Hướng dẫn tổng hợp các dự án có nhu cầu sử dụng đất trồng lúa, đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ hàng năm trên địa bàn tỉnh Tây Ninh

Thứ sáu - 03/03/2017 18:00 139 0

Hướng dẫn tổng hợp các dự án có nhu cầu sử dụng đất trồng lúa, đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ hàng năm trên địa bàn tỉnh Tây Ninh

Căn cứ Điều 58 Luật Đất đai năm 2013; Căn cứ các Quyết định của UBND tỉnh phê duyệt Kế hoạch sử dụng đất hàng năm của các huyện, thành phố; Căn cứ Quyết định số 75/QĐ-UBND ngày 12/01/2017 của UBND tỉnh ban hành Chương trình công tác của Ủy ban nhân dân tỉnh năm 2017, nội dung: Giao Sở Tài nguyên và Môi trường tham mưu UBND tỉnh trình Ban Thường vụ Tỉnh ủy, trình HĐND tỉnh danh mục các dự án có sử dụng dưới 10 ha đất trồng lúa; dưới 20 ha đất rừng đặc dụng, rừng phòng hộ đợt 1 năm 2017 trong tháng 5/2017 đợt 2 năm 2017 trong tháng 10/2017; Căn cứ Điều 120 đến Điều 125 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015, quy trình trình Nghị quyết của HĐND tỉnh như sau:

- Dự thảo nghị quyết của HĐND cấp tỉnh phải được đăng tải toàn văn trên cổng thông tin điện tử của tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trong thời hạn ít nhất là 30 ngày để các cơ quan, tổ chức, cá nhân góp ý kiến;

- Sau thời gian lấy ý kiến, Sở Tài nguyên và Môi trường tổng hợp, giải trình, tiếp thu ý kiến góp ý của cơ quan, tổ chức, cá nhân, chậm nhất là 20 ngày trước ngày UBND họp, gửi hồ sơ dự thảo nghị quyết đến Sở Tư pháp để thẩm định, trong thời gian 10 ngày Sở Tư pháp gởi hồ sơ dự thảo nghị quyết đã thẩm định cho Sở Tài nguyên và Môi trường.

- Sở Tài nguyên và Môi trường gửi hồ sơ dự thảo nghị quyết đã được thẩm định đến UBND để chuyển đến các thành viên UBND chậm nhất là 03 ngày làm việc trước ngày UBND họp.

- Chậm nhất là 15 ngày trước ngày khai mạc kỳ họp HĐND, cơ quan trình dự thảo nghị quyết phải gửi hồ sơ dự thảo nghị quyết đến Ban của HĐND được phân công thẩm tra để thẩm tra;

- Hồ sơ dự thảo nghị quyết phải được gửi đến các đại biểu HĐND chậm nhất là 07 ngày trước ngày khai mạc kỳ họp HĐND.

Như vậy, để đáp ứng nhu cầu chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2017, đồng thời đảm bảo thời gian tổng hợp, trình UBND tỉnh để trình HĐND tỉnh theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 và Quyết định số 75/QĐ-UBND ngày 12/01/2017 của UBND tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn đăng ký, tổng hợp danh mục các dự án có nhu cầu sử dụng đất trồng lúa, đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ hàng năm như sau:

1. Đối tượng, điều kiện đăng ký:

a. Đối tượng:

Các Sở, Ban, Ngành tỉnh, UBND cấp huyện, UBND cấp xã, tổ chức, cá nhân có nhu cầu chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa để thực hiện dự án đầu tư, chuyển mục đích sử dụng đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 58 Luật Đất đai năm 2013.

b. Điều kiện:

Dự án đăng ký đảm bảo đúng tên, diện tích theo quyết định đầu tư, quyết định phân khai vốn, Quyết định phê duyệt báo cáo kinh tế - kỹ thuật đầu tư xây dựng, Văn bản chấp thuận chủ trương đầu tư của cơ quan có thẩm quyền, trong đó xác định rõ diện tích đất chuyên trồng lúa nước, đất trồng lúa nước còn lại, đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ và sự phù hợp với quy hoạch sử dụng đất của huyện, thành phố đã được UBND tỉnh phê duyệt, hiện trạng sử dụng đất.

2. Thành phần hồ sơ khi tổng hợp nhu cầu chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ để thực hiện các dự án như sau:

a. Đối với trường hợp chuyển mục đích sử dụng từ 10 héc ta đất trồng lúa trở lên; từ 20 héc ta đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ trở lên:

-  Báo cáo của UBND các huyện, thành phố về việc chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ (Theo Phụ lục 1 - Mẫu báo cáo của UBND huyện/thành phố).

-  Bảng tổng hợp Dự án thuộc thẩm quyền phê duyệt của Chính phủ (Phụ lục 2).

- Văn bản đăng ký của chủ đầu tư cho phép chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ (Phụ lục 3).

-  Bản sao một trong các văn bản pháp lý gồm:

+ Đối với các dự án có sử dụng vốn ngân sách: Quyết định phê duyệt dự án đầu tư hoặc Quyết định phân khai vốn của cấp thẩm quyền hoặc Nghị quyết của HĐND tỉnh phân bổ kinh phí thực hiện các dự án.

+ Đối với các dự án khác: Giấy chứng nhận đầu tư hoặc Văn bản chấp thuận chủ trương đầu tư của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

b. Đối với trường hợp chuyển mục đích sử dụng dưới 10 héc ta đất trồng lúa; dưới 20 héc ta đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ:

- Báo cáo của UBND các huyện, thành phố về việc chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ (Theo Phụ lục 1 - Mẫu báo cáo của UBND huyện/thành phố).

- Văn bản đăng ký của chủ đầu tư cho phép chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ (Phụ lục 3).

-  Bảng tổng hợp Dự án thuộc thẩm quyền phê duyệt của HĐND tỉnh (Phụ lục 4).

-  Bản sao một trong các văn bản pháp lý gồm:

+ Đối với các dự án có sử dụng vốn ngân sách: Quyết định phê duyệt dự án đầu tư hoặc Quyết định phân khai vốn của cấp thẩm quyền hoặc Nghị quyết của HĐND tỉnh phân bổ kinh phí thực hiện các dự án.

+ Đối với các dự án khác: Giấy chứng nhận đầu tư hoặc văn bản chấp thuận chủ trương đầu tư của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

3. Trách nhiệm đăng ký, tổng hợp:

- Các Sở, Ban, Ngành tỉnh, UBND cấp huyện, UBND cấp xã, tổ chức, cá nhân có nhu cầu chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa để thực hiện dự án đầu tư, chuyển mục đích sử dụng đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ chuẩn bị đầy đủ 03 bộ hồ sơ và nộp tại Phòng Tài nguyên và Môi trường các huyện, thành phố đúng thời hạn.

- Phòng Tài nguyên và Môi trường kiểm tra về sự phù hợp quy hoạch sử dụng đất của huyện đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, rà soát không tổng hợp những dự án đã có văn bản chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ hoặc Nghị quyết của HĐND tỉnh thông qua, tổng hợp báo cáo (kèm theo các bảng biểu theo mẫu hướng dẫn) trình UBND các huyện, thành phố ký và gửi Sở Tài nguyên và Môi trường đợt 1 trước ngày 15/3 và đợt 2 trước ngày 20/7 để tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh. (Số lượng hồ sơ: 03 bộ).

4. Thời gian, địa điểm đăng ký:

- Thời gian: tiếp nhận hồ sơ đăng ký của chủ đầu tư tại huyện chia làm 02 đợt:

+ Đợt 1: đến hết ngày 07 tháng 03.

+ Đợt 2: đến hết ngày 10 tháng 7.

- Địa điểm nhận hồ sơ đăng ký: UBND các huyện, thành phố chỉ đạo Phòng Tài nguyên và Môi trường các huyện, thành phố nơi có đất thực hiện dự án thực hiện việc tiếp nhận hồ sơ đăng ký.

Trường hợp không đăng ký hoặc đăng ký không đúng thời gian quy định, hồ sơ không đầy đủ các thông tin theo quy định thì xem như Dự án/công trình không đủ điều kiện để trình UBND tỉnh.

Đề nghị các Sở, Ban, Ngành, UBND các huyện, thành phố định kỳ hàng năm phối hợp thực hiện theo đúng thời gian nêu trên.

Biểu mẫu: 913.rar


CCQLĐĐ

  Ý kiến bạn đọc

  Góp ý

Mã bảo mật   
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây