Rác thải Y tế - Nguy cơ cho sức khoẻ và môi trường

Thứ tư - 31/07/2013 23:30 850 0

Rác thải Y tế - Nguy cơ cho sức khoẻ và môi trường

Chất thải rắn y tế nguy hại hiện chiếm khoảng 20 - 25% chất thải rắn y tế trong bệnh viện. Đó là chất thải bệnh lý và chất thải lây nhiễm bao gồm các loại như: mô bệnh phẩm và cơ quan người từ các phòng mổ và tiểu phẫu; các bệnh phẩm nuôi cấy, mô hoặc xác động vật từ phòng thử nghiệm thải ra; các chất thải nhiễm trùng từ phòng cách ly và các khoa truyền nhiễm; các bông băng thấm dịch hoặc máu, kim tiêm, ống tiêm, lọ thuốc, dược phẩm hư hỏng và quá hạn sử dụng... Đây là một trong những nguồn tiềm ẩn lây lan bệnh tật, gây ô nhiễm môi trường nước và đất, tác động không nhỏ tới môi trường sinh thái và sức khoẻ cộng đồng nếu như không được kiểm soát nghiêm ngặt và xử lý đạt yêu cầu theo tiêu chuẩn môi trường quy định.

 

Đống vỏ thuốc vứt cặp đường vào hầm đá, xã Tân Phong, huyện Tân Biên

      NHỮNG BẤT CẬP TRONG VIỆC XỬ LÝ RÁC THẢI Y TẾ

     Hiện nay, tại tỉnh Tây Ninh có 5 bệnh viện tuyến tỉnh, 9 bệnh viện tuyến huyện, thị và trên 100 trạm y tế thuộc các cơ quan và phường, xã cùng có khá nhiều cơ sở y tế, phòng khám tư nhân. Tuy nhiên, chỉ có 7 bệnh viện hệ thống lò đốt chất thải y tế còn hoạt động tốt, còn lại hầu như là không có hoặc có cũng không hoạt động được. Trong số bệnh viện có lò đốt thì cũng có lò không có hệ thống xử lý khí thải. Ước tính lượng chất thải y tế trên địa bàn tỉnh bình quân thải ra là 0,3kg/giường/ngày, trong đó có 20% là chất thải rắn y tế nguy hại.

     Tại Bệnh viện Dương Minh Châu, trước đây rác thải y tế được tập trung tại lò đốt rác thải của bệnh viện. Nhưng lò đốt tại bệnh viện này tiêu hao khá nhiều nhiên liệu nên ít sử dụng. Đối với Bệnh viện Hoà Thành, bà Phạm Thị Hạnh, Giám đốc bệnh viện cho biết, hệ thống lò đốt rác thải y tế đã xuống cấp, hư hỏng nghiêm trọng gần 10 năm nay, nhưng vẫn chưa được đầu tư xây dựng lò mới. Vì vậy bệnh viện phải thuê nơi khác xử lý rác thải y tế. Ngoài ra, còn khá nhiều bệnh viện không có hệ thống lò đốt rác thải y tế như: Bệnh viện Điều dưỡng - Phục hồi chức năng; Bệnh viện Y học cổ truyền; Bệnh viện Châu Thành; Bệnh viện Tân Biên... Hầu hết các bệnh viện này đều hợp đồng với đơn vị thu gom và xử lý chất thải sinh hoạt. Cũng có một số bệnh viện tự xử lý nhưng bằng cách đốt thủ công hoặc chôn lấp.

     Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có một bãi chôn lấp rác thải quy mô khá lớn ở xã Tân Hưng, huyện Tân Châu. Tuy nhiên, có điều bất cập làm cho không ít người quan tâm băn khoăn là rác thải y tế cũng được chôn lấp cùng với rác thải sinh hoạt. Một người làm công việc thu gom ve chai, bọc mủ tại bãi chôn lấp rác cho biết, hiện nay lượng rác thải y tế vẫn còn, có thể là do các phòng khám vứt chung với rác thải sinh hoạt và những loại rác thải y tế bằng mủ được anh thu gom và bán lại.

     Ngoài bãi chôn lấp rác thải được quy hoạch đàng hoàng như ở Tân Châu, cũng có không ít bãi rác tự phát. Tại hầm đá, trên đường vào xóm người Chăm thuộc xã Tân Phong, huyện Tân Biên, một lượng rác thải- trong đó có rác thải y tế như bông băng, vỏ vỉ thuốc và hàng trăm chai, lọ thuốc thuỷ tinh vứt ngổn ngang, không được thu gom và xử lý.

     Đó là những thực trạng về chôn lấp, còn việc xử lý rác thải y tế cũng đang tồn tại không ít điều bất cập. Ở một số bệnh viện tuyến huyện, tuy đã có lò đốt thiêu huỷ rác thải y tế, nhưng để sử dụng được lò đốt này phải tiêu hao nhiều nhiên liệu. Dù đã bỏ ra nguồn kinh phí khá lớn để đầu tư, đào tạo nhân lực vận hành, nhưng chi phí cho việc đốt rác thải y tế thì bệnh viện lại không kham nổi. Theo tính toán của các bệnh viện, hiện nay, để đốt hết 1kg chất thải y tế độc hại, có khi phải hao tốn tới đến 4kg dầu, với giá bình quân khoảng 20.000 đồng/kg dầu thì mỗi 1kg rác thải y tế phải chịu phí tổn khoảng 80.000 đồng. Đối với bệnh viện huyện, chi phí để đốt rác thải y tế như thế quả không nhỏ. Và để xử lý số lượng rác thải y tế đầy nguy hại này, một số bệnh viện phải thuê các bệnh viện có lò đốt đạt chuẩn để xử lý hoặc tự chôn lấp.

     Riêng ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã được trang bị 2 lò đốt rác, trong đó lò đốt chính được lắp đặt năm 2011, còn một lò đốt được lắp đặt từ năm 2003 trở thành lò đốt phụ, có vai trò dự phòng khi lò chính gặp sự cố. Vừa qua, Viện Vệ sinh y tế công cộng TP. Hồ Chí Minh đã đến bệnh viện này kiểm tra quan trắc môi trường và kết luận môi trường bệnh viện đạt tiêu chuẩn an toàn. Tuy nhiên, thời gian qua lò chính bị hư đầu đốt nên bệnh viện đã phải sử dụng lò đốt phụ. Do lò này hoạt động đã 10 năm nên công suất và chất lượng khí thải không thể bằng lò đốt chính, nên mỗi khi lò vận hành là có mùi hôi của rác thải y tế khi cháy.

     Theo con số thống kê sơ bộ, hiện toàn tuyến y tế cấp tỉnh có tới 60% cơ sở y tế thuê xử lý rác thải; 40% sử dụng lò đốt 1 buồng. Ở cấp huyện tỷ lệ này còn đáng ngại hơn nhiều, bởi chỉ có trên 36% cơ sở xử lý bằng cách tự đốt hoặc chôn lấp. Riêng ở 7 bệnh viện có lò đốt rác y tế đạt tiêu chuẩn cũng có điều bất cập. Bởi vì dù đã được trang bị lò đốt, nhưng trong đó có không ít lò không có hệ thống xử lý khí thải nên không thể kiểm soát được các loại khí độc hại. Do đó, nguy cơ gây ô nhiễm thứ cấp từ khói thải là rất cao.

     NGUY CƠ TIỀM ẨN

     Với cách xử lý rác thải rắn y tế chưa đúng chuẩn của một số bệnh viện như hiện nay, nguy cơ gây ra bệnh tật cho con người là điều hoàn toàn có thể xảy ra. Không chỉ những người ở trong bệnh viện mà cả người ở ngoài bệnh viện đều có nguy cơ tiềm ẩn bị phơi nhiễm từ các chất thải y tế nguy hại. Đặc biệt, những người có nguy cơ cao bị phơi nhiễm là cán bộ, nhân viên y tế như bác sĩ, điều dưỡng, nữ hộ sinh, kỹ thuật viên; bệnh nhân, người nhà bệnh nhân và khách đến thăm nuôi người bệnh. Kể cả công nhân làm việc trong bộ phận hỗ trợ thu gom chất thải, vận chuyển rác, giặt là, những công nhân trong cơ sở xử lý và tiêu huỷ chất thải như bãi rác hoặc lò đốt, thậm chí cả những người lượm nhặt rác... đều có thể bị phơi nhiễm chất thải y tế nguy hại. Bởi mầm bệnh có thể xâm nhập vào cơ thể con người qua nhiều đường khác nhau như: vết thương, vết cắt trên da, niêm mạc, hệ thống hô hấp, hệ thống tiêu hoá... Trong quá trình tái chế, tái sử dụng, nếu không được xử lý một cách an toàn thì các chất độc hại có thể lây nhiễm qua các sản phẩm sau khi tái chế, gây ảnh hưởng sức khoẻ cho người sử dụng.

     Nguy cơ về chất thải độc hại có trong chất thải bệnh viện cũng có thể làm cho nguồn nước của môi trường sống bị nhiễm bẩn. Bởi trong đó có thể có chứa các vi sinh vật gây bệnh, kim loại nặng- chủ yếu là chất thuỷ ngân từ nhiệt kế bị vỡ và chất bạc từ quá trình tráng rửa phim X quang. Ngoài ra, một số loại dược phẩm được thải ra không qua xử lý cũng có thể gây nhiễm độc nguồn nước cung cấp. Đồng thời, việc xả các chất thải lâm sàng chung nước thải lây nhiễm vào hệ thống nước thải thông thường cũng có thể tiềm ẩn yếu tố nguy cơ gây ô nhiễm nguồn nước do làm tăng chất hữu cơ BOD (biochemical oxygen demand).

     Trong môi trường đất, nếu chất thải y tế không được tiêu huỷ bảo đảm an toàn- như chất tro trong lò đốt hay chất bùn của hệ thống xử lý nước thải cũng là yếu tố làm ảnh hưởng đến môi trường. Các chất ô nhiễm từ các bãi rác có khả năng rò rỉ, thoát ra bên ngoài cũng sẽ gây ô nhiễm nguồn nước và đất.

Lò đốt rác của Bệnh viện Đa khoa Tây Ninh “nhả” khói đen mờ mịt

     Bên cạnh đó, chất thải y tế xử lý thủ công cũng có nguy cơ gây ảnh hưởng đến môi trường không khí. Bởi vì phần lớn các chất thải nguy hại này đều được thiêu đốt trong điều kiện không lý tưởng. Trong quá trình thiêu đốt, khi rác thải đưa vào quá nhiều nhưng lò không đủ nhiệt độ sẽ gây ra nhiều khói đen. Nếu đốt chất thải y tế đựng trong các túi nhựa nylon cùng với các loại dược phẩm nhất định có thể tạo ra các loại khí độc hại. Những kim loại nặng cũng có thể phát tán, thải ra theo khí thoát ra từ lò đốt, có nguy cơ gây ảnh hưởng tới môi trường và có thể tác động đến hệ sinh thái và sức khoẻ của con người trong thời gian dài.

     Ngoài ra, trong quá trình thu gom, lưu giữ và vận chuyển rác thải y tế từ nơi này đến nơi khác để xử lý, thiêu huỷ, rất có thể cả con người và môi trường chung quanh bị ảnh hưởng do các chất thải y tế nguy hại bị rò rỉ. Việc vận chuyển đi ra ngoài môi trường trên những xe không chuyên dụng, không có gắn định vị để quản lý, có thể xảy ra trường hợp rơi vãi các chất thải y tế lây nhiễm- đặc biệt là loại chất thải lây nhiễm có nguy cơ cao, làm lây lan mầm bệnh cho người và gây ô nhiễm môi trường đất và nước.

     GIẢI PHÁP CÒN BỎ NGỎ

     Vấn đề xử lý chất thải y tế- đặc biệt là chất thải y tế nguy hại đã được các cấp và các ngành chức năng quan tâm từ nhiều năm qua. Tuy nhiên, thực trạng vẫn còn đó và chưa có giải pháp xử lý triệt để. Nhiều người quan tâm cho rằng cần tăng cường hơn nữa việc quản lý, đầu tư xây dựng hệ thống xử lý rác thải y tế hoàn chỉnh, đồng thời có khoản chi cho việc vận hành hệ thống xử lý để phát huy tối đa hiệu quả của việc xử lý chất thải tại các bệnh viện.

Theo ông Trần Minh Sơn, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường - Sở Tài nguyên và Môi trường Tây Ninh, việc  xử lý rác thãi y tế bằng cách chôn lấp thông thường là không cho phép vì nó có thể gây ô nhiễm môi trường xung quanh; khi thuê xử lý rác vận chuyển từ nơi này tới nơi khác nếu không được vận chuyển đúng quy cách cũng có thể gây ảnh hưởng tới môi trường. Vì vậy, theo quy định việc vận chuyển rác thải y tế bắt buộc phải vận chuyển bằng xe chuyên dụng và phải có gắn thiết bị định vị trên xe để quản lý và theo dõi quá trình vận chuyển.

 

Về phía ngành y tế, bà Tô Thị Thái Sương, Phó Giám đốc Bệnh viện Điều dưỡng phục hồi chức năng cho rằng việc đốt rác thải y tế, tình trạng khói đen bốc lên như các lò đốt thông thường như hiện nay là rất độc hại. Khi khói lùa vào môi trường, vào các phòng các chất độc không thể thoát ngoài được .

Theo baotayninh.vn

  Ý kiến bạn đọc

  Góp ý

Mã bảo mật   
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây