Khai thác nguồn tài nguyên khoáng sản phục vụ phát triển kinh tế xã hội

Thứ năm - 17/08/2023 10:32 880 0
Trong hơn 10 năm triển khai Luật Khoáng sản 2010, nguồn tài nguyên này đã được thăm dò, đánh giá và khai thác bước đầu mang lại hiệu quả cho đất nước.

* Đã điều tra địa chất khoáng sản hơn 70% diện tích đất liền

Tổng kết 10 năm thực hiện Luật Khoáng sản 2010 cho thấy, về công tác điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản, đến nay, đã hoàn thành 14 đề án lập bản đồ địa chất và điều tra khoáng sản tỷ lệ 1:50.000 phần đất liền trên diện tích 42.550 km2 (nâng tổng diện tích đã lập đạt 73,19% diện tích đất liền); phát hiện, điều tra nhiều điểm mỏ khoáng sản, xác định tài nguyên nhiều khu vực có triển vọng, trong đó nhiều khu vực đã thăm dò và đang khai thác hiệu quả. Hoàn thành điều tra địa chất khoáng sản tỷ lệ 1:100.000 đến 1:500.000 trên diện tích hơn 244.000 km2 vùng biển độ sâu 0-100m nước; 24 đề án đánh giá khoáng sản. Nhiều khoáng sản quan trọng, chiến lược đã được điều tra, đánh giá (than nâu đồng bằng sông Hồng; bô-xit Tây Nguyên; titan từ Ninh Thuận đến bắc Bà Rịa - Vũng Tàu; vàng; kaolin - felspat; đá ốp lát.v.v. ...).

Kết quả điều tra, đánh giá đã đăng ký trên bản đồ 841 điểm khoáng sản, khoáng hóa; trong đó phát hiện mới 489 điểm khoáng sản các loại như: quặng sắt ở Tân An (Yên Bái); graphit ở Bảo Thắng (Lào Cai); vàng ở Tân Uyên (Lai Châu), Phước Sơn (Quảng Nam); kaolin - felspat ở Bảo Thắng (Lào Cai), Tân Biên (Tây Ninh); quặng đồng ở Kon Rẫy (Kon Rá, Kon Tum); công tác điều tra, đánh giá khoáng sản đã phát hiện và xác định tài nguyên các khu vực khoáng sản có triển vọng, gồm: đất hiếm ở Bảo Thắng (Lào Cai) và Lai Châu, vàng ở Yên Sơn (Tuyên Quang), đồng ở Bát Xát (Lào Cai), felspat ở Bắc Yên (Sơn La), đá cảnh ở Thanh Sơn (Phú Thọ), cát trắng ở ven biển các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, đá ốp lát ở Gia Lai,…Một số đề án đã điều tra, đánh giá đến độ sâu 500m.

Tài nguyên khoáng sản được khai thác phục vụ phát triển kinh tế xã hội

* Hình thành các cụm khai thác khoáng sản tập trung

Về khoáng sản và công nghiệp khai khoáng, sau 10 năm thực hiện Luật, đã có 3.182 giấy phép thăm dò khoáng sản được cấp phép, gồm: 332 giấy phép thuộc thẩm quyền của Bộ TN&MT; 2.850 giấy phép thuộc thẩm quyền của Uỷ ban nhân dân (UBND) cấp tỉnh. Đã góp phần gia tăng trữ lượng gần 40 loại khoáng sản, như: đá vôi xi măng gần 1,8 tỷ tấn, than hơn 1,2 tỷ tấn, quặng bauxit gần 900 triệu tấn, đá vật liệu xây dựng thông thường (VLXDTT) gần 1 tỷ m3, đất sét làm gạch ngói trên 650 triệu m3, cát, sỏi trên 400 triệu m3, đá ốp lát khoảng 140 triệu m3 …).

Đến hết năm 2022, có gần 3.776 giấy phép khai thác khoáng sản đã cấp đang còn hiệu lực, gồm: 537 giấy phép của Bộ Tài nguyên và Môi trường; 3.239 giấy phép của UBND cấp tỉnh với trên 50 loại khoáng sản khác nhau. Đã hình thành một số cụm công nghiệp khai thác, chế biến khoáng sản tập trung (than, xi măng, sắt - thép, alumin, vonfram, đồng, đá ốp lát...) đáp ứng nhu cầu trong nước và một phần xuất khẩu; nhiều doanh nghiệp đã đầu tư đổi mới công nghệ, thiết bị tiên tiến, hiện đại, nhất là đối với than, vonfram - đa kim, xi măng... giảm tiêu hao điện, năng lượng, giảm tổn thất khoáng sản, sử dụng hiệu quả khoáng sản sau khai thác.

Tác giả: MT

Nguồn tin: monre.gov.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

  Góp ý

Mã bảo mật   
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây