Nhiều khó khăn trong hoạt động của văn phòng đăng ký đất đai một cấp

Thứ tư - 16/07/2014 05:00 970 0

Nhiều khó khăn trong hoạt động của văn phòng đăng ký đất đai một cấp

Từ tháng 4/2012, Hà Nam cùng với ba tỉnh, thành phố khác là Hải Phòng, Đà Nẵng và Đồng Nai được Thủ tướng Chính phủ chọn làm điểm thực hiện Đề án thí điểm kiện toàn hệ thống Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất một cấp. Sau hơn hai năm thực hiện, bên cạnh những thuận lợi của Đề án mà người dân được hưởng, vẫn còn những vướng mắc, khó khăn cần được tháo gỡ kịp thời.

 

Tổ chức triển khai thực hiện đề án, UBND tỉnh Hà Nam đã ban hành quyết định chuyển Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất thuộc Phòng Tài nguyên và Môi trường các huyện Kim Bảng, Lý Nhân và thành phố Phủ Lý sang Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất tỉnh trực thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường. Như vậy, cho đến nay, Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất có 3 chi nhánh trực thuộc được bố trí theo phạm vi địa bàn thí điểm tại hai huyện là Kim Bảng, Lý Nhân và thành phố Phủ Lý. 

Trong thời gian thực hiện thí điểm đề án, Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất đã cấp được gần 6.000 Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, trong đó cấp mới gần 1.000 giấy và cấp đổi, cấp lại gần 5.000 giấy. Văn phòng còn phối hợp với Phòng Tài nguyên và Môi trường các huyện, thành phố hướng dẫn, đôn đốc, hỗ trợ các xã, phường, thị trấn rà soát, phân loại, lên phương án xử lý và thẩm định hồ sơ để cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ sử dụng đất chưa được cấp. 

Việc kiện toàn Văn phòng đăng ký được thực hiện nhanh chóng, đáp ứng các yêu cầu của Đề án, đảm bảo duy trì ổn định hoạt động đăng ký đất đai thường xuyên, đáp ứng nhu cầu của người dân, thể hiện rõ tính chuyên nghiệp trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ đăng ký đất đai, cấp giấy chứng nhận với bộ máy tổ chức được sắp xếp theo các nhóm chuyên môn và theo từng vị trí công việc chuyên sâu, quy trình giải quyết công việc được thực hiện thống nhất. Việc xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu đất đai từng bước được hoàn thiện. Đến nay, đã xây dựng xong cơ sở dữ liệu 12 xã, phường của thành phố Phủ Lý trên cơ sở chuẩn hóa và cập nhật dữ liệu khoảng 65.000 thửa đất, 238 tờ bản đồ, tiếp tục triển khai xây dựng cơ sở dữ liệu địa chính cho huyện Kim Bảng và Lý Nhân. 

Ông Vũ Quang Huy - Phó Giám đốc phụ trách Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết: Từ khi triển khai thực hiện thí điểm đề án, thời gian thực hiện nhiều loại thủ tục đăng ký, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã giảm từ 1/3 đến 1/2 so với trước đây (từ 30 ngày xuống còn 11-15 ngày), các giao dịch bảo đảm được giải quyết xong trong ngày. Ngoài ra, việc xây dựng và vận hành cơ sở dữ liệu địa chính đã tạo điều kiện thuận lợi hơn trong công tác chỉnh lý cập nhật biến động, thuận tiện cho việc tra cứu, khai thác thông tin phục vụ công tác quản lý Nhà nước về đất đai. 

Tuy nhiên, hoạt động của Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất một cấp cũng đang gặp phải một số khó khăn. Trong quá trình chuyển đổi các Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất cấp huyện thành các chi nhánh, nhân lực được chuyển về vừa ít về số lượng, vừa yếu về chuyên môn, chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ. Một số trường hợp trước khi bàn giao về đã là cán bộ trong biên chế, nhưng sau khi bàn giao, Sở Nội vụ giao chỉ tiêu biên chế ít hơn nhiều (tiếp nhận 15 viên chức nhưng chỉ có 6 chỉ tiêu biên chế), điều này ảnh hưởng rất lớn đến tư tưởng của cán bộ, làm cho nhiều người không yên tâm công tác. Bên cạnh đó, một số chi nhánh còn thiếu nhiều thiết bị làm việc như máy tính, máy quét, gây ảnh hưởng không nhỏ đến việc cập nhật hồ sơ đăng ký vào cơ sở dữ liệu. Phòng làm việc của các chi nhánh hiện nằm trong trụ sở UBND các huyện, thành phố, không thuận tiện cho người dân đến giao dịch.  

Theo ông Vũ Quang Huy, ngoài các khó khăn trên, điều trăn trở nhất hiện nay chính là cơ chế hoạt động, cơ chế tài chính của Văn phòng và các chi nhánh còn chưa phù hợp. Nguồn thu từ hoạt động của văn phòng còn hạn chế, việc giao chỉ tiêu biên chế kèm quỹ lương cho văn phòng và các chi nhánh còn quá thấp so với số lượng lao động hiện có (18 biên chế/63 lao động). Các quy định về thu phí, lệ phí khi thực hiện thủ tục hành chính về đất đai hiện hành còn chưa phù hợp do phần lớn các trường hợp đăng ký của người dân ở nông thôn được miễn hoặc giảm thu phí, lệ phí; mức thu một số khoản phí, lệ phí còn thấp hơn rất nhiều so với chi phí thực tế. 

Rõ ràng, sau hơn hai năm đi vào hoạt động, mô hình văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất một cấp đã thể hiện nhiều ưu điểm nổi trội, hoạt động đăng ký đất đai đã có sự quản lý, điều hành tập trung, thống nhất, đội ngũ cán bộ toàn hệ thống văn phòng và các chi nhánh được điều động, sử dụng linh hoạt giữa các địa bàn để hỗ trợ hoàn thành nhiệm vụ, thủ tục đăng ký, cấp giấy chứng nhận được thực hiện ngày càng thuận lợi hơn với người dân… 

Tuy nhiên, để mô hình này ngày càng hoạt động hiệu quả khi được triển khai trên phạm vi toàn tỉnh trong thời gian tới, các khó khăn, vướng mắc trên cần được khẩn trương tháo gỡ, tạo thêm nhiều thuận lợi cho người dân và các tổ chức sử dụng đất, đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ của công tác quản lý đất đai.

 

Theo monre.gov.vn

  Ý kiến bạn đọc

  Góp ý

Mã bảo mật   
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây