Đoàn kết, đổi mới và phát triển
Ngay thời kỳ đầu thành lập, với đội ngũ cán bộ còn ít, thực hiện chủ trương của Đảng "độc lập dân tộc và người cày có ruộng", chúng ta đã ban hành và thực hiện hàng loạt quy định về ruộng đất đối với nông dân. Những quyết sách đúng đắn đã trở thành động lực quan trọng, hết sức to lớn trong công cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, tạo thành khối liên minh công nông vững chắc, là cơ sở cho quá trình phát triển của cách mạng Việt Nam.
Sau đó là thời kỳ xây dựng Chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và kháng chiến chống Mỹ xâm lược ở miền Nam, đấu tranh thống nhất đất nước (1954 - 1975). Với mục tiêu "Đẩy mạnh cuộc Cách mạng Xã hội chủ nghĩa, trọng tâm là đẩy mạnh cuộc cải tạo xã hội chủ nghĩa đối với thành phần kinh tế cá thể của nông dân, thợ thủ công và cuộc cải tạo XHCN đối với thành phần kinh tế tư bản tư doanh, đồng thời phải ra sức phát triển kinh tế quốc doanh" (ở miền Bắc). Các chính sách công hữu hoá đất đai giai đoạn này đã tạo điều kiện quy hoạch các vùng sản xuất chuyên canh lớn, đồng thời tạo điều kiện xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng như thuỷ lợi, giao thông xây dựng đồng ruộng.
Sau ngày đất nước thống nhất (1975), công tác quản lý đất đai chủ yếu nhằm củng cố nền kinh tế XHCN và cải tạo XHCN ở miền Nam, tập trung tư liệu sản xuất, thực hiện hợp tác hoá gắn liền với thuỷ lợi hoá, xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật... trong đó thay đổi cơ bản là từng bước chuyển từ chế độ tư hữu đất đai sang hình thức sở hữu tập thể và sở hữu Nhà nước về đất đai.
Bước vào thời kỳ đổi mới, thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng lần VI và các đại hội tiếp theo về chuyển đổi từ nền kinh tế tập trung bao cấp sang nền kinh tế thị trường theo định hướng XHCN, ngành đã xác định nhiệm vụ quản lý và phát huy hiệu quả nguồn lực đất đai cho phát triển kinh tế là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu.
Sau gần 30 năm thực hiện đổi mới, tổ chức Ngành đã không ngừng lớn mạnh. Hiện, toàn ngành có gần 30.000 cán bộ, công chức, viên chức trực tiếp làm công tác quản lý đất đai từ trung ương đến địa phương. Các hoạt động của ngành quản lý đất đai đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, góp phần đẩy mạnh sự nghiệp phát triển và hội nhập kinh tế quốc tế từng bước "Nắm chắc, Quản chặt, Khai thác có hiệu quả" tài nguyên đất đai.
Công tác xây dựng thể chế ngày càng được đẩy mạnh, ngành đã xây dựng trình ban hành và ban hành theo thẩm quyền hệ thống chính sách về đất đai phù hợp với yêu cầu của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, chính sách đất đai không chỉ còn là “mệnh lệnh” hành chính mà được xem xét dưới góc độ kinh tê, đã tạo ra nguồn nội lực to lớn thúc đẩy sản xuất phát triển, thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài; thừa nhận giá trị quyền sử dụng đất trong thị trường bất động sản. Những chủ trương chính sách đúng đắn đã góp phần quan trọng giải phóng nguồn lực đất đai, đưa đất đai trở thành nguồn lực quan trọng trong phát triển kinh tế; đảm bảo được an ninh lương thực; góp phần xoá đói giảm nghèo.
Thành tựu nổi bật
Đặc biệt, giai đoạn 2011 - 2014 đánh dấu thành tích nổi bật của Ngành trong việc hoàn thiện thể chế, đó là chủ trì tổng kết Nghị quyết Trung ương 7 (Khóa IX) về tiếp tục đổi mới chính sách pháp luật đất đai trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; tại kỳ họp thứ 6 đã trình Ban chấp hành Trung ương ban hành Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 31/10/2012 về tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai trong thời kỳ đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, tạo nền tảng để đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Trình Quốc hội thông qua Luật Đất đai năm 2013, có hiệu lực vào ngày 1/7/2014; đồng thời tham mưu để trình Chính phủ ban hành 5 Nghị định hướng dẫn thi hành.
Trong 9 tháng đầu năm 2014, Ngành đã trình Bộ trưởng ký, ban hành 13 Thông tư hướng dẫn thi hành Luật Đất đai 2013. Các văn bản được trình ban hành theo đúng trình tự, thủ tục, đảm bảo tiến độ, kịp thời có hiệu lực ngay khi Luật Đất đai có hiệu lực thi hành, khắc phục tình trạng Luật chờ các văn bản hướng dẫn. Song song với việc hoàn thiện chính sách pháp luật, ngành còn chú trọng đến công tác xây dựng các định hướng lớn, nhiệm vụ trọng tâm cho giai đoạn tiếp theo thông qua các đề án, dự án lớn trình Thủ tướng Chính phủ, trong đó phải kể đến là Đề án Nâng cao năng lực ngành Quản lý đất đai giai đoạn 2011 - 2020 và Dự án Cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai…
Các hoạt động điều tra cơ bản như điều tra thổ nhưỡng, đánh giá đất; đo đạc bản đồ, thống kê, kiểm kê đất đai được tăng cường để "nắm chắc" chất lượng đất, diện tích các loại đất làm cơ sở cho việc phân vùng kinh tế, phân bổ lực lượng lao động, dân cư và phát triển đô thị góp phần vào việc hoạch định chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, cung cấp dữ liệu "đầu vào" cho các ngành, lĩnh vực kinh tế, xã hội.
Công tác đo đạc lập bản đồ địa chính, đăng ký đất đai, lập hồ sơ địa chính, cấp GCNQSDĐ, xây dựng hệ thống thông tin đất đai được chú trọng. Hệ thống bản đồ địa chính đã được lập bằng công nghệ số với nhiều phương tiện hiện đại, tốc độ thực hiện nhanh, có độ chính xác cao và chi tiết đến từng thửa đất, đáp ứng yêu cầu về chất lượng, phục vụ cấp GCN. Đã cơ bản hoàn thành việc cấp GCNQSDĐ theo yêu cầu của Quốc hội tại Nghị quyết số 30/2012/NQ-QH13, với 41,6 triệu GCN được cấp, tương đương 22,9 triệu ha, đạt 94,8% diện tích các loại đất đang sử dụng phải cấp GCN.
Công tác quản lý đất đai theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất ngày càng đi vào thực chất, góp phần tích cực cho việc sử dụng đất hợp lý và hiệu quả. Nguồn thu từ đất tăng đều qua các năm đây là nguồn thu quan trọng cho ngân sách Nhà nước. Việc triển khai xây dựng và ban hành bảng giá đất hàng năm đã góp phần quan trọng trong kiềm chế lạm phát, thu hút được nguồn đầu tư, ổn định kinh tế vĩ mô. Các vướng mắc trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng đã cơ bản được giải quyết góp phần đẩy nhanh tiến độ bàn giao mặt bằng để triển khai các dự án, đặc biệt là các dự án trọng điểm của quốc gia góp phần thu hút đầu tư trong điều kiện kinh tế thế giới suy giảm.
Công tác nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ trong quản lý đất đai được thực hiện hiệu quả làm căn cứ khoa học cho việc xây dựng, hoàn thiện chính sách, pháp luật của Nhà nước. Ngoài ra, công tác hợp tác quốc tế trong lĩnh vực quản lý đất đai ngày càng rộng mở, hiện, ngành đã có quan hệ hợp tác với trên 30 quốc gia và tổ chức quốc tế; với nhiều chương trình, dự án quan trọng.
Đột phá bằng 5 nhiệm vụ trọng tâm
Quản lý đất đai là vấn đề hệ trọng, mang tính tổng hợp cả về kinh tế và chính trị - xã hội, được Đảng, Nhà nước và nhân dân ta rất quan tâm. Giải quyết đúng đắn chính sách đất đai sẽ tạo thêm động lực, góp phần quan trọng để đạt được những thành tựu to lớn của sự nghiệp cách mạng nước ta. Trong bối cảnh đó, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Ngành sẽ phát huy trí tuệ tập thể nắm bắt cơ hội, vượt qua thách thức, để cùng các cấp, các ngành thực hiện thành công công cuộc công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Để đạt được những thành tựu to lớn hơn nữa trong thời gian tới, toàn thể cán bộ nhân viên ngành quản lý đất đai sẽ tiếp tục đoàn kết, phát huy trí tuệ tập thể, nỗ lực thực hiện các nhiệm vụ cơ bản sau:
Một là, tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách pháp luật đất đai phù hợp với nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, tạo môi trường pháp lý thuận lợi để Nhà nước “nắm chắc, quản chặt” quỹ đất đai, đồng thời phân bổ nguồn tài nguyên đất đai cho các ngành kinh tế, xã hội, đảm bảo mục tiêu của quốc phòng, an ninh. Mặt khác, phải tạo điều kiện để đất đai tham gia thị trường bất động sản.
Hai là, xây dựng và hoàn thiện hệ thống dữ liệu đất đai, đáp ứng yêu cầu quản lý Nhà nước về đất đai trên tất cả các lĩnh vực. Xây dựng hệ thống thông tin đất đai thành một bộ phận của Hệ thống Dữ liệu Quốc gia. Xây dựng hoàn thiện hệ thống đăng ký đất đai hiện đại về các mặt mô hình tổ chức, trình tự thủ tục, phương pháp công nghệ.
Ba là, hoàn thiện hệ thống quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, góp phần đẩy nhanh quá trình chuyển dịch cơ cấu sử dụng đất phù hợp với sự chuyển dịch cơ cấu lao động và cơ cấu kinh tế trong quá trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước.
Bốn là, hoàn thiện hệ thống cơ chế tài chính về đất đai thực hiện kinh tế hóa ngành quản lý đất đai với các yêu cầu cụ thể như: Hệ thống định giá đất trở thành công cụ tài chính điều tiết các quan hệ đất đai và quản lý thị trường bất động sản; xây dựng hệ thống phát triển quỹ đất bảo đảm phát triển và quản lý quỹ đất một cách chặt chẽ, hợp lý, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế, xã hội.
Năm là, kiện toàn hệ thống bộ máy tổ chức, nâng cao năng lực cho ngành đồng bộ từ trung ương đến địa phương, đảm bảo chức năng thống nhất quản lý Nhà nước về đất đai trên phạm vi cả nước, có sự phân công, phân cấp rõ ràng, hoạt động có hiệu quả. Phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật, đầu tư trang thiết bị, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ ngang tầm trình độ tiên tiến của các nước trong khu vực.
Bảo Châu: Theo Monre.gov.vn
Ý kiến bạn đọc