Để chủ động phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường, sự cố chất thải có thể xảy ra do ảnh hưởng từ các biến động của thời tiết, đặc biệt trong thời điểm chuyển giao mùa, chuẩn bị vào mùa mưa, Sở Tài nguyên và Môi trường đề nghị các đơn vị như sau:
1. UBND các huyện, thị xã, thành phố:
- Chủ động rà soát, đánh giá các khu vực có nguy cơ xảy ra sự cố môi trường, nhất là tại các lưu vực sông, hồ, khu vực lưu chứa, chôn lấp chất thải, khu vực khai thác tài nguyên, khoáng sản đã từng xảy ra sự cố môi trường (như cá chết, chất thải từ thượng lưu tràn xuống sông, hồ, sạt lở khu vực khai thác tài nguyên, khoáng sản,…); trên cơ sở đó có các biện pháp quản lý chặt chẽ nhằm không để sự cố lặp lại trong mùa mưa năm nay.
- Triển khai công tác phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường, sự cố chất thải nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản, ảnh hường xấu đến môi trường (nếu có) đúng theo điểm c khoản 4 Điều 124 và khoản 2 Điều 125 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020; phổ biến Điều 159 Luật Bảo vệ môi trường về quyền và nghĩa vụ của cộng đồng dân cư , nhất là trong hoạt động giám sát và phát hiện sự cố.
- Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trên địa bàn, trong đó lưu ý các cơ sở có các hồ chứa chất thải, nước thải, các bãi lưu giữ chôn lấp chất thải rắn hoặc các khu vực chứa hóa chất,… phải chủ động rà soát hệ thống thoát nước mưa bề mặt, đê bao quanh các khu vực nêu trên tại từng cơ sở để tiến hành cải tạo, gia cố, đặc biệt là các điểm xung yếu có nguy cơ sạt lở cao, đảm bảo chắc chắn, không bị sạt lở do mưa; nghiêm túc vận hành các công trình xử lý chất thải đảm bảo quy chuẩn xả thải; xây dựng phương án, sẵn sàng bố trí các nguồn lực ứng phó sự cố chất thải, ô nhiễm môi trường do sạt lở có thể xảy ra. Xử lý nghiêm đối với các cơ sở gây ra sự cố môi trường, không xây dựng kế hoạch và thực hiện công tác phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường.
2. Các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trên địa bàn tỉnh:
- Ban hành, tổ chức thực hiện kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường; thực hiện công khai kế hoạch ứng phó sự cố môi trường; tổ chức diễn tập ứng phó sự cố môi trường theo kế hoạch đã phê duyệt, đáp ứng các yêu cầu quy định tại khoản 1 Điều 124 Luật Bảo vệ môi trường; khoản 1 Điều 109, khoản 3 Điều 110 Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10/01/2022 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường.
- Tiến hành kiểm tra, rà soát, đánh giá lại hệ thống thoát nước mưa bề mặt, đê bao quanh hồ chứa chất thải, nước thải, các bãi lưu giữ chôn lấp chất thải rắn hoặc các khu vực chứa hóa chất,… để tiến hành cải tạo, gia cố, đặc biệt là các điểm xung yếu có nguy cơ sạt lở cao, đảm bảo chắc chắn, không bị sạt lở do mưa; nghiêm túc vận hành các công trình xử lý chất thải đảm bảo quy chuẩn xả thải; xây dựng phương án, sẵn sang bố trí các nguồn lực ứng phó sự cố chất thải, ô nhiễm môi trường do rò rỉ, tràn đổ, phát tán chất thải có thể xảy ra.
- Đối với các cơ sở thuộc đối tượng lắp đặt thiết bị quan trắc nước thải, khí thải tự động, liên tục theo quy định tại Điều 97, 98 Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10/01/2022 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường phải tiến hành lắp đặt, kết nối, truyền dữ liệu về Sở Tài nguyên và Môi trường đảm bảo yêu cầu kỹ thuật theo Thông tư số 10/2021/TT-BTNMT ngày 30/6/2021 của Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định kỹ thuật quan trắc môi trường và quản lý thông tin, dữ liệu quan trắc chất lượng môi trường chậm nhất đến hết ngày 31/12/2024.
Đề nghị các đơn vị thực hiện các nội dung trên, Sở Tài nguyên và Môi trường sẽ chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan tổ chức thanh tra, kiểm tra định kỳ hoặc đột xuất tình hình thực hiện công tác bảo vệ môi trường đối với các cơ sở, nếu phát hiện vi phạm sẽ xử lý nghiêm theo Nghị định số 45/2022/NĐ-CP ngày 07/7/2022 của Chính phủ về việc xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường./.
Tác giả: MT
Ý kiến bạn đọc