Thông tin báo chí về hưởng ứng Ngày Quốc tế Đa dạng sinh học (22 tháng 5) và Ngày Môi trường thế giới (05 tháng 6) năm 2022

Thứ bảy - 28/05/2022 07:56 328 0
Ngày Quốc tế Đa dạng sinh học (22 tháng 5), Ngày Môi trường Thế giới (5 tháng 6) được Liên Hợp quốc lựa chọn nhằm khẳng định tầm quan trọng và kêu gọi các quốc gia, cộng đồng trên toàn thế giới hợp tác, hành động để bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường.
Thông tin báo chí về hưởng ứng Ngày Quốc tế Đa dạng sinh học (22 tháng 5) và Ngày Môi trường thế giới (05 tháng 6) năm 2022

Ngày Quốc tế Đa dạng sinh học năm 2022:

Chủ đề Ngày Quốc tế Đa dạng sinh học năm 2022 được Liên Hợp quốc chọn là “Xây dựng một tương lai chung cho mọi sự sống” -“Building a shared future for all life”. Chủ đề này hướng đến thông điệp: đa dạng sinh học là nền tảng cho sự tồn tại và phát triển của con người và các loài sinh vật trên trái đất, có vai trò quyết định tương lai chung của trái đất và tiến trình phát triển bền vững của nhân loại. Để ngăn chặn đà suy thoái và bảo tồn đa dạng sinh học, con người cần có những thay đổi về thái độ và hành vi ứng xử với thiên nhiên, điều chỉnh cách thức khai thác và sử dụng tài nguyên theo phương thức bền vững, áp dụng các giải pháp dựa vào thiên nhiên nhằm giải quyết các vấn đề toàn cầu về biến đổi khí hậu, sức khỏe, an ninh lương thực, nguồn nước và sinh kế cho người dân. Bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học, phục hồi hệ sinh thái là chìa khóa để xây dựng một tương lai bền vững chung cho mọi sự sống. Thông điệp Ngày Quốc tế Đa dạng sinh học năm nay phù hợp với mục tiêu chung của Khung Chiến lược Đa dạng sinh học toàn cầu (GBF) dự kiến sẽ được thông qua tại Hội nghị các bên tham gia Công ước Đa dạng sinh học lần thứ 15 tại Trung Quốc vào cuối năm nay là “sống hài hòa với thiên nhiên”.

Việt Nam được cộng đồng quốc tế công nhận là một trong những nước có tính đa dạng sinh học cao trên thế giới. Đa dạng sinh học góp phần to lớn trong đảm bảo an ninh lương thực, sinh kế cho người dân, duy trì nguồn gen vật nuôi, cây trồng, cung cấp các vật liệu cho xây dựng và các nguồn nhiên liệu, dược liệu; tạo nên các cảnh quan thiên nhiên; là cội nguồn của nhiều phong tục, tập quán tốt đẹp của người dân Việt Nam.

Công tác bảo tồn đa dạng sinh học thời gian qua đã có nhiều kết quả đáng khích lệ với  số lượng và diện tích các khu bảo tồn ngày càng tăng lên, trong đó có nhiều khu được công nhận danh hiệu quốc tế: 09 Khu Ramsar, 11 khu Dự trữ sinh quyển thế giới, 10 Vườn di sản Asean; nhiều chương trình, hoạt động bảo tồn, phục hồi các hệ sinh thái, các loài hoang dã được thực hiện có hiệu quả; nhiều mô hình, giải pháp gắn bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học với sinh kế mang lại lợi ích cho người dân; từng bước kiểm soát các tác động của hoạt động phát triển kinh tế, xã hội tới đa dạng sinh học.

Tầm quan trọng của bảo tồn đa dạng sinh học đã được nhấn mạnh trong nhiều văn kiện của Đảng, các chính sách, pháp luật của Nhà nước. Bảo tồn đa dạng sinh học là quyền và trách nhiệm của mọi tổ chức, cá nhân. Đặc biệt, ngày 28 tháng 01 năm 2022, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt “Chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050”, đặt ra nhiều mục tiêu quan trọng để đảm bảo giữ gìn được các giá trị quan trọng của đa dạng sinh học Việt Nam. Chiến lược đưa ra một số nhiệm vụ trọng tâm như: tăng cường bảo tồn, phục hồi đa dạng sinh học; bảo tồn và phục hồi các loài hoang dã nguy cấp, đặc biệt là các loài động vật nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ, loài di cư; tăng cường công tác bảo tồn nguồn gen; đánh giá, phát huy lợi ích của đa dạng sinh học phục vụ phát triển bền vững, phòng chống thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu; kiểm soát các hoạt động gây tác động tiêu cực đến đa dạng sinh học. Để công tác bảo tồn đa dạng sinh học đạt hiệu quả, cần hoàn thiện chính sách, pháp luật, thể chế quản lý, tăng cường năng lực thực thi pháp luật về đa dạng sinh học; nâng cao nhận thức, ý thức về bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học; đẩy mạnh lồng ghép và thực hiện các yêu cầu về bảo tồn đa dạng sinh học trong hoạch định chính sách, các dự án đầu tư công; thúc đẩy nghiên cứu khoa học, phát triển, chuyển giao và ứng dụng công nghệ tiên tiến trong bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học; bảo đảm nguồn lực tài chính cho bảo tồn đa dạng sinh học; tăng cường hội nhập và hợp tác quốc tế về bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học.

  Công tác bảo tồn đa dạng sinh học cần một sự hợp tác, chung tay của tất cả các bên liên quan, sự vào cuộc mạnh mẽ của toàn xã hội để đạt được các mục tiêu đề ra trong Chiến lược quốc gia về Đa dạng sinh học đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050.

Ngày Môi trường thế giới:

Ngày Môi trường thế giới được Đại hội đồng Liên Hợp Quốc lựa chọn nhằm nâng cao nhận thức và khuyến khích các hành động vì môi trường trên toàn thế giới. Được tổ chức hằng năm kể từ năm 1974, sự kiện đã trở thành một nền tảng quan trọng thúc đẩy tiến bộ về các nội dung môi trường của Mục tiêu Phát triển Bền vững. Với định hướng của Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP), hơn 150 quốc gia tham gia mỗi năm, các tập đoàn lớn, tổ chức phi chính phủ, cộng đồng và những người nổi tiếng trên khắp thế giới thông qua chương trình kỷ niệm Ngày Môi trường Thế giới để ủng hộ các hoạt động vì môi trường.

Năm 2022, Ngày Môi trường thế giới (05 tháng 6) được phát động với chủ đề “Chỉ một Trái đất” (Only One Earth) nhằm truyền tải ý nghĩa thông điệp cùng xây dựng lối sống bền vững, hài hòa với thiên nhiên; sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, đa dạng sinh học và ứng phó với biến đổi khí hậu thông qua các chính sách, hoạt động hướng tới lối sống xanh hơn, sạch hơn. Thông điệp này tiếp tục nhắc nhở chúng ta về tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường và tạo động lực  cho các nỗ lực toàn cầu nhằm xây dựng một trái đất tốt hơn. Đây là thời điểm để mỗi quốc gia cùng chung tay và có những hành động cụ thể, thiết thực vì thiên nhiên và Trái đất.

Năm 2022 có ý nghĩa to lớn, đánh dấu 50 năm kể từ Hội nghị đầu tiên của Liên hợp quốc về Môi trường con người - Hội nghị Stockholm năm 1972 dẫn đến việc thành lập Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP). “Chỉ Một Trái đất” cũng là chủ đề trọng tâm cho Hội nghị Stockholm cách đây 50 năm, đến nay vẫn luôn mang tính thời sự bởi hành tinh này là ngôi nhà duy nhất của chúng ta, là không gian cho sự tồn tại, phát triển của con người, sinh vật và tự nhiên, nơi có nguồn tài nguyên hữu hạn mà nhân loại phải bảo vệ, gìn giữ cội nguồn. Đại dịch Covid-19 bùng phát trên toàn thế giới, cùng với các cuộc khủng hoảng toàn cầu về biến đổi khí hậu, thiên tai và ô nhiễm môi trường là hồi chuông cảnh tỉnh con người phải có những biện pháp cấp bách và hiệu quả để bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, cứu lấy Trái đất của chúng ta.

Đặc biệt, năm 2022 với việc Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi năm 2020 có hiệu lực đã thúc đẩy triển khai thực hiện các giải pháp phát triển kinh tế bền vững gắn với bảo vệ môi trường nhằm thích ứng biến đổi khí hậu, cân bằng hệ sinh thái, bảo tồn đa dạng sinh học, cải thiện chất lượng môi trường, nâng cao hiệu quả thu gom, phân loại, xử lý rác thải sinh hoạt, rác thải nhựa tại nguồn, thúc đẩy tiêu dùng bền vững và thân thiện môi trường...nhằm hướng tới mục tiêu phát triển bền vững, bảo đảm quyền được sống trong môi trường trong lành của mỗi chúng ta.

Tại Việt Nam, hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới năm 2022, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh và cơ quan, tổ chức quốc tế tổ chức Lễ phát động quốc gia hưởng ứng Ngày Quốc tế Đa dạng sinh học, Ngày Môi trường thế giới và Tháng hành động vì môi trường năm 2022 theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến vào ngày 28 tháng 5 năm 2022 tại huyện Tiên Yên, tỉnh Quảng Ninh - địa phương với sự đa dạng và phong phú các loại hình tài nguyên, tính đặc sắc cao về đa dạng sinh học, với hơn 400 điểm cầu tham dự trực tuyến của các tổ chức quốc tế, phi chính phủ, đại sứ quán tại Việt Nam, đại diện lãnh đạo các bộ, ban ngành, đoàn thể trung ương, các tỉnh, thành phố và các cơ quan chuyên môn, cơ quan thông tấn báo chí và cộng đồng. Các hoạt động hưởng ứng bên lề Lễ phát động có nhiều ý nghĩa cũng được tổ chức như: trưng bày triển lãm cộng đồng về tranh ảnh chủ đề bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học và các sản phẩm thân thiện với môi trường; thả giống để tái tạo nguồn lợi thủy sản; trồng cây tại rừng ngập mặn Đồng Rui, huyện Tiên Yên, tỉnh Quảng Ninh...

Trên cơ sở tổ chức Lễ phát động quốc gia tại tỉnh Quảng Ninh và hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường tại Công văn số 2442/BTNMT-TTTT ngày 10 tháng 5 năm 2022; Công văn số 2772/BTNMT-TTTT ngày 11 tháng 5 năm 2022, các địa phương trên cả nước đồng loạt tổ chức các hoạt động hưởng ứng phù hợp, thiết thực, lan tỏa chủ đề, thông điệp của Ngày Quốc tế đa dạng sinh học, Ngày Môi trường thế giới, Tháng hành động vì môi trường…

Thông tin, hoạt động, sự kiện Ngày Quốc tế Đa dạng sinh học, Ngày Môi trường thế giới năm 2022  và các tài liệu, thông tin tuyên truyền truy cập theo các địa chỉ: Cổng Thông tin điện tử Bộ Tài nguyên và Môi trường, địa chỉ: http:// http://www.monre.gov.vn; Tổng cục Môi trường, địa chỉ: https://vea.gov.vn/Pages/home.aspx; Cục Bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học, địa chỉ: http://vea.gov.vn/bao-ton; Trung tâm Truyền thông tài nguyên và môi trường, địa chỉ: http://monremedia.vn.

          Trân trọng cảm ơn sự hợp tác của các cơ quan thông tấn báo chí.

Nguồn tin: monre.gov.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

  Góp ý

Mã bảo mật   
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây