Thể chế hóa Nghị quyết 10-NQ/TW vào dự án Luật Khoáng sản (sửa đổi)

Thứ hai - 24/10/2022 08:48 899 0
Đề xuất tên gọi mới là Luật Địa chất và Khoáng sản; hài hòa giữa quản lý địa chất và khoáng sản; đảm bảo lợi ích của Nhà nước - nhà đầu tư và người dân địa phương nơi có khoáng sản; gìn giữ khoáng sản cho tương lai… Đó là một số điểm mà Bộ Tài nguyên và Môi trường đã đề xuất Chính phủ trong hồ sơ đề nghị xây dựng Dự án Luật Khoáng sản (sửa đổi) nhằm thể chế hóa Nghị quyết số 10-NQ/TW của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Trao đổi với phóng viên, ông Lại Hồng Thanh (ảnh) - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam cho biết: Luật Khoáng sản 2010 cùng các văn bản hướng dẫn khá đầy đủ đã góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về khoáng sản; đẩy mạnh điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản và công nghiệp khai khoáng; quản lý khoáng sản ngày càng chặt chẽ, hiệu quả hơn.

Tuy nhiên, sau 10 năm đã bộc lộ những bất cập của Luật, không còn phù hợp với thực tiễn, khó khăn khi thực hiện như: chưa có quy định về công tác điều tra cơ bản địa chất; chưa quản lý tập trung, thống nhất thông tin, dữ liệu địa chất; quy định thành phần hồ sơ, trình tự, thủ tục cấp phép hoạt động khoáng sản, nhất là khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường không còn phù hợp; chưa quy định về triển khai các dự án đầu tư trong khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia; quy định về quyền, nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân hoạt động khoáng sản chưa chặt chẽ nhằm bảo đảm khoáng sản được khai thác, sử dụng hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả gắn với bảo vệ môi trường, theo mô hình “kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn”… cần phải được bổ sung, hoàn thiện.

Ông Lại Hồng Thanh – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam trao đổi với phóng viên Báo TN&MT.

Cùng với việc tổng kết thực hiện Luật Khoáng sản 2010, Nghị quyết 10-NQ/TW của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã mở ra những định hướng quan trọng cho việc sửa Luật Khoáng sản cũng như công tác quản lý tài nguyên địa chất khoáng sản trong tương lai.

* Nghị quyết số 10-NQ/TW đã có các quan điểm và định hướng hoàn thiện pháp luật về địa chất, khoáng sản làm cơ sở chính trị khi xây dựng dự án Luật Khoáng sản (sửa đổi). Xin ông cho biết, đề xuất xây dựng Luật Khoáng sản (sửa đổi) đã thể chế hoá các quan điểm, định hướng này như thế nào?

Ông Lại Hồng Thanh: Ngày 10/2/2022, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 10-NQ/TW về định hướng chiến lược địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (thay thế Nghị quyết số 02-NQ/TW). Đây là cơ sở chính trị quan trọng và là định hướng để sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện Luật Khoáng sản thời gian tới. Thể chế hóa quan điểm, định hướng của Nghị quyết số 10-NQ/TW, trong hồ sơ xây dựng dự án Luật Khoáng sản (sửa đổi), Bộ TN&MT đã đề xuất tên gọi mới là Luật Địa chất và Khoáng sản, trong đó, thể chế hóa các định hướng hoàn thiện chính sách, pháp luật về địa chất, khoáng sản.

Cụ thể, quy định quản lý công tác điều tra cơ bản địa chất, tài nguyên địa chất (tài nguyên khoáng sản; tài nguyên vị thế, di sản địa chất, công viên địa chất); các điều kiện địa chất khác; quy định quản lý tập trung, thống nhất thông tin, dữ liệu địa chất, khoáng sản; trách nhiệm của tổ chức, cá nhân khi khai thác, sử dụng thông tin, dữ liệu địa chất; quy định trách nhiệm của tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản; việc tái đầu tư nguồn thu từ khai thác khoáng sản để phát triển giáo dục, y tế, hạ tầng, bảo đảm an sinh xã hội... cho địa phương và người dân nơi có khoáng sản được khai thác.

Ngoài ra, hoàn thiện quy định về đấu giá quyền khai thác khoáng sản; cấp phép hoạt động khoáng sản đối với khoáng sản làm vật liêu xây dựng thông thường (VLXDTT) phù hợp với thực tế, nhất là cấp phép cho công trình kết cấu hạ tầng, công trình trọng điểm quốc gia; hoàn thiện cơ chế quản lý theo nguyên tắc thị trường; kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ hoạt động khai thác khoáng sản, bảo đảm công bằng, công khai, minh bạch; rà soát, sửa đổi đồng bộ với quy định của các văn bản pháp luật khác có liên quan đến khoáng sản đã được sửa đổi, bổ sung, ban hành mới thời gian qua.

* Quản lý tập trung, thống nhất điều tra cơ bản địa chất và điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản là nội dung đã được nhấn mạnh trong Nghị quyết số 10-NQ/TW. Thưa ông, đề xuất xây dựng Luật Khoáng sản (sửa đổi) đã thể chế hóa nội dung này như thế nào để thể hiện rõ tính đồng bộ của địa chất và khoáng sản trong Luật?

Ông Lại Hồng Thanh: Thể chế hóa quan điểm, định hướng hoàn thiện quy định đối với công tác điều tra cơ bản địa chất trong Nghị quyết số 10-NQ/TW của Bộ Chính trị, Bộ TN&MT đã đề xuất các nội dung bổ sung, hoàn thiện Luật Khoáng sản (sửa đổi).

Cụ thể, Luật Khoáng sản (sửa đổi) đã bổ sung quy định việc điều tra cơ bản địa chất; bảo vệ tài nguyên địa chất; quản lý Nhà nước về địa chất vào phạm vi điều chỉnh của Luật Khoáng sản (sửa đổi). Theo đó, đã đề xuất 1 Chính sách riêng về tài nguyên địa chất, khoáng sản; điều tra cơ bản địa chất, điều tra cơ bản địa chất về tài nguyên khoáng sản; thông tin, dữ liệu địa chất, khoáng sản. Ngoài ra, đề xuất hoàn thiện Chính sách về bảo vệ tài nguyên địa chất, khoáng sản.

Trên cơ sở đó, Luật Khoáng sản (sửa đổi) đã bổ sung mới quy định làm rõ “tài nguyên địa chất” gồm: Tài nguyên khoáng sản; tài nguyên vị thế, di sản địa chất, công viên địa chất; các điều kiện địa chất khác (tai biến địa chất, địa chất môi trường, địa chất thủy văn - địa chất công trình, địa mạo…) phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo tồn thiên nhiên, phòng tránh giảm nhẹ thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu và các ngành kinh tế khác; quy định quản lý tập trung, thống nhất thông tin, dữ liệu địa chất nhằm cung cấp đầy đủ, kịp thời cho các ngành, địa phương, chuyển đổi số để xây dựng “cơ sở dữ liệu quốc gia về địa chất, khoáng sản”.

Bên cạnh đó, hoàn thiện quy định về điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản để đảm bảo thực hiện các dự án đúng tiến độ đáp ứng yêu cầu thăm dò, khai thác trong từng giai đoạn theo Quy hoạch khoáng sản đã phê duyệt, đồng thời dự trữ khoáng sản để phát triển ổn định, lâu dài; trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước về địa chất trong việc xây dựng, ban hành tiêu chuẩn, quy chuẩn trong điều tra cơ bản địa chất.

Theo đó, Luật Khoáng sản (sửa đổi) đã bổ sung Chương III với đầy đủ quy định làm rõ nội hàm công tác điều tra cơ bản địa chất, gồm: Điều tra cơ bản tài nguyên vị thế, di sản địa chất, công viên địa chất; Điều tra địa chất tai biến, địa chất môi trường; Địa chất công trình, địa chất đô thị; Điều kiện địa chất khác nhằm thể chế hóa đầy đủ quan điểm về công tác điều tra địa chất của Nghị quyết số 10-NQ/TW. Đồng thời, bổ sung quy định bảo vệ tài nguyên địa chất bên cạnh việc bảo vệ khoáng sản chưa khai thác tại Chương II; Các quy định về chiến lược, quy hoạch địa chất, khoáng sản.

* Đối với công tác quản lý nhà nước về khoáng sản, sau 10 năm thực hiện Luật Khoáng sản đã bộc lộ nhiều bất cập, hạn chế như đã nêu trên. Việc đề xuất sửa đổi, hoàn thiện trong Luật Khoáng sản (sửa đổi) như thế nào, xin ông chia sẻ?

Ông Lại Hồng Thanh: Thể chế hoá Nghị quyết số 10-NQ/TW nhằm tài nguyên khoáng sản được quản lý, bảo vệ chặt chẽ; khai thác, sử dụng hợp lý, hiệu quả, tiết kiệm theo quy định của pháp luật về khoáng sản, pháp luật về thực hành tiết kiệm và chống lãng phí; quản lý, bảo vệ chặt chẽ khoáng sản vì mục tiêu lâu dài, đồng thời với việc triển khai các dự án kinh tế - xã hội trên mặt trong diện tích khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia nhằm phát huy tối đa hiệu quả sử dụng đất trong thời gian dự trữ; về khu vực khoáng sản phân tán, nhỏ lẻ; về khu vực cấm/tạm thời cấm hoạt động khoáng sản nhằm giải quyết khó khăn, vướng mắc thời gian qua.

Theo đó, hồ sơ dự án Luật Khoáng sản (sửa đổi) lần này đã đề xuất hoàn thiện chính sách về khu vực hoạt động khoáng sản. Cụ thể, đã đề xuất sửa đổi, bổ sung quy định về ”khu vực hoạt động khoáng sản” không chỉ là khu vực đã điều tra, đánh giá khoáng sản phù hợp với thực tiễn, nhất là đối với khoáng sản làm VLXDTT; sửa đổi tiêu chí khoanh định “khu vực cấm/tạm thời cấm hoạt động khoáng sản”, nhất là đối với khu vực quy hoạch các loại rừng phù hợp với đặc thù của hoạt động thăm dò, khai thác khoáng sản bằng phương pháp hầm lò, khai thác bằng phương pháp đặc biệt; bổ sung mới quy định cụ thể về tiêu chí, hồ sơ phê duyệt/bổ sung, điều chỉnh khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia; quy định về thời gian dự trữ; điều kiện đầu tư các dự án, công trình trên mặt nằm trong khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia; trách nhiệm bảo vệ khoáng sản chưa khai thác trong khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia.

Nhằm thu hồi tối đa khoáng sản chính, khoáng sản đi kèm; sử dụng tiết kiệm, hiệu quả khoáng sản sau khai thác, bảo vệ môi trường theo mô hình “kinh tế xanh”, “kinh tế tuần hoàn”; trong hỗ trợ địa phương, người dân nơi có khoáng sản được khai thác; ngăn chặn hiệu quả khai thác trái phép, nâng cao giá trị khoáng sản sau khai thác, hồ sơ xây dựng Luật Khoáng sản (sửa đổi) lần này đã đề xuất hoàn thiện chính sách trong quản lý hoạt động thăm dò, khai thác khoáng sản.

Theo đó, đã đề xuất hoàn thiện quy định về trách nhiệm của tổ chức, cá nhân hoạt động khoáng sản trong đầu tư vốn, công nghệ, thiết bị tiên tiến, hiện đại để khai thác, chế biến, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả khoáng sản; gắn trách nhiệm tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản với hoạt động tàng trữ, vận chuyển, tiêu thụ khoáng sản sau khai thác, đồng thời đảm bảo quyền, lợi ích của địa phương, người dân nơi có khoáng sản được khai thác; quyền thế chấp quyền khai thác khoáng sản tại ngân hàng, tổ chức tín dụng...; bổ sung mới quy định hồ sơ, trình tự, thủ tục cấp phép thăm dò, khai thác khoáng sản đối với khoáng sản làm VLXDTT theo hướng đơn giản hoá, nhất là khi cung cấp cho các dự án hạ tầng giao thông, công trình trọng điểm quốc gia; quy định quản lý chặt chẽ khai thác cát, sỏi lòng sông, gắn với bảo vệ lòng, bờ, bãi sông nhằm ngăn chặn hiệu quả hoạt động khai thác cát, sỏi trái phép thời gian qua.

* Theo Nghị quyết số 10-NQ/TW, nguồn ngân sách thu được từ tài nguyên khoáng sản cần được ưu tiên đầu tư phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội cho địa phương và người dân nơi khai thác khoáng sản; bảo đảm hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, người dân và doanh nghiệp. Theo ông, nội dung này được đề xuất thể chế vào trong Luật Khoáng sản (sửa đổi) như thế nào để địa phương và người dân được hưởng lợi nhất như Nghị quyết 10 đưa ra?

Ông Lại Hồng Thanh: Hỗ trợ địa phương và người dân nơi có khoáng sản được khai thác, hài hòa lợi ích giữa “Nhà nước - Người dân - Doanh nghiệp” là quan điểm, chính sách xuyên suốt từ Luật Khoáng sản năm 1996 (sửa đổi, bổ sung năm 2005) và Luật Khoáng sản năm 2010. Tuy nhiên, việc thể chế hóa thành chính sách, quy định trên có tính khả thi còn hạn chế. Do đó, Nghị quyết số 10-NQ/TW đã định hướng rà soát, quy định rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động khai thác khoáng sản; việc tái đầu tư nguồn thu từ khai thác khoáng sản để đầu tư phát triển giáo dục, y tế, hạ tầng, bảo đảm an sinh xã hội... cho địa phương và người dân nơi khai thác khoáng sản.

Theo đó, nội dung hoàn thiện chính sách quản lý hoạt động thăm dò, khai thác khoáng sản đã được nêu cụ thể trong hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Khoáng sản (sửa đổi); đã quy định cụ thể về quyền lợi của địa phương và người dân nơi có khoáng sản được khai thác, trong đó, cơ bản giữ nguyên quy định hiện hành về: Quyền lợi của địa phương và người dân nơi có khoáng sản được khai thác, đồng thời, quy định trõ hơn việc tái đầu tư nguồn thu từ hoạt động khai thác khoáng sản để hỗ trợ phát triển giáo dục, y tế, hạ tầng kỹ thuật nhằm an sinh xã hội cho địa phương và người dân nơi có khoáng sản được khai thác; Quy định rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản trong việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, tạo công ăn việc làm... đối với địa phương và người dân bị ảnh hưởng trực tiếp.

* Trân trọng cảm ơn ông!

Tác giả: MT

Nguồn tin: monre.gov.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

  Góp ý

Mã bảo mật   
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây