TOÀN VĂN: Quyết định 1054/QĐ-UBND

Thứ ba - 30/05/2023 08:47 465 0
TOÀN VĂN: Quyết định 1054/QĐ-UBND Ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 37/NQ-CP ngày 17/3/2023 của Chính phủ và Kế hoạch số 127-KH/TU ngày 04/01/2023 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII

CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG

Thực hiện Nghị quyết số 37/NQ-CP ngày 17/3/2023 của Chính phủ và

Kế hoạch số 127-KH/TU ngày 04/01/2023 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Hội nghị

lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII

(Kèm theo Quyết định số             /QĐ-UBND ngày       tháng      năm 2023

của Ủy ban nhân dân tỉnh Tây Ninh)
 

Thực hiện Nghị quyết số 37/NQ-CP ngày 17/3/2023 của Chính phủ và Kế hoạch số 127-KH/TU ngày 04/01/2023 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về “Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao”, UBND tỉnh Tây Ninh ban hành Kế hoạch hành động thực hiện trên địa bàn tỉnh với nội dung như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Tổ chức thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về “Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao” (sau đây gọi tắt là Nghị quyết số 18-NQ/TW).

2. Xác định rõ nhiệm vụ, trách nhiệm đối với từng cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị, đặc biệt là trách nhiệm của người đứng đầu để từ đó đề ra giải pháp để các cơ quan, tổ chức và địa phương triển khai thực hiện, kiểm tra, giám sát, đánh giá việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW đạt hiệu quả cao nhất, hoàn thành các mục tiêu đã đề ra, đó là:

a) Đến năm 2025

- Hoàn thành xây dựng phương án phân bổ và khoanh vùng đất đai cấp tỉnh và cập nhật thống nhất, đồng bộ với các quy hoạch khác trong quy hoạch tỉnh.

- Vận hành đưa vào khai thác sử dụng Đề án cơ sở dữ liệu đất đai tỉnh Tây Ninh giúp kết nối liên thông với các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu của các Bộ, ngành, địa phương, tiến tới Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, đô thị thông minh.

- Hoàn thành đưa vào khai thác sử dụng sản phẩm Dự án điều tra, đánh giá đất đai lần đầu tỉnh Tây Ninh đáp ứng tốt nhu cầu thông tin về tài nguyên đất phục vụ cho hoạt động kinh tế, xã hội và các nhu cầu khác của Nhà nước và nhân dân.

- Hoàn thành Kế hoạch sử dụng đất 5 năm (giai đoạn 2021-2025) cấp tỉnh và đề xuất Kế hoạch sử dụng đất 5 năm (giai đoạn 2026-2030) cấp tỉnh.

- Thực hiện nghiêm túc, có chất lượng công tác kiểm kê, thống kê đất đai hàng năm và giai đoạn 2025-2025 phục vụ công tác lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.

- Khắc phục bất cập trong quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và sự thiếu đồng bộ với các quy hoạch khác.

- Củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy và đội ngũ cán bộ các cơ quan chuyên trách phục vụ công tác quản lý, sử dụng đất ở địa phương.

- Kịp thời sửa đổi, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về đất đai theo thẩm quyền ngay sau khi Luật Đất đai sửa đổi có hiệu lực thi hành, đảm bảo thống nhất, đồng bộ với quy định của pháp luật và phù hợp với tình hình thực tế của tỉnh.

- Hoàn thành phương án sắp xếp, sử dụng quỹ đất các công ty nông nghiệp bàn giao về địa phương.

b) Đến năm 2030

- Phối hợp cùng với cơ quan có thẩm quyền để hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về đất đai, đảm bảo đồng bộ, thống nhất với quy định pháp luật khác có liên quan phục vụ cho công tác quản lý, sử dụng đất. Kịp thời ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về đất đai thuộc thẩm quyền của địa phương theo quy định của pháp luật.

- Hoàn thiện hệ thống hồ sơ địa chính, thông tin đất đai, tăng cường dịch vụ về đất đai.

- Xây dựng hệ thống theo dõi và đánh giá đối với quản lý và sử dụng đất đai ở địa phương.

- Khắc phục tình trạng sử dụng đất lãng phí, để đất hoang hoá, ô nhiễm, suy thoái và những tồn tại, vướng mắc về quản lý và sử dụng đất do lịch sử để lại.

- Khắc phục điểm nghẽn về đất đai.

- Tiếp tục củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy và đội ngũ cán bộ các cơ quan chuyên trách phục vụ công tác quản lý, sử dụng đất ở địa phương.

II. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP CHỦ YẾU

1. Tuyên truyền, giáo dục, thống nhất nhận thức trong cán bộ, đảng viên và nhân dân về quản lý và sử dụng đất trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa:

a) Triển khai quán triệt, tuyên truyền một cách có hiệu quả, thiết thực, rộng rãi trong toàn xã hội về các nội dung và tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW nhằm nhanh chóng đưa Nghị quyết vào cuộc sống.

Cơ quan thực hiện: Các sở, ban, ngành tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố, UBND các xã, phường, thị trấn.

Thời gian thực hiện: Thường xuyên.

b) Đổi mới hình thức, nội dung và đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về đất đai, nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật về đất đai cho cộng đồng, cán bộ, đảng viên, người dân, doanh nghiệp, đặc biệt là đối với đồng bào ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số tạo sự thống nhất cả về nhận thức và hành động trong việc triển khai thực hiện để cán bộ, đảng viên và nhân dân hiểu đúng, đầy đủ về đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước là đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý, nhất là về quyền và nghĩa vụ của Nhà nước với tư cách là đại diện chủ sở hữu theo quy định của Hiến pháp và pháp luật; quyền và nghĩa vụ của tổ chức, hộ gia đình và cá nhân được Nhà nước giao quyền sử dụng đất.

Cơ quan thực hiện: Đài Phát thanh và Truyền hình Tây Ninh, Báo Tây Ninh và Trung tâm Văn hóa, Thể thao và Truyền thanh cấp huyện.

Thời gian thực hiện: Thường xuyên.

2. Hoàn thiện thể chế, chính sách quản lý và sử dụng đất đồng bộ với thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa:

a) Phối hợp cùng với Bộ Tài nguyên và Môi trường hoàn thành việc xây dựng dự án Luật Đất đai (sửa đổi) và các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai.

Cơ quan thực hiện: Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp các sở, ban, ngành tỉnh và UBND các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị có liên quan.

Thời gian thực hiện: Theo yêu cầu phối hợp của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

b) Phối hợp cùng với các bộ, ngành Trung ương có liên quan rà soát, sửa đổi đồng bộ các Luật Ngân sách nhà nước, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật thuế, Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản và Luật khác có liên quan đến đất đai đảm bảo sự thống nhất, đồng bộ, tạo khuôn khổ pháp lý và môi trường thuận lợi để quản lý, sử dụng có hiệu quả nguồn lực đất đai cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Cơ quan thực hiện: Các sở, ban, ngành tỉnh theo chức năng, nhiệm vụ của ngành quản lý.

Thời gian thực hiện: Theo yêu cầu phối hợp của các bộ, ngành Trung ương.

c) Sửa đổi, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về đất đai theo thẩm quyền, đảm bảo thống nhất, đồng bộ với quy định của pháp luật và phù hợp với tình hình thực tế của tỉnh.

Cơ quan thực hiện: Các sở, ban, ngành tỉnh theo chức năng, nhiệm vụ của ngành quản lý.

Thời gian thực hiện: Sau khi Luật Đất đai sửa đổi và các Nghị định, Thông tư hướng dẫn thi hành Luật Đất đai có hiệu lực thi hành.

3. Đẩy mạnh cải cách hành chính, chuyển đổi số và nâng cao năng lực quản lý nhà nước về đất đai:

a) Đẩy mạnh cải cách hành chính, chuyển đổi số

- Tiếp tục thực hiện cải cách hành chính trong lĩnh vực đất đai; đẩy mạnh phân cấp trong việc quy định trình tự, thủ tục hành chính về đất đai và gắn với trách nhiệm giải quyết của từng cấp chính quyền địa phương; giảm đầu mối, giảm trung gian, gắn với cải cách hành chính, giảm phiền hà, tiêu cực.

Cơ quan thực hiện: Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Thông tin và truyền thông, UBND các huyện, thị xã, thành phố, UBND các xã, phường, thị trấn.

Thời gian thực hiện: Thường xuyên.

- Đẩy mạnh chuyển đổi số trong lĩnh vực quản lý và sử dụng đất; xây dựng và hoàn thiện đúng tiến độ hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu đất đai quốc gia; bảo đảm quản lý, vận hành, kết nối và chia sẻ thông tin tập trung, thống nhất từ trung ương đến địa phương, đảm bảo mọi người dân được tiếp cận thông tin về quản lý, quy hoạch và sử dụng đất. Thực hiện đăng ký bắt buộc về quyền sử dụng đất và mọi biến động đất đai, đồng thời xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với các trường hợp giao dịch không đăng ký tại cơ quan nhà nước.

Cơ quan thực hiện: Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Thông tin và truyền thông.

Thời gian thực hiện: Thường xuyên.

- Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát đội ngũ cán bộ, công chức thực thi nhiệm vụ trong quản lý đất đai; xử lý nghiêm các trường hợp cán bộ vi phạm pháp luật, lợi dụng công vụ, lợi dụng chính sách về đất đai để trục lợi, nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân và các tổ chức.

Cơ quan thực hiện: Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND các huyện, thị xã, thành phố, UBND các xã, phường, thị trấn.

Thời gian thực hiện: Thường xuyên.

b) Nâng cao năng lực quản lý nhà nước về đất đai

- Kiện toàn, hoàn thiện hệ thống cơ quan quản lý đất đai ở địa phương bảo đảm tinh gọn, ổn định, thống nhất, hiệu lực, hiệu quả. Tiếp tục hoàn thiện, nâng cao năng lực các tổ chức dịch vụ công trong lĩnh vực đất đai. Tiếp tục hoàn thiện tổ chức, bộ máy, cơ chế hoạt động, cơ chế tài chính của các tổ chức dịch vụ công về đất đai, bố trí đủ nguồn lực để bộ máy hoạt động hiệu quả. Có cơ chế đầu tư, chính sách đãi ngộ, giáo dục chính trị tư tưởng, đạo đức lối sống, đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực, trình độ cán bộ, công chức ngành quản lý đất đai.

Cơ quan thực hiện: Sở Nội vụ chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị có liên quan.

Thời gian thực hiện: Thường xuyên.

- Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ hiện đại trong quản lý đất đai; nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị, đáp ứng yêu cầu quản lý hiện đại.

Cơ quan thực hiện: Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông và các đơn vị có liên quan.

Thời gian thực hiện: Thường xuyên.

- Tập trung nguồn lực đầu tư cho công tác điều tra, đánh giá tài nguyên đất; thống kê, kiểm kê đất đai; giám sát sử dụng đất; bảo vệ, cải tạo và phục hồi chất lượng đất nhằm quản lý chặt chẽ về số lượng, chất lượng đất phục vụ cho lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, làm cơ sở sử dụng đất bền vững.

Cơ quan thực hiện: Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài chính, UBND các huyện, thị xã, thành phố.

Thời gian thực hiện: Theo năm thực hiện điều tra, đánh giá tài nguyên đất; thống kê, kiểm kê đất đai.

- Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo và chấn chỉnh, nâng cao chất lượng công tác lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, đảm bảo chặt chẽ theo quy định của pháp luật, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội.

Cơ quan thực hiện: Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND các huyện, thị xã, thành phố.

Thời gian thực hiện: Thường xuyên.

4. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc quản lý, sử dụng đất đai, kiến nghị xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật về đất đai; siết chặt kỷ luật, kỷ cương, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong lĩnh vực đất đai. Kiểm tra, thanh tra trách nhiệm giải quyết khiếu nại, tố cáo của ngành, các cấp tại địa phương, thực hiện phương châm giải quyết triệt để tranh chấp về đất đai từ cơ sở, tránh vượt cấp lên trung ương. Nâng cao vai trò của người đứng đầu, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo việc xây dựng và thực thi chính sách, pháp luật về đất đai, phải chịu trách nhiệm nếu để các tổ chức, cá nhân thuộc phạm vi mình quản lý vi phạm pháp luật, trục lợi, gây thất thoát, sử dụng lãng phí đất đai.

Cơ quan thực hiện: Các sở, ban, ngành tỉnh theo chức năng, nhiệm vụ của ngành quản lý; UBND các huyện, thị xã, thành phố.

Thời gian thực hiện: Thường xuyên.

5. Tập trung giải quyết cơ bản những hạn chế, khuyết điểm, vướng mắc kéo dài liên quan đến quản lý và sử dụng đất:

a) Tổ chức rà soát, xử lý những hạn chế, khuyết điểm, vướng mắc về đất đai có nguồn gốc từ nông, lâm trường quốc doanh.

Cơ quan thực hiện: Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND các huyện, thị xã, thành phố nơi có đất từ nông, lâm trường quốc doanh thực hiện theo thẩm quyền được pháp luật quy định hoặc trách nhiệm được giao.

Thời gian thực hiện: Hoàn thành trong năm 2025.

b) Tổ chức rà soát, xử lý những hạn chế, khuyết điểm, vướng mắc về đất đai liên quan đến: thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất khi sắp xếp lại trụ sở, cơ sở làm việc thuộc sở hữu nhà nước để chuyển sang mục đích phát triển kinh tế bảo đảm phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được phê duyệt; đất của các cơ sở sản xuất, đơn vị sự nghiệp đã di dời khỏi trung tâm đô thị lớn; đất thu hồi từ cổ phần hoá, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước.

Cơ quan thực hiện: Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị có liên quan.

Thời gian thực hiện: Hoàn thành trong năm 2025.

c) Giải quyết đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số theo quy định của Quốc hội, Chính phủ, hoàn thành các mục tiêu về giải quyết đất ở, đất sản xuất theo Nghị quyết số 88/2019/QH14 phê duyệt đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, Quyết định số 1719/QĐ-TTg ngày 14/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: từ 2021 - 2025.

Cơ quan thực hiện: UBND các huyện, thị xã, thành phố chủ trì, phối hợp với Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, Sở Tài nguyên và Môi trường và các đơn vị có liên quan.

Thời gian thực hiện: Hoàn thành trong giai đoạn 2023 - 2024.

d) Rà soát, tổng hợp báo cáo đề xuất phương án xử lý những tồn tại, hạn chế, vướng mắc liên quan đến các loại đất được sử dụng đa mục đích và những tồn tại, vướng mắc về quản lý và sử dụng đất do lịch sử để lại và gửi Chính phủ xem xét chỉ đạo các bộ, ngành có liên quan xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật trình cấp có thẩm quyền xem xét ban hành để đưa đất vào sử dụng, phục vụ phát triển kinh tế xã hội tại địa phương.

Cơ quan thực hiện: Các sở, ban, ngành tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố chủ trì rà soát, báo cáo UBND tỉnh về đề xuất phương án xử lý theo thẩm quyền được pháp luật quy định hoặc trách nhiệm được giao.

Thời gian thực hiện: Trong năm 2023.

III. NGUỒN KINH PHÍ THỰC HIỆN

Kinh phí thực hiện Kế hoạch này được bố trí từ nguồn ngân sách cấp tỉnh được Hội đồng nhân dân tỉnh phê duyệt trong dự toán thu, chi ngân sách hàng năm.

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Giám đốc các sở, ban, ngành, Đài Phát thanh và Truyền hình Tây Ninh Báo tỉnh Tây Ninh, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành, UBND các xã, phường, thị trấn phố triển khai đầy đủ các nhiệm vụ đã được UBND tỉnh giao tại Mục II Chương trình hành động này. Thực hiện các nhiệm vụ được giao đảm bảo về tiến độ, chất lượng, hiệu quả; định kỳ trước ngày 05 tháng 11 hàng năm báo cáo kết quả thực hiện gửi Sở Tài nguyên và Môi trường để tổng hợp, tham mưu UBND tỉnh báo cáo Bộ Tài nguyên và Môi trường và Ban cán sự đảng UBND tỉnh để báo cáo Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh.

Định kỳ, hàng năm cùng với thời gian lập dự toán năm kế hoạch, các sở, ban, ngành tỉnh và UBND các huyện, thị xã, thành phố báo cáo tình hình thực hiện kinh phí năm hiện hành và dự trù kinh phí thực hiện cho năm kế hoạch gửi Sở Tài chính tổng hợp, tham mưu UBND tỉnh trình Hội đồng nhân dân tỉnh bố trí kinh phí thực hiện.

2. Sở Tài chính tham mưu UBND tỉnh trình Hội đồng nhân dân tỉnh phê duyệt bố trí kinh phí hàng năm từ ngân sách địa phương cho các sở, ban, ngành tỉnh và UBND các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị có liên quan để đảm bảo thực hiện các nhiệm vụ theo tiến độ của Chương trình hành động này.

3. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh triển khai quán triệt, tuyên truyền một cách có hiệu quả, thiết thực, rộng rãi trong toàn xã hội về các nội dung và tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X nhằm nhanh chóng đưa Nghị quyết vào cuộc sống.

4. Giao Sở Tài nguyên và Môi trường là đầu mối, giúp UBND tỉnh theo dõi, đôn đốc, kiểm tra thực hiện có hiệu quả Chương trình hành động này. Định kỳ trước ngày 30 tháng 11 và ngày 31 tháng 12 hàng năm Sở Tài nguyên và Môi trường tổng hợp, tham mưu UBND tỉnh báo cáo Bộ Tài nguyên và Môi trường và Ban cán sự đảng UBND tỉnh để báo cáo Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh.

Trong quá trình thực hiện có khó khăn, vướng mắc báo cáo về UBND tỉnh (thông qua Sở Tài nguyên và Môi trường) để kịp thời chỉ đạo thực hiện. Giao Sở Tài nguyên và Môi trường theo dõi và tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh về các khó khăn vướng mắc trong quá trình thực hiện./.

Tác giả: MT

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

  Góp ý

Mã bảo mật   
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây