Góp ý đối với Dự án Luật bảo vệ môi trường (sửa đổi)

Thứ ba - 05/05/2020 22:00 751 0

Góp ý đối với Dự án Luật bảo vệ môi trường (sửa đổi)

Sáng ngày 29/4, Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức Hội nghị trực tuyến với các địa phương nhằm thảo luận, góp ý đối với Dự án Luật bảo vệ môi trường (sửa đổi) và giải quyết tháo gỡ một số vướng mắc trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường.

Tại điểm cầu Hà Nội, đồng chí Phan Xuân Dũng - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội; đồng chí Trần Hồng Hà - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường và các Thứ trưởng.


Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu tỉnh Tây Ninh

Tại điểm cầu tỉnh Tây Ninh, đồng chí Huỳnh Thanh Phương - Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội, đơn vị tỉnh Tây Ninh; đồng chí Trần Văn Chiến - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, lãnh đạo UBND các huyện, thị xã, thành phố; lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường, các phòng chuyên môn, chi cục trực thuộc Sở cùng tham dự.

Phát biểu tại Hội nghị, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng cho rằng, Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) (Luật BVMT) được Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá là đồ sộ và tán thành việc sửa đổi cơ bản toàn diện dự án Luật BVMT (sửa đổi) để thể chế hóa đầy đủ quan điểm của Đảng, nhất là, BVMT là vị trí trung tâm của các quyết định phát triển, không đánh đổi môi trường lấy tăng tưởng kinh tế.

Theo đồng chí Phan Xuân Dũng, có nhiều vấn đề về bảo vệ môi trường mới phát sinh trong thực tiễn hiện nay mà Luật hiện hành chưa có đủ cơ sở để xử lý, cũng như vấn đề hội nhập quốc tế hiện nay Việt Nam đang tham gia, do vậy, đồng chí Phan Xuân Dũng đồng tình với quan điểm của Bộ trưởng Trần Hồng Hà về sự cần thiết sửa đổi Luật BVMT trong xu thế phát triển hiện nay của đất nước. Luật sửa đổi có nhiều giải pháp đột phá, sáng tạo đồng thời đưa ra được những giải pháp phù hợp với hoàn cảnh đất nước, thể chế hóa mục tiêu nhiệm vụ “bảo vệ môi trường vừa là mục tiêu vừa là một nội dung cơ bản của phát triển bền vững”.

Dự án Luật BVMT (sửa đổi) có 16 chương, 192 điều, giảm 4 chương và tăng 21 điều so với Luật BVMT 2014. Dự Luật bổ sung thêm 6 nhóm chính sách mới về bảo vệ môi trường để thay đổi từ tư duy, nhận thức, quan điểm cho đến các quy định của pháp luật, đáp ứng những yêu cầu của quá trình hội nhập quốc tế. Dự thảo Luật còn sửa đổi, bổ sung làm rõ một số từ ngữ; sửa đổi, bổ sung các quy định về thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm; một số luật có liên quan đến bảo vệ môi trường; sửa đổi, bổ sung các điều khoản chuyển tiếp để xử lý sự giao thoa, bảo đảm tính thống nhất trong tổ chức thực hiện quy định pháp luật về bảo vệ môi trường. Dự kiến, Luật này sẽ trình Quốc hội xem xét, thảo luận cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 9 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2021.


Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà phát biểu tại hội nghị. (ảnh monre.gov.vn)

Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, đối với vấn đề môi trường, Bộ đã tập trung sửa đổi Luật BVMT năm 2014 để đặt môi trường vào vị trí trung tâm trong phát triển đất nước. Đây là cũng chính là đáp ứng nguyện vọng chính đáng của người dân về môi trường sống trong lành, an toàn. Đồng thời, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế ngày càng sâu, rộng của đất nước - thực hiện các cam kết quốc tế về bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, thực hiện các quy định trong các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới; góp phần nâng cao sức cạnh tranh của các doanh nghiệp và nền kinh tế Việt Nam trước các rào cản kỹ thuật về môi trường, biến đổi khí hậu.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết thêm, trong diễn biến khó lường của dịch bệnh Covid-19 đang ảnh hưởng trực tiếp đến phát triển kinh tế - xã hội, các mục tiêu tăng trưởng, đến từng người dân, doanh nghiệp, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chủ động đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh; thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công; hỗ trợ người lao động, bảo đảm an sinh, trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh phòng chống dịch Covid-19. Trong đó, đã đề xuất các chính sách về miễn tiền sử dụng đất, tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước; gia hạn tiền cấp quyền khai thác khoáng sản; giảm thuế môi trường; cắt giảm các cuộc thanh tra, kiểm tra; đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4.

Nhờ những nỗ lực giải quyết bài bản, khoa học những tồn tại từ trước đây, từng bước hóa giải các thách thức phát sinh, toàn Ngành đã khẳng định được vị trí, vai trò và có nhiều đóng góp quan trọng vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Đồng thời, Ngành cũng đã tích cực chuẩn bị các điều kiện, nền tảng để cùng với đất nước bước vào giai đoạn phát triển mới.

Qua ý kiến của các địa phương cho thấy, đa số các đại biểu ghi nhận dự thảo Luật BVMT (sửa đổi) đã được chuẩn bị công phu, giải quyết trực tiếp được nhiều vấn đề còn tồn tại của Luật BVMT năm 2014, làm cơ sở cho phát triển kinh tế.

Bên cạnh đó, các ý kiến góp ý thêm liên quan tới đề nghị rà soát đánh giá tác động cụ thể của các chính sách trước khi đưa vào Luật; khắc phục sự chồng chéo với các luật khác, đồng thời bảo đảm tính khả thi; tăng cường trách nhiệm của các Bộ, ngành, địa phương trong phê duyệt báo cáo Đánh giá tác động môi trường (ĐTM); gắn trách nhiệm của địa phương với công tác bảo vệ môi trường với vai trò “chịu trách nhiệm đến cùng”; các quy định phối hợp giải quyết vấn đề môi trường liên vùng; tăng cường công tác thanh, kiểm tra; thu hút, lựa chọn các nhà đầu tư tham gia vào xử lý chất thải rắn; tỷ lệ đầu tư từ ngân sách cho công tác bảo vệ môi trường,…

TT

  Ý kiến bạn đọc

  Góp ý

Mã bảo mật   
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây