Trong thời gian gần đây, ngành chức năng liên tục phát hiện nhiều trường hợp xả nước thải chưa qua xử lý ra môi trường làm suy thoái chất lượng nước trên các sông, suối, kênh, rạch, ao, hồ thuộc địa bàn tỉnh, thậm chí có nơi gây ô nhiễm nghiêm trọng nguồn nước làm cho cá tự nhiên và cá nuôi bè của một số hộ dân bị chết hàng loạt, đặc biệt là trên rạch Tây Ninh, sông Vàm Cỏ Đông và sông Sài Gòn đã gây bức xúc trong nhân dân và dư luận xã hội, đồng thời làm giảm sút lòng tin của người dân đối với công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường ở các cấp. Nhằm bảo vệ chất lượng nước rạch Tây Ninh, sông Vàm Cỏ Đông, sông Sài Gòn nói riêng và hệ thống sông, suối, kênh, rạch, ao, hồ trên địa bàn tỉnh nói chung trong thời gian tới. Ngày 13/3/2014, UBND tỉnh ban hành Công văn số 542/UBND-KTN yêu cầu Thủ trưởng các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện/thành phố khẩn trương triển khai ngay một số nhiệm vụ sau đây:
Sở Tài nguyên và Môi trường tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra (kể cả ngoài giờ hành chính), giám sát định kỳ hàng năm theo thẩm quyền, tăng cường kiểm tra đột xuất các cơ sở có nguồn thải lớn vào rạch Tây Ninh, sông Vàm Cỏ Đông, sông Sài Gòn; Xử lý nghiêm đối với các trường hợp xả nước thải không đạt quy chuẩn ra môi trường, kiên quyết đình chỉ hoạt động các cơ sở gây ô nhiễm môi trường, cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng nằm trong các Kế hoạch xử lý ô nhiễm hàng năm của tỉnh và của Thủ tướng Chính phủ nhưng không triển khai thực hiện.
Tiếp tục phối hợp các sở, ban, ngành và UBND các huyện/thành phố rà soát, phân loại các cơ sở gây ô nhiễm môi trường, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng mới phát sinh để đưa vào kế hoạch xử lý hàng năm của tỉnh.
Phối hợp với các sở, ban, ngành, các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật; Tổ chức tập huấn kỹ năng nghiệp vụ thanh tra, kiểm tra về lĩnh vực môi trường nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm bảo vệ môi trường cho các cán bộ ngành môi trường từ tỉnh, huyện/thành phố đến xã, phường, thị trấn và cán bộ các tổ chức chính trị - xã hội, các cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh. Phát huy tốt vai trò của các tổ chức chính trị - xã hội, cộng đồng dân cư trong giám sát, phát hiện các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường.
Duy trì thường xuyên việc quan trắc chất lượng nước rạch Tây Ninh, sông Vàm Cỏ Đông, sông Sài Gòn trên cơ sở đó đề xuất giải pháp quản lý, bảo vệ chất lượng nước trên địa bàn tỉnh. Tăng cường đầu tư phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ để kịp thời phát hiện các vi phạm về bảo vệ môi trường.
Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Tây Ninh chủ động hoặc phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường của các doanh nghiệp hoạt động trong khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế cửa khẩu, đặc biệt là tình hình xây dựng vận hành hệ thống xử lý nước thải tập trung của các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế cửa khẩu trên địa bàn tỉnh trước khi xả thải vào nguồn nước.
Tăng cường công tác quan trắc, đánh giá hiện trạng môi trường tại khu công nghiệp, khu kinh tế và dự báo diễn biến môi trường để từ đó đề xuất giải pháp ứng phó kịp thời.
Yêu cầu các chủ đầu tư hạ tầng khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế cửa khẩu đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung đảm bảo thu gom và xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường trước khi thải ra môi trường bên ngoài; lắp đặt hệ thống quan trắc môi trường tự động và xây dựng hệ thống phần mềm giám sát từ xa hệ thống xử lý nước thải tập trung để kết nối dữ liệu về Sở Tài nguyên và Môi trường, Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Tây Ninh để theo dõi, giám sát và quản lý.
Kiểm tra chặt chẽ việc bảo đảm yêu cầu về môi trường đối với các quy hoạch, dự án đầu tư ngay từ khâu phê duyệt, cấp phép, hạn chế phê duyệt những dự án có tác động lớn hoặc tiềm ẩn gây nguy cơ cao đối với môi trường; đồng thời kiên quyết không cấp phép đưa vào vận hành, sử dụng các cơ sở sản xuất không đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về bảo vệ môi trường nước thải.
Phối hợp rà soát, phân loại các cơ sở gây ô nhiễm môi trường, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng mới phát sinh để đưa vào kế hoạch xử lý hàng năm của tỉnh.
Thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm bảo vệ môi trường cho các chủ đầu tư kinh doanh hạ tầng, các doanh nghiệp hoạt động trong khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế cửa khẩu trên địa bàn tỉnh.
Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường tăng cường công tác nghiệp vụ, bám sát địa bàn nhằm phát hiện và xử lý kịp thời các tổ chức, cá nhân hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có dấu hiệu vi phạm về môi trường; kịp thời triển khai các biện pháp nghiệp vụ và xử lý theo thẩm quyền khi nhận được tin báo, kiên quyết xử lý các hành vi dùng các loại chất nổ, hoá chất, xung điện để đánh bắt thuỷ sản.
Cung cấp thông tin các tổ chức, cá nhân vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường cho sở, ban ngành liên quan để có kế hoạch phối hợp thanh, kiểm tra các doanh nghiệp có khả năng gây ô nhiễm môi trường.
Sở Công Thương hàng năm phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp thuộc ngành công thương quản lý theo quy định, thực hiện tốt các nghĩa vụ về bảo vệ môi trường theo quy định pháp luật thông qua việc lồng ghép nội dung kiểm tra bảo vệ môi trường vào nội dung trong hoạt động kiểm tra sử dụng hoá chất, tiền chất ma tuý, tiền chất thuốc nổ và an toàn công nghiệp.
Sở Kế hoạch và Đầu tư khuyến khích và kêu gọi đầu tư các loại hình sản xuất sạch, ưu tiên cho các dự án xử lý môi trường, không tiếp nhận những dự án có nguồn chất thải lớn, công nghệ lạc hậu, nguy cơ gây ô nhiễm cao, tiêu hao nhiều năng lượng.
Sở Xây dựng tổ chức lập quy hoạch xây dựng vùng tỉnh, quy hoạch chung thành phố, quy hoạch xây dựng phân khu, quy hoạch xây dựng khu công nghiệp, khu chế xuất, quy hoạch chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật phải thực hiện nội dung đánh giá môi trường chiến lược theo quy định.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khuyến cáo nông dân sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc vi sinh; sử dụng thuốc trừ sâu và thuốc diệt cỏ có thời gian phân hủy ngắn, tránh làm ô nhiễm đến nguồn nước.
Kiểm tra và quản lý tốt các quy hoạch ngành (thủy sản, gia cầm, thuỷ cầm và gia súc) đảm bảo về kỹ thuật nuôi trồng; tổ chức hướng dẫn kỹ thuật nuôi cá và gia cầm gắn liền với các biện pháp bảo vệ môi trường, hướng dẫn cách thức sử dụng nguồn thức ăn, cách thức cho cá và gia cầm ăn sao cho phù hợp từng giai đoạn phát triển, tránh thức ăn dư thừa gây ô nhiễm nguồn nước mặt trên sông, rạch; khi có dấu hiệu dịch bệnh cần xử lý kịp thời nhằm tránh lây lan mầm bệnh. Kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp chăn nuôi không đúng vùng quy hoạch gây ô nhiễm môi trường.
Xử lý nghiêm theo quy định đối với các trường hợp dùng phương tiện xung điện, hóa chất để đánh bắt thuỷ sản, huỷ diệt thuỷ sản hàng loạt nhằm bảo vệ nguồn lợi thủy sản.
Sở Tài chính hàng năm, trên cơ sở kế hoạch và dự toán về bảo vệ môi trường của Sở Tài nguyên và Môi trường, tham mưu trình UBND tỉnh bố trí kinh phí cho Sở Tài nguyên và Môi trường và các cơ quan, đơn vị có liên quan để thực hiện công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh.
Sở Nội vụ bảo đảm biên chế cho Chi cục Bảo vệ môi trường và đội ngũ cán bộ làm công tác bảo vệ môi trường các huyện/thành phố, bảo đảm đáp ứng được yêu cầu của công tác quản lý nhà nước về môi trường của địa phương (Nghị định số 81/2007/NĐ- CP ngày 23/5/2007 của Chính phủ quy định tổ chức bộ phận chuyên môn về bảo vệ môi trường tại cơ quan nhà nước và doanh nghiệp nhà nước).
Ủy ban nhân dân các huyện/thành phố chủ động hoặc phối hợp ngành chức năng trong công tác thanh kiểm tra, giám sát định kỳ; tăng cường công tác kiểm tra các cơ sở có nguồn thải vào sông, suối, kênh, rạch, ao, hồ thuộc thẩm quyền nhằm phát hiện và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường, nếu vượt thẩm quyền chuyển cơ quan có chức năng để xem xét, xử lý.
Khẩn trương tổ chức triển khai có hiệu quả Kế hoạch xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường hàng năm của tỉnh và Kế hoạch xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng đến năm 2020 đã được Thủ tướng phê duyệt tại Quyết định số 1788/QĐ-TTg ngày 01/10/2013. Rà soát, phân loại các cơ sở gây ô nhiễm môi trường, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng mới phát sinh để đưa vào kế hoạch xử lý hàng năm của tỉnh.
Tổ chức lập quy hoạch vùng huyện, quy hoạch chung thị trấn, quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết, quy hoạch xây dựng điểm dân cư nông thôn (quy hoạch xã nông thôn mới) thực hiện nội dung đánh giá môi trường chiến lược theo quy định.
Đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng hệ thống thoát nước mưa và hệ thống xử lý nước thải sinh hoạt tập trung tại phường, thị trấn đảm bảo nước thải sinh hoạt được thu gom, xử lý đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn theo quy định hiện hành trước khi xả ra môi trường.
Tuyên truyền, vận động hộ dân sử dụng bể tự hoại, xây dựng chuồng trại chăn nuôi hợp vệ sinh; không xả rác, nước thải sinh hoạt, chất thải chăn nuôi vào các lưu vực sông, suối khi chưa xử lý đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn quy định.
Chỉ đạo UBND xã, phường, thị trấn và các tổ chức chính trị xã hội phát động nhân dân các địa phương phối hợp theo dõi, giám sát, kiểm tra nhằm phát hiện và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với các trường hợp dùng phương tiện, chất độc để hủy diệt thủy sản hàng loạt nhằm bảo vệ hệ thống sông suối trên địa bàn tỉnh theo tinh thần Công văn số 3287/UBND-KTTH ngày 06/12/2007 của UBND tỉnh.
Báo Tây Ninh, Đài Phát thanh và Truyền hình Tây Ninh chủ động phối hợp, thông tin đầy đủ kịp thời về các vấn đề môi trường đang được dư luận xã hội quan tâm, qua đó góp phần định hướng đúng dư luận, tránh các thông tin không đầy đủ, tin đồn thất thiệt gây hoang mang, mất lòng tin của người dân đối với cơ quan quản lý nhà nước, cũng như đường lối, chủ trương của Đảng và chính sách pháp luật của Nhà nước trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.
Theo K.Thành (tayninh.gov.vn)
Ý kiến bạn đọc