Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang: Nhiều địa phương, Bộ, ngành phải chịu trách nhiệm về tiến độ cấp Giấy Chứng nhận nhà, đất

Thứ hai - 04/03/2013 14:30 806 0
Trong Chương trình “Dân hỏi – Bộ trưởng trả lời” được ghi hình ngày 27/2, Bộ trưởng Bộ TN&MT Nguyễn Minh Quang đã giải đáp thấu đáo vấn đề cấp Giấy Chứng nhận quyền sử dụng đất, sở hữu nhà và các tài sản khác gắn liền với đất. Theo Bộ trưởng, nếu không hoàn thành tiến độ cấp Giấy Chứng nhận mà Quốc hội đề ra, UBND các tỉnh và các Bộ liên quan phải chịu trách nhiệm. Chúng tôi đăng tải cuộc trả lời phỏng vấn của Bộ trưởng.

 

Bộ trưởng Bộ TN&MT Nguyễn Minh Quang trả lời trong chương trình "Dân hỏi - Bộ trưởng trả lời"

* Xin Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang cho biết: Thế nào là cơ bản hoàn thành nhiệm vụ cấp giấy chứng nhận (GCN) quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà và các tài sản khác gắn liền với đất? Đến thời điểm này còn bao nhiêu địa phương chưa hoàn thành nhiệm vụ này?
Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang: Việc cấp GCN quyền sử dụng đất nêu trong Nghị quyết 30 của Quốc hội khóa 13 là yêu cầu đối với việc cấp GCN lần đầu và đạt tỷ lệ trên 85% diện tích cấp.
Đến nay, có 18 tỉnh, thành phố đã cơ bản hoàn thành cấp GCN đối với các loại đất chính. Trong đó, có 7 tỉnh đã hoàn thành cấp GCN đối với tất cả các loại đất là các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long như: Đồng Tháp, Long An, An Giang, Bến Tre, Bạc Liêu, Vĩnh Long và Bình Dương.
Hiện còn 45 tỉnh, thành phố chưa hoàn thành, trong đó 11 tỉnh đạt tỷ lệ thấp gồm một số tỉnh vùng Tây Bắc, Đông Bắc, Trung Trung Bộ và Tây Nguyên là những tỉnh có diện tích đất rộng, thu ngân sách thấp.
 
* Vậy thì, thưa Bộ trưởng, trong trường hợp đến hết năm 2013, có địa phương vẫn không hoàn thành nhiệm vụ này thì ai phải chịu trách nhiệm và chịu trách nhiệm như thế nào?
Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang: Luật Đất đai quy định thẩm quyền cấp GCN thuộc UBND cấp tỉnh, huyện; Chỉ thị 1474 của Thủ tướng Chính phủ đã giao nhiệm vụ cụ thể cho Chủ tịch UBND cấp tỉnh và Bộ TN&MT, các Bộ có liên quan.
Do đó, việc không hoàn thành nhiệm vụ cấp GCN trong năm 2013 theo Nghị quết của Quốc hội trước hết thuộc trách nhiệm của Lãnh đạo tỉnh và Sở TN&MT địa phương. Đồng thời, các Bộ mà trực tiếp là Bộ TN&MT, Bộ Tài chính và một số Bộ khác cũng có trách nhiệm trong việc này.
 Kết thúc năm 2013, Bộ TN&MT sẽ đánh giá kết quả thực hiện, nếu không hoàn thành mục tiêu đề ra, Bộ sẽ đề nghị Chính phủ quy rõ trách nhiệm và có biện pháp xử lý đối với các địa phương, các Bộ, trong đó có Bộ TN&MT do không hoàn thành nhiệm vụ được giao.
 
* Thưa Bộ trưởng, đâu là những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng ách tắc và chậm trễ trong tiến trình cấp Giấy CNQSDĐ trong suốt thời gian qua?
Bộ trưởng Nguyễn Minh QuangViệc chậm trễ trong công tác cấp GCN trong thời gian qua do nhiều nguyên nhân, trong đó chủ yếu là do nguồn gốc đất phức tạp, thiếu hồ sơ địa chính, thiếu nhân lực, thủ tục còn phiền hà và còn một bộ phận cán bộ trong các Văn phòng đăng ký đất đai nhũng nhiễu.
Tuy kinh phí không phải là nguyên nhân trực tiếp song kinh phí có ảnh hưởng lớn đến tiến độ cấp GCN.
Có nguyên nhân quan trọng khác đó là thiếu sự quyết tâm chỉ đạo của Lãnh đạo các tỉnh và Sở TN&MT ở một số địa phương đối với công tác này.
 
* Một công dân của tỉnh Nam Định gửi tới Bộ trưởng câu hỏi thế này: Ai cũng biết đằng sau tấm sổ đỏ là rất nhiều lợi ích của người được cấp còn theo quy định thì hiện nay người chịu trách nhiệm thẩm định hồ sơ thì hoàn toàn không có lợi ích gì. Có ý kiến cho rằng: Đây chính là một nguyên nhân dẫn đến hiện tượng hồ sơ xin cấp GCN bị ngâm, giống như hiện tượng công chứng hồ sơ trước đây. Xin Bộ trưởng cho biết quan điểm về vấn đề này?
Bộ trưởng Nguyễn Minh QuangĐúng là nếu được cấp GCN thì người được cấp có nhiều lợi ích, nhất là GCN đối với đất ở đô thị.
Trong khi việc cấp GCN là công việc phức tạp, nhất là việc thẩm định hồ sơ. Mặt khác, do thiếu cán bộ ở các Văn phòng đăng ký nên cán bộ phải gồng mình làm việc, song không có chế độ chính sách đãi ngộ gì hay chế độ hỗ trợ khác... nên cán bộ kém phấn khởi làm việc dẫn đến ngâm hồ sơ để vòi vĩnh, gây nhũng nhiễu. Đây là một thực tế cần sớm khắc phục.
Nên chăng cần có cơ chế cho sử dụng khoản thu từ lệ phí cấp GCN phục vụ hoạt động của Văn phòng đăng ký và dành một phần hỗ trợ cho người trực tiếp làm thủ tục thẩm định và cấp GCN (Hiện nay nguồn này chủ yếu nộp ngân sách).
Đối với các trường hợp cán bộ nhũng nhiễu, ngâm hồ sơ, Bộ đề nghị UBND các tỉnh và Sở TN&MT kiểm tra thường xuyên và kiên quyết xử lý, kể cả các trường hợp làm thủ tục chậm nếu không có lý do chính đáng cũng bị xử lý nghiêm.
 
* Để cơ bản hoàn thành việc cấp Giấy chứng nhận trong năm 2013 theo Nghị quyết của Quốc hội, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang triển khai các giải pháp gì thưa Bộ trưởng?
Bộ trưởng Nguyễn Minh QuangTrên cơ sở kết quả sơ kết cuối năm 2012 và căn cứ nhiệm vụ cấp GCN năm 2013 theo Nghị quyết của Quốc hội, Bộ đã đề nghị Thủ tướng Chính phủ yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố xác định việc hoàn thành cơ bản việc cấp GCN là nhiệm vụ trọng tâm của các địa phương.
Đồng thời, Bộ tiếp tục chỉ đạo các địa phương rà soát số lượng diện tích cấp giấy còn tồn đọng để giao chỉ tiêu đến từng huyện, xã; tiếp tục ban hành quy định giải quyết các trường hợp vướng mắc trong cấp GCN; tăng cường cán bộ cho các Văn phòng đăng ký đất đai và bố trí kinh phí cho việc đo vẽ hồ sơ địa chính từ nguồn thu ngân sách địa phương.
Bộ sẽ phối hợp với Bộ Tài chính rà soát đề nghị sửa đổi các quy định về thu, sử dụng các khoản thu tiền sử dụng đất, lệ phí địa chính, lệ phí trước bạ, lệ phí cấp GCN và đề nghị Chính phủ dành một khoản kinh phí thỏa đáng (khoảng 3 nghìn tỷ đồng) hỗ trợ các tỉnh đo vẽ hồ sơ địa chính làm căn cứ cho cấp GCN.
 
* Trong năm 2012, cũng trong Chương trình này, Bộ trưởng đã trả lời người dân về việc xử lý các tổ chức, doanh nghiệp vi phạm pháp luật về đất đai, để hoang hóa gây tình trạng "dự án treo”. Xin Bộ trưởng cho biết kết quả kiểm tra, xử lý đến nay và các giải pháp khắc phục của Bộ đối với trường hợp này như thế nào?
Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang: Trong năm 2012, Bộ đã quyết liệt chỉ đạo, đôn đốc UBND cấp tỉnh kiểm tra, rà soát, xử lý đối với các dự án chậm đưa đất vào sử dụng; hướng dẫn các địa phương tháo gỡ những vướng mắc trong quá trình xử lý và tổ chức nhiều đoàn kiểm tra ở các địa phương.
Đến cuối năm 2012, các địa phương (điển hình là Hà Nội, TP.HCM, Long An, Tây Ninh) đã xử lý thu hồi gần 25 nghìn ha của 500 tổ chức, doanh nghiệp. Tuy nhiên, đây là con số rất nhỏ so với diện tích chậm đưa đất vào sử dụng ở các địa phương hiện nay.
Do đó năm 2013 và những năm tiếp theo, Bộ vẫn yêu cầu các địa phương tiếp tục chỉ đạo việc thực hiện Chỉ thị 134 của Thủ tướng Chính phủ.
Theo tôi, có nhiều giải pháp để khắc phục tình trạng này, trong đó sử dụng công cụ thuế đánh vào các trường hợp ôm đất là biện pháp hiệu quả cần được phát huy.
Xin cảm ơn Bộ trưởng.
Thông tin từ Bộ tài nguyên và môi trường

  Ý kiến bạn đọc

  Góp ý

Mã bảo mật   
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây