Cải cách thủ tục hành chính: Chưa nhất quán trong việc ghi thời hạn sử dụng đất nông nghiệp

Thứ năm - 10/04/2014 22:05 760 0

Cải cách thủ tục hành chính: Chưa nhất quán trong việc ghi thời hạn sử dụng đất nông nghiệp

Nghị quyết số 49/2013/QH13 của Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIII, kỳ họp thứ 5 thông qua ngày 21/6/2013 về kéo dài thời hạn sử dụng đất nông nghiệp, có quy định rõ: khi hết thời hạn sử dụng đất trồng cây hàng năm, đất nuôi trồng thủy sản, đất làm muối thì các hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, đất làm muối sẽ được tiếp tục sử dụng đất cho đến khi Luật đất đai (sửa đổi) được ban hành và có hiệu lực thi hành (Luật đất đai năm 2013 được sửa đổi, có hiệu lực thi hành vào ngày 1.7.2014).

 

Công chức Phường Hiệp Ninh (Tp.Tây Ninh) giải quyết thủ tục hành chính cho người dân

 

Trên cơ sở đó, Bộ Tài Nguyên và Môi trường cũng đã có Công văn số 4167/BTNMT-TCQLĐĐ, ngày 18/10/2013 chỉ đạo UBND các tỉnh, thành phố thực hiện việc ghi thời hạn sử dụng đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân vào Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất khi hết hạn. Trong đó có nêu cụ thể: Trường hợp hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản và làm muối đã hết hạn sử dụng đất mà người sử dụng đất có nhu cầu thực hiện các quyền của người sử dụng đất thì đến Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất để được xác nhận vào trang 4 của giấy chứng nhận: "Thời hạn sử dụng đất xác định theo Luật Đất đai năm 2003 (sửa đổi) có hiệu lực thi hành và được tính từ ngày…/…/… (ghi ngày hết hạn của giấy chứng nhận cũ đã cấp)".

Nghĩa là, khi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp hết hạn, người sử dụng đất vẫn tiếp tục được sử dụng đất đến khi Luật đất đai năm 2013 (sửa đổi). Nếu có nhu cầu vay vốn, thế chấp…phải có xác nhận của Văn Phòng Đăng ký Quyền sử dụng đất thuộc các huyện, thành phố. Văn Phòng Đăng ký Quyền sử dụng đất có trách nhiệm phải xác nhận cho người dân để họ có thể làm các thủ tục thế chấp để vay vốn ngân hàng phục vụ sản xuất, kinh doanh.

Do Bộ Tài Nguyên và Môi trường không quy định rõ thời gian giải quyết loại thủ tục này là bao lâu nên khi UBND tỉnh hướng dẫn thực hiện cũng không quy định rõ thời hạn giải quyết. Rút cục là hiện nay vẫn chưa có quy định cụ thể về thời gian, thủ tục giải quyết một cách đồng bộ và thống nhất trên địa bàn tỉnh. Từ đó dẫn đến việc các Văn Phòng Đăng ký Quyền sử dụng đất trực thuộc Phòng Tài nguyên và Môi trường ở các huyện, thành phố giải quyết loại thủ tục này một cách tùy tiện về thủ tục cũng như thời gian. Chẳng hạn như huyện Tân Biên, thời gian giải quyết thủ tục này là 30 ngày; Thành phố Tây Ninh là 15 ngày đối với đất trồng cây lâu năm và 01 ngày đối với đất trồng cây hàng năm,..v..v.

Khi Sở Nội vụ đi kiểm tra công vụ tại Bộ phận Tiếp nhận và trả kết quả thuộc UBND các xã, phường, thị trấn và Văn Phòng Đăng ký Quyền sử dụng đất thuộc các huyện, thành phố, thì rất nhiều người dân phản ánh về việc giải quyết loại thủ tục hành chính này. Các tổ chức tín dụng yêu cầu người dân phải xin xác nhận vào Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp đã hết thời hạn sử dụng thì mới cho vay vốn, trong khi các Văn Phòng Đăng ký Quyền sử dụng đất giải quyết loại thủ tục này rất chậm.

Đối với loại thủ tục hành chính này, lẽ ra chỉ cần từ 1-3 ngày, nếu tích cực ra chỉ cần trong ngày là có thể giải quyết cho người dân. Thế nhưng, không ai quy định thời gian nên việc giải quyết loại thủ tục hành chính này có huyện kéo dài cả tháng, gây tốn kém cho người dân.

Mặc dù UBND tỉnh đã 2 lần chỉ đạo ngành Tài nguyên và Môi trường, ngành Tư pháp tham mưu giải quyết vấn đề này một cách nhanh, gọn cho người dân nhưng đến nay ngành chức năng vẫn chưa tham mưu giải quyết. Suy cho cùng, thiệt thòi nhất vẫn là người dân. Bởi lẽ, họ không thể tới ngân hàng vay vốn để sản xuất, kinh doanh. Có người dân phàn nàn rằng, trong khi chờ Văn Phòng Đăng ký Quyền sử dụng đất xác nhận, họ phải đi vay nóng chỗ này, chỗ kia với mức lãi suất cao ngất ngưởng.

Trước tình hình trên, Giám đốc Sở Nội vụ đã có văn bản cụ thể đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo các ngành liên quan vào cuộc, giải quyết dứt điểm tình trạng trên, với hy vọng rút ngắn thời gian và chi phí của người dân khi giao dịch loại thủ tục này.

“Chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI) năm 2013 của Tây Ninh đã vươn từ vị trí thứ 57/63 lên vị trí thứ 11/63, đạt được kết quả đó là do có sự đóng góp không nhỏ trong công tác cải cách hành chính. Việc giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp được kịp thời là việc làm thiết thực nhằm giữ vững và không ngừng phấn đấu để nâng cao chỉ số PCI của tỉnh”  - Ông Phan Văn Sử, Giám đốc Sở Nội vụ cho biết.

Theo Chương trình cải cách hành chính của tỉnh, đến năm 2015 phải giảm chi phí về thời gian, tăng mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp. Do vậy, các ngành chức năng cần tăng cường kiểm tra việc giải quyết các thủ tục hành chính cho người dân để kịp thời phát hiện, xử lý những khó khăn, vướng mắc, đem lại sự hài lòng cũng như niềm tin trong nhân dân.

Theo tayninh.gov.vn

  Ý kiến bạn đọc

  Góp ý

Mã bảo mật   
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây