Trong cuốn sách “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có một bài viết từ năm 2004 bàn về nguyên tắc tập trung dân chủ.
Tại thời điểm đó, tác giả nhấn mạnh, ngoài những nỗ lực phấn đấu để vượt qua khó khăn khách quan, Đảng phải cố gắng rất nhiều để khắc phục những khuyết điểm chủ quan, như tình trạng quan liêu, mệnh lệnh, cửa quyền trong một số cơ quan lãnh đạo và quản lý; những hiện tượng sa sút về đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên, nhất là những hiện tượng tham nhũng, sách nhiễu dân, lợi dụng chức quyền để mưu lợi cá nhân.
Tác giả khẳng định, thực hiện tốt nguyên tắc tập trung dân chủ là vấn đề trọng yếu bảo đảm cho Đảng thật sự chặt chẽ về tổ chức, đoàn kết thống nhất và có sức chiến đấu cao. Vào những năm cuối thập kỷ 80 đầu thập kỷ 90 của thế kỷ XX, trước sự tan rã của Đảng Cộng sản Liên Xô và Đông Âu, trước những đòn tiến công mới của các thế lực thù địch, ở Việt Nam cũng có những biểu hiện dao động trên vấn đề thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ. Xuất hiện khuynh hướng muốn hạ thấp hoặc phủ nhận nguyên tắc tập trung dân chủ, muôn áp dụng chế độ “đa nguyên, đa đảng” kiểu phương Tây.
Đảng đã kịp thời uốn nắn, chấn chỉnh những lệch lạc này, yêu cầu các cấp uỷ và tổ chức đảng phải làm tốt công tác giáo dục, thống nhất nhận thức, đồng thời chỉ đạo xây dựng cơ chế bảo đảm thực hiện tốt nguyên tắc tập trung dân chủ trong Đảng.
Một mặt, phải thực hiện đầy đủ các quyền dân chủ của đảng viên, có quy chế, quy trình để đảng viên tham gia trực tiếp vào quá trình hoạch định và tổ chức thực hiện đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng; cán bộ lãnh đạo, nhất là người đứng đầu cấp uỷ phải tôn trọng và lắng nghe ý kiến cũng như những việc làm sáng tạo của đảng viên, của cấp dưới; lắng nghe các ý kiến khác nhau trước khi quyết định; thực hiện dân chủ tập thể trong công tác cán bộ.
Mặt khác, phải đấu tranh với những khuynh hướng dân chủ hình thức hoặc dân chủ cực đoan, muốn lợi dụng dân chủ để gây chia rẽ, bè phái, mị dân, theo đuôi quần chúng lạc hậu. Dân chủ chân chính không thể có được nếu thiếu tập trung, thiếu kỷ luật, thiếu trách nhiệm.
Dân chủ không tương dung với độc đoán, chuyên quyền, cũng không phải là tự do vô chính phủ. Nếu xa rời hoặc coi nhẹ nguyên tắc tập trung dân chủ là làm sai lạc tổ chức Đảng từ trong bản chất, nếu thực hiện không đúng nguyên tắc tập trung dân chủ là làm yếu sức mạnh của Đảng từ gốc.
Trong việc xây dựng, kiện toàn hệ thống tổ chức bộ máy của Đảng và hệ thống chính trị, Đảng luôn quán triệt tinh thần tích cực, khoa học, đồng bộ, bám sát yêu cầu nhiệm vụ chính trị. Việc xây dựng hệ thống tổ chức không chỉ là việc sắp xếp cơ cấu bộ máy mà còn phải xác định rõ chức năng, nhiệm vụ và quy chế hoạt động của mỗi tổ chức cũng như của toàn hệ thống. Khắc phục tình trạng chồng chéo, chức năng không rõ, trùng lặp công việc; kiên quyết cắt giảm những bộ phận thừa, những khâu trung gian không cần thiết.
Thực tiễn những năm gần đây càng chứng minh sâu sắc chân lý: cán bộ đóng vai trò quyết định; công tác cán bộ là công tác đặc biệt quan trọng. Là Đảng cầm quyền trong điều kiện hiện nay, Đảng phải thường xuyên chăm lo công tác cán bộ; chăm lo cán bộ cho cả hệ thống chính trị, trên tất cả các lĩnh vực.
Liên hệ chặt chẽ với nhân dân là quy luật tồn tại, phát triển và hoạt động của Đảng, là nhân tố quyết định tạo ra sức mạnh của Đảng. Đây là mối quan hệ “tin cậy lẫn nhau”, “tín nhiệm lẫn nhau” như Lênin nói. Nhân dân tin Đảng, ủng hộ Đảng, theo Đảng làm cách mạng.
Còn Đảng làm hết sức mình để phục vụ nhân dân, phát huy vai trò và khả năng sáng tạo không bao giờ cạn của nhân dân. Trong điều kiện Đảng cầm quyền, vấn đề này lại càng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, bởi vì, như Lênin nói, một trong những nguy cơ lớn nhất và đáng sợ nhất đối với một đảng cầm quyền là Đảng tự cắt đứt mối liên hệ với quần chúng nhân dân.
Từ lúc thành lập đến nay, Đảng được nhân dân cưu mang, che chở, giúp đỡ hết lòng. Và chính nhờ thế mà Đảng có đủ khả năng và sức mạnh lãnh đạo cách mạng vượt qua mọi khó khăn, chiến thắng mọi kẻ thù, dù đó là kẻ thù hung bạo nhất. Liên hệ mật thiết với nhân dân là một truyền thống tốt đẹp của Đảng, là bài học lớn của cách mạng Việt Nam.
Ngày nay, trong điều kiện mới, với quy mô, tầm vóc to lớn của cách mạng, với vai trò và trình độ ngày càng cao của nhân dân, với vị thế mới của mình, Đảng có thêm điều kiện thuận lợi để mở rộng và tăng cường mối liên hệ với nhân dân.
Nhưng mặt khác, với vị thế là Đảng cầm quyền, tính chất và phương thức lãnh đạo mới, mối liên hệ giữa Đảng và Nhân dân cũng có những đòi hỏi cao hơn và đang đứng trước những thử thách mới. Ngoài những nỗ lực phấn đấu để vượt qua khó khăn khách quan, Đảng phải cố gắng rất nhiều để khắc phục những khuyết điểm chủ quan, như tình trạng quan liêu, mệnh lệnh, cửa quyền trong một số cơ quan lãnh đạo và quản lý; những hiện tượng sa sút về đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên, nhất là những hiện tượng tham nhũng, sách nhiễu dân, lợi dụng chức quyền để mưu lợi cá nhân, trù dập, ức hiếp quần chúng.
Nghị quyết Đại hội IX của Đảng đã khẳng định xây dựng và tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc để phát huy sức mạnh tổng hợp, thực hiện sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, coi đây là động lực chủ yếu để xây dựng và phát triển đất nước. Từ năm 1998, Bộ Chính trị khoá VIII đã ra chỉ thị thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở và tích cực chỉ đạo để phát huy mạnh mẽ và thực hiện quyền làm chủ của nhân dân.
Đảng yêu cầu và xây dựng các cơ chế, các quy định buộc các cấp uỷ và tổ chức đảng phải tổ chức và tạo điều kiện thuận lợi để nhân dân và các đoàn thể nhân dân thường xuyên tham gia các công việc của Đảng, đóng góp ý kiến xây dựng các chủ trương, chính sách của Đảng; giám sát, phê bình cán bộ, đảng viên; giới thiệu những người xứng đáng để bầu vào các cơ quan lãnh đạo của Đảng và Nhà nước; giới thiệu những người đủ tiêu chuẩn để kết nạp vào đội ngũ của Đảng; giúp tổ chức đảng làm tốt công tác kiểm tra, phát hiện, đấu tranh với những hành vi tham nhũng, tiêu cực...
Trên thực tế, trong những năm đổi mới, rất nhiều đoàn thể nhân dân, các tổ chức xã hội, nghề nghiệp được thành lập, được củng cố, đổi mới nội dung, phương thức hoạt động và đã có nhiều hoạt động phong phú, sáng tạo, đóng góp thiết thực cho công cuộc đổi mới đất nước nói chung, xây dựng Đảng nói riêng.
Đảng lãnh đạo là Đảng định ra đường lối, chủ trương, đồng thời lãnh đạo Nhà nước đưa đường lối, chủ trương đó vào nội dung hoạt động của Nhà nước, thể chế hoá đường lối, quan điểm của Đảng thành chính sách, luật pháp và quản lý, điều hành, tổ chức việc thực hiện.
Đảng bố trí cán bộ và kiểm tra việc chấp hành đưòng lối, chủ trương, quan điểm của Đảng. Đảng cầm quyền nào cũng phải làm như vậy. Đó là lý do tồn tại, là chức năng không ai thay thế được của Đảng cầm quyền.
Phải làm sao để khi nhân dân thực hiện chính sách, luật pháp của Nhà nước cũng tức là thực hiện cương lĩnh, đường lối của Đảng. Khi toà án xét xử một tội phạm, kết luận một tội danh hoặc tuyên phạt một mức án là căn cứ theo điều luật của Nhà nước, tức cũng là thể hiện quan điểm, tư tưởng, thái độ của Đảng.
Còn làm thế nào để biến cương lĩnh, đường lối của Đảng thành chính sách, luật pháp của Nhà nước, thì đó là cơ chế, phương thức, là nghệ thuật lãnh đạo. Một biện pháp có ý nghĩa quyết định là Đảng phải cử những cán bộ, đảng viên có uy tín, có năng lực, có tính đảng cao vào hoạt động trong các cơ quan Nhà nước, nắm giữ những cương vị then chốt trong bộ máy nhà nước, đồng thời có cơ chế kiểm tra hoạt động của các đảng viên đó.
Có ý kiến lo ngại rằng, nếu cán bộ chủ chốt của Đảng đảm nhiệm cả chức vụ chủ chốt của chính quyền thì dễ sinh ra độc đoán, chuyên quyền, phải có cơ chế gì để kiểm tra, kiềm chế, ngăn ngừa tiêu cực. Đúng là phải có cơ chế.
Ngoài sự giáo dục, quản lý của chi bộ, sự giám sát phê bình của nhân dân thì một trong những cơ chế bảo đảm sự lãnh đạo và kiểm tra hoạt động của các đảng viên hoạt động trong bộ máy nhà nước chính là đảng đoàn (ở các cơ quan dân cử) và ban cán sự đảng (ở các cơ quan chấp hành, cơ quan tư pháp); định rõ thẩm quyền và trách nhiệm của đảng đoàn, ban cán sự đảng, thẩm quyền và trách nhiệm của những người đứng đầu cơ quan nhà nước. Cơ chế này là sự thể hiện và tạo điều kiện để thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ trong sinh hoạt đảng và tính chất dân chủ, thuyết phục trong phương thức lãnh đạo đối với các cơ quan nhà nước.
Tác giả: MT
Nguồn tin: baotayninh.vn
Ý kiến bạn đọc