Toàn cảnh hội nghị.
Dự thảo Luật đất đai sửa đổi lần này gồm có 14 chương và 206 điều, tăng 7 chương, 60 điều so với Luật đất đai năm 2003. Những thay đổi trong Luật đất đai chủ yếu xoay quanh vấn đề về hoạt động, nội dung và tổ chức điều tra, đánh giá đất đai; quy định trách nhiệm của Thủ tướng Chính phủ trong việc phân bổ chỉ tiêu sử dụng đất cấp quốc gia do Quốc hội thông qua các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, cho các Bộ Quốc phòng, Bộ Công an; đối với trường hợp đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng muốn sử dụng mục đích khác phải có văn bản chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ; bồi thường về đất, hỗ trợ tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất; quy định đăng ký đất đai đối với trường hợp người sử dụng đất và người được giao đất để quản lý; thời hạn sử dụng đất và quy định mở rộng hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân.
Dự thảo cũng quy định cụ thể trường hợp thu hồi đất và căn cứ thu hồi vì mục đích quốc phòng, an ninh và có lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng, phát triển kinh tế xã hội; thời gian quy hoạch không quá 12 tháng và nếu vượt quá thời gian cho phép thì người có đất bị thu hồi sẽ không được trả lại tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đã nộp và thanh toán giá trị đã đầu tư vào đất còn lại cùng tài sản gắn liền với đất.
Trong quy định về thu hồi đất cũng nêu rõ, Chủ tịch UBND các cấp là người có thẩm quyền cưỡng chế thu hồi đất. Tại hội nghị, các đại biểu đều đồng tình và nhất trí cao với những điều, khoản trong dự thảo Luật đất đai sửa đổi. Bên cạnh đó, cũng có một số ý kiến đóng góp bổ sung làm rõ về hạn mức vượt hạn điền cho hộ gia đình, cá nhân trong mục 2, chương 10 của Luật.
Báo Tây Ninh (Duy Thức)
Ý kiến bạn đọc