KẾ HOẠCH
Tăng cường phòng ngừa, giám sát, kiểm soát các cơ sở có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường trên địa bàn tỉnh Tây Ninh
Căn cứ Luật Bảo vệ môi trường 2020;
Căn cứ Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10/01/2022 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường;
Căn cứ Thông tư số 02/2022/TT-BTNMT ngày 10/01/2022 của Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường;
Căn cứ Quyết định số 2024/QĐ-BTNMT ngày 29/8/2022 của Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc ban hành Kế hoạch tăng cường phòng ngừa, giám sát, kiểm soát các cơ sở có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường;
Sở Tài nguyên và Môi trường xây dựng Kế hoạch tăng cường phòng ngừa, giám sát, kiểm soát các cơ sở có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường trên địa bàn tỉnh Tây Ninh với nội dung cụ thể như sau:
I. MỤC TIÊU
- Tăng cường quản lý nhà nước trong phòng ngừa, giám sát, kiểm soát các dự án, các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, các công ty kinh doanh hạ tầng khu, cụm công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế cửa khẩu, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thu gom, xử lý chất thải (sau đây gọi tắt là Doanh nghiệp) có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường; hạn chế tối đa nguy cơ xảy ra sự cố, ô nhiễm môi trường ảnh hưởng đến đời sống sức khỏe con người;
- Chủ động kiểm soát được các vấn đề về môi trường, dự báo kịp thời và ngăn ngừa xảy ra sự cố môi trường;
- Thực hiện công tác giám sát về môi trường đối với các Doanh nghiệp có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, nguồn phát sinh chất thải lớn, đảm bảo các doanh nghiệp vận hành hoạt động sản xuất an toàn về môi trường;
- Chấn chỉnh kịp thời các hành vi vi phạm quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường nhằm hạn chế các nguồn thải tác động ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường và cộng đồng; xử lý vi phạm hành chính đối với các trường hợp vi phạm quy định pháp luật về bảo vệ môi trường;
- Buộc các Doanh nghiệp phải đầu tư hệ thống xử lý chất thải và vận hành, cải tạo, nâng cấp thường xuyên nhằm đảm bảo xử lý nguồn thải đạt quy chuẩn kỹ thuật trước khi thải ra môi trường;
- Định hướng và tạo điều kiện để các Doanh nghiệp ngày càng hoàn thiện hơn trong công tác thực hiện các thủ tục hành chính về môi trường; tăng cường quản lý và nâng cao hiệu quả xử lý chất thải và kiểm tra, giám sát chất thải định kỳ tại các Doanh nghiệp có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường 2020.
II. ĐỐI TƯỢNG VÀ PHẠM VI THỰC HIỆN
1. Về đối tượng giám sát
- Doanh nghiệp có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường được quy định tại Phụ lục II Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10/01/2022 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường (Nghị định số 08/2022/NĐ-CP) trên địa bàn tỉnh Tây Ninh;
- Doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có nguồn thải lớn, thuộc đối tượng phải lắp đặt hệ thống quan trắc nước thải, bụi, khí thải tự động, liên tục.
- Doanh nghiệp theo phản ánh, khiếu nại về bảo vệ môi trường của người dân, đường dây nóng, phương tiện thông tin truyền thông.
2. Phạm vi thực hiện
- Các Doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trong và ngoài khu, cụm công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế cửa khẩu trên địa bàn tỉnh Tây Ninh.
- Thời gian thực hiện: định kỳ hằng năm và đột xuất theo yêu cầu của UBND tỉnh và Lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường.
III. NỘI DUNG KẾ HOẠCH
1. Nội dung kiểm tra, giám sát
- Thực hiện giám sát môi trường đối với các Doanh nghiệp có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao trên địa bàn tỉnh, đảm bảo các Doanh nghiệp vận hành hoạt động an toàn về môi trường.
- Công tác lập và thực hiện các thủ tục hành chính theo quy định của pháp luật về môi trường.
- Kiểm tra tình hình đầu tư cơ sở hạ tầng về bảo vệ môi trường và kết quả vận hành các công trình xử lý chất thải và các công trình hạ tầng về môi trường.
- Tình hình thực hiện các nội dung đã cam kết trong báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM), giấy phép môi trường đã được phê duyệt.
- Việc khắc phục các vi phạm về môi trường, những thủ tục hành chính còn thiếu mà các đoàn thanh tra, kiểm tra trước đã nhắc nhở, hướng dẫn (nếu có).
- Lập biên bản vi phạm để xử lý theo quy định của pháp luật (nếu có).
- Yêu cầu thực hiện các biện pháp tăng cường công tác xử lý chất thải và các quy định khác bảo vệ môi trường.
2. Tăng cường kiểm soát các nguồn thải, kiểm soát ô nhiễm môi trường tại khu vực tập trung nhiều nguồn thải, các điểm nóng có nhiều phản ánh về ô nhiễm môi trường
- Tập trung kiểm soát chặt chẽ môi trường đối với các khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế cửa khẩu. Trong đó tập trung kiểm tra, giám sát các Doanh nghiệp chế biến khoai mì, cao su, mía đường, chăn nuôi (heo), các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thu gom, xử lý chất thải.
- Xử lý các vụ việc có khiếu kiện, khiếu nại về môi trường phát sinh thông qua các phản ánh của người dân, phương tiện thông tin đại chúng, báo chí.
- Thường xuyên cập nhật thông tin các cơ sở thuộc đối tượng theo Phụ lục II Nghị định số 08/2022/NĐ-CP trên địa bàn tỉnh Tây Ninh.
- Phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố thực hiện các biện pháp ngăn ngừa, kiểm soát hoạt động xả thải gây ô nhiễm môi trường.
3. Hướng dẫn các Doanh nghiệp thực hiện các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường
- Hướng dẫn các chủ Doanh nghiệp thực hiện kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường: Ban hành, thực hiện kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường, kịch bản sự cố của cơ sở để có phương án ứng phó theo điểm d khoản 4 và khoản 5 Điều 124 Luật Bảo vệ môi trường 2020 (Luật BVMT) đáp ứng các yêu cầu theo nội dung khoản 1 Điều 109 và tiến hành công khai kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường theo khoản 3 điều 110 Nghị định số 08/2022/NĐ-CP.
- Thực hiện đúng trách nhiệm phòng ngừa sự cố môi trường tại khoản 1 Điều 122 Luật BVMT, theo phân cấp sự cố môi trường và các giai đoạn ứng phó sự cố môi trường được quy định tại điểm a khoản 1 và khoản 2 Điều 123 của Luật BVMT và tại khoản 2 Điều 108 Nghị định số 08/2022/NĐ-CP. Phải thực hiện phục hồi môi trường sau sự cố theo khoản 1 Điều 126 Luật BVMT.
4. Đối tượng kiểm tra, giám sát
Các đối tượng có loại hình sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường theo Phụ lục II Nghị định số 08/2022/NĐ-CP trên địa bàn tỉnh Tây Ninh:
- Sản xuất, kinh doanh, tái chế chất thải;
- Sản xuất phân bón hóa học;
- Sản xuất dệt may (có công đoạn nhuộm);
- Chế biến mủ cao su;
- Sản xuất tinh bột sắn;
- Sản xuất mía đường;
- Chế biến thủy, hải sản;
- Giết mổ gia súc, gia cầm;
- Chăn nuôi gia súc, gia cầm;
- Sản xuất linh kiện, thiết bị điện, điện tử;
- Luyện, cán kéo thép;
- Sản xuất, tái chế giấy;
- Sản xuất da, thuộc da;
- Sử dụng phế liệu nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất;
- Sản xuất pin, ắc quy;
- Sản xuất xi măng;
- Các công ty kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp;
- Các doanh nghiệp theo phản ánh, khiếu nại về bảo vệ môi trường của người dân, đường dây nóng, phương tiện thông tin truyền thông.
IV. GIẢI PHÁP THỰC HIỆN
1. Tăng cường phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố, chính quyền cơ sở và các cơ quan, đơn vị liên quan trong việc thực hiện giám sát, kiểm soát cơ sở.
2. Chủ động kết nối, trao đổi thông tin, theo dõi dữ liệu quan trắc tự động, liên tục để kiểm soát và giám sát Doanh nghiệp.
3. Rà soát các tồn tại, vướng mắc, nhằm giải quyết kịp thời các vấn đề về môi trường phát sinh tại Doanh nghiệp.
V. KINH PHÍ THỰC HIỆN
Nguồn kinh phí sự nghiệp môi trường cấp cho Sở Tài nguyên và Môi trường hàng năm.
VI. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Phòng Bảo vệ môi trường có trách nhiệm:
- Chủ trì, phối hợp với Thanh tra Sở, Công An tỉnh (thông qua Phòng cảnh sát môi trường); các địa phương và các đơn vị có liên quan thực hiện các nội dung đã đề ra trong Kế hoạch.
- Thực hiện giám sát tại các Doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, dịch vụ đã được cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy phép môi trường hoặc Giấy phép môi trường thành phần trên địa bàn tỉnh Tây Ninh, các Doanh nghiệp theo phản ánh, khiếu nại về bảo vệ môi trường của người dân, đường dây nóng, phương tiện thông tin truyền thông; phối hợp các đơn vị liên tổng hợp báo cáo Ban giám đốc kết quả thực hiện.
2. Thanh tra Sở
Phối hợp Phòng Bảo vệ môi trường thực hiện giám sát tại các Doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trên địa bàn tỉnh; xử lý các tổ chức, cá nhân vi phạm trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.
3. Trung tâm Quan trắc Tài nguyên và Môi trường
- Phối hợp cùng Phòng Bảo vệ môi trường trong việc giám sát và vận hành hệ thống quan trắc tự động của các Doanh nghiệp.
- Phối hợp với Phòng Bảo vệ môi trường thực hiện quan trắc, lấy mẫu môi trường đột xuất, định kỳ đối với các đối tượng theo Phụ lục II Nghị định số 08/2022/NĐ-CP trên địa bàn tỉnh Tây Ninh trong việc triển khai Kế hoạch, khi có ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh hoặc Lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường.
4. Phòng Kế hoạch - Tài chính
Hướng dẫn, phân bổ kinh phí thực hiện Kế hoạch từ nguồn kinh phí cho sự nghiệp bảo vệ môi trường hàng năm.
5. Văn phòng Đăng ký đất đai Tỉnh
Đăng tải Kế hoạch và các thông tin có liên quan trên trang thông tin điện tử của Sở Tài nguyên và Môi trường.
6. Văn phòng Sở
Sắp xếp, bố trí xe đi công tác khi có yêu cầu, thông báo Kế hoạch này đến các Phòng, Trung tâm, Đơn vị trực thuộc Sở biết, thực hiện.
Trong quá trình thực hiện Kế hoạch này nếu có vấn đề phát sinh, vướng mắc đề nghị các đơn vị báo cáo về Sở Tài nguyên và Môi trường, thông qua Phòng Bảo vệ môi trường để tổng hợp, đề xuất./
Tác giả: MT
Ý kiến bạn đọc