Đẩy mạnh cấp Giấy chứng nhận để cơ bản hoàn thành trong năm 2013 theo yêu cầu của Quốc hội khóa XIII

Thứ năm - 07/03/2013 17:15 809 0
Hiện nay, việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất đối với một số loại đất của cả nước còn đạt thấp, nhất là đất chuyên dùng mới đạt 60,5% diện tích cần cấp, trong đó còn 48 tỉnh đạt dưới 80%; đất ở đô thị mới đạt 63,5% diện tích cần cấp, trong đó còn 39 tỉnh đạt dưới 80%; đất ở nông thôn đạt 83,8% diện tích cần cấp nhưng vẫn còn 26 tỉnh đạt dưới 80%; đất sản xuất nông nghiệp đạt 85,2% diện tích cần cấp nhưng vẫn còn 23 tỉnh đạt dưới 80% (tỷ lệ cấp Giấy chứng nhận các loại đất của từng tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có phụ lục kèm theo).

   Để hoàn thành cấp Giấy chứng nhận vào năm 2013 theo Nghị quyết số 30/2012/QH13 của Quốc hội tại kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XIII, Bộ Tài nguyên và Môi trường yêu cầu Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung chỉ đạo, thực hiện đồng bộ các giải pháp để đẩy mạnh việc cấp giấy chứng nhận ở địa phương theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 1474/CT-TTg ngày 24 tháng 8 năm 2011 và Công văn số 3987/BTNMT-TCQLĐĐ ngày 28 tháng 10 năm 2011 của Bộ Tài nguyên và Môi trường, trong đó cần khẩn trương, chú trọng thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp sau:

   - Rà soát, thống kê các trường hợp chưa cấp Giấy chứng nhận ở từng xã, phường, thị trấn; xác định rõ nguyên nhân tồn đọng, ban hành quy định cụ thể để tháo gỡ vướng mắc trong việc cấp Giấy chứng nhận ở địa phương; giao chỉ tiêu kế hoạch cấp Giấy chứng nhận cho từng huyện, xã và các Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất phải thực hiện trong năm 2012 và năm 2013.

   - Nhanh chóng kiện toàn, tăng cường nhân lực cho hệ thống các Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất các cấp, nhất là cấp huyện; bố trí đủ kinh phí từ ngân sách (bảo đảm dành tối thiểu 10% tổng số thu từ tiền sử dụng đất, tiền thuê đất của tỉnh) cho việc cấp Giấy chứng nhận ở địa phương; tập trung chỉ đạo thực hiện đối với các xã, phường, thị trấn chậm cấp Giấy chứng nhận.

   - Trong hai năm 2012 và 2013 phải ưu tiên kinh phí cho thực hiện cấp giấy chứng nhận lần đầu để cơ bản hoàn thành vào năm 2013; việc đo vẽ bản đồ địa chính phải gắn với việc cấp Giấy chứng nhận; chưa đặt mục tiêu cấp đổi Giấy chứng nhận nếu địa phương còn nhiều xã, phường, thị trấn, nhiều loại đất có tỷ lệ cấp Giấy chứng nhận đạt thấp (dưới 80%); hạn chế đo vẽ bản đồ địa chính đối với loại đất và địa bàn đã cơ bản hoàn thành cấp Giấy chứng nhận kể cả trường hợp đã có thiết kế kỹ thuật và dự toán đo vẽ bản đồ địa chính được duyệt nhưng chưa triển khai.

   - Nơi đã có bản đồ địa chính phải sử dụng triệt để cho cấp Giấy chứng nhận; nơi chưa có bản đồ địa chính thì tận dụng các loại bản đồ, sơ đồ giải thửa cũ, bản đồ quy hoạch xây dựng chi tiết hoặc thực hiện trích đo địa chính thửa đất để cấp Giấy chứng nhận mà không chờ đo vẽ bản đồ địa chính. Đối với các tổ chức sử dụng đất, cần sử dụng triệt để kết quả trích đo địa chính theo Chỉ thị số 31/2007/CT-TTg ngày 14 tháng 12 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ để cấp Giấy chứng nhận.

   - Các Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất cần phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp xã chủ động tổ chức cho người sử dụng đất kê khai đăng ký đất đai mà không thụ động chờ người sử dụng đất đến làm thủ tục đăng ký như trước đây. Việc xét duyệt hồ sơ cấp Giấy chứng nhận của cấp huyện phải được thực hiện lồng ghép, đồng thời với quá trình thẩm tra, xét duyệt của cấp xã để bảo đảm thời gian cấp Giấy chứng nhận theo quy định.

   Cấp Giấy chứng nhận là một nhiệm vụ có ý nghĩa rất quan trọng trong quản lý, sử dụng đất đai nhưng rất khó khăn, phức tạp, đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quan tâm, chỉ đạo sát sao; thường xuyên kiểm tra, đánh giá sát tình hình, giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện; báo cáo tình hình thực hiện theo định kỳ từng quý (trước ngày 20 tháng cuối quý) và báo cáo sơ kết 1 năm thực hiện Chỉ thị 1474/CT-TTg gửi về Bộ Tài nguyên và Môi trường trước ngày 30 tháng 8 năm 2012 để tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

   Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc vượt quá thẩm quyền của địa phương, cần phản ánh kịp thời về Bộ Tài nguyên và Môi trường và các Bộ, ngành liên quan để hướng dẫn thực hiện thống nhất./.

  Ý kiến bạn đọc

  Góp ý

Mã bảo mật   
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây