Nghị định số 23/2020/NĐ-CP Quy định về quản lý cát, sỏi lòng sông và bảo vệ lòng, bờ, bãi sông

Thứ hai - 06/04/2020 18:00 1.087 0

Nghị định số 23/2020/NĐ-CP Quy định về quản lý cát, sỏi lòng sông và bảo vệ lòng, bờ, bãi sông

Nghị định số 23/2020/NĐ-CP Quy định về quản lý cát, sỏi lòng sông và bảo vệ lòng, bờ, bãi sông được ban hành nhằm quản lý thống nhất cát, sỏi lòng sông (bao gồm cả ở lòng hồ, cửa sông) từ khâu lập quy hoạch, cấp phép thăm dò, khai thác cát, sỏi lòng sông theo quy định của Luật Khoáng sản, gắn với trách nhiệm bảo vệ lòng, bờ, bãi sông theo quy định của Luật Tài nguyên nước, trách nhiệm quản lý các hoạt động tập kết, kinh doanh, vận chuyển, tiêu thụ cát, sỏi lòng sông đối với các Bộ, ngành, địa phương liên quan.

Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 10 tháng 04 năm 2020.

Về sự cần thiết ban hành, theo quy định tại khoản 1 Điều 64, khoản 2 Điều 82 Luật Khoáng sản thì cát, sỏi lòng sông (bao gồm cát ở cửa sông) là khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường thuộc thẩm quyền quản lý, cấp phép thăm dò, khai thác của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh. Tuy nhiên, thực tiễn khai thác cát, sỏi lòng sông cho thấy loại khoáng sản này có tính chất đặc thù, khi áp dụng quy định hiện hành của pháp luật về khoáng sản cho công tác quản lý cát, sỏi lòng sông có những khó khăn, tồn tại, hạn chế, bất cập, cụ thể:

Một là, cát, sỏi lòng sông được hình thành, phân bố theo quy luật tự nhiên; phụ thuộc vào lưu lượng, tốc độ dòng chảy, địa hình tích tụ, tốc độ bồi lắng và cân bằng tại lưu vực sông. Đến nay, các địa phương, nhất là địa phương có các dòng chảy lớn, có trữ lượng cát, sỏi lòng sông đáng kể đã lập, phê duyệt quy hoạch thăm dò, khai thác cát, sỏi. Tuy nhiên, các quy hoạch này được lập trên địa bàn của từng địa phương mà chưa tính đến nhu cầu sử dụng cát, sỏi cho vùng cũng như của các địa phương trong cùng lưu vực sông; chưa tính đến khai thác cát, sỏi đảm bảo nguyên tắc “cân bằng theo lưu vực sông” nên cấp phép khai thác cát, sỏi ở mỗi địa phương chưa tính đến các yếu tố tác động trên toàn lưu vực sông. Luật Quy hoạch năm 2017 đã quy định việc lập quy hoạch vùng, đây là cơ sở pháp lý xây dựng hợp phần quản lý cát, sỏi trong quy hoạch vùng nhằm định hướng nội dung quản lý cát, sỏi lòng sông trong “Phương án bảo vệ, thăm dò, khai thác, sử dụng khoáng sản” thuộc quy hoạch tỉnh nhằm khắc phục những bất cập nêu trên.

Hai là, hoạt động khai thác cát, sỏi thường diễn ra tại các khu vực giáp ranh địa giới hành chính của hai hay nhiều tỉnh/thành phố hoặc địa bàn cấp huyện, xã. Để ngăn chặn hiệu quả hoạt động khai thác cát, sỏi trái phép cần có sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa các cấp chính quyền địa phương liên quan. Thực tế, cát sỏi dễ khai thác, công nghệ đơn giản, phương tiện khai thác hoạt động linh hoạt, dễ tiêu thụ nên tình trạng khai thác thời gian qua diễn biến phức tạp, chưa xử lý dứt điểm tình trạng khai thác không có giấy phép, khai thác không đúng quy định của Giấy phép khai thác khoáng sản.

Ba là, Luật Khoáng sản chỉ điều chỉnh hoạt động điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản; thăm dò, khai thác khoáng sản mà không điều chỉnh hành vi tập kết, kinh doanh, vận chuyển khoáng sản nên các văn bản hướng dẫn Luật cũng không có quy định điều chỉnh các hành vi này. Tuy nhiên, tình trạng tập kết, kinh doanh cát, sỏi không phép là một trong những nguyên nhân chưa ngăn chặn triệt để hoạt động khai thác cát sỏi không phép thời gian qua. Do đó, căn cứ các luật liên quan (khoáng sản, thương mại, tài nguyên nước, giao thông thủy nội địa,…) các hành vi trên cần điều chỉnh bởi Nghị định của Chính phủ để điểu chỉnh đầy đủ các hành vi từ bảo vệ, điều tra, quy hoạch, thăm dò, khai thác đến tập kết, mua bán, vận chuyển cát, sỏi lòng sông nhằm nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước.

Bốn là, thời gian qua, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều Chỉ thị, văn bản chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với cát, sỏi lòng sông, đẩy mạnh các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn như: Chỉ thị số 03/CT-TTg ngày 30/03/2015 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường hiệu lực thực thi chính sách pháp luật về khoáng sản; Thông báo kết luận số 357/TB-VPCP ngày 06/11/2015 của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị toàn quốc về phòng, chống vi phạm pháp luật trong hoạt động khau thác cát, sỏi trên sông và cửa biển; các Thông báo số 161/TB-VPCP ngày 24/03/2017, số 325/TB-VPCP ngày 25/7/2017 về kết luận của Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình tại các Hội nghị về phòng, chống vi phạm pháp luật trong hoạt động khai thác cát, sỏi. Tuy nhiên, quản lý cát, sỏi lòng sông có liên quan trực tiếp đến chức năng quản lý của nhiều Bộ, ngành khác nhau, đòi hỏi cần có sự phối hợp chặt chẽ, có hiệu quả giữa các Bộ, ngành nêu trên và các địa phương. Để thực hiện hiệu quả trách nhiệm này, cần được quy định trong văn bản có tính pháp lý, đảm bảo tính thống nhất, toàn diện của Chính phủ.

Thời gian qua, công tác quản lý nhà nước về tài nguyên nước được triển khai toàn diện, đặc biệt là công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật về thanh tra, kiểm tra các hoạt động bảo vệ, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, trong đó có bảo vệ lòng, bờ, bãi sông. Khoản 4 Điều 63 Luật Tài nguyên nước năm 2012 giao Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định cụ thể việc bảo vệ lòng, bờ, bãi sông. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có văn bản dưới luật quy định cụ thể việc bảo vệ lòng, bờ, bãi sông gắn với hoạt động khai thác cát, sỏi và các khoáng sản khác trên sông, hồ; hoạt động nạo vét vùng nước đường thủy nội địa; kè, bờ, chỉnh trị sông, cải tạo cảnh quan, phát triển các vùng đất ven sông, xây dựng công trình trong phạm vi lòng, bờ, bãi sông, hồ nên công tác bảo vệ lòng, bờ, bãi sông chưa đạt được hiệu quả cao, chưa đáp ứng đầy đủ yêu cầu.

Về mục đích ban hành nhằm quản lý thống nhất cát, sỏi lòng sông (bao gồm cả ở lòng hồ, cửa sông) từ khâu lập quy hoạch, cấp phép thăm dò, khai thác cát, sỏi lòng sông theo quy định của Luật Khoáng sản, gắn với trách nhiệm bảo vệ lòng, bờ, bãi sông theo quy định của Luật Tài nguyên nước, trách nhiệm quản lý các hoạt động tập kết, kinh doanh, vận chuyển, tiêu thụ cát, sỏi lòng sông đối với các Bộ, ngành, địa phương liên quan.

Về nội dung chủ yếu của Nghị định 23/2020/NĐ-CP gồm 5 Chương và 35 điều, cụ thể:

Chương I (từ Điều 1 đến Điều 3)

Chương II (từ Điều 4 đến Điều 12)

Chương III (từ Điều 13 đến Điều 22) Chương IV (từ Điều 23 đến Điều 32)

Chương V (từ Điều 33 đến Điều 35).

Cổng TTĐT

  Ý kiến bạn đọc

  Góp ý

Mã bảo mật   
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây