Xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai - góp phần hiện đại hóa công tác quản lý

Thứ năm - 10/04/2014 16:55 781 0

Xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai - góp phần hiện đại hóa công tác quản lý

Xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai là một trong những chủ trương và nhiệm vụ mang tính đột phá của Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) trong chiến lược hiện đại hóa công tác quản lý Nhà nước. Nắm bắt chủ trương này, Sở TN&MT Lạng Sơn đã tích cực triển khai các dự án xây dựng hồ sơ địa chính và cơ sở quản lý đất đai toàn tỉnh.

 

Cán bộ ngành TN&MT tham gia tập huấn về công tác chuyên môn

 

Với mục tiêu từng bước hoàn thành công tác xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai trong phạm vi toàn tỉnh, Sở TN&MT đã xây dựng chi tiết các dự án, phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương. Việc xây dựng hệ thống hồ sơ địa chính và cơ sở dữ liệu quản lý đất đai đang được triển khai thực hiện theo dự án - trên cơ sở kết quả dự án đo đạc, lập bản đồ địa chính gắn với cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trên địa bàn tỉnh. Hiện nay, toàn tỉnh đã và đang triển khai thực hiện ở 100 xã ở các huyện Bình Gia, Bắc Sơn, Văn Quan, Lộc Bình, Đình Lập, Tràng Định, Văn Lãng và Cao Lộc. Đồng thời, ứng dụng phần mềm ELIS trong xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai.

Trước hết, mục tiêu của dự án là xây dựng huyện Lộc Bình thành đơn vị mẫu của tỉnh có hệ thống cơ sở dữ liệu quản lý đất đai hiện đại và vận hành theo mô hình tập trung với các phần mềm chuyên dụng để cung cấp và trao đổi chính xác, kịp thời các thông tin đất đai phục vụ nhu cầu quản lý và sử dụng. Đồng thời, dự án cung cấp thiết bị, đào tạo và chuyển giao công nghệ cho cán bộ ngành tài nguyên từ tỉnh đến huyện và các xã liên quan nhằm đáp ứng nhu cầu quản lý, sử dụng cơ sở dữ liệu theo đúng quy định. Qua một thời gian thực hiện (từ năm 2011 đến nay), được sự quan tâm phối hợp của các địa phương và tinh thần đồng thuận cao của nhân dân, các nội dung của dự án được tiến hành theo kế hoạch đề ra. Theo đó, huyện Lộc Bình chọn Bằng Khánh làm xã điểm trong thực hiện xây dựng cơ sở dữ liệu, từ đó có tổng kết, đáng giá, rút kinh nghiệm và áp dụng cho 28 xã, thị trấn còn lại trên địa huyện. Hiện nay, một số nội dung chính đang được thực hiện như: điều tra thu thập các tài liệu ban đầu, rà soát các biến động đất đai; xác định và hoàn thiện bản mô tả mốc giới thửa đất; đo đạc thành lập bản đồ địa chính khu vực dân cư. Ngoài ra, còn đo đạc thành lập mới và chỉnh lý bản đồ địa chính ngoài khu vực dân cư gắn với công tác kê khai đăng ký cấp đổi, cấp mới, đăng ký biến động theo quy trình thực hiện lồng ghép các bước của Bộ TN&MT. Theo kế hoạch, hết năm 2014, Lộc Bình sẽ hoàn thành công tác này.

Theo ông Hoàng Văn Toàn, Trưởng Phòng Đo đạc và Bản đồ - Sở TN&MT, việc xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai, tiến tới việc số hóa quản lý dữ liệu đất ngay trong bản đồ sẽ phát huy được quyền làm chủ của nhân dân, phát huy được giá trị đất đai trong các giao dịch, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, việc tổ chức thực hiện các nội dung dự án tại Lộc Bình nói riêng và địa bàn toàn tỉnh nói chung cũng có những khó khăn nhất định. Trước tiên, đây là dự án có nhiều nội dung mới và phức tạp, phải thực hiện đồng bộ từ đo đạc, thành lập mới hoặc chỉnh lý hoàn thiện bản đồ, kê khai đăng ký lập hồ sơ cấp giấy chứng nhận gắn với rà soát, cập nhật toàn bộ các biến động đất đai... Từ đó, xây dựng mới hoặc hoàn thiện lại hồ sơ địa chính, xây dựng cơ sở dữ liệu theo các phần mềm chuẩn và công nghệ được Bộ TN&MT cho phép sử dụng. Vì vậy, khối lượng công tác chuyên môn phải thực hiện tại một địa bàn thường rất lớn, thời gian kéo dài. Mặt khác, dự án đòi hỏi kinh phí thực hiện lớn, tốn kém, trong khi nguồn kinh phí của trung ương và địa phương còn hạn hẹp; nhận thức của một số người dân ở các xã vùng cao, vùng sâu về việc đo đạc, cấp giấy chứng nhận chưa cao nên hợp tác còn lỏng lẻo... gây khó khăn cho xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai

 

Người dân huyện Lộc Bình ký nhận sổ đỏ

 

Nhằm triển khai xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai trong phạm vi toàn tỉnh đạt hiệu quả, ngành TN&MT tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền ý nghĩa, mục tiêu, kế hoạch thực hiện dự án đến toàn thể nhân dân để mọi người thực hiện tốt các nội dung liên quan đến quyền hạn và trách nhiệm người sử dụng đất. Trực tiếp chỉ đạo các phòng chuyên môn và phối hợp với UBND huyện chỉ đạo các xã, các ngành xây dựng kế hoạch cụ thể về thời gian, lực lượng để phối hợp với đơn vị thực hiện, nhất là trong các nội dung xét duyệt và thẩm định hồ sơ cấp giấy chứng nhận, xử lý vi phạm đất đai. Thêm nữa, kiến nghị cấp trên đầu tư, xét duyệt nguồn kinh phí kịp thời để tạo điều kiện thuận lợi cho dự án hoàn thành theo kế hoạch đề ra.

Theo monre.gov.vn

  Ý kiến bạn đọc

  Góp ý

Mã bảo mật   
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây