Còn nhiều hạn chế trong bảo vệ môi trường

Thứ năm - 06/02/2014 18:15 767 0

Còn nhiều hạn chế trong bảo vệ môi trường

Vừa qua, HĐND tỉnh Tây Ninh tổ chức đợt giám sát kết quả thực hiện việc xử lý khắc phục ô nhiễm môi trường trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2011 - 2013. Đoàn đã đến làm việc với Ban Quản lý các khu kinh tế tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường, xem xét các báo cáo của UBND một số địa phương. Trên cơ sở xem xét báo cáo và kết quả làm việc, ý kiến của thành viên tham gia đoàn giám sát, Ban Kinh tế và Ngân sách HĐND tỉnh đã tổng hợp một số nội dung chính về vấn đề này.

 Hình ảnh ô nhiễm ở một lò mì rấm (thuộc xã Trường Đông, Hoà Thành)

 

CƠ BẢN XỬ LÝ XONG CÁC CƠ SỞ GÂY Ô NHIỄM

Theo nhận định của Ban Kinh tế và Ngân sách HĐND tỉnh, việc xử lý các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ đã được thực hiện xong. Cụ thể, theo Quyết định số 64/2003/QĐ-TTg ngày 22.4.2003 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Kế hoạch xử lý các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, trên địa bàn tỉnh Tây Ninh có 2 nhà máy chế biến khoai mì, 2 nhà máy chế biến đường, 1 nhà máy chế biến hạt điều, 5 cụm chế biến khoai mì và 1 cụm sản xuất gạch thủ công phải xử lý triệt để ô nhiễm môi trường. Đến nay, tất cả các cơ sở đã hoàn thành việc xử lý triệt để ô nhiễm môi trường.

Hằng năm, ngành chức năng đã tham mưu cho UBND tỉnh Tây Ninh ban hành các quyết định kèm theo kế hoạch xử lý cơ sở gây ô nhiễm môi trường trên địa bàn tỉnh (Quyết định số 759/QĐ-UBND ngày 9.7.2007, bao gồm 32 cơ sở; Quyết định số 1762/QĐ-UBND ngày 8/8/2008, bao gồm 23 cơ sở. Quyết định sổ 1129/QĐ-UBND ngày 12/6/2009, bao gồm 33 cơ sở; Quyết định số 1368/QĐ-UBND ngày 26.7.2010, bao gằm 20 cơ sở; Quyết định số 1054/QĐ-UBND ngày 31.5.2012, bao gồm 9 bệnh viện). Trên cơ sở các quyết định này, ngành chức năng đã phối hợp chặt chẽ với các cấp chính quyền địa phương tổ chức triển khai các giải pháp xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường trên địa bàn tỉnh; tăng cường công tác thanh kiểm tra, giám sát và xử lý các cơ sở chây ỳ, chậm triển khai nhằm tạo áp lực buộc cơ sở phải tích cực, chủ động trong xử lý ô nhiễm. Đến nay, trong tổng số 108 cơ sở gây ô nhiễm môi trường phải xử 1ý, đã có 107 cơ sở đã triển khai thực hiện. Trong đó có 46/107 cơ sở ngưng hoạt động, tháo dỡ máy móc thiết bị, di dời nhà xưởng61/107 cơ sở đã thực hiện nhưng chưa hoàn chỉnh kế hoạch. Riêng còn có 1 cơ sở chưa triển khai các biện pháp xử lý là Khu Thương mại - Đô thị cửa khẩu Mộc Bài hiện do Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Tây Ninh quản lý đang chờ kinh phí để xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung.

Tuy nhiên, theo báo cáo của Sở TN&MT, sau gần 6 năm triển khai và tổ chức thực hiện chính sách hỗ trợ theo Quyết định số 19/2007/QĐ-UBND ngày 14.8.2007 của UBND tỉnh, sở Tài nguyên và Môi trường chỉ tiếp nhận được 3 hồ sơ xin vay vốn ưu đãi, nhưng có 2 hồ sơ chưa đầy đủ theo quy định đã hướng dẫn và trả lại để các cơ sở bổ sung. Chỉ có 1 hồ sơ đã được Quỹ tín dụng đầu tư và phát triển đồng ý cho vay nhưng thực tế vẫn chưa được giải ngân do doanh nghiệp đã tháo dỡ máy móc. Điều này cho thấy, chính sách hỗ trợ mà địa phương ban hành là không hiệu quả, không thực sự có tác dụng thúc đẩy, giúp đỡ các doanh nghiệp chuyển đổi công nghệ mới, khắc phục ô nhiễm môi trường.


CHƯA TẠO ĐƯỢC THÓI QUEN, Ý THỨC BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG

Cũng theo báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường, hằng năm Sở phối hợp với các sở, ngành liên quan, UBND các huyện, Thị xã xây dựng kế hoạch thanh kiểm tra, giám sát các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnhTuy nhiên, qua làm việc với Ban Quản lý các khu kinh tế tỉnh, qua xem xét các báo cáo địa phương, HĐND tỉnh nhận thấy công tác phối hợp còn nhiều bất cập, chưa đồng bộ, chưa chặt chẽ. Có những trường hợp khi người dân phản ánh sự việc đến cấp trên thì địa phương mới biết. Việc trao đổi, cung cấp thông tin giữa các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương chưa thường xuyên. Hầu hết các đợt kiểm tra, xử lý các vi phạm về bảo vệ môi trường ít được thông báo kết quả cho chính quyền và các cơ quan cấp huyện, xã và Ban Quản lý Khu kinh tế, dẫn đến việc thiếu thông tin trong việc quản lý các doanh nghiệp trong khu công nghiệp, khu kinh tế, làm giảm hiệu quả quản lý về môi trường…

Qua giám sát, Ban Kinh tế và Ngân sách HĐND tỉnh nhận thấy nổi lên một số vấn đề sau: Công tác thông tin tuyên truyền về bảo vệ môi trường chưa tạo được thói quen, ý thức tự giác chấp hành và giám sát việc thực hiện các quy định về bảo vệ môi trường trong các tầng lớp nhân dân và doanh nghiệp; vẫn còn nhiều doanh nghiệp chưa nắm vững và hiểu rõ các quy định của pháp luật về công tác bảo vệ môi trường. Công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc chấp hành nhiều quy định về bảo vệ môi trường đối với các doanh nghiệp và cơ sở sản xuất - kinh doanh chưa sâu sát, hiệu quả còn thấp. Có lúc, có nơi, tình trạng vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường đã trở nên nghiêm trọng, biểu hiện ngày càng tinh vi. Chính quyền cấp cơ sở chưa phát huy hết vai trò chủ động trong kiểm tra, giám sát và xử lý các vi phạm về bảo vệ môi trường, xử lý chưa kịp thời và thiếu kiên quyết; nhận thức, trách nhiệm (theo phân cấpcủa các cấp chính quyền còn nhiều hạn chế, còn cho đây là trách nhiệm của riêng ngành tài nguyên và môi trường.


TUÂN THỦ PHÁP LUẬT VỀ BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG CHƯA CAO

Việc tuân thủ pháp luật về bảo vệ môi trường của đa số doanh nghiệp chưa cao, việc đầu tư xây dựng hệ thống xử lý hoặc xây dựng các hệ thống xử lý chất thải chỉ mang tính chất đối phó. Một số cơ sở chỉ đầu tư ở mức tối thiểu, công nghệ và thiết bị không phù hợp nhằm đối phó dẫn đến tình trạng các công trình xử lý chất thải hoạt động không hiệu quả hoặc sau khi được cơ quan chức năng kiểm tra nghiệm thu công trình thì không đưa công trình vào vận hành (do ngại tốn nhân công, hoá chất, năng lượng...).

Công suất xử lý nước thải tập trung tại các khu công nghiệp đang hoạt động chưa đáp ứng khả năng xử lý lượng nước thải từ các cơ sở sản xuất. Điều này gây ảnh hưởng đến việc kêu gọi, thu hút đầu tư cũng như khả năng mở rộng, nâng công suất hoạt động của các cơ sở sản xuất trong khu công nghiệp. Bên cạnh đó, công tác quản lý việc thu gom, phân loại, vận chuyển và xử lý chất thải rắn, chất thải nguy hại tại các khu công nghiệp, các cơ sở y tế chưa chặt chẽ, không đúng quy định, nguy cơ gây ô nhiễm môi trường rất cao, nhưng chưa có giải pháp khắc phục.

Việc xử lý chất thải của hầu hết cơ sở y tế chưa được quan tâm đầu tư đúng mức; việc quản lý, phân loại và tiêu huỷ rác thải y tế chưa triệt để, hiệu quả còn thấp, nguy cơ gây ô nhiễm môi trường còn cao. Nhiều cơ sở tuy có đầu tư các công trình xử lý chất thải nhưng do không được vận hành, duy tu, bảo dưỡng nên hiện đã xuống cấp, nhất là phòng khám đa khoa khu vực, các trạm y tế xã. Ngoài ra, công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo đối với một số vụ việc gây ô nhiễm môi trường nước, môi trường không khí của các cơ sở sản xuất... chậm được giải quyết, để kéo dài, xử lý chưa triệt để các cơ sở gây ô nhiễm nghiêm trọng, làm ảnh hưởng đến môi trường sống của người dân.


CÁC KIẾN NGHỊ CẦN LƯU Ý THỰC HIỆN

Để khắc phục những tồn tại trên, Ban Kinh tế Ngân sách HĐND tỉnh kiến nghị UBND tỉnh kiên quyết không tiếp nhận những dự án có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao, các dự án có công nghệ cũ, lạc hậu và kêu gọi các nhà đầu tư mới đầu tư vào các khu cụm công nghiệp đã được tỉnh quy hoạch, không tiếp nhận các dự án nằm trong khu dân cư, thị trấn, thị tứ. Cần có sự xem xét chặt chẽ những yêu cầu về bảo vệ môi trường đối với các quy hoạch, dự án đầu tư ngay từ khâu phê duyệt, cấp phép. Hạn chế phê duyệt những dự án có tác động lớn hoặc tiềm ẩn nguy cơ cao đối với môi trường. Không cho phép đưa vào vận hành, sử dụng các cơ sở sản xuất không đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về bảo vệ môi trường nước thải, khí thải. Buộc các doanh nghiệp phải xả chất thải vào hệ thống xử lý tập trung của khu công nghiệp.

 

Theo baotayninh.vn

 

  Ý kiến bạn đọc

  Góp ý

Mã bảo mật   
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây