Huyện Mỏ Cày Nam, tỉnh Bến Tre: Bí thư Huyện ủy và Chủ tịch UBND huyện dung túng cho tiêu cực

Thứ ba - 25/03/2014 21:20 1.097 0

Huyện Mỏ Cày Nam, tỉnh Bến Tre: Bí thư Huyện ủy và Chủ tịch UBND huyện dung túng cho tiêu cực

Hàng loạt sai phạm từ quản lí ngân sách, đất đai và thực thi pháp luật đã xảy ra trong suốt thời gian dài. Nhiều cán bộ chủ chốt ở huyện bất chấp kỉ cương phép nước kí hàng loạt văn bản trái luật. Một số cán bộ huyện cố ý làm trái không bị xử lí dẫn tới nhiều hộ dân làm liều mà chính quyền bất lực. Chủ tịch UBND huyện thì bảo kê cho tiêu cực. Bí thư Huyện ủy phát ngôn tùy tiện trong cuộc họp tâm lí gây ức chế dồn nén. Liệu Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bến Tre có thấu hiểu nội dung đơn tố cáo của người dân?…

  Kì 1: Cấp dưới làm sai, lãnh đạo làm ngơ…

“Sau 5 năm tách ra huyện Mỏ Cày thành hai huyện Mỏ Cày Bắc và Mỏ Cày Nam, tiêu cực ở hai huyện diễn ra giống nhau!”, đó là lời khẳng định của nhiều cán bộ lão thành phản ảnh với cơ quan báo chí. Những số báo năm trước Báo Người cao tuổi phản ảnh nhiều tiêu cực tại huyện Mỏ Cày Bắc với loạt bài: “Bí thư Huyện ủy Mỏ Cày Bắc độc quyền gia trưởng, lộng hành và trù dập cán bộ” phản ảnh vợ chồng ông Nguyễn Vũ Thanh, Bí thư Huyện ủy lộng quyền, độc đoán gia trưởng, trù dập cán bộ; ông Lê Quang Trí, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện tham nhũng, cố ý làm trái nhưng vẫn được bao che, ém nhẹm. Còn ở huyện Mỏ Cày Nam tình hình tiêu cực ở số cán bộ chủ chốt cũng không kém.

Kí hợp đồng cho thuê đất sai luật, người thuê không nộp tiền

Người gây ra nhiều tiêu cực nhất ở huyện này là ông Nguyễn Văn Phong, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường. Là Huyện ủy viên, nhưng ông chỉ quản lí một số ít cán bộ trong phòng mà cán bộ của ông thì kẻ phạm pháp vào tù, người bị buộc thôi việc… vậy mà ông không kiểm điểm vai trò lãnh đạo. Trong chuyên môn, ông Phong luôn thể hiện rõ thói lộng quyền, bất chấp luật pháp để làm liều. Khu đất vườn của một hộ dân ở ngay thị trấn Mỏ Cày ông cũng kí ba tờ trình qua ba thời điểm khác nhau để rồi Chủ tịch UBND huyện kí ba quyết định cấp ba GCNQSDĐ (sổ đỏ) chồng lên nhau. Hậu quả là người thân của chủ đất phải đưa nhau ra tòa, kéo dài hàng chục năm chưa xong. Ông Phong cũng kí tờ trình đề nghị Chủ tịch UBND huyện cấp “sổ đỏ chui” cho nhiều hộ dân chiếm đất trái pháp luật. Sau hai năm cấp “sổ đỏ chui” xong, ông mới đề nghị Chủ tịch UBND huyện Mỏ Cày Nam tổ chức hàng trăm lực lượng đến cưỡng chế người dân để đo đất ghi vào họa đồ sổ đỏ. Với chức vụ Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện, ông Phong tự ý kí tên đóng dấu, hợp đồng lấy đất công thổ cho nhiều tổ chức và cá nhân thuê thu tiền hằng tháng. Ngày 27/11/2006, ông Phong kí hợp đồng cho Công ty TNHH Minh Trung thuê 739,5 m2 đất tại ấp Hội Yên, thị trấn Mỏ Cày với giá thuê 1 triệu đồng/tháng. Ngày 10/8/2009, ông Phong kí hợp đồng cho Doanh nghiệp tư nhân Nguyễn Phước thuê 4.025 m2 đất xây chợ tại ấp Tân Thành Hạ, xã Tân Trung. Thời hạn thuê là 25 năm với giá chỉ 32,2 triệu đồng/ năm, buộc 7 hộ dân phải giải tỏa trắng. Ngày 6/3/2008, ông Phong kí hợp đồng cho ông Trương Văn Nhân (anh ruột ông Trương Văn Nghĩa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre) thuê 2.851,2 m2 đất (có 130,5 m2 đất hành lang giao thông) tại ấp 1, thị trấn Mỏ Cày để lập quán giá 3 triệu đồng/tháng. Kinh doanh suốt thời gian dài, ông Nhân không trả tiền.

Sau khi ông Nhân nghỉ làm kinh doanh, ông Nguyễn Văn Phong lại kí tiếp hợp đồng cho bà Trương Kim Hạnh, Chủ doanh nghiệp tư nhân “Sài Gòn quán” (em ruột ông Trương Văn Nghĩa) thuê diện tích này với giá 3 triệu đồng/tháng. Sau khi kí hợp đồng thuê đất, bà Hạnh không kinh doanh mà cho người khác thuê lại 10 triệu đồng/ tháng. Suốt mấy năm nay bà Hạnh “nuốt” hết cả tiền thuê đất lẫn tiền thuế. Theo thông báo của Chi cục thuế huyện Mỏ Cày Nam đến ngày 12/8/2013, bà Hạnh còn nợ 129 triệu đồng. Trong khi người dân hoặc doanh nghiệp chỉ nợ thuế từ 10 triệu đồng trở lên đã có thể bị khởi tố hình sự. Dư luận cho rằng, nếu không có anh trai làm Phó Chủ tịch UBND tỉnh thì làm sao bà Hạnh “nuốt trôi” 129 triệu đồng tiền thuê đất? Việc kí hợp đồng cho thuê đất của ông Nguyễn Văn Phong, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Mỏ Cày Nam là cố ý làm trái Điều 37 Luật Đất đai 2003. Thẩm quyền kí cho các tổ chức thuê đất thuộc UBND tỉnh. Việc ông Phong kí tờ trình đề nghị Chủ tịch UBND huyện cấp sổ đỏ trái pháp luật hội đủ các yếu tố cấu thành “Tội cố ý làm trái” được quy định trong Bộ luật Hình sự.

Ai bao che những kẻ làm liều?

Ông Vũ Dương Thành và ông Lê Tấn Tài xây dựng công trình lấn chiếm hành lang đường thủy nội địa trên tuyến sông Mỏ Cày đã được các ngành chức năng trong huyện Mỏ Cày Nam lập biên bản đình chỉ thi công, nhưng hai người này vẫn, ngang nhiên lộng hành. Ngày 22/6/2009, Đội Thanh tra Giao thông Đường thủy nội địa số 6 yêu cầu UBND huyện Mỏ Cày Nam tổ chức cưỡng chế.

Ngày 4/6/2009, Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre kí Công văn số 2075/UBND-KTN chỉ đạo UBND huyện Mỏ Cày cưỡng chế tháo dỡ các công trình lấn chiếm đó. Ngày 24/1/2013, Đoạn Quản lí Đường sông số 11 có Công văn số 35/ĐT-NĐ-11KT yêu cầu UBND tỉnh Bến Tre, Ban An toàn Giao thông tỉnh giải quyết các công trình lấn chiếm hành lang dọc tuyến sông Mỏ Cày. Ngày 7/2/2013 Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre kí tiếp Công văn số 609/UBND-KTN yêu cầu UBND huyện Mỏ Cày Nam giải quyết công trình lấn chiếm hành lang đường thủy nội địa trên tuyến sông Mỏ Cày. Vì bị áp lực và không thể chây lì, ngày 11/4/2013 Chủ tịch UBND huyện Mỏ Cày Nam ra Thông báo số 21/TB-UBND về việc di dời công trình bờ kè vi phạm hành lang đường thủy nội địa, cho phép di dời trong 60 ngày. Đây là một thông báo chiếu lệ. Khi dư luận lên án gay gắt và các ngành chức năng đề nghị nhưng ông Lê Minh Tấn, Chủ tịch UBND huyện Mỏ Cày Nam vẫn vô cảm, cố tình bảo kê cho những kẻ làm liều. Ngày 27/6/2003, Chủ tịch UBND huyện Mỏ Cày (cũ) kí Quyết định số 61/QĐ-UBND thu hồi toàn bộ diện tích 1.360m2 đất thổ cư, thuộc thửa 926 – 927, tờ bản đồ số 2 ở xã Đa Phước Hội giao cho UBND xã này quản lí. Ông Vũ Dương Thành ngang nhiên chiếm 433m2 đất công thổ làm mặt bằng sản xuất kinh doanh. Ngày 15/9/2009, UBND huyện và các ngành chức năng mời ông Thành đến bàn bạc bán giá chỉ định 1,8 triệu đồng/ m2. Ông Thành không chịu mua. Sau đó, UBND huyện ba lần ra thông báo yêu cầu ông Thành di dời tài sản và vật kiến trúc trên đất, nhưng ông Thành không chấp hành. Vậy mà Bí thư và Chủ tịch UBND huyện Mỏ Cày Nam vẫn làm ngơ để ông Thành chiếm đoạt đất công thổ trái phép kinh doanh suốt 10 năm không nộp thuế. Những vụ việc này khiến người dân bất bình về hành vi làm ngơ của Bí thư và Chủ tịch UBND huyện.

Ông Nguyễn Thế Hùng, Phó Chánh Văn phòng HĐND và UBND huyện Mỏ Cày Nam mượn của ông Trương Văn Mừng 345 triệu đồng chây lì không trả. Buộc ông Mừng gửi đơn khởi kiện đến Tòa án. Chủ tịch UBND huyện bao che bằng cách gọi cả hai ông vào phòng làm việc để “hòa giải”. Kể từ đó, ông Hùng nhiều lần viết giấy cam kết khất hứa mà không trả. Hành vi của ông Hùng hội đủ dấu hiệu “Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”. Vậy mà ông Hùng còn được đề bạt thăng chức lên Chánh Văn phòng HĐND và UBND huyện Mỏ Cày Nam. Còn ông Phạm Văn Sơn xây nhà cao tầng trên đất không có chủ quyền tại trung tâm thị trấn Mỏ Cày không có giấy phép xây dựng; bị lập biên bản, UBND thị trấn quyết định xử phạt hành chính, buộc ông Sơn phải đình chỉ thi công. Vậy mà khi hồ sơ đề nghị lên huyện thì ông Lê Minh Tấn, Chủ tịch UBND huyện trả hồ sơ về. Những hành vi bao che của Chủ tịch UBND huyện quá lộ liễu. Ông Lê Minh Tấn, Chủ tịch UBND huyện cũng lấy tiền mặt công quỹ mua máy tính xách tay dùng cá nhân. Đây là khoản tham ô theo hình thức chi sai mục đích với nhiều khoản khác mà Thanh tra Sở Tài chính đã phát hiện. (Còn nữa)

Bảo Châu Theo Nguoicaotuoi.org.vn

 

  Ý kiến bạn đọc

  Góp ý

Mã bảo mật   
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây