Siết chặt quản lý sinh vật ngoại lai xâm hại

Thứ tư - 18/09/2013 14:20 757 0

Siết chặt quản lý sinh vật ngoại lai xâm hại

Sáng 17/9 tại Hà Nội, Tổng cục Môi trường (Bộ TN&MT) tổ chức Hội thảo tăng cường công tác quản lý về sinh vật ngoại lai xâm hại ở Việt Nam .

                Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Thế Đồng cho biết, trước những tác động của loài ngoại lai xâm hại, Bộ TN&MT đã từng bước xây dựng, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật nhằm tăng cường sự quản lý, ngăn ngừa, kiểm soát các loài ngoại lai xâm hại nghiêm trọng tại Việt Nam.

Theo thống kê của Cục Bảo tồn đa dạng sinh học (Tổng cục Môi trường), số lượng thực vật ngoại lai xâm hại có khoảng 94 loài, trong đó, có 42 loài xâm hại thuộc họ thực vật; 48 loài động vật thủy sinh ngoại lại. Đáng lo ngại là có những trường hợp du nhập những loài thủy sinh vật ngoại lai vào Việt Nam với số lượng lớn nhưng do không được kiểm tra và kiểm soát chặt chẽ đã để xảy ra tình trạng bùng phát trong tự nhiên và gây ra tác hại nặng nề.

Nhiều đại biểu tham dự hội thảo đánh giá, không ít loài sinh vật ngoại lai đã xâm nhập vào nước ta gây hại lớn cho sản xuất nông nghiệp, môi trường sinh thái. Sở dĩ để xảy ra tình trạng đó là do còn nhiều lỗ hỗng trong kiểm soát và quản lý. Không ít các ý kiến cho rằng, vấn đề sinh vật ngoại lai cực kỳ phức tạp, đặc biệt trong công tác quản lý bởi không thể nhìn thấy ngay tác hại của nó. Có khi vài năm hay hàng chục năm sau mới biết được nó là loài xâm hại. Hơn nữa nó xâm hại hay không còn tùy thuộc vào từng hoàn cảnh cụ thể khác nhau.

Trong khi đó, việc quản lý đa dạng sinh học trong đó có sinh vật ngoại lai được quy định trong Luật Đa dạng sinh học nhưng nhiệm vụ cụ thể của các Bộ, ngành chưa rõ ràng và phân tán. Ngành nông nghiệp cấp phép nhập khẩu giống thủy sinh vật vào Việt Nam, song quản lý thủy sinh vật ngoại lai trong nước lại do ngành TN&MT, khiến việc ngăn ngừa, kiểm soát chồng chéo, thiếu thống nhất, kém hiệu quả.

Trước tình trạng nhiều loài sinh vật ngoại lai được du nhập vào nước ta trong khi công tác kiểm soát, ngăn ngừa còn lỏng lẻo, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1896/QĐ-TTg phê duyệt Đề án ngăn ngừa và kiểm soát sinh vật ngoại lại xâm hại ở Việt Nam đến năm 2020.

Theo đó, Giai đoạn Đề án tập trung tăng cường năng lực cơ quan quản lý Nhà nước và đơn vị kiểm dịch trong việc kiểm soát các loài ngoại lai là kiểm soát và lập danh mục, hồ sơ theo dõi các loài ngoại lai nhập khẩu vào Việt Nam; đào tạo, tập huấn cho các cán bộ cấp Lãnh đạo và chuyên viên quản lý chuyên môn công tác tại các Chi cục Bảo vệ môi trường, Chi cục bảo vệ thực vật của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Ban quản lý Khu bảo tồn về công tác ngăn ngừa và kiểm soát loài ngoại lai xâm hại. Từ năm 2013-2020, Đề án thực hiện chương trình kiểm soát và diệt trừ loài ngoại lai đang xâm hại nghiêm trọng ở Việt Nam  như ốc bươu vàng, cây mai dương, cây trinh nữ móc.

Toàn cảnh hội thảo

 

Nhằm đẩy mạnh việc thực hiện Luật Đa dạng sinh học và 1896/QĐ -TTg của Thủ tướng Chính phủ, Tổng cục Môi trường triển khai các hoạt động xây dựng năng lực về quản lý sinh vật ngoại lai. Trong thời gian qua, trong khuôn khổ hỗ trợ của dự án khu vực “Ngăn ngừa và quản lý sinh vật rừng ngoại lai xâm hại ở rừng sản xuất và rừng được bảo vệ khu vực Đông Nam Á” của Quỹ Môi trường Toàn cầu, Tổng cục Môi trường đã tổ chức đánh giá nhu cầu đào tạo tăng cường năng lực để thiết kế chương trình nâng cao năng lực phù hợp cho các nhóm đối tượng. Trên cơ sở đánh giá này, Tổng cục Môi trường sẽ tổ chức chương trình đào tạo cho các cơ quan quản lý cấp trung ương, địa phương về việc ngăn ngừa và kiểm soát sinh vật ngoại lai xâm hại.

Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường

  Ý kiến bạn đọc

  Góp ý

Mã bảo mật   
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây