Cuộc sống mới của người dân tái định cư ở Tuyên Quang

Thứ ba - 25/02/2014 20:25 895 0
Để phục vụ việc xây dựng Nhà máy thủy điện Tuyên Quang, 4.139 hộ với 20.138 nhân khẩu thuộc 88 thôn, ở 11 xã thuộc vùng lòng hồ thủy điện Tuyên Quang đã di chuyển đến 125 điểm tái định cư mới. Sau 10 năm di chuyển đến địa bàn mới, bức tranh kinh tế - xã hội vùng tái định cư ở Tuyên Quang đã có nhiều khởi sắc.

 

 

 

  * Thôn bản đổi thay      

  Năm 2004, thực hiện chương trình di dân tái định cư công trình thủy điện Tuyên Quang, 58 hộ đồng bào dân tộc Mông xã Thúy Loa, huyện Na Hang, về tái định cư tại xã Mỹ Bằng, huyện Yên Sơn, với tên gọi mới là thôn Mỹ Hoa.      

  Ngay từ những ngày đầu về quê mới, bà con nhận được sự quan tâm của cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể từ tỉnh, huyện tới xã, 100% các gia đình đồng bào Mông ở thôn Mỹ Hoa được cấp 360 m2 đất ở/hộ để làm nhà ở; 400 m2 đất ruộng/khẩu để trồng lúa và hơn 3.900 m2 đất chè/hộ để sản xuất. Ngoài ra, để phục vụ đời sống của người dân, các công trình hạ tầng kỹ thuật như hệ thống giao thông, thoát nước, điện lưới, cấp nước sạch; lớp mẫu giáo, phân hiệu tiểu học, nhà văn hóa, sân thể thao... được xây dựng và đưa vào sử dụng.      

  Anh Sùng Tài Phủ, Phó trưởng thôn Mỹ Hoa cho biết, nếu so với ngày đầu mới về, bây giờ cuộc sống của đồng bào dân tộc Mông thôn Mỹ Hoa đã khác xưa nhiều. 100% các cháu trong độ tuổi đều đi học mẫu giáo, tiểu học, trung học; tất cả mọi người từ già đến trẻ đều được cấp thẻ bảo hiểm y tế để khám chữa bệnh. Trong phát triển kinh tế, thôn có nhiều hộ được vay vốn đầu tư phát triển trồng trọt, chăn nuôi gia súc, gia cầm, sửa sang, kiên cố nhà cửa; 100% số hộ trong thôn có tivi, hơn 80% số hộ có xe máy…      

  Đặc biệt, trong năm 2013 cùng với nhân dân xã Mỹ Bằng, bà con thôn Mỹ Hoa đã đóng góp công sức làm mới hơn 1,2 km đường bê tông nông thôn... Đến nay, các hộ đồng bào dân tộc Mông trong thôn đã thực sự gắn bó cuộc sống của mình trên quê hương mới.   

  Cũng như khu tái định cư thôn Mỹ Hoa, khu tái định thôn Nà Xé, xã Bình An, huyện Lâm Bình – nơi sinh sống của 40 hộ dân, di chuyển từ lòng hồ Thủy điện Tuyên Quang đến, hiện đổi thay rất nhiều. Những ngôi nhà cũ giờ đã được thay thế bằng những ngôi nhà sàn đều tăm tắp, chạy dọc con đường thôn với khuôn viên cây xanh rất quy củ.   

  Anh Tráng A Lềnh, Phó Trưởng thôn Nà Xé, xã Bình An, cho biết: Người dân chuyển về nơi ở mới vào năm 2005, hiện 100% số hộ tái định cư trong thôn có phương tiện nghe nhìn, trên 90% số hộ sắm được xe máy. Trong năm qua, hầu hết các hộ tái định cư đạt danh hiệu gia đình văn hóa. Đặc biệt, nhờ chuyển đến nơi ở mới con em các hộ dân trong thôn có điều kiện học tập tốt hơn, nên nhiều em đã thi đỗ vào các trường đại học, cao đẳng.      

* Xây dựng hạ tầng và phát triển sản xuất        

  Công tác di dân, tái định cư dự án thủy điện Tuyên Quang luôn được tỉnh xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở. Theo đó, ngay sau khi tổ chức cho các hộ di chuyển về nơi tái định cư, công tác tổ chức chính quyền và các đoàn thể đã được củng cố, kiện toàn; việc tổ chức giao đất sản xuất, đất ở cho các hộ dân được đảm bảo thực hiện đúng quy định. Đến nay, toàn tỉnh đã giao đất ở cho 3.946 hộ với diện tích bình quân 298 m2/hộ và đất sản xuất nông nghiệp cho 14.934 khẩu tái định cư, với diện tích đạt 443 m2/khẩu. Các hộ dân tái định cư được hỗ trợ chăn nuôi, trồng trọt theo quy định. Quỹ đất để xây dựng khu, điểm tái định cư chủ yếu lấy từ việc chuyển nhượng sử dụng từ người dân sở tại và khai hoang mở rộng diện tích.      

  Ngoài ra, tại các khu tái định cư còn được đầu tư xây dựng mới và nâng cấp hơn 263 km đường giao thông nông thôn các loại; xây mới 59 công trình cấp nước tập trung, 79 trạm biến áp, hơn 13.600 m2 nhà lớp học các cấp… với tổng nguồn vốn đầu tư trên 1.000 tỷ đồng. Nhờ vậy, đến nay đời sống văn hóa, xã hội các điểm tái định cư được cải thiện hơn so với nơi ở cũ; 100% các điểm tái định cư có điện lưới quốc gia, phủ sóng phát thanh, truyền hình... Nhìn chung đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân từng bước được ổn định, kinh tế phát triển, thu nhập năm sau cao hơn năm trước.

  Ông Chẩu Văn Lâm, Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang nhấn mạnh: Công tác di dân tái định cư thủy điện Tuyên Quang luôn là nhiệm vụ trọng tâm của Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang và nhận được sự quan tâm đặc biệt của Chính phủ, các bộ, ban, ngành Trung ương, sự chỉ đạo sát sao của Thường trực Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh Tuyên Quang, cũng như sự đồng thuận của các tầng lớp nhân dân trên địa bàn đã nhường đất cho công trình thủy điện Tuyên Quang. Trong thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục thực hiện có hiệu quả Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt điều chỉnh, bổ sung quy hoạch tổng thể di dân, tái định cư thủy điện Tuyên Quang và Thông báo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Tuyên Quang về kết quả kiểm tra việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện ổn định đời sống của nhân dân sau khi tái định cư thủy điện Tuyên Quang…      

  Theo ông Lâm, từ nay đến năm 2016, tỉnh Tuyên Quang sẽ tạo thêm quỹ đất ở những nơi có điều kiện để giao cho các hộ tái định cư, đảm bảo 400m2/hộ tái định cư nông nghiệp, 200m2/hộ tái định cư phi nông nghiệp; 500m2 đất sản xuất/khẩu; mỗi hộ tái định cư nông nghiệp được giao thêm 0,5 ha đất trồng rừng sản xuất. Cùng với đó, tỉnh sẽ đầu tư hỗ trợ ổn định đời sống, phát triển sản xuất, đào tạo nghề gắn với tạo việc làm, khuyến khích chuyển đổi nghề từ sản xuất nông nghiệp sang phi nông nghiệp, nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững cho người dân tái định cư. Bên cạnh đó, tỉnh sẽ đầu tư xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng tại điểm tái định cư đạt chuẩn theo Bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới.

Bảo Châu Theo Monre.gov.vn

 

  Ý kiến bạn đọc

  Góp ý

Mã bảo mật   
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây