởng TNMT: Không thể thu hồi đất dễ dãi như trước

“Vấn đề thu hồi đất không thể làm dễ dãi như thời gian trước, đây là một bài học chúng ta phải khắc phục”.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Minh Quang giải đáp băn khoăn của người dân về những điểm mới của Luật Đất đai 2013, có hiệu lực từ ngày 1/7/2014, về hoạt động thuê đất, giao đất, đền bù giải phóng mặt bằng trong Chương trình “Dân hỏi-Bộ trưởng trả lời”, tối ngày 6/7.

Một trong những vấn đề được người dân hết sức quan tâm là thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư. Bộ trưởng có thể nêu rõ những thay đổi trong quy định về thu hồi đất, cũng như đền bù giải phóng mặt bằng?

Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang: Thứ nhất, Luật quy định về những trường hợp Nhà nước thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh (quy định tại Điều 61 của Luật) hoặc thu hồi đất vì mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội, vì lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng (tại Điều 62). Các quy định theo hướng kiểm soát chặt chẽ hơn, thu hẹp hơn đối tượng thu hồi, khắc phục tình trạng thu hồi đất tràn lan trong thời gian vừa qua.

Thứ hai là quy định cụ thể về điều kiện bồi thường, tách bạch giữa khoản bồi thường và hỗ trợ. Trước đây có sự lẫn lộn giữa bồi thường và hỗ trợ, nay tách bạch rõ ràng.

Thứ ba là áp dụng giá đất cụ thể do UBND cấp tỉnh thực hiện theo quy định bồi thường, tất nhiên giá đất này được tính toán với sự tham gia của tư vấn về giá đất sẽ đảm bảo tính khách quan hơn.

Thứ tư, Luật quy định việc tái định cư phải phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn phù hợp với điều kiện, phong tục, tập quán của từng vùng miền.

Quyết định thu hồi đất và quyết định phê duyệt phương án bồi thường, tái định cư phải trong cùng một ngày là một quy định rất mới.

Trong số những điểm khác biệt mà Bộ trưởng đã nêu có vấn đề thu hẹp diện tích đất bị thu hồi, vì vậy nhiều nhà đầu tư lo lắng về cơ hội tiếp cận đất đai. Một số doanh nghiệp trong lĩnh vực dệt may băn khoăn: “Nguồn nhân lực của ngành dệt may ở các thành phố lớn hiện đang rất khan hiếm, nhiều doanh nghiệp phải tính đến việc đưa nhà máy về các vùng nông thôn nơi có sẵn nguồn nhân lực. Tuy nhiên, việc đền bù giải phóng mặt bằng lại gặp khó khăn hơn nhiều do Luật Đất đai 2013 quy định chủ đầu tư phải tự thỏa thuận với người dân để chuyển quyền sử dụng đất". Xin Bộ trưởng cho biết ý kiến về vấn đề này?

Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang: Tôi rất chia sẻ với các doanh nghiệp và cả các địa phương vốn rất muốn thu hút đầu tư. Tuy nhiên, về mặt quản lý, vấn đề thu hồi đất không thể làm dễ dãi như thời gian trước, đây là một bài học chúng ta phải khắc phục.

Nhưng các nhà đầu tư hoàn toàn yên tâm vì Luật Đất đai 2013 cũng có những quy định tạo điều kiện cho nhà đầu tư có đất để thực hiện các dự án của mình. Trước hết, Luật quy định cơ chế Nhà nước tạo đất sạch, tức là nhà nước thu hồi, tạo quỹ đất sạch để các nhà đầu tư tham gia đấu giá với thủ tục đơn giản hơn rất nhiều.

Luật cũng quy định nhà đầu tư thực hiện thỏa thuận nhận chuyển nhượng góp vốn bằng quyền sử dụng đất, và thuê quyền sử dụng đất.

Hiện nay cả nước có 102.000 ha đất ở các khu công nghiệp nhưng chỉ mới được lấp đầy 60%, và trong quy hoạch đến năm 2020 còn khoảng 200.000 ha. Đây là điều kiện, cơ hội để các nhà đầu tư triển khai dự án trong các khu công nghiệp.

Nhiều câu hỏi của nhân dân ở các thành phố lớn phản ánh tình trạng nhiều khu đất vàng không được sử dụng đúng mục đích, chậm đưa vào sử dụng, để hoang hóa, vừa mất mỹ quan, vừa gây tâm lý bức xúc trong nhân dân. Vấn đề này sẽ được giải quyết như thế nào trong Luật Đất đai 2013?

Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang: Thời gian vừa qua, cả nước đã xử lý, thu hồi gần 20.000 ha. Tuy nhiên, kết quả vẫn còn rất khiêm tốn. Một số địa phương làm chưa kiên quyết do e ngại ảnh hưởng đến việc thu hút đầu tư. Ngoài ra, trong quá trình xử lý bị vướng mắc ở khâu tính toán giá trị phần đầu tư trên đất còn lại...

Để khắc phục tình trạng trên, Luật Đất đai 2013 đã có một chế tài mạnh, buộc các nhà đầu tư trong quá trình thuê đất phải xem xét cụ thể. Luật cho phép nhà đầu tư chậm tiến độ so với quy định là 24 tháng và chủ đầu tư phải nộp khoản tiền sử dụng đất tương ứng, tiền thuê đất trong thời hạn đó. Nếu hết 24 tháng, nhà đầu tư vẫn chưa đưa đất vào sử dụng, Nhà nước sẽ thu hồi đất, không bồi thường về đất cũng như không bồi thường giá trị đã đầu tư trên đất.

Luật cũng đưa ra các quy định ngăn ngừa phát sinh việc chậm đưa đất vào sử dụng như đã nêu ở trên. Thứ nhất là việc giao đất, cho thuê đất, thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng dất phải theo kế hoạch hằng năm vì phụ thuộc vào khả năng đầu tư và huy động nguồn lực của địa phương. Thứ hai là quy định điều kiện để các doanh nghiệp được giao và thuê đất thực hiện các dự án đầu tư như: Phải có năng lực tài chính; phải ký quỹ theo quy định pháp luật về đầu tư; không vi phạm quy định pháp luật trong thực hiện các dự án trước đây. Nếu đảm bảo ba điều kiện này nhà đầu tư được giao đất đầu tư. Có quy định như vậy các nhà đầu tư mới có trách nhiệm.

Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!

Theo 24h

  Ý kiến bạn đọc

  Góp ý

Mã bảo mật   
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây