Luật Đất đai 2013: Sẽ không còn tình trạng thu hồi đất tùy tiện

Thứ hai - 05/05/2014 16:30 758 0

Luật Đất đai 2013: Sẽ không còn tình trạng thu hồi đất tùy tiện

“Đất đai là sinh kế của người dân nên vấn đề thu hồi đất phải được đặc biệt quan tâm. Quá trình chuẩn bị Luật và các Nghị định liên quan đến thu hồi đã được bàn rất kỹ, Nhà nước sẽ chỉ thu hồi cho các mục đích quốc gia, công cộng, còn đối với dự án thương mại thì phải thoả thuận. Luật mới sẽ xử lý một cách thỏa đáng việc thu hồi tuỳ tiện, thu hồi mà không đưa vào sử dụng như thời gian vừa qua. Điều quan trọng là cần phải minh bạch để người dân hiểu và giám sát thì mới đảm bảo tính thống nhất cao”, đó là khẳng định của Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang.

 

 

 

Khiếu kiện kéo dài – thu sai nguyên tắc

Thực tế, theo Luật Đất đai hiện hành, tất cả các loại dự án có sử dụng diện tích đất được phê duyệt Nhà nước đều đứng ra thu hồi và bàn giao mặt bằng cho các dự án, cho nhà đầu tư. Đây là một phương thức dễ thực hiện, vì nó thống nhất vào một mối, gắn trách nhiệm của chính quyền các cấp trong việc thu hồi đất, nhà đầu tư đến nhận và thuê “đất sạch” tạo thuận lợi cho việc triển khai các dự án của Nhà nước cũng như việc thu hút đầu tư.

Tuy nhiên, ở nhiều địa phương đã xảy ra tình trạng chính quyền thực hiện thu hồi đất tràn lan, có những dự án chưa được phê duyệt vẫn tiến hành thu hồi đất, giá đất chủ yếu lấy theo giá đất do UBND cấp tỉnh quyết định hàng năm. Trong khi đó, trên thị trường trong những năm gần đây do tình trạng bất động sản “đóng băng”, giá đất bị đẩy cao liên tục, thay đổi nhiều lần trong một năm, nên giá bồi thường cách biệt khá xa so với giá thị trường. Mặt khác, tình trạng vi phạm trình tự thu hồi đất, thiếu công khai dân chủ, những bất cập trong việc hỗ trợ giải quyết việc làm sau thu hồi đất… là những nguyên nhân dẫn đến người dân không đồng tình và tình trạng khiếu nại kéo dài.

Theo đó, khiếu nại liên quan đến đất đai, đền bù, giải tỏa chiếm tới hơn 70% tổng số các vụ khiếu nại trong thời gian qua. Hầu hết các vụ khiếu nại đông người, phức tạp xảy ra ở nhiều địa phương trên cả nước cũng phát sinh trong lĩnh vực đất đai. Thực tế, cảnh tượng hàng trăm người nông dân giăng biểu ngữ và khiếu kiện trước các cơ quan công quyền không hiếm. Thậm chí, có nhiều vụ chống đối việc cưỡng chế đất của chính quyền gây xôn xao dư luận như vụ việc ở Văn Giang - Hưng Yên, Vụ Bản - Nam Định…. Nhiều dự án khi triển khai chậm tiến độ nhiều năm do vướng giải phóng mặt bằng làm cho chi phí đầu tư tăng lên, hiệu quả dự án giảm sút.

Ngoài ra, số lượng các dự án treo ngày càng xuất hiện nhiều hơn và lâu hơn. Có những dự án quy hoạch treo đến hàng chục năm ảnh hưởng lớn đến đời sống và hoạt động kinh doanh của hàng chục hộ dân sống trong vùng dự án. Tương tự, cũng có rất nhiều dự án sau khi thu hồi đất đền bù với giá rẻ rồi bỏ hoang.

Kết quả của những bất cập trên là đất đai, nguồn lực quý của đất nước đã bị “bỏ hoang” lãng phí. Nhiều dân mất đất do bị thu hồi từ đó mất đi công ăn việc làm và ngày càng trở nên nghèo đói. Thậm chí, ở một vài địa phương, đã nhen nhóm những bất ổn xã hội.

Xiết chặt bằng luật pháp!

Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang cho rằng, qua 3 kỳ Quốc hội thảo luận và thông qua, Luật Đất đai 2013 được người dân và các nhà quản lý rất kỳ vọng. Những quy định của Luật Đất đai sẽ giải quyết cơ bản những lý do dẫn đến khiếu kiện mà luật cũ giải quyết chưa thỏa đáng, ví dụ như thu hồi đất, giải phóng mặt bằng, giá đất, quyền của người dân, của Nhà nước…. Đi theo đó là các Nghị định, Thông tư hướng dẫn góp phần rất lớn để giải quyết những nguyện vọng của người dân và thực tiễn cuộc sống đặt ra.

“Tôi cho rằng vấn đề quan trọng là quyền của Nhà nước và quyền của người dân. Trước hết, phải khẳng định đất đai là sở hữu toàn dân nhưng do Nhà nước đại diện. Trừ quyền sở hữu thì người dân có rất nhiều quyền khác. Đất đai là sinh kế của người dân nên vấn đề thu hồi đất phải được đặc biệt quan tâm. Quá trình chuẩn bị luật và nghị định liên quan đến thu hồi đã được bàn rất kỹ. Nhà nước chỉ thu hồi cho các mục đích quốc gia, công cộng, còn đối với dự án thương mại thì phải thoả thuận. Luật mới sẽ xử lý một cách thỏa đáng việc thu hồi tuỳ tiện, thu hồi mà không đưa vào sử dụng như thời gian vừa qua”- Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang khẳng định.

Để xiết chặt việc thu hồi tràn lan, Luật Đất đai 2013 đã quy định cụ thể về 4 trường hợp Nhà nước thu hồi đất gồm: Thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh; thu hồi đất để phát triển KT-XH vì lợi ích quốc gia, công cộng; thu hồi đất do vi phạm pháp luật về đất đai; thu hồi đất do chấm dứt sử dụng đất theo pháp luật, tự nguyện và do có nguy cơ đe dọa tính mạng con người.

Đặc biệt, Luật Đất đai (sửa đổi) lần này đã quy định theo hướng thu hẹp hơn các trường hợp Nhà nước thu hồi đất để phát triển KT - XH vì lợi ích Quốc gia, công cộng. Theo đó, ngoài các dự án đã được Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư, dự án được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận, quyết định đầu tư, các trường hợp còn lại phải có xem xét về sự cần thiết phải thu hồi đất của HĐND cấp tỉnh. Đối với các dự án đầu tư sử dụng đất không thuộc trường hợp Nhà nước thu hồi đất mà phù hợp với quy hoạch sử dụng đất thì nhà đầu tư trong nước được nhận chuyển nhượng, nhận góp vốn, thuê quyền sử dụng đất của tổ chức kinh tế, hộ gia đình, cá nhân để có đất thực hiện dự án đầu tư như quy định hiện nay.

Để khắc phục tình trạng giá đất nhiều địa phương chưa sát với thị trường trong thời gian qua, Thứ trưởng Nguyễn Mạnh Hiển cho biết, Luật Đất đai 2013 đã quy định bảng giá đất chủ yếu được áp dụng để tính thu tiền sử dụng đất khi công nhận quyền sử dụng đất ở cho hộ gia đình, cá nhân trong hạn mức; tính các khoản thuế, lệ phí liên quan đến sử dụng đất. Dự thảo Nghị định quy định về giá đất đã quy định các phương pháp định giá đất, căn cứ và nội dung định giá đất cụ thể; quy định trình tự các bước thực hiện việc định giá đất cụ thể; quy định cụ thể thành viên Hội đồng thẩm định giá đất để thẩm định giá đất trước khi trình UBND cấp tỉnh quyết định. Đồng thời, dự thảo Nghị định cũng quy định việc định giá đất theo từng loại đất chính gồm: Đất nông nghiệp, đất ở, đất thương mại, dịch vụ và đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp nhằm nâng cao chất lượng định giá đất nói chung, trong đó có việc định giá đất để tính bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất.

 

Theo monre.gov.vn

  Ý kiến bạn đọc

  Góp ý

Mã bảo mật   
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây