Sử dụng đất trái phép lại được hợp thức hoá? Kỳ 1: Gần hai năm sử dụng đất trái phép, chính quyền không xử lý

Thứ hai - 31/03/2014 14:20 757 0

Sử dụng đất trái phép lại được hợp thức hoá? Kỳ 1: Gần hai năm sử dụng đất trái phép, chính quyền không xử lý

Điều 6 Luật Đất đai (quản lý Nhà nước về đất đai) nêu rõ “Nhà nước quản lý việc giao đất, cho thuê đất, thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất”. Luật cũng nêu rõ, những ai vi phạm về đất đai đều phải bị xử lý nghiêm. Thế nhưng, từ phản ánh của người dân, qua tìm hiểu thực tế, phóng viên Báo Tây Ninh phát hiện một số cá nhân có hành vi vi phạm về đất đai, nhưng các địa phương lại thiếu kiên quyết trong xử lý, hoặc “làm ngơ” để họ tuỳ tiện sử dụng đất không đúng quy định. Đến khi dư luận lên tiếng thì lại xử lý theo kiểu “việc đã rồi”, hợp thức hoá việc làm sai trái của các đối tượng vi phạm.

Quán cà phê Lộc Vừng trên khu đất công

 

 Đất khu tiểu công viên thành quán cà phê

Ngày 19.1.2005, UBND Thị xã (nay là UBND thành phố) lập tờ trình gửi UBND tỉnh xin chủ trương lập dự án khu tái định cư Thị xã mở rộng (khu Công ty Ngoại thương cũ), thuộc phường 3. Được sự đồng ý của UBND tỉnh, ngày 21.11.2005, UBND Thị xã ra quyết định phê duyệt báo cáo kỹ thuật xây dựng công trình khu tái định cư mở rộng, bao gồm các hạng mục san nền – cắm cọc phân lô chi tiết – đường nội bộ - hệ thống thoát nước, trong đó có dành một khu đất làm “khu tiểu công viên và chỗ để xe ô tô 4 bánh”.

Nguồn gốc đất được xác định là đất công. Chủ đầu tư công trình là Ban Quản lý dự án đầu tư và xây dựng công trình Thị xã.

Ngày 26.9.2006, biên bản nghiệm thu hoàn thành hạng mục công trình giữa chủ đầu tư, nhà thầu thi công xây dựng và một số đơn vị liên quan được thực hiện với nội dung đánh giá là “đạt yêu cầu” và được “đưa vào sử dụng”. 

Sau đó, việc tái định cư cho các hộ dân có nhu cầu được thực hiện, người dân về đây sinh sống ổn định. Thế nhưng khu quy hoạch làm tiểu công viên vẫn tiếp tục bỏ trống.

Nhiều người dân trong khu tái định cư ao ước Nhà nước sớm làm công viên, trồng cây cảnh phục vụ nhu cầu vui chơi, giải trí, thư giãn cho người dân lao động thì hay biết mấy. Thời gian trôi qua nhiều năm, dân cư ngày càng đông đúc, thế nhưng khu đất trống trên vẫn là… khu đất trống.

Thấy khu đất bỏ hoang, một số thanh niên cắm cọc, giăng lưới làm sân bóng chuyền. Sau đó, người ta thấy cọc, lưới trên sân bóng chuyền biến mất và một quán cà phê nho nhỏ mọc lên.

Từ một quán cà phê nho nhỏ, bỗng dưng vào năm 2012, người ta thấy một quán cà phê nhà gỗ quý trị giá cả tỷ đồng xây dựng trên toàn bộ khu đất trống này với bảng hiệu Lộc Vừng.

Nhiều người dân tò mò hỏi, thì được biết Nhà nước cho tư nhân thuê làm nơi kinh doanh quán cà phê.

Cứ ngỡ rằng Nhà nước tận dụng đất bỏ hoang cho tư nhân thuê để có nguồn thu cho ngân sách nhưng thật sự không phải như vậy. Theo người dân thì chủ sử dụng khu đất trên đã kinh doanh gần hai năm trên đất này mà không phải nộp đồng nào vào ngân sách!

Trong khi đó, khu phố 5 (khu tái định cư) được thành lập nhưng lại không có đất để xây dựng văn phòng làm việc. Ông trưởng khu phố phải lấy nhà ở của mình làm nơi làm việc, còn hội họp thì nhờ ở… văn phòng khu phố láng giềng.

Đi tìm sự thật

Nhận được phản ánh của người dân, chúng tôi liên hệ với nhiều cơ quan chức năng và chính quyền địa phương để tìm câu trả lời nhanh nhất cho người dân, nhưng không thể thực hiện được.

Bởi Chủ tịch UBND phường 3 do vừa mới nhận công tác nên chưa nắm rõ sự việc, còn Phó chủ tịch UBND phường phụ trách xây dựng, đất đai thì lịch họp dày đặc, không gặp được!

Sau nhiều lần liên hệ, chúng tôi được bà Huỳnh Thị Thu Hằng- cán bộ phụ trách địa chính - xây dựng của phường 3 cho biết: khu đất công trên “phường không quản lý” mà thuộc thẩm quyền của UBND Thị xã.

Trước đây, vào cuối năm 2012, phường có đến lập biên bản ông Cao Duy Hậu (ngụ tại số 2, đường Đặng Ngọc Chinh, khu phố 1, phường 3) đổ đất xây nền trên khu đất công trên và báo cáo về UBND Thị xã xem xét.

Theo như biên bản lập ngày 21.11.2012 thì  lúc này ông Hậu chỉ đổ đất xây dựng nền với kích thước 49m2 (7m x 9m), đoàn kiểm tra yêu cầu tháo dỡ trả lại hiện trạng ban đầu. Tuy nhiên lúc này ông Hậu cho đoàn kiểm tra biết, ông đang làm thủ tục thuê đất với UBND Thị xã.

Sau khi làm thủ tục xong ông sẽ “gửi hồ sơ về UBND phường 3 để nắm”. Ông Hậu cam kết sẽ tạm ngưng việc xây dựng để chờ làm thủ tục thuê đất. Thế nhưng sau đó công trình vẫn tiếp tục xây dựng.

Mặc dù sự việc diễn ra như vậy nhưng khi phóng viên liên hệ Phòng Quản lý đô thị thành phố Tây Ninh thì lãnh đạo đơn vị này nói không nắm sự việc.

Thậm chí, lãnh đạo đơn vị còn cung cấp cho phóng viên quy chế phối hợp kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm liên quan đến trật tự xây dựng đô thị (do Sở Xây dựng ban hành), trong đó Phòng Quản lý đô thị thành phố không có trách nhiệm xử lý vụ việc công trình xây dựng không có giấy phép, mà chỉ phối hợp trao đổi thông tin về tình hình cấp giấy phép xây dựng và phối hợp trong kế hoạch cưỡng chế công trình vi phạm.

Quy chế cũng nêu rõ: khi xử lý vi phạm, thanh tra xây dựng (Sở Xây dựng) chịu trách nhiệm xử lý hoặc tham mưu xử lý toàn bộ các công trình vi phạm.

Thế nhưng khi phóng viên liên hệ Sở Xây dựng thì ông Trịnh Xuân Dũng- Phó Chánh văn phòng Sở cho biết: Sở không có hồ sơ xử lý vụ việc trên mà chỉ có thể cung cấp cho phóng viên sơ đồ quy hoạch đất khu vực tái định cư phường 3 thôi.

Phải chăng là “hợp thức hoá” việc sử dụng đất trái phép?

Không tìm được câu trả lời từ các cơ quan có chức năng, chúng tôi tìm đến đơn vị quản lý dự án trên. Trao đổi với chúng tôi, ông Lương Văn Có- Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất thành phố cho biết, tại cuộc họp ngày 29.5.2013, trên cơ sở đề nghị của UBND Thị xã, UBND tỉnh đồng ý chủ trương cho thuê quyền sử dụng khu đất trên trong thời gian ngắn nhằm “tạo vẽ mỹ quan và tránh lãng phí về đất”.

Trên cơ sở chủ trương của tỉnh, ngày 9.8.2013, UBND Thị xã ban hành quyết định “phê duyệt giá khởi điểm đấu giá cho thuê quyền sử dụng đất” tại thửa đất trên với nội dung: “cho thuê với mục đích kinh doanh cây cảnh hoặc kinh doanh ăn uống, giải khát: 121.723đ/m2/năm”.

Sau đó, ngày 10.2.2014, UBND Thị xã ban hành quyết định “phê duyệt kết quả trúng đấu giá cho thuê quyền sử dụng đất” với nội dung ông Cao Duy Hậu trúng đấu giá, thuê khu đất trên với diện tích 1.260m2 với giá thuê là 158.000.000đ/năm, thời gian thuê 5 năm, mỗi năm ký hợp đồng một lần.

Quyết định cũng nêu rõ, trong thời hạn 10 ngày, ông Hậu phải nộp đủ tiền trúng đấu giá theo quy định. “Việc ký hợp đồng cho thuê quyền sử dụng đất và giao nhận đất ngoài thực địa chỉ thực hiện khi ông Hậu nộp đủ số tiền trúng đấu giá”.

Từ việc cho thuê đất này mà người dân thắc mắc cho rằng: Phải chăng đây là động thái nhằm “hợp thức hoá” việc sử dụng đất trái phép?

Khi đặt vấn đề “Vì sao một khu đất tại trung tâm Thị xã bị một cá nhân bao chiếm sử dụng, xây dựng trái quy định một thời gian khá dài nhưng các cơ quan quản lý Nhà nước về xây dựng, đất đai không xử lý? Một vị lãnh đạo Phòng Tài nguyên và Môi trường thành phố (vừa mới nhận công tác) cho biết: “Phòng có sơ sót”.

Tuy nhiên, vị lãnh đạo này cho rằng: khu đất này trước đây giao cho Ban Quản lý dự án Thị xã quản lý thực hiện dự án, đáng lý ra, khi có người bao chiếm và sử dụng thì Ban quản lý phải có ý kiến.

Trong khi đó, ông Lê Ngọc Ẩn- Giám đốc Ban Quản lý dự án thành phố lại cho phóng viên biết: “Vào năm 2006, khi hoàn thành dự án Ban Quản lý dự án Thị xã đã có biên bản bàn giao công trình. Thời điểm này ông Đỗ Đình Tuấn- đại diện Phòng Quản lý đô thị Thị xã ký nhận”.

Huỷ kết quả đấu giá do vi phạm nghĩa vụ tài chính

Trong khi phóng viên đang trong quá trình tìm hiểu vụ việc thì được thông tin ngày 3.3.2014, Chủ tịch UBND thành phố Tây Ninh Trần Hữu Hậu đã ký Quyết định số 89/QĐ-UBND huỷ kết quả đấu giá cho thuê quyền sử dụng đất đối với ông Cao Duy Hậu với lý do: “Vi phạm nghĩa vụ tài chính theo quy định”.

Trao đổi với chúng tôi, ông Cao Duy Hậu cho biết căn nhà của ông sinh sống, phía trước là khu đất trống trên. Do đất trống bỏ hoang một thời gian dài, nên ông tận dụng để cây cảnh. Thời gian đầu, ông mở quán bán cà phê, thấy phần đất trống nên ban đêm ông dọn bàn ghế ra để bán.

Khách đến uống ngày một đông nên ông đổ đất làm nền để nơi khách ngồi được khang trang hơn. Lúc đầu, ông dự định thuê đất để kinh doanh nhưng do bận rộn nên chưa làm thủ tục thuê được.

Sau khi ngành chức năng làm thủ tục cho thuê, ông trúng giá nhưng do kinh tế gia đình gặp khó khăn nên ông không đủ tiền để nộp. Ông Hậu cũng thừa nhận việc mình sử dụng đất kinh doanh khi chưa được ngành chức năng cho phép là sai.

Mặc dù kết quả đấu giá đã bị huỷ nhưng hậu quả còn lại là quán cà phê với căn nhà gỗ quý trị giá cả tỷ đồng của ông Hậu vẫn còn tồn tại trên phần đất công.

Dư luận đang đặt ra với UBND thành phố là cách giải quyết hậu quả của việc “lỡ” chiếm đất công này sẽ như thế nào, khi không chỉ cá nhân ông Cao Duy Hậu sai mà có cả phần sai sót của các cơ quan chuyên môn và chính quyền địa phương trong việc quản lý.

 

Theo baotayninh.vn

  Ý kiến bạn đọc

  Góp ý

Mã bảo mật   
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây