Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách thảo luận, cho ý kiến về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 và Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)

Thứ năm - 26/09/2013 15:25 314 0

Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách thảo luận, cho ý kiến về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 và Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)

Sáng 25/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tổ chức Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách thảo luận một số nội dung trình Kỳ họp thứ 6, Quốc hội Khóa XIII. Hội nghị nhằm lấy ý kiến đóng góp của các đại biểu xung quanh Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 và Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) - hai dự án Luật quan trọng nhất trong Chương trình xây dựng pháp luật của Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6, sẽ được tổ chức vào cuối tháng 10 tới. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng chủ trì Hội nghị.
      Phát biểu khai mạc Hội nghị,Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh, Kỳ họp thứ 6, Quốc hội Khóa XIII là Kỳ họp giữa nhiệm kỳ Quốc hội và cũng là giữa nhiệm kỳ Khóa XI của Đảng nên có tầm quan trọng đặc biệt. Tại Kỳ họp này, Quốc hội sẽ dành thời gian nghe nhiều báo cáo của các ngành nhằm đánh giá lại không chỉ tình hình kinh tế-xã hội năm 2013 mà còn xem xét kết quả công tác từ đầu nhiệm kỳ, làm cơ sở để định hướng công việc những năm tiếp theo. Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992; Luật Đất đai (sửa đổi) là những trọng tâm của Kỳ họp. Do đó, nhiệm vụ chuẩn bị các nội dung cho Kỳ họp là hết sức hệ trọng..

     Đối với Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992, đã được tổ chức lấy ý kiến nhân dân rộng rãi, nghiêm túc; thu hút sự tham gia tích cực và đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết của mọi tầng lớp nhân dân trong nước và người Việt Nam sinh sống và làm việc tại nước ngoài. Dự thảo cũng nhận được nhiều ý kiến đóng góp tâm huyết, trách nhiệm của các nhà khoa học, chuyên gia có uy tín. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã dành 5 Phiên họp để thảo luận, tiếp thu các nội dung Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992.

     Trên cơ sở đó, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đề nghị các đại biểu Quốc hội chuyên trách tiếp tục cho ý kiến, hoàn thiện một cách chi tiết để có được một Dự thảo hoàn thiện nhất, tốt nhất trong điều kiện hiện nay, phù hợp với tình hình mới của đất nước trước khi trình Quốc hội cho ý kiến, thông qua. Chủ tịch Quốc hội cho rằng, kể cả đến thời điểm trước khi thông qua, do tầm phổ quát rộng lớn, Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 chắc chắn vẫn sẽ nhận được các ý kiến nhiều chiều. Do đó, cần chọn lựa những vấn đề có sự đồng thuận cao nhất để chỉnh lý, bổ sung Dự thảo.

      Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) là loại dự án luật rất khó, với tầm bao phủ rộng lớn, ảnh hưởng trực tiếp đến an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội và đời sống của mọi người dân. Vì vậy cũng cần được chuẩn bị thật tốt, tiếp thu, bổ sung ý kiến của các tầng lớp nhân dân trong xã hội và hoàn thiện thật tốt cơ sở khoa học pháp lý, Chủ tịch Quốc hội lưu ý.

      Trên tinh thần đó, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đề nghị các thành viên của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tập trung dành thời gian, tích cực thảo luận, cho ý kiến để đảm bảo hoàn thành thật tốt các nội dung của Phiên họp.

      Tại Hội nghị này, ngoài việc cho ý kiến toàn văn Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992, các đại biểu Quốc hội chuyên trách sẽ tập trung cho ý kiến vào các nội dung như: Vai trò, vị trí sự lãnh đạo của Đảng; các thành phần kinh tế và vai trò chủ đạo của thành phần kinh tế Nhà nước; các trường hợp thu hồi đất phục vụ lợi ích quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia, công cộng và phát triển kinh tế (đây là nội dung quan trọng chi phối việc sửa đổi Luật Đất đai); vấn đề bộ máy Nhà nước, chính quyền địa phương và định hướng xây dựng Hội đồng Hiến pháp. Đối với Luật Đất đai, các đại biểu Quốc hội chuyên trách sẽ cho ý kiến về vấn đề thu hồi đất, đền bù, hỗ trợ sau thu hồi đất…

      Chủ tịch Quốc hội cho biết, sau hội nghị này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tập hợp, chỉnh lý các dự thảo để trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 6 tới.

     Hôi nghị dự kiến diễn ra trong hai ngày 25 – 26/9. Trong ngày làm việc đầu tiên, dưới sự điều khiển của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Hội nghị cho ý kiến đóng góp về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992.

Theo Bộ Tài nguyên & Môi trường

  Ý kiến bạn đọc

  Góp ý

Mã bảo mật   
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây