Ứng phó với biến đổi khí hậu: Xây dựng những mô hình trình diễn

Thứ tư - 26/12/2012 18:45 771 0
Tại phiên họp lần thứ nhất của Ban Chủ nhiệm Chương trình Mục tiêu Quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu, Bộ trưởng Bộ TN&MT, Chủ nhiệm Chương trình Nguyễn Minh Quang nhấn mạnh, trong giai đoạn 2012-2015, cần xây dựng các mô hình trình diễn tại các địa phương, nhằm hiện thực hóa công cuộc ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH).

                                       Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang phát biểu

 

Phiên họp diễn ra ngày 20/12/2012 với sự chủ trì của Chủ nhiệm Chương trình Nguyễn Minh Quang. Tham dự có Thứ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà – Phó Chủ nhiệm thường trực, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị - Ủy viên, bà Lis Rosenholm, Phó Đại sứ Vương quốc Đan Mạch tại Hà Nội và đại diện các Bộ là thành viên của Ban Chủ nhiệm.

Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang nhận định: Sau 3 năm triển khai thực hiện Chương trình, một số chủ trương, chính sách về ứng phó với BĐKH đã được xây dựng, ban hành và bước đầu phát huy hiệu quả như: Chiến lược quốc gia về BĐKH, Chiến lược tăng trưởng xanh, Quy hoạch Đồng bằng sông Cửu Long trong bối cảnh BĐKH,.... cũng như các chủ trương, chính sách gắn yếu tố BĐKH trong phát triển kinh tế - xã hội ở một số ngành, lĩnh vực trọng điểm, chịu ảnh hưởng trực tiếp của BĐKH.

 Các hoạt động ứng phó với BĐKH đã được triển khai đa dạng, toàn diện từ Trung ương tới địa phương. Nhận thức của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp và toàn xã hội về BĐKH đã được nâng lên rõ rệt. Thông qua các diễn đàn quốc tế về BĐKH cho thấy vị thế, vai trò và uy tín của Việt Nam trong các hoạt động ứng phó với BĐKH được tăng cường, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao. Công tác vận động tài trợ quốc tế, hợp tác quốc tế đạt được những thuận lợi cơ bản.

Theo báo cáo của Thư ký Văn phòng Chương trình mục tiêu, ông Trương Đức Trí – Phó Cục trưởng Cục Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu, đến năm 2012, Chương trình đã chú trọng thực hiện 4 nhóm nhiệm vụ chính: Đánh giá mức độ và tác động của biến đổi khí hậu; xây dựng và triển khai kế hoạch hành động ứng phó với BĐKH; nâng cao năng lực, truyền thông, giám sát, đánh giá; tăng cường hợp tác quốc tế. Cả 4 nhóm nhiệm vụ trên đều được đẩy mạnh ở các Bộ, ngành và một số địa phương chịu tác động nặng nề.

Nhiệm vụ nâng cao năng lực, truyền thông, giám sát, đánh giá được xem có ý nghĩa quan trọng trong giai đoạn đầu nên được Chương trình tích cực triển khai từ rất sớm. Việc tuyên truyền được tổ chức sâu rộng đến mọi tầng lớp nhân dân. Nhóm nhiệm vụ về tăng cường hợp tác quốc tế đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, với sự hỗ trợ và cam kết hỗ trợ về tài chính, công nghệ lên tới hàng trăm triệu USD. Vai trò, vị thế của Việt Nam trên diễn đàn quốc tế được khẳng định.

 

 

                                                 Thứ trưởng Trần Hồng Hà phát biểu

 

Nhiệm vụ đánh giá mức độ và tác động của BĐKH được triển khai sớm, đối với từng ngành, từng lĩnh vực, từng địa phương, làm cơ sở để xây dựng và triển khai các phương án hành động.

Riêng đối với việc xây dựng kế hoạch hành động tại các địa phương, theo ông Trương Đức Trí, do BĐKH là một lĩnh vực mới, nhiệm vụ xây dựng kế hoạch hành động ứng phó với BĐKH lại có tính liên ngành cao với tầm nhìn dài hạn nên ngoài việc còn lúng túng trong triển khai xây dựng, nhiều địa phương còn rất thận trọng khi quyết định ban hành. Đến nay mới có 35 tỉnh, thành phố xây dựng và ban hành Kế hoạch hành động ứng phó với BĐKH, chủ yếu là các tỉnh ven biển, các tỉnh thuộc khu vực đồng bằng sông Cửu Long, chịu tác động nặng nề của BĐKH và nước biển dâng.

Đối với việc thực hiện nhiệm vụ năm 2013, các nhiệm vụ về tuyên truyền, đào tạo sẽ cắt giảm kinh phí, tập trung việc tuyên truyền ở Bộ TN&MT, Bộ Thông tin và Truyền thông; nhiệm vụ đào tạo tập trung ở Bộ Giáo dục và Đào tạo. Kinh phí sẽ tập trung bố trí vào một số dự án có sản phẩm rõ ràng và mang lại hiệu quả thiết thực.

Tại phiên họp ngày 13/12/2012 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về phân bổ vốn đối với 2 chương trình MTQG của Bộ TN&MT, sau khi nghe báo cáo của Chỉnh phủ và ý kiến của các đại biểu tham dự phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ cần tiếp tục rà soát lại các dự án, căn cứ vào mức kinh phí để ưu tiên bố trí vốn cho các dự án thực sự hiệu quả, đúng mục tiêu ứng phó với BĐKH và phải là mô hình thí điểm để có thể nhân rộng.

Thứ trưởng Trần Hồng Hà cho rằng, Chương trình Mục tiêu Quốc gia ứng phó với BĐKH đã bước qua giai đoạn khởi động và đến giai đoạn hành động. Bởi vậy việc chọn mô hình điểm là điều cần thiết. Sẽ ưu tiên xây dựng các mô hình ở đồng bằng sông Cửu Long - nơi chịu ảnh hưởng nặng nề nhất; ưu tiên việc triển khai các kế hoạch hành động bằng các dự án trình diễn hơn là nặng về tuyên truyền, điều tra, khảo sát.

Tại phiên họp, bà Lis Rosenholm, Phó Đại sứ Vương quốc Đan Mạch tại Hà Nội cho biết, các phiên họp là cơ hội để các Bộ, ngành có liên quan cùng thảo luận vấn đề BĐKH - vấn đề có tính liên ngành cao và cần sự đồng thuận. Đối với đề nghị Đan Mạch gia hạn Hiệp định tài trợ đến năm 2015, cùng thời gian kết thúc Chương trình mục tiêu, bà Lis Rosenholm cho rằng, điều này có thể thực hiện với điều kiện phía Việt Nam nhanh chóng đưa hệ thống giám sát vào đánh giá các dự án, tài liệu hóa các bài học, kinh nghiệm trong quá trình thực hiện dự án và có phương pháp đánh giá tính hiệu quả của các dự án đầu tư.

Đại diện các Bộ, ngành đều kiến nghị được bổ sung kinh phí thực hiện các dự án, mô hình trình diễn; đồng thời có hướng dẫn việc chi tiêu hợp lý.

Ông Lê Văn Minh, Điều phối Chương trình Hỗ trợ ứng phó với BĐKH (SPRCC) cho biết, trong khi nhu cầu về tài chính cho BĐKH rất lớn, chúng ta nên quan tâm đến các quỹ của thế giới đang hình thành như Quỹ Môi trường toàn cầu, Quỹ Thích ứng và Quỹ Xanh. Cần đào tạo nhân lực, cơ chế để “đón” các nguồn quỹ này.

 

                    Bà Lis Rosenholm, Phó Đại sứ Vương quốc Đan Mạch phát biểu

 

Kết luận phiên họp, Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang cho rằng, để triển khai hiệu quả Chương trình trong năm 2013 và các năm tiếp theo, Bộ TN&MT, Tài chính (TC), Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) cần khẩn trương rà soát các dự án đầu tư, lựa chọn từ 1 đến 2 dự án thích ứng với biến đổi khí hậu, mang lại lợi ích trước mắt cũng như lâu dài, phù hợp với nguồn vốn của Chương trình để thực hiện thí điểm ở một số địa phương ngay trong năm 2013, đồng thời nghiên cứu, báo cáo Thủ tướng Chính phủ phương án điều chỉnh tăng tối đa nguồn vốn đầu tư phát triển của Chương trình cho năm 2014 - 2015 để tiếp tục triển khai một số mô hình thí điểm thích ứng với BĐKH, nước biển dâng ở những địa phương chịu ảnh hưởng trực tiếp;

Để đảm bảo tiến độ, chất lượng của Chương trình, hàng năm trên cơ sở thông báo số giao dự toán của Chương trình, các Bộ: TN&MT, TC, KH&ĐT tổ chức cuộc họp để rà soát và thống nhất tên, mục tiêu, nội dung, sản phẩm dự kiến của từng nhiệm vụ của Chương trình, đẩy nhanh tiến độ thẩm định và thỏa thuận với từng cơ quan thực hiện Chương trình;

Để thuận lợi cho công tác kiểm tra, giám sát kết quả thực hiện Chương trình của cơ quan quản lý Chương trình, hàng năm khi Bộ KH&ĐT, Bộ TC giao dự toán cho các cơ quan thực hiện Chương trình cần gửi bảng tổng hợp kết quả phân bổ cho từng nhiệm vụ, dự án của cả Chương trình cho Cơ quan quản lý Chương trình.

Hiện nay, yêu cầu về ứng phó với BĐKH là cấp bách, cấp thiết. Các nhiệm vụ, dự án đã được xác định trong Kế hoạch hành động quốc gia về BĐKH, trọng tâm là các dự án đầu tư cấp bách trong khuôn khổ Chương trình SP-RCC đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Do vậy ngoài sự chủ động, nỗ lực của Trung ương, địa phương, cần tiếp tục đẩy mạnh vận động tài trợ quốc tế và sử dụng hiệu quả, đúng mục tiêu các nguồn vốn viện trợ.

Ban Chủ nhiệm tiếp tục đề nghị Đan Mạch thống nhất đề xuất ra hạn Hiệp định tài trợ cho Chương trình đến hết năm 2015 và tiếp tục hỗ trợ về công nghệ, kỹ thuật, nguồn lực để Việt Nam ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu, góp phần bảo vệ hệ thống khí hậu trái đất…

 

 

  Ý kiến bạn đọc

  Góp ý

Mã bảo mật   
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây