Trên 81% thuộc lĩnh vực đất đai
Trong năm 2013, ngành thanh tra TPHCM tiếp nhận hơn 6.000 đơn khiếu nại, giảm khoảng 1.500 đơn so với cùng kỳ năm trước. Trong số hơn 3.400 đơn khiếu nại đã giải quyết trong năm 2013 thì có 8% đơn khiếu nại đúng; 12% có điểm khiếu nại đúng, có điểm khiếu nại sai; 80% đơn khiếu nại sai. Trong số hơn 250 đơn tố cáo đã giải quyết năm 2013 thì có 9% đơn tố cáo đúng; 14% đơn tố cáo có điểm đúng, có điểm sai; 77% đơn tố cáo sai.
Qua giải quyết khiếu nại, tố cáo, ngành thanh tra thành phố đã phục hồi quyền lợi cho hơn 40 người, được bồi thường hỗ trợ thêm với trị giá tổng số tiền hơn 23 tỷ đồng; kiến nghị thu hồi cho Nhà nước nước số tiền hơn 12 tỷ đồng. Trong năm 2013, khiếu kiện đông người trên địa bàn thành phố cũng đã được kiểm soát. Tuy nhiên, Thanh tra TP nhận định: “Tình hình khiếu nại, tố cáo vẫn còn có những diễn biến phức tạp, nhất là các khiếu nại bồi thường tại các dự án”.
Dự án xây dựng công viên Sài Gòn Safari (Thảo cầm viên mới), 1 trong 15 “điểm nóng” có thể xảy ra khiếu kiện đông người
Thống kê của Thanh tra TP cho thấy, nội dung đơn khiếu nại, tố cáo của người dân tập trung chủ yếu trong lĩnh vực hành chính (chiếm 92 %); trong đó, đơn khiếu nại trong lĩnh vực đất đai có tỷ lệ cao nhất (trên 81%).
Trong năm 2013, hầu hết các trường hợp khiếu nại đông người đều tập trung ở lĩnh vực đất đai. Thanh tra TP nêu vài dự án điển hình đã xảy ra như: các hộ thuộc Dự án Chung cư Cô Giang (phường Cô Giang, quận 1), dự án 1Bis-1Kép Nguyễn Đình Chiểu, dự án Tứ giác Bến Thành (quận 1); dự án Khu Đô thị mới Thủ Thiêm (quận 2); dự án mở rộng cầu Kinh Thanh Đa (quận Bình Thạnh)… Các vụ việc khiếu nại đông người này đều là những vụ việc cũ, kéo dài nhiều năm nay.
15 “điểm nóng” sắp tới
Trong báo cáo này, Thanh tra TP cũng dự báo những vụ việc có thể phát sinh khiếu nại đông người trong thời gian tới. Theo dự báo này, cả 15 “điểm nóng” có khả năng phát sinh khiếu nại đông người đều liên quan đến các dự án có thu hồi đất.
Cụ thể, ở quận 8 có 1 vụ liên quan đến dự án Trung tâm lưu thông hàng hóa (Khu E Nam Thành phố). Quận Gò Vấp có 2 vụ liên quan đến dự án Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - Vành đai ngoài và cưỡng chế tháo dỡ nhà xây không phép đối với một số hộ dân tại khu ấp Doi (phường 15). Quận Bình Thạnh có 4 vụ liên quan đến các dự án: lô 13-14 (phường 22), xây dựng mới cầu kinh Thanh Đa; chống sạt lở kênh Thanh Đa; xây dựng đầu tư xây dựng mới lô VI, lô VI cư xá Thanh Đa (phường 27).
Quận Tân Bình có 3 vụ liên quan đến các dự án: Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - Vành đai ngoài và dự án đầu tư cải tạo tuyến mương Nhật Bản; dự án xây dựng chung cư 251 Hoàng Văn Thụ; dự án công trình công cộng và chung cư cao tầng phục vụ chương trình tái định cư tại khu đất vườn rau -Bưu điện Chí Hòa. Quận Thủ Đức có 2 vụ liên quan đến dự án đầu tư xây dựng Trường THCS Trường Thọ và dự án Đại học Quốc gia. Huyện Củ Chi có 2 vụ liên quan đến dự án Khu công nghiệp Đông Nam và dự án đầu tư xây dựng Thảo Cầm Viên. Huyện Nhà Bè có 1 vụ liên quan đến dự án KCN Hiệp Phước giai đoạn 2.
Trong 15 vụ việc dự báo có khiếu nại đông người nêu trên có 1 vụ việc đã được dự báo từ năm 2012, 14 vụ việc mới dự báo. Đây là những dự án đã được triển khai thực hiện từ năm 2010 (trừ dự án đầu tư xây dựng mới cầu Kinh Thanh Đa mới triển khai), quá trình triển khai dự án còn vướng mắc về thủ tục pháp lý, về chính sách bồi thường…
Theo Thanh tra Thành phố, tình trạng khiếu nại nhiều trong công tác bồi thường, giải tỏa, tái định cư là do pháp luật hiện hành chưa tạo được những chuẩn mực chung về giá bồi thường đất và cơ chế điều chỉnh giá theo thời gian. Nhiều dự án được phân thành các giai đoạn khác nhau nên kéo dài, dẫn đến việc người dân so sánh giá bồi thường giữa các dự án.
Ngoài ra, việc thay đổi, điều chỉnh pháp luật thường xuyên có liên quan đến chính sách bồi thường, hỗ trợ cũng ảnh hưởng đến người dân tại các dự án bồi thường chậm, kéo dài… Những bất cập này nếu không giải quyết hợp tình, hợp lý sẽ phát sinh khiếu nại kéo dài.
Bảo Châu Theo Dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc