Trạm trộn bê tông hoạt động trái phép trên đất trồng lúa.
Theo thông tin nắm được từ Phòng Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) huyện Gò Dầu, tháng 5.2013, bà Hồ Thị Yến (sinh năm 1945) và ông Lâm Trung Hiếu (sinh năm 1970) cho ông Nguyễn Hữu Bảo- Tổng Giám đốc Công ty CP Xây dựng thương mại dịch vụ Đại Lộc Phát thuê hai thửa đất 1.200m2 và 3.096m2 tại ấp Phước Đức A, xã Phước Đông. Công ty Đại Lộc Phát đã sử dụng số diện tích đất trên để xây dựng một số công trình, lắp đặt thiết bị, máy móc làm trạm trộn bê tông tươi. Ông Mai Văn Phuộng, Trưởng Phòng TN&MT cho biết, từ giữa năm 2013, cơ quan này đã phát hiện và lập biên bản vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai đối với hành vi sử dụng đất trái mục đích của Công ty Đại Lộc Phát. Ngày 9.7.2013, Phòng có văn bản báo cáo UBND huyện, để huyện kiến nghị lên tỉnh xử phạt theo thẩm quyền. Tiếp đó Phòng TN&MT đã có thêm 2 lần báo cáo lên UBND huyện xung quanh vụ vi phạm của Công ty Đại Lộc Phát. Tuy nhiên, vụ việc vẫn không được xử lý.
Tháng 2.2014, Phòng TN&MT có văn bản gửi ngành cấp trên, đề nghị hướng dẫn xác định chủ thể vi phạm pháp luật về đất đai đối với trường hợp của Công ty Đại Lộc Phát. Bởi dù đã xác định được hành vi vi phạm nhưng trong hợp đồng thuê đất của ông Bảo (Tổng Giám đốc Công ty) với bên cho thuê không nêu rõ mục đích sử dụng đất, nên Phòng chưa xác định được phải xử lý hành chính người cho thuê hay người sử dụng đất. “Đến nay, chúng tôi chưa nhận được phản hồi về trường hợp này. Cách đây không lâu, tôi đã trực tiếp đưa một vị lãnh đạo Sở TN&MT xuống hiện trường để nắm rõ hơn vấn đề nhưng vẫn chưa thấy có ý kiến gì”- ông Phuộng nói. Ông cũng khẳng định: “Việc sử dụng đất trồng lúa làm trạm trộn bê tông là hoàn toàn bất hợp pháp bởi theo quy định hiện hành, đất này không cho chuyển mục đích sử dụng”.
Trao đổi với phóng viên, ông Huỳnh Việt Sơn, Trưởng Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Gò Dầu cho biết, chưa nghe thông tin về trường hợp nói trên. Theo ông Sơn, nếu muốn xây dựng công trình, nhà xưởng, cơ sở sản xuất… tổ chức, cá nhân phải thực hiện nhiều thủ tục theo quy định, sau đó xin giấy phép xây dựng (trường hợp của Công ty Đại Lộc Phát do Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Gò Dầu cấp). Công ty xây dựng công trình mà không xin phép là hành vi vi phạm. Ông Sơn cũng cho biết thêm sẽ tổ chức kiểm tra, xử lý theo quy định. Trao đổi với phóng viên qua điện thoại, một cán bộ thanh tra thuộc Sở Xây dựng nói mình cũng chưa nắm được sự việc này nhưng sẽ sớm đi kiểm tra.
Trong khi đó, ông Ngô Thuỷ Chung, Chánh thanh tra Sở TN&MT khẳng định: chỉ mới nghe “báo miệng” về vụ việc trên chứ chưa nhận được văn bản nào từ huyện Gò Dầu. Theo ông: “Vấn đề này tôi đã trao đổi trực tiếp với lãnh đạo Phòng TN&MT Gò Dầu. Tôi đề nghị huyện phải xử lý sớm, xử lý nghiêm theo quy định”.
Dư luận cho rằng, thường một người dân có hành vi vi phạm trong lĩnh vực đất đai dù nhỏ cũng bị xử lý, ngăn chặn ngay; trong khi một doanh nghiệp sử dụng trái mục đích hàng ngàn mét vuông đất trồng lúa (trạm trộn bê tông nằm sờ sờ, ai cũng nhìn thấy) các cơ quan chức năng biết rõ nhưng vẫn cứ để vậy, vì sao?
Theo baotayninh.vn
Ý kiến bạn đọc