1. Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức Kỷ niệm 10 năm thành lập (2002 - 2012) và đón nhận Huân chương Hồ Chí Minh
Trải qua 10 năm xây dựng và phát triển, hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về tài nguyên và môi trường trên cả nước được tăng cường; đóng góp cho phát triển kinh tế - xã hội của tài nguyên và môi trường ngày càng nhiều; chính sách pháp luật tài nguyên và môi trường dần hoàn thiện; tổ chức bộ máy, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của ngành không ngừng lớn mạnh...Với những thành tích đặc biệt xuất sắc đó, tập thể cán bộ, công nhân viên chức và người lao động trong toàn ngành đã vinh dự được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh.
|
Bộ TN&MT vinh dự đón nhận Huân chương Hồ Chí Minh nhân dịp kỷ niệm 10 năm thành lập |
|
2.Tổng kết thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 7 (khóa IX) về tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước làm căn cứ để Ban chấp hành Trung ương ban hành Nghị quyết số 19-NQ/TW
Kết quả tổng kết Nghị quyết này là căn cứ để Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI thông qua Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 31/10/2012 về tục đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai trong thời kỳ đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, tạo nền tảng để đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Theo đó, 11 vấn đề lớn được Đảng định hướng nhằm nâng cao hơn nữa việc quản lý, sử dụng nguồn lực đất đai.
3. Luật Tài nguyên nước được Quốc hội thông qua
Ngày 21/6/2012 tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIII đã thông qua Luật Tài nguyên nước, đánh dấu sự thay đổi cơ bản về thể chế quản lý tài nguyên nước ở nước ta. Lần đầu tiên, tài nguyên nước thực sự được coi là tài sản, là nguồn lực quan trọng, thiết yếu của quốc gia. Theo đó, khai thác tài nguyên nước phải trả tiền, sử dụng nước phải tiết kiệm, hiệu quả. Điều này có ý nghĩa hết sức quan trọng trong bối cảnh an ninh nguồn nước đang bị đe dọa, tình trạng ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt nguồn nước chưa được kiểm soát chặt chẽ.
4. Chiến lược Bảo vệ môi trường Quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 và Chương trình mục tiêu quốc gia về khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường
Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 1216/QĐ-TTg ngày 05/9/2012 phê duyệt Chiến lược Bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; Quyết định số 1206/QĐ-TTg ngày 02/9/2012 phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia về khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường. Đây là các văn bản định hướng tổng thể, toàn diện về công tác bảo vệ môi trường để các cấp, các ngành xây dựng và thực hiện kế hoạch bảo vệ môi trường, góp phần thực hiện thành công mục tiêu phát triển bền vững của đất nước.
|
Bộ trưởng Bộ TN&MT Nguyễn Minh Quang công bố Chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 |
|
5. Công bố Kịch bản biến đổi khí hậu và nước biển dâng cập nhật chi tiết cho Việt Nam và Kế hoạch hành động của Việt Nam ứng phó với biến đổi khí hậu
Ngày 23/5/2012, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chính thức công bố Kịch bản biến đổi khí hậu và nước biển dâng cho Việt Nam. So với kịch bản đầu tiên được công bố năm 2009, kịch bản cập nhật năm 2012 cho thấy, một số chỉ số khí hậu có xu hướng gia tăng theo chiều hướng xấu. Phiên bản kịch bản 2012 đã chi tiết hóa mức độ ngập lụt đến từng tỉnh, thành phố; vùng ven biển chi tiết đến cấp huyện.
6. Hoàn thành dự án Xây dựng và hoàn chỉnh hệ thống trọng lực nhà nước
Sau 10 năm triển khai thực hiện, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chính thức phê duyệt hoàn thành Dự án. Kết quả của dự án là bộ số liệu trọng lực cơ bản phục vụ cho việc đo trọng lực chi tiết trên đất liền và trên biển Việt Nam. Lần đầu tiên toàn lãnh thổ Việt Nam đã xây dựng được một hệ thống gồm 11 điểm trọng lực cơ sở; 29 điểm trọng lực hạng I đo bằng phương pháp tuyệt đối với độ chính xác cao; khẳng định khả năng nghiên cứu và làm chủ khoa học và công nghệ về lĩnh vực trắc địa bản đồ của Việt Nam.
7. Hai khu Ramsar được Ban Thư ký Công ước Ramsar quốc tế công nhận
Vườn quốc gia Tràm Chim và Vườn quốc gia Mũi Cà Mau là hai khu đất ngập nước có tầm quan trọng quốc tế (khu ramsar) của Việt Nam được Ban Thư ký Công ước Ramsar (Công ước về các vùng đất ngập nước có tầm quan trọng quốc tế) công nhận, nhằm góp phần nâng cao vị thế và nỗ lực của Việt Nam trong việc thực hiện Công ước Ramsar, thể hiện sự cam kết của Chính phủ Việt Nam trong nỗ lực bảo tồn và sử dụng vùng đất ngập nước; góp phần quảng bá giá trị và hình ảnh của các Vườn Quốc gia đến với bạn bè quốc tế.
8. Tìm thấy nguồn nước dưới đất tại Mèo Vạc, thuộc khu vực Cao nguyên đá Đồng Văn, tỉnh Hà Giang
Việc tìm thấy nguồn nước ở Mèo Vạc, thuộc khu vực Cao nguyên đá Đồng Văn, tỉnh Hà Giang ở độ cao 1.000 - 1.500 m so với mực nước biển đã góp phần quan trọng trong việc giải quyết nước cho nhân dân vùng cao. Qua đó nâng cao chất lượng cuộc sống và phát triển kinh tế - xã hội vùng miền núi phía Bắc Việt Nam.
9. Cổng thông tin điện tử Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường được nhận giải ba của khu vực Châu Á - Thái Bình Dương về “Chính phủ điện tử xanh”
Đây là giải thưởng danh giá dành tặng cho các cơ quan có thành tích ứng dựng công nghệ thông tin xuất sắc, được chọn trong số 652 đề cử từ 20 quốc gia và tổ chức trên thế giới. Giải thưởng một lần nữa khẳng định nỗ lực của lĩnh vực môi trường về ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động điều hành tác nghiệp, quản lý môi trường và phát triển Chính phủ điện tử tại Việt Nam, góp phần nâng cấp thứ hạng ứng dụng công nghệ thông tin của Việt Nam tại khu vực châu Á và thế giới.
10. Trung tâm dữ liệu ngành Tài nguyên và Môi trường chính thức đi vào hoạt động
Trung tâm dữ liệu ngành tài nguyên và môi trường được Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt tại Quyết định số 2111/QĐ-BTNMT ngày 29/10/2009 và năm 2012 đã chính thức đưa vào hoạt động phục vụ yêu cầu quản lý, lưu trữ, cập nhật và khai thác, chia sẻ thông tin, số liệu thuộc bảy lĩnh vực quản lý Nhà nước của Bộ trong giai đoạn công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.