Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cấp trùng lên đất lâm nghiệp- xử lý thế nào?

Thứ ba - 26/03/2013 14:45 873 0

Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cấp trùng lên đất lâm nghiệp- xử lý thế nào?

Qua hơn 3 năm thực hiện Quyết định 875/QĐ-UBND của UBND tỉnh về giải quyết tình trạng bao, lấn chiếm, sử dụng đất lâm nghiệp không đúng mục đích trên địa bàn tỉnh, đến nay toàn tỉnh đã xử lý thu hồi được 3.886,6 ha- đạt 94,4% tổng diện tích phải xử lý. Diện tích bị bao, lấn chiếm- chỉ còn có 5,6% nhưng rất khó xử lý, bởi vì hầu hết là các trường hợp có giấy CNQSDĐ cấp trùng lên đất lâm nghiệp, đồng thời có một số trường hợp có hợp đồng hoặc có giấy xác nhận cho trồng cây không đúng mục đích.

     Những vướng mắc trong xử lý

 

    Theo kết luận của thanh tra các huyện và kết quả phúc tra của tỉnh, toàn tỉnh phát hiện có 235 giấy CNQSDĐ cấp trùng lên đất lâm nghiệp với tổng diện tích là 378,46 ha, trong đó: rừng đặc dụng có 48 giấy với diện tích 74,3 ha; rừng phòng hộ có 10 giấy với diện tích là 29,66 ha và rừng sản xuất có 177 giấy với diện tích 274,5 ha. Trong thời gian qua, các huyện đã xử lý thu hồi được 14 giấy với diện tích là 21,99 ha, gồm: 4 giấy thuộc quy hoạch đất rừng phòng hộ với diện tích 9,4 ha, 10 giấy thuộc đất rừng đặc dụng với diện tích 12,59 ha. Sau khi thu hồi giấy CNQSDĐ, cả 14 trường hợp này đều đã tự nguyện hợp đồng nhận khoán trồng rừng. Như vậy đến nay còn lại đến 221 giấy CNQSDĐ cấp trùng lên đất lâm nghiệp với diện tích 356,47 ha chưa giải quyết thu hồi dứt điểm. Trong đó có 6 giấy thuộc đất rừng phòng hộ với diện tích 20,26 ha, 38 giấy thuộc đất rừng đặc dụng với diện tích 61,71 ha và 177 giấy thuộc đất rừng sản xuất với diện tích 274,5 ha. Như vậy, tiến độ xử lý các trường hợp cấp giấy CNQSDĐ trùng lên đất lâm nghiệp trong thời gian qua là rất chậm.

Khảo sát tình trạng trồng cây không đúng mục đích trên đất lâm nghiệp

    Nguyên nhân khiến cho nhiều trường hợp cấp giấy CNQSDĐ trùng lên đất lâm nghiệp chưa được xử lý dứt điểm là do trên diện tích được cấp giấy này người dân đã sản xuất nông nghiệp, trong đó có không ít diện tích đã được trồng cây lâu năm như cây cao su, cây ăn quả. Theo nguyên tắc, việc cấp trùng giấy CNQSDĐ lên đất lâm nghiệp là sai sót của cơ quan có thẩm quyền cấp giấy, còn người đã được cấp giấy thì vẫn được quyền sử dụng theo quy định để thực hiện định hướng phát triển sản xuất của mình. Do đó khi xử lý thu hồi đất, nếu phải phá bỏ cây trồng không đúng mục đích để chuyển sang trồng rừng đối với các trường hợp đã có giấy CNQSDĐ, thì không thể áp dụng các biện pháp như các trường hợp tự ý bao chiếm sử dụng đất lâm nghiệp không đúng mục đích. Tuy nhiên, khi tiến hành xử lý thì những trường hợp cấp giấy CNQSDĐ trên đất lâm nghiệp không được tính đến, nên chưa có quy định cụ thể cho việc giải quyết các trường hợp này.

    Ngoài ra, cũng có một số trường hợp trồng cây không đúng mục đích trên đất lâm nghiệp chưa xử lý được do người trồng có hợp đồng, hoặc có giấy xác nhận cho phép trồng. Theo báo cáo của huyện Tân Biên và Tân Châu thì trên địa bàn 2 huyện này có 13 trường hợp có hợp đồng cho phép trồng cây cao su, cây ăn quả không đúng mục đích, sai quy hoạch. Trong quá trình giải quyết đất lâm nghiệp bị bao chiếm, huyện Tân Châu đã xử lý được 4 hợp đồng với diện tích là 10,9 ha. Hiện nay còn lại 9 hợp đồng với diện tích 89,2 ha chưa giải quyết, trong đó huyện Tân Biên còn 2 hợp đồng với diện tích là 21,5 ha và huyện Tân Châu còn 7 hợp đồng với diện tích là 67,7 ha, trên đó đang trồng cây cao su. Nguyên nhân của việc ký hợp đồng trồng cây không đúng mục đích, sai quy hoạch ở mỗi nơi khác nhau, trong đó có trường hợp do dự án rừng giải thể, sáp nhập và cũng có trường hợp do công tác xác định bản đồ, ranh giới chưa chuẩn khiến ban quản lý xác định sai vị trí.

    Thực tế, cho dù những hộ trên có trồng cây trên đất lâm nghiệp không đúng mục đích, sai quy hoạch, nhưng vì đã có hợp đồng với Ban Quản lý rừng nên không thể xử lý thu hồi như những hộ bao, lấn chiếm khác. Tuy nhiên, khi tiến hành xử lý thì những trường hợp này cũng chưa được dự kiến đến, nên chưa có quy định cụ thể hướng giải quyết.

     Đề xuất biện pháp giải quyết

    Để giải quyết dứt điểm các trường hợp còn tồn đọng nêu trên, sau khi rà soát, tham khảo ý kiến các ban quản lý rừng, các địa phương, các ngành chức năng và các đối tượng liên quan, đầu năm 2013 Ban Chỉ đạo giải quyết đất lâm nghiệp bị bao, lấn chiếm của tỉnh đã đề xuất biện pháp và xin chủ trương giải quyết các trường hợp trên.

     Trước tiên, đối với các trường hợp có giấy CNQSDĐ cấp trùng lên đất lâm nghiệp, UBND các huyện sẽ tiếp tục chỉ đạo thu hồi toàn bộ. Đối với rừng đặc dụng và phòng hộ, do diện tích được cấp ở mỗi giấy CNQSDĐ có phần trùng lên đất lâm nghiệp và có thể có phần không trùng, nên Ban Quản lý rừng phối hợp chính quyền địa phương đo lại toàn bộ diện tích đã được cấp để xác định chính xác phần diện tích trùng và không trùng đất lâm nghiệp. Phần không trùng đất lâm nghiệp đề nghị chính quyền địa phương làm thủ tục cấp lại giấy CNQSDĐ theo quy định. Phần trùng đất lâm nghiệp đúng với diện tích đã được cấp trước đây, các đơn vị quản lý rừng ký hợp đồng sử dụng đất đến hết thời hạn 20 năm đối với cây hằng năm và 25 năm đối với cây lâu năm (ghi trên giấy CNQSDĐ)- kể từ thời điểm cấp giấy. Sau thời hạn này, nếu hộ hợp đồng có nhu cầu tiếp tục sử dụng đất thì các đơn vị quản lý rừng tiếp tục ký hợp đồng trồng rừng theo quy hoạch. Đối với những trường hợp số diện tích trùng đất lâm nghiệp thực tế nhiều hơn so với diện tích được cấp thì phần dôi ra, các đơn vị quản lý rừng thu hồi chuyển sang trồng rừng theo đúng quy hoạch.

    Đối với rừng sản xuất (có đa số giấy CNQSDĐ cấp trùng chưa giải quyết) thì biện pháp cũng là thu hồi tất cả các giấy CNQSDĐ cấp trùng lên đất lâm nghiệp. Tinh thần chung là sau khi đã thu hồi giấy cấp trùng, đơn vị quản lý rừng chuyển sang giao khoán đất lâm nghiệp cho người bị thu hồi giấy được tiếp tục sử dụng ổn định lâu dài để trồng rừng sản xuất- kể cả cây cao su. Nếu trồng cao su thì hợp đồng giao khoán 1 chu kỳ là 25 năm, sau thời gian này thì tiếp tục thực hiện theo phương án phát triển rừng sản xuất.

    Riêng một số trường hợp giấy CNQSDĐ cấp trùng lên đất lâm nghiệp, mục đích sử dụng ngoài đất trồng cây còn có ghi cả đất ở nông thôn và thực tế trên đó chủ sử dụng cũng đã cất nhà, thì phần đất ở gắn với nhà sẽ được giải quyết riêng theo dự án quy hoạch bố trí dân cư.

    Còn những trường hợp có ký hợp đồng cho trồng cây không đúng mục đích, sai quy hoạch, căn cứ thời hạn ghi trên hợp đồng, nếu là 20 năm (chỉ có 1 trường hợp trồng cây ăn quả) thì vẫn cho tiếp tục kéo dài đến hết thời gian, nếu là 50 năm (có 8 trường hợp trồng cây cao su) thì vận động điều chỉnh lại thời hạn là 25 năm theo chu kỳ cây cao su- tính từ khi ký hợp đồng. Sau thời hạn này, Ban Quản lý rừng tiếp tục hợp đồng trồng rừng với các hộ theo quy hoạch.

    Đề xuất của Ban Chỉ đạo giải quyết tình trạng đất lâm nghiệp bị bao, lấn chiếm sử dụng không đúng mục đích cơ bản được các địa phương, đơn vị quản lý rừng, các ngành chức năng và hầu hết các đối tượng liên quan đồng tình.

Báo Tây Ninh

  Ý kiến bạn đọc

  Góp ý

Mã bảo mật   
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây