Giải pháp cho việc cấp Giấy Chứng nhận quyền sử dụng đất

Thứ ba - 26/03/2013 14:50 760 0

Giải pháp cho việc cấp Giấy Chứng nhận quyền sử dụng đất

Tổng số lượng cần cấp Giấy Chứng nhận quyền sử dụng đất lần đầu trong năm 2013 của 22 tỉnh, thành phố là rất lớn, chiếm trên 70% khối lượng phải thực hiện trong năm 2013 của cả nước. Vì vậy, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) yêu cầu 22 tỉnh, thành phố trọng điểm phải tăng tốc cấp Giấy Chứng nhận trong năm 2013. Đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng, nặng nề và hết sức cấp bách đối với 22 tỉnh, thành phố trước yêu cầu Quốc hội đề ra” - Bộ trưởng Bộ TN&MT Nguyễn Minh Quang đã đề nghị như vậy tại Hội nghị bàn về các giải pháp đẩy mạnh việc cấp Giấy Chứng nhận quyền sử dụng đất (GCN) lần đầu nhằm hoàn thành cơ bản trong năm 2013 tại 22 tỉnh, thành phố trọng điểm diễn ra vào ngày 25/3. Cùng dự có Thứ trưởng kiêm Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý đất đai Nguyễn Mạnh Hiển, đại diện lãnh đạo UBND 22 tỉnh, thành phố trọng điểm.

Bộ trưởng Bộ TN&MT Nguyễn Minh Quang phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị

                  Nhiều vướng mắc

Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang cho rằng, mặc dù số GCN cả nước đã cấp là 34,5 triệu Giấy Chứng nhận với diện tích 19,6 triệu ha, đạt 81% diện tích cần cấp. Tuy nhiên, vẫn còn một số địa phương chưa thực hiện đầy đủ các giải pháp theo Chỉ thị số 1474/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, tiến độ cấp Giấy Chứng nhận còn chậm. Tuy nhiên, còn một số địa phương chưa coi trọng, chưa tập trung chỉ đạo, có tỉnh còn chưa có văn bản chỉ đạo, vì vậy việc triển khai còn chậm, chưa tạo sự chuyển biến rõ rệt trong thực hiện.
 Đặc biệt 22 tỉnh, thành phố trọng điểm còn có nhiều loại đất đạt thấp nhất cả nước (đạt dưới 70% diện tích cần cấp), tập trung ở 9 tỉnh vùng miền núi phía Bắc, một số tỉnh ở các vùng đồng bằng Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ, Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và Đông Nam Bộ; đặc biệt 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh có số lượng tồn đọng chưa cấp Giấy Chứng nhận đối với đất ở còn rất lớn.
  Theo các đại biểu, nguyên nhân chính của việc chậm cấp GCN lần đầu ở các địa phương là do kinh phí đầu tư cho thực hiện đo đạc lập bản đồ địa chính, cấp GCN, xây dựng cơ sở địa chính ở phần lớn các tỉnh rất hạn chế so với yêu cầu; hầu hết các địa phương đều không dành đủ 10% mức tối thiểu tiền thu từ sử dụng đất cho việc cấp GCN theo Chỉ thị 1474/CT-TTg. Ngoài ra, lực lượng chủ chốt thực hiện việc cấp GCN là cán bộ địa chính xã và Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất các cấp, tuy nhiên, lực lượng này còn hạn chế cả về số lượng lẫn chất lượng… Bên cạnh đó, thủ tục hành chính về cấp GCN ở một số địa phương thực hiện còn phức tạp, chưa đúng quy định, thời gian thực hiện thủ tục ở nhiều nơi, nhiều trường hợp còn kéo dài, tình trạng gây phiền hà, nhũng nhiễu trong cấp Giấy vẫn còn tiếp diễn ở một số địa phương, gây bức xúc trong dư luận.
Thứ trưởng Nguyễn Mạnh Hiển phát biểu tại Hội nghị
 
Giải pháp để đẩy mạnh cấp GCN
 Theo ông Lê Văn Lịch, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý đất đai, về tổ chức chỉ đạo thực hiện, UBND các cấp cần xác định việc cấp GCN là nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2013, phải ưu tiên, tập trung chỉ đạo quyết liệt để thực hiện đầy đủ, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị 1474. Đồng thời, các địa phương cần thành lập Ban chỉ đạo, tổ công tác liên ngành thường xuyên kiểm tra, đôn đóc thực hiện để kịp thời tháo gỡ những khó khăn vướng mắc trong quá trình thực hiện ở từng xã, huyện không để việc cấp GCN bị ách tắc kéo dài.
Về tài chính, UBND các tỉnh, thành phải dành tối thiểu 10% tiền sử dụng đất cho công tác đo đạc bản đồ địa chính và cấp GCCN theo đúng Chỉ thị 1474CT-TTg và thực hiện điều chỉnh ngân sách 2013 để bố trí kinh phí thống nhất từ ngân sách tỉnh cho từng xã, huyện gắn với việc giao chỉ tiêu cấp GCN để đảm bảo thực hiện chỉ tiêu được giao. Đồng thời, tiếp tục hỗ trợ kinh phí từ ngân sách Trung ương cho các tỉnh, thành trọng điểm theo mức quy định tại Công văn số 3618/VPCP-KTTH ngày 30/5/2008 của Văn phòng Chính phủ (phần kinh phí hỗ trợ của Trung ương chỉ dùng cho cấp GCN).
Về cơ chế chính sách, các địa phương đã quyết định chuyển giao việc chứng thực hợp đồng chuyển quyền sử dụng đất của hộ gia đình, cá nhân ở các xã do UBND xã thực hiện sang cơ quan công chứng thì phải bãi bỏ quy định này để người dân có thể chứng thực tại cả hai nơi. Ngoài ra, các địa phương chưa thực hiện việc ghi nợ tiền sử dụng đất và lệ phí trước bạ khi cấp GCN lần đầu cho hộ gia đình, cá nhân theo quy định tại Nghị định 120/2010/NĐ-CP và Nghị định 45/2011/NĐ-CP thì phải thực hiện ngay việc ghi nợ cho tất cả các hộ gia đình, cá nhân phải nộp nhưng có nhu cầu ghi nợ. Với các tổ chức, doanh nghiệp Nhà nước đang sử dụng đất mà chưa thực hiện hoặc chưa hoàn thành việc rà soát, sắp xếp lại cơ sở nhà đất theo Quyết định số 09/2007/QĐ-TTg và Thông tư 83/2007/TT-BTC thì vẫn cấp GCN theo hiện trạng sử dụng mà không chờ sắp xếp xong, sau đó nếu có thay đổi thì đăng ký biến động theo quy định pháp luật. Bên cạnh đó, phải sửa đổi quy định về thu lệ phí theo hướng dẫn thu lệ phí trước bạ khi cấp GCN lần đầu cho các hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất ở trong năm 2013 và giảm mức thu xuống còn 0,2% trong năm 2014 để khuyến khích người dân thực hiện đăng ký đất đai.
 Về tổ chức thực hiện, Sở TN&MT và Văn phòng Đăng ký các cấp phải cử cán bộ tăng cường cho các xã, phối hợp với UBND các xã tổ chức cho người dân, các tổ chức sử dụng đất kê khai đăng ký đồng loạt cho từng xã, không thụ động chờ người sử dụng đất tới đăng ký như trước đây. Đồng thời, phối hợp với UBND xã cùng thực hiện việc xét duyệt hồ sơ ngay tại xã mà không phân đoạn xét duyện theo từng cấp để đảm bảo việc xét duyệt cấp GCN được thực hiện nhanh gọn… Ngoài ra, UBND các tỉnh, thành phố cần tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền về cấp GCN.
Toàn cảnh Hội nghị
 
 Thứ trưởng Nguyễn Mạnh Hiển cho biết, tới đây Bộ sẽ sớm làm việc với các Bộ, ngành có liên quan nhằm sớm giải quyết những vướng mắc trong việc cấp GCN lần đầu của các địa phương đã phản ánh trong Hội nghị. Ngoài ra, Thứ trưởng yêu cầu các địa phương cần quan tâm hơn nữa trong việc chỉ đạo, giám sát việc thực hiện để hoàn thành nhiệm vụ của Quốc hội, Chính phủ đề ra.
Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang đề nghị, UBND các tỉnh, thành phố cần tập trung chỉ đạo các ngành, các cấp phối hợp chặt chẽ, thực hiện đầy đủ, đồng bộ, kịp thời các nhiệm vụ, giải pháp theo Chỉ thị 1474/CT-TTg và các giải pháp bổ sung, cụ thể hóa đã thống nhất trong Hội nghị.
 Đồng thời, Bộ trưởng cũng đề nghị Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ kinh phí cho các tỉnh khó khăn để cấp Giấy Chứng nhận, xây dựng cơ sở dữ liệu địa chính trong năm 2013; quyết định miễn thu lệ phí trước bạ khi cấp Giấy Chứng nhận lần đầu cho hộ gia đình, cá nhân trong năm 2013 và giảm mức thu còn 0,2 % trong năm 2014; hướng dẫn việc xử lý các trường hợp chủ đầu tư dự án phát triển nhà ở chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính về đất đai; sửa đổi bổ sung các quy định về thu tiền sử dụng đất, phí, lệ phí, khi cấp Giấy Chứng nhận; sửa đổi cơ chế tài chính liên quan hoạt động của Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất.
 Bộ Xây dựng cần kiểm tra, hướng dẫn việc xác định diện tích căn hộ chung cư khi ký hợp đồng mua bán; hướng dẫn xử lý các trường hợp xây dựng nhà ở trái phép hoặc không đúng giấy phép và nhà chung cư mi ni xây dựng không bảo đảm tiêu chuẩn quy định của pháp luật nhà ở để tháo gỡ vướng mắc trong việc cấp Giấy Chứng nhận đối với các trường hợp này. Bộ Tư pháp cần hướng dẫn các địa phương lộ trình chuyển việc chứng thực các hợp đồng giao dịch về đất đai do Ủy ban nhân dân cấp xã đang thực hiện sang cơ quan công chứng thực hiện cho phù hợp với điều kiện thực tế hiện nay.

 Bộ Tài nguyên và Môi trường

  Ý kiến bạn đọc

  Góp ý

Mã bảo mật   
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây