Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về đoàn kết để xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh

Thứ sáu - 27/10/2023 09:05 743 0
“Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công”

Tư tưởng Hồ Chí Minh về đoàn kết

Tư tưởng Hồ Chí Minh về đoàn kết là hệ thống những quan điểm, nguyên tắc, phương pháp tập hợp rộng rãi các giai cấp, tầng lớp nhân dân, lực lượng cách mạng nhằm đoàn kết rộng rãi các giai tầng trong xã hội, phát huy đến mức cao nhất sức mạnh của dân tộc để thực hiện yêu cầu, nhiệm vụ của cách mạng ở từng thời điểm, giai đoạn, đưa sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc của Nhân dân ta đến thắng lợi cuối cùng. 

Tư tưởng Hồ Chí Minh về đoàn kết thể hiện ở những nội dung cơ bản sau:

Một là, khẳng định vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng của đoàn kết đối với sự nghiệp đấu tranh cách mạng giải phóng dân tộc và dựng xây, kiến thiết đất nước. Trên cơ sở kế thừa, tiếp thu có chọn lọc quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin về liên minh giai cấp công nhân, giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức trong cách mạng xã hội chủ nghĩa, truyền thống dựng nước và giữ nước của ông cha ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định đoàn kết là vấn đề chiến lược, là nhân tố quan trọng bảo đảm thắng lợi cho sự nghiệp đấu tranh cách mạng giải phóng dân tộc: “Sử dạy cho ta bài học này: Lúc nào dân ta đoàn kết muôn người như một thì nước ta độc lập, tự do. Trái lại, lúc nào dân ta không đoàn kết thì bị nước ngoài xâm lấn”(3). Trên cơ sở đó, Người chỉ rõ tầm quan trọng của tinh thần đoàn kết “Không đoàn kết thì suy và mất. Có đoàn kết thì thịnh và còn. Chúng ta phải đoàn kết mà xoay vần vận mệnh, giữ gìn dân tộc và bảo vệ nước nhà”(4). 

Từ nghiên cứu, khảo nghiệm các phong trào cách mạng thế giới và thực tiễn cách mạng Việt Nam, Người đã khái quát, đúc kết vấn đề đoàn kết của cách mạng Việt Nam là một chân lý, vấn đề sống còn của dân tộc “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công”(5). Như vậy, trong chiều sâu quan điểm, tư tưởng của Người, đoàn kết giữ vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng trong mọi hoạt động của con người, nhất là trong đấu tranh giành độc lập, tự do, hạnh phúc cho dân tộc. Đoàn kết là mục tiêu, nhiệm vụ hàng đầu, có ý nghĩa quyết định thành công của cách mạng, vì đoàn kết sẽ tạo nên sức mạnh. Muốn có được sức mạnh thì phải đoàn kết rộng rãi toàn dân tộc “thành một bức tường đồng vững chắc xung quanh Tổ quốc. Kẻ địch dù có hung tàn, xảo quyệt đến mức nào, đụng đầu nhằm bức tường đó, chúng cũng phải thất bại”(6).

Hai là, chỉ ra nội dung, cách thức, phương pháp thực hiện đoàn kết.

Đây là nội dung cốt lõi của tư tưởng Hồ Chí Minh về đoàn kết dân tộc, đáp ứng với yêu cầu, nhiệm vụ cách mạng ở mỗi giai đoạn, thời kỳ đang đặt ra. Với nhãn quan chính trị nhạy bén và uy tín, ảnh hưởng của bản thân, Người đã chỉ ra những nội dung, cách thức, phương pháp đoàn kết các giai cấp, tầng lớp nhân dân rất đúng đắn, phù hợp, hiệu quả, đánh thức, khơi dậy được ý chí, sức mạnh, bản lĩnh con người Việt Nam nhằm thực hiện nhiệm vụ tối cao là giành độc lập dân tộc. Người chỉ rõ: “Đại đoàn kết tức là trước hết phải đoàn kết đại đa số nhân dân, mà đại đa số nhân dân ta là công nhân, nông dân và các tầng lớp lao động khác… Bất kỳ ai mà thật thà tán thành hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ thì dù những người đó trước đây chống chúng ta, bây giờ chúng ta cũng thật thà đoàn kết với họ… Ai có tài, có đức, có sức, có lòng phụng sự Tổ quốc và phục vụ nhân dân thì ta đoàn kết với họ”(7). Đó là tư tưởng nhân văn sâu sắc, tất cả vì con người, vì sự nghiệp cách mạng chung của đất nước mà Người là hiện thân, tiêu biểu của chủ nghĩa nhân văn đã quy tụ, tập hợp được đông đảo các thành phần, lực lượng tạo thành sức mạnh vô địch cho mục tiêu, nhiệm vụ cách mạng đề ra chống đế quốc và phong kiến đem lại độc lập cho dân tộc, hạnh phúc cho muôn dân.

Để đoàn kết hiệu quả, thành công, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ các tầng lớp, giai cấp trong xã hội phải luôn đặt lợi ích của quốc gia, dân tộc lên trên hết, trước hết. Khi thực hiện đoàn kết, Người bao giờ cũng lấy điểm chung, thống nhất để gắn kết các giai cấp, tầng lớp nhân dân với nhau. Bởi theo Người, mỗi giai cấp, tầng lớp có thể có lợi ích riêng, khác biệt, song phải xác định lợi ích nào là cao nhất, thu hẹp đến mức thấp nhất những mâu thuẫn, bất đồng trong mỗi giai cấp, tầng lớp nhân dân. Trong đó, độc lập dân tộc, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ là mục tiêu cơ bản, xuyên suốt của đoàn kết, là vấn đề bất di bất dịch không thay đổi, là tư tưởng chủ đạo xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc. Đoàn kết phải mang tính rộng rãi, lâu dài, ổn định, bền vững và đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng.

Người khẳng định, đoàn kết không phải là vấn đề nhất thời, mà là nội dung cơ bản, lâu dài mang tính ổn định, bền vững mãi mãi. Bởi, nếu chỉ đoàn kết ở một giai đoạn, thời điểm khi cách mạng thành công, không đoàn kết nữa thì đất nước sẽ rối ren, mỗi người một suy nghĩ, một hướng, không thực hiện được các yêu cầu, nhiệm vụ cách mạng đòi hỏi. Do đó, để đoàn kết lâu dài và mang tính ổn định, bền vững thì phải có sự lãnh đạo tập trung, thống nhất để trong thì vận động, liên minh quần chúng nhân dân; ngoài thì liên minh với các dân tộc, giai cấp bị áp bức, bóc lột. Đoàn kết phải chân thành, thẳng thắn, thật thà vì đồng chí, đồng đội, vì Nhân dân, vì mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; không phải đoàn kết để mưu lợi cho lợi ích cá nhân, chủ nghĩa cá nhân có hại cho nước, cho dân. Do đó, Người yêu cầu, đoàn kết là giúp đỡ nhau cùng tiến bộ, trưởng thành, phục vụ cho nhiệm vụ kháng chiến, kiến quốc, xây dựng chủ nghĩa xã hội; cùng với đó, Người cũng đặt ra vấn đề đoàn kết quốc tế, giúp đỡ, hỗ trợ các dân tộc, giai cấp bị áp bức, bóc lột vì sự nghiệp độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội.

Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về đoàn kết để xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh 

Trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Đảng ta luôn trung thành và vận dụng linh hoạt, sáng tạo tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về giữ vững, củng cố và tăng cường đoàn kết trong Đảng để lãnh đạo sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đặc biệt trong thời kỳ đổi mới đất nước. Một trong những bài học kinh nghiệm được Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) chỉ rõ là: không ngừng củng cố, tăng cường đoàn kết: Đoàn kết toàn Đảng, đoàn kết toàn dân, đoàn kết dân tộc, đoàn kết quốc tế. Nghị quyết Đại hội ĐBTQ lần thứ XII của Đảng nhấn mạnh: “Đoàn kết toàn dân tộc là đường lối chiến lược của cách mạng Việt Nam, là động lực và là nguồn lực to lớn trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”(8). Nghị quyết Đại hội ĐBTQ lần thứ XIII của Đảng đặc biệt nhấn mạnh đến vấn đề đoàn kết để khơi dậy ý chí, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, đưa nước ta trở thành nước công nghiệp hiện đại theo định hướng xã hội chủ nghĩa, có thu nhập cao vào giữa thế kỷ XXI. 

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng nhiều lần khẳng định “Tiền hô hậu ủng”, “Nhất hô bá ứng”, “Trên dưới đồng lòng”, “Dọc ngang thông suốt” để nói lên sự đoàn kết, nhất trí cao trong nội bộ Đảng và hệ thống chính trị. Nhờ tinh thần đoàn kết, nhất trí cao cho nên dù đứng trước những khó khăn, thách thức, Đảng ta vẫn là một khối thống nhất, lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện các mặt hoạt động, lĩnh vực của đời sống xã hội, tạo ra bước nhảy vọt về chất trên mọi phương diện, góp phần nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế. 

Hiện nay, tình hình thế giới, khu vực và trong nước còn nhiều diễn biến phức tạp, khó lường, thời cơ, vận hội đan xen với nguy cơ, thách thức. Thực tiễn đó đòi hỏi chúng ta phải quán triệt, vận dụng linh hoạt, sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh về đoàn kết để xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước hiện nay.

Một là, quán triệt và thực hiện nghiêm túc những chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta về đoàn kết trong Đảng.

Mỗi đảng viên cần thực hiện nghiêm các chỉ thị, nghị quyết, quy định của Đảng về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị, như: Quy định số 08 -QĐi/TW ngày 25/10/2018 của Ban Chấp hành Trung ương về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương; Quy định số 37-QĐ/TW ngày 25/10/2021  về những điều đảng viên không được làm; Quy định số 114-QĐ/TW ngày 11/7/2023 của Bộ Chính trị “Về kiểm soát quyền lực và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ”… Trên cơ sở đó, có sự thống nhất cao về ý chí, quyết tâm và ý thức trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, của cán bộ, đảng viên để gương mẫu, tự giác trong việc chỉ đạo, tổ chức thực hiện các kết luận và quy định của Đảng trên mỗi cương vị công tác, lĩnh vực phụ trách; mỗi cơ quan, đơn vị, địa phương cần thể chế hóa, cụ thể hóa quan điểm, đường lối của Đảng, Nhà nước vào từng lĩnh vực, hoạt động để xây dựng chương trình kế hoạch hành động phù hợp, hiệu quả, khơi dậy tinh thần đổi mới, sáng tạo, hết lòng, hết sức vì sự nghiệp cách mạng chung của Đảng, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng.

Hai là, thực hiện nghiêm túc các nguyên tắc xây dựng Đảng và hệ thống chính trị.

Những nguyên tắc xây dựng Đảng và hệ thống chính trị có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng để củng cố, giữ vững đoàn kết trong mọi hoạt động, tăng sức mạnh, vị thế, uy tín của tổ chức cơ sở đảng trong quản lý, giáo dục, bồi dưỡng, rèn luyện cán bộ, đảng viên hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ được giao. Theo tinh thần này, đội ngũ cán bộ, đảng viên, đặc biệt là cán bộ chủ trì các cơ quan, đơn vị, địa phương phải nắm chắc những chỉ thị, quy định, văn bản, hướng dẫn của Đảng và Nhà nước về các nội dung có liên quan đến công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị như: công tác cán bộ, chế độ, chính sách cho cán bộ, sắp xếp, bổ nhiệm cán bộ theo tiêu chuẩn, quy định của Đảng; nguyên tắc tập trung dân chủ, phát huy vai trò của trí tuệ tập thể nhưng có sự phân công cá nhân phụ trách; thực hiện tốt nguyên tắc tự phê bình và phê bình; đánh giá đảng viên, kỷ luật tổ chức đảng và đảng viên; quản lý đảng viên sinh hoạt ở nơi cư trú… 

Phát huy vai trò, tiền phong gương mẫu của cán bộ chủ trì trong việc chấp hành chủ trương, đường lối, quan điểm của Đảng, nhất là triển khai nghị quyết của Đảng vào thực tiễn cuộc sống; nắm chắc kế hoạch kiểm tra, giám sát cán bộ, đảng viên và triển khai tổ chức thực hiện theo đúng tiến độ đã xác định; thường xuyên đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp sinh hoạt Đảng theo hướng ngắn, gọn, có trọng tâm, trọng điểm và bảo đảm cung cấp đầy đủ thông tin cho cán bộ, đảng viên; duy trì thường xuyên các chế độ, nề nếp sinh hoạt Đảng; làm tốt công tác giáo dục chính trị, xây dựng tinh thần đoàn kết, tương trợ giúp đỡ nhau trong cơ quan, đơn vị, địa phương. 

Ba là, phát huy vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên và người đứng đầu. 

Mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, nhất là người đứng đầu phải phát huy tính tiền phong gương mẫu của mình, chấp hành nghiêm đường lối, quan điểm, chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước; nói và làm theo đúng Cương lĩnh, Điều lệ của Đảng; cán bộ chủ trì ở mỗi cơ quan, đơn vị, địa phương là hạt nhân, trung tâm của đoàn kết, nơi quy tụ, tập hợp sức mạnh của đông đảo cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức vào thực hiện các nhiệm vụ được giao; giữ vững phẩm chất đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên, dám làm, dám nhận trách nhiệm đối với khuyết điểm, hạn chế của cấp dưới. Xây dựng phong cách làm việc dân chủ và quyết đoán của người lãnh đạo, chỉ huy cơ quan, đơn vị, địa phương; việc gì có lợi cho cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức thì phải làm, việc gì không có lợi thì phải tránh. 

Luôn tôn trọng, lắng nghe ý kiến của cấp dưới và giải quyết hài hòa các mối quan hệ, bảo đảm chủ trương, biện pháp của lãnh đạo, chỉ huy cơ quan, đơn vị, địa phương đưa ra đều nhận được sự đoàn kết, ủng hộ nhất trí của cấp dưới, không phán xét chủ quan và phải đánh giá công tâm, khách quan, không thiên vị khi đánh giá năng lực làm việc, phẩm chất đạo đức, lối sống của cấp dưới… Người đứng đầu phải phát huy được ưu điểm, thế mạnh của cấp dưới; đồng thời uốn nắn, nhắc nhở, chấn chỉnh và xử lý kịp thời những cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức có tư tưởng gây chia rẽ nội bộ, mất đoàn kết, vì lợi ích nhóm theo quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước./.

Tác giả: MT

Nguồn tin: tcnn.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

  Góp ý

Mã bảo mật   
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây