Bắc Kạn: Triển khai điều tra thoái hóa đất

Thứ năm - 10/04/2014 14:40 357 0
Việc điều tra thoái hóa đất có ý nghĩa rất quan trọng đối với quy hoạch sử dụng đất hiệu quả, phù hợp. Từ năm 2010, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định điều tra thoái hóa đất là một chỉ tiêu thống kê quốc gia. Năm 2014, lần đầu tiên Bắc Kạn sẽ triển khai thực hiện công việc này.

Một diện tích đất sau trồng cam quýt bị thoái hóa phải chuyển sang trồng những cây khác như mận, ổi tại xã Quang Thuận (Bạch Thông).

Quang Thuận (Bạch Thông) là vùng đất nổi tiếng về trồng cam quýt. Tuy nhiên, hiện tại việc trồng và chăm sóc loài cây này tại đây cũng đang gặp khó khăn. Theo những cụ cao niên tại xã thì trước đây cây phát triển tốt, nhanh, sai quả. Tuy nhiên, diện tích nào cũng chỉ trồng được khoảng 2 vụ là sau đó cây trồng mới dù bón phân đều chậm phát triển thậm chí là chết. Người dân muốn có diện tích trồng cam quýt năng suất cao đều phải phát quang trồng mới chứ hầu như không thể trồng trên những diện tích cũ. Theo ông Lưu Đình Thăng- Chủ tịch UBND xã, nếu có thể biết được chất đất ở đây có chất gì giúp cây quýt có chất lượng như vậy thì sẽ giúp định hướng quy hoạch phát triển hiệu quả hơn đồng thời khắc phục, cải tạo những diện tích đã bị thoái hóa sau trồng cam quýt. Hiện tại, phần đa lớp đất màu tại các vùng trồng cam quýt đều đã bị rửa trôi khá nhiều.

Toàn xã có khoảng 10ha đất sau trồng cam quýt bị thoái hóa không thể trồng được cam quýt mới phải chuyển sang trồng những cây khác như mận, ổi… Về lâu dài tình trạng thoái hóa này sẽ tạo áp lực lên mở mới diện tích trồng mới, lãng phí diện tích cũ nhưng xã vẫn đang lúng túng chưa tìm được giải pháp phù hợp do chưa có một phân tích nào về chất đất tại đây cũng như quy trình cải tạo đất phù hợp. Một số liệu điều tra về thoái hóa đất đang không chỉ là nhu cầu cấp thiết riêng của Quang Thuận mà còn của cả các địa phương khác trong tỉnh.

Hiện tại, diện tích đất tự nhiên của Bắc Kạn năm 2011 là 485.941 ha, trong đó đất nông nghiệp (bao gồm cả đất lâm nghiệp) là 413.044 ha chiếm 84,99%, đất phi nông nghiệp là 21.159 ha chiếm 4,3% và đất chưa sử dụng là 51.738 ha chiếm 10,71%. Nhìn chung đất đai trong tỉnh Bắc Kạn tương đối màu mỡ, nhiều nơi tầng đất dầy, có lượng bùn cao, thích hợp cho sản xuất nông, lâm nghiệp. Tuy nhiên ở một số nơi như Ngân Sơn, Bạch Thông do lớp thảm thực vật bị mất trong nhiều năm nên đất bị xói mòn, thoái hoá làm cho tầng đất mỏng, nghèo dinh dưỡng, khô cằn.

Bắc Kạn có tới 12 loại đất chính thuận lợi cho phát triển sản xuất kinh tế. Cụ thể như, đất phù sa sông khoảng 761ha; đất phù sa ngòi suối khoảng hơn 10.000ha; đất dốc tụ trồng lúa nước khoảng 2.249ha; đất Ferelit biến đổi khoảng 2.242ha; đất Feralit nâu vàng phát triển trên đá phù sa cổ khoảng 400ha; đất Feralit phát triển trên đá phiến thạch sét khoảng 82.152ha; đất Feralit vàng đỏ phát triển trên đá Granit khoảng 48.977ha; đất Feralit đỏ vàng phát triển trên đá biến chất khoảng 162.255ha; đất Feralit phát triển trên đá vôi khoảng 59.728ha; đất Feralit vàng nhạt phát triển trên đá sa thạch khoảng 14.632ha; đất nông nghiệp 413.044ha…

Trên địa bàn tỉnh cũng đã triển khai một số chương trình dự án về chống xói mòn đất, canh tác bền vững trên đất dốc… góp phần cải tạo đất. Tuy nhiên, việc nhân rộng còn hạn chế và phần nào đó chưa đi đến tận gốc rễ vấn đề khi chưa có số liệu cụ thể về tình trạng thoái hóa, mức độ thoái hóa…

Theo thông tin từ Sở Tài nguyên và Môi trường Bắc Kạn, đất năm 2014 sẽ là lần đầu tiên Bắc Kạn thực hiện công việc triển khai điều tra thoái hóa. Ý nghĩa của kết quả điều tra thoái hóa đất là rất lớn và cần thiết nhưng thời gian qua vì nhiều lý do nên chưa thể thực hiện được. Với nhiều phương pháp điều tra trong đó lấy mẫu phân tích là cơ bản thì kết quả sẽ giúp quy hoạch và thực hiện quy hoạch sử dụng đất đi đúng hướng. Đơn cử như, có thể biết chính xác vùng đất này đang thừa chất gì, thiếu chất gì, thoái hóa mức độ nào… để có thể điều chỉnh cơ cấu cây trồng cũng như quy trình canh tác phù hợp.

Như vậy, dự án hoàn thành không chỉ phục vụ xây dựng chỉ tiêu thống kê cấp tỉnh về đất thoái hóa mà còn góp phần giải quyết những khó khăn trên. Từ đó, làm cơ sở đề xuất các biện pháp quản lý, khai thác, sử dụng. Trước mắt, sẽ điều tra lần đầu đối với đất sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản, đất nông nghiệp khác, đất bằng chưa sử dụng và đất đồi núi chưa sử dụng trên toàn tỉnh. Tổng diện tích điều tra khoảng hơn 461.000ha và thời gian thực hiện từ năm 2014 đến năm 2015.

Bảo Châu Theo Monre.gov.vn

  Ý kiến bạn đọc

  Góp ý

Mã bảo mật   
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây