Ảnh minh họa
Những điểm mới của Luật Đất đai gắn với cải cách TTHC
Thực hiện chủ trương cải cách TTHC về đất đai theo Nghị quyết số 19/NQ-TW Hội nghị lần thứ 6 Ban chấp hành Trung ương khóa XI và một số nhiệm vụ trọng tâm cải cách hành chính trong hình thành và thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất; nhằm khắc phục những tồn tại, bất cập trên thực tiễn, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp và cải thiện môi trường đầu tư, Luật Đất đai và các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật đã được rà soát, sửa đổi theo hướng đơn giản hóa các TTHC trong lĩnh vực đất đai.
Luật Đất đai năm 2013 quy định có tính nguyên tắc chung về các loại TTHC về đất đai, nội dung và hình thức công khai TTHC về đất đai; quy định cụ thể về trình tự, TTHC thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh, phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng; còn các TTHC khác Chính phủ sẽ quy định cụ thể để thuận lợi cho việc thực hiện cải cách TTHC.
Luật Đất đai năm 2013 còn bổ sung quy định về việc xây dựng hệ thống thông tin đất đai, cơ sở dữ liệu đất đai, giao dịch điện tử trong lĩnh vực đất đai; bổ sung quy định xử lý trách nhiệm của người thực thi công vụ mà có hành vi vi phạm trong quá trình thực hiện các TTHC và thực thi chính sách, pháp luật về đất đai.
Để cụ thể hóa các quy định của Luật Đất đai, Nghị định số 43/2014/NĐ-CP của Chính phủ và các Thông tư quy định chi tiết thi hành Luật đã được xây dựng theo hướng lồng ghép các TTHC về đầu tư, xây dựng, tài chính, loại bỏ các TTHC con; đơn giản hóa thành phần hồ sơ; quy định cụ thể việc cung cấp thông tin và luân chuyên hồ sơ giữa các cơ quan Nhà nước trong quá trình thực hiện thủ tục, rút ngắn thời gian thực hiện TTHC. Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đã ban hành 11 Thông tư trong đó có hướng dẫn về hồ sơ thực hiện TTHC về đất đai để áp dụng chung trong cả nước ngay từ thời điểm Luật Đất đai 2013 có hiệu lực thi hành (ngày 01/7/2014).
Đơn giản hóa, giảm phiền hà cho người dân và doanh nghiệp
Đây là tiêu chí đối với các TTHC về đất đai mới được công bố. Theo đó, việc tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả thông qua bộ phận một cửa; việc trả kết quả giải quyết TTHC không quá 03 ngày làm việc kể từ ngày có kết quả giải quyết (trừ thời gian thực hiện nghĩa vụ tài chính).
Về số lượng TTHC giảm đi đáng kể. Tổng số TTHC về đất đai công bố là 41 TTHC đối với nơi đã thành lập Văn phòng đăng ký đất đai một cấp (giảm 30 TTHC so với công bố trước đây), là 62 TTHC đối với nơi chưa thành lập Văn phòng đăng ký đất đai một cấp (giảm 9 TTHC so với công bố trước đây).
Cụ thể như sau: Về thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất: 12 TTHC (trong đó: sửa đổi, bổ sung 10 TTHC, bổ sung mới 02 TTHC gồm: Thẩm định nhu cầu sử dụng đất, thẩm định điều kiện giao đất, thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất; Thu hồi đất ở trong khu vực bị ô nhiễm môi trường có nguy cơ đe dọa tính mạng con người, đất ở có nguy cơ sạt lở, sụt lún, bị ảnh hưởng bởi hiện tượng thiên tai khác đe dọa tính mạng con người).
Về đăng ký đất đai, cấp giấy chứng nhận (GCN) quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất: 23 TTHC đối với trường hợp đã thành lập Văn phòng đăng ký đất đai một cấp; 44TTHC đối với trường hợp chưa thành lập Văn phòng đăng ký đất đai một cấp (gồm 21 TTHC ở cấp tỉnh và 23 TTHC ở cấp huyện). Trong đó, bổ sung mới 04 TTHC, gồm: Đăng ký đất đai lần đầu đối với trường hợp được Nhà nước giao đất để quản lý; Đăng ký xác lập quyền sử dụng hạn chế thửa đất liền kề sau khi được cấp GCN lần đầu và đăng ký thay đổi, chấm dứt quyền sử dụng hạn chế thửa đất liền kề; Xác nhận tiếp tục sử dụng đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân khi hết hạn sử dụng đất đối với trường hợp có nhu cầu; Chuyển từ hình thức thuê đất trả tiền hàng năm sang thuê đất trả tiền một lần hoặc từ giao đất không thu tiền sử dụng đất sang thuê đất hoặc từ thuê đất sang giao đất có thu tiền sử dụng đất.
Các TTHC khác: Bổ sung 01 TTHC trong lĩnh vực giá đất, 01 TTHC về cung cấp dữ liệu đất đai và 04 TTHC về hòa giải, giải quyết tranh chấp đất đai.
Về thời gian thực hiện TTHC: Nghị định số 43/2014/NĐ-CP của Chính phủ đã quy định tổng thời gian giải quyết đối với từng TTHC về đất đai theo hướng giảm thời gian thực hiện hơn so với trước đây. Nghị định không quy định về thời gian thực hiện từng bước trong TTHC mà giao UBND cấp tỉnh quy định để phù hợp với điều kiện cụ thể của từng địa phương.
Thủ tục thu hồi đất để sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh, phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng được quy định cụ thể trong Luật theo hướng rút ngắn hơn thời gian thực hiện thông qua các quy định như: Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền được thực hiện thu hồi đất trước khi hết thời hạn thông báo thu hồi đất theo quy định (Khoản 1 Điều 67 Luật Đất đai quy định phải thông báo trước 90 ngày đối với đất nông nghiệp và 180 ngày đối với đất phi nông nghiệp) khi người sử dụng đất trong khu vực thu hồi đất đồng ý; đồng thời bổ sung quy định cưỡng chế kiểm đếm bắt buộc để lập phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư nhằm khắc phục trường hợp người có đất thu hồi không hợp tác trong kiểm đếm dẫn đến kéo dài thời gian thực hiện TTHC; Bãi bỏ việc xây dựng và phê duyệt phương án tổng thể bồi thường, hỗ trợ, tái định cư (rút ngắn được 30 ngày).
UBND cấp tỉnh hoặc UBND cấp huyện (được ủy quyền) quyết định thu hồi đất đối với trường hợp khu đất thu hồi có cả tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, thay cho việc cả hai cấp phải quyết định thu hồi đất như trước đây (rút ngắn được 05 ngày).
Việc quyết định thu hồi đất và phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư được thực hiện trong cùng một ngày (rút ngắn được 05 ngày).
Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày quyết định thu hồi đất, cơ quan, tổ chức có trách nhiệm bồi thường phải chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ cho người có đất thu hồi (pháp luật trước Luật Đất đai năm 2013 không quy định cụ thể thời gian chi trả).
Hiệu quả từ mô hình Văn phòng Đăng ký đất đai một cấp
Kết quả thí điểm thực hiện mô hình Văn phòng Đăng ký đất đai một cấp trong 2 năm qua đã chứng minh về việc giảm thời gian thực hiện thủ tục đăng ký, cấp GCN trên thực tế; đối với nhiều loại TTHC đã từ 1/3 đến 1/2 thời gian thực hiện so với trước đây. Cụ thể thí điểm tại tỉnh Hà Nam: thời gian cấp GCN lần đầu giảm từ 33 ngày xuống còn 12 ngày, cấp chứng nhận quyền sở hữu tài sản giảm từ 30 ngày xuống còn 8 ngày; tại thành phố Đà Nẵng: thời gian cấp GCN lần đầu giảm từ 33 ngày xuống còn 15 ngày, đăng ký biến động giảm từ 15 ngày xuống còn 10 ngày, cấp đổi GCN giảm từ 20 ngày xuống còn 7 ngày.
Mặt khác, thực hiện theo mô hình này, các tổ chức sử dụng đất cũng tiết kiệm được chi phí đi lại để nộp hồ sơ, nay chỉ phải nộp hồ sơ tại Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai tại cấp huyện.
Để đẩy mạnh cải cách TTHC về đất đai, trong thời gian tới Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp tục thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp như: Tăng cường giám sát, thanh tra, kiểm tra việc thực thi các quy định về TTHC về đất đai tại các địa phương để kịp thời chấn chỉnh và xử lý các sai phạm; Tập trung đôn đốc, hướng dẫn và chỉ đạo các địa phương kiện toàn và tổ chức lại Văn phòng đăng ký đất đai, Tổ chức phát triển quỹ đất một cấp trước ngày 31 tháng 12 năm 2015 theo yêu cầu của Chính phủ; Tập trung và đẩy nhanh việc xây dựng hệ thống thông tin đất đai, cơ sở dữ liệu đất đai phục vụ đa mục tiêu, tạo điều kiện để thực hiện giao dịch điện tử và tin học hóa trong việc thực hiện TTHC trong lĩnh vực đất đai nhằm đơn giản và rút ngắn thời gian thực hiện; Tiếp nhận và xử lý các phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức đối với TTHC thuộc chức năng quản lý của Bộ.
Theo monre.gov.vn
Ý kiến bạn đọc