Ông C, ngụ thị xã Tây Ninh, dù diện tích đất đo đạc thực tế “ít hơn” diện tích đất được cấp năm 1999, nhưng khi cất nhà vẫn bị hộ láng giếng tranh chấp cho rằng ông C lấn đất |
(BTN) - Từ nhiều năm nay, tranh chấp đất đai luôn là vấn đề phức tạp hàng đầu. Thực trạng tranh chấp có rất nhiều nguyên nhân, trong đó có những nguyên nhân xuất phát từ quá trình quản lý của cơ quan chức năng qua nhiều giai đoạn. Và thường những vụ tranh chấp thuộc loại “nan giải” này, người ta hay “đổ thừa” do “lịch sử để lại”…!
TỪ VIỆC ĐO ĐẠC, QUY HOẠCH KHÔNG NHẤT QUÁN...…
Hiện nay, ngành Tài nguyên - Môi trường các huyện rất… đau đầu về chuyện người dân tranh chấp khiếu nại do chênh lệch diện tích đất sử dụng thực tế với diện tích đất được cấp trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (QSDĐ). Khi có tranh chấp xảy ra, đương sự thường cứ căn cứ vào diện tích đất được cấp trong giấy chứng nhận QSDĐ mà khiếu nại. Trường hợp hai bên làm thủ tục chuyển nhượng QSDĐ thì diện tích ghi trong hợp đồng cũng là diện tích được cấp trong giấy chứng nhận. Thế nhưng, khi người mua đổi giấy chứng nhận, qua đo đạc lại thì diện tích đất thực tế khác diện tích trong giấy cũng dẫn đến khiếu nại.
Một vị Giám đốc Văn phòng đăng ký QSDĐ cấp huyện cho rằng, nguyên nhân dẫn đến chênh lệch diện tích như trên là do việc cấp giấy chứng nhận QSDĐ cho người dân đã được thực hiện qua nhiều giai đoạn. Trong khi đó, công tác quy hoạch từng giai đoạn cũng có nhiều điểm khác nhau, nhất là về đường sá. Ngoài ra, còn có chuyện sai số khi đo đạc qua những lần lập bản đồ địa chính. Trước kia, việc đo đạc thường là bằng thủ công hoặc dùng bản đồ không ảnh năm 1993, nay thì áp dụng “bản đồ chính quy năm 2004” đang dùng, được đo đạc bằng máy toạ độ, xảy ra chênh lệch diện tích.
Mặt khác, quy chuẩn sai số được áp dụng trong việc đo đạc đất đai cũng không nhất quán. Quy chuẩn sai số bản đồ không ảnh là 2%, còn quy chuẩn bản đồ chính quy xác định toạ độ bằng máy là 0,7% (tính trên diện tích đất). Chính khoảng cách quá lớn này (1,3%) đã dẫn đến việc tăng, giảm diện tích đất thực tế so với diện tích được cấp trong giấy chứng nhận rất đáng kể.
Việc chênh lệch diện tích cũng có một phần thuộc về người sử dụng đất- nhất là đối với đất nông nghiệp trong giai đoạn kê khai đăng ký QSDĐ năm 1993. Lúc ấy, người dân đi đăng ký cấp giấy chứng nhận QSDĐ thường chỉ kê khai theo số chẵn- “80 cao” hay “8 công” đất và cán bộ đăng ký ghi đúng như vậy. Sau này khi đo đạc lại thì con số không chẵn chòi như người dân kê khai. Thế là có khiếu nại.
Ngoài ra, vào thời điểm kê khai đăng ký QSDĐ năm 1993, do giá trị đất chưa cao nên nhiều hộ không chú ý đến ranh đất giữa 2 nhà, đôi khi ranh đất chỉ là gốc cây hay hàng dâm bụt. Cán bộ địa chính khi đo đạc xác định diện tích đất cũng theo dân nói để xác định diện tích đất. Sau này, khi đất đai tăng giá, gốc cây hay hàng dâm bụt không còn thì tranh chấp xảy ra…
… ... ĐẾN NHỮNG CON ĐƯỜNG “LÚC CÓ, LÚC KHÔNG”
Một nguyên nhân khác dẫn đến tranh chấp đất đai có liên quan đến công tác quy hoạch đường nông thôn, đường hẻm giữa 2 bản đồ địa chính được thiết lập năm 1993 và bản đồ địa chính toạ độ chính quy năm 2004. Điển hình như trường hợp một số hộ dân tại ấp Tân Hoà, xã Tân Bình (Thị xã) khiếu nại UBND xã Tân Bình, đề nghị xác định lại lộ giới con hẻm công cộng có chiều ngang là 8m hay 6m. Những người dân sống lâu năm ở đây cho rằng con đường có chiều ngang là 8m. Còn theo bản đồ địa chính thiết lập năm 2004 thì con hẻm có chiều ngang 6m. Do đó, cơ quan chức năng đã áp dụng theo bản đồ địa chính này mà cấp giấy phép xây dựng nhà cho một hộ dân ở đầu hẻm lấn con đường. Thế là các hộ ở phía trong đâm đơn kiện, cơ quan chức năng Thị xã phải tiến hành làm rõ.
Thực trạng bản đồ “khi có đường, khi không” cũng là nguyên nhân xảy ra trường hợp khiếu nại của bà Trần Thị T, ở xã Trường Đông, huyện Hoà Thành tranh chấp lối đi. Theo bà T thì bà chỉ cho hộ liền kề đi tạm trong đất của mình, chứ không phải là con hẻm công cộng. Bằng chứng là giấy chứng nhận QSDĐ của bà được UBND huyện Hoà Thành cấp năm 1997 không thể hiện có con đường. Một cán bộ phòng TN&MT huyện cho biết, theo bản đồ địa chính được thiết lập năm 1993, thì phần đất bà T không thể hiện có đường. Thế nhưng trong bản đồ địa chính chính quy năm 2004 thì lại thể hiện có con đường hẻm công cộng.
Chính từ việc “khác nhau” trong 2 tờ bản đồ địa chính năm 1993 và 2004 đã dẫn đến nhiều vụ tranh chấp đất đai. Tuy nhiên, theo vị cán bộ trên thì cũng cần phải tính đến “yếu tố lịch sử” ở thời điểm trước đây, dẫn đến việc cấp giấy không đúng hiện trạng thực tế sử dụng đất.
LẤN CẤN VỀ THẨM QUYỀN GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP
Việc giải quyết các tranh chấp có liên quan đến diện tích đất, ranh đất không đúng thực tế, người dân thường khiếu nại đến UBND hơn là toà án. Bởi lẽ, khởi kiện tranh chấp ra toà thì sẽ phải tốn tiền án phí, còn khiếu nại đến UBND thì không.
Không thể vì “lịch sử để lại” mà không xác định lộ giới con đường tại ấp Tân Hoà, xã Tân Bình, Thị xã là 6m hay 8m (?!) |
Trong khi đó, Nghị định 84/2007/NĐ-CP của Chính phủ về trình tự, thủ tục cấp giấy chứng nhận QSDĐ quy định, khi có khiếu nại liên quan đến việc cấp giấy chứng nhận QSDĐ mà cơ quan chức năng xác định là sai quy trình, thủ tục và đối tượng thì mới thụ lý giải quyết xem xét thu hồi giấy chứng nhận QSDĐ đã cấp. Còn việc cấp giấy chứng nhận QSDĐ được xác định là đúng quy trình thủ tục, đối tượng thì thẩm quyền giải quyết là của toà án. Ở Thị xã, Phòng TN&MT tiếp nhận không ít những vụ việc khiếu nại này, cho dù trường hợp khiếu kiện có giấy chứng nhận QSDĐ đúng theo quy định của Luật Đất đai là thuộc thẩm quyền của toà án. Trong khi đó, toà án lại ra quyết định đình chỉ vụ án với lý do người dân khiếu nại liên quan đến việc cấp giấy chứng nhận QSDĐ có diện tích, ranh đất không đúng thực tế.
Điển hình là việc tranh chấp đất giữa ông D và bà L tại xã Thạnh Tân. Trường hợp này, sau khi UBND Thị xã và TAND Thị xã ngồi lại với nhau, cuối cùng mới xác định thẩm quyền giải quyết là của toà án. Đến nay, vụ tranh chấp trên đã được toà án giải quyết dứt điểm. Ở huyện Dương Minh Châu, việc giải quyết trường hợp tranh chấp của bà Đ ở xã Truông Mít cũng cho thấy sự lấn cấn giữa UBND và Toà án trong việc xác định cơ quan nào giải quyết. Vụ tranh chấp này xuất phát từ việc bà Đ cho người cháu mượn đất sản xuất từ năm 1999, nhưng đòi lại nhiều lần không được. Hoà giải ở xã không thành, bà Đ khởi kiện vụ án đòi tài sản (là quyền sử dụng đất) ra toà án huyện. Khi toà án tiến hành đo đạc định giá thì mới phát hiện ra mảnh đất đang tranh chấp chưa được cấp giấy chứng nhận QSDĐ, nhưng người cháu đã đăng ký kê khai tại xã vào năm 1993. Bà Đ rút đơn khởi kiện người cháu, quay sang khiếu nại UBND huyện Dương Minh Châu về hành vi cho đăng ký kê khai quyền sử dụng đất trái pháp luật. Hiện nay, UBND huyện Dương Minh Châu đang tiến hành họp các ngành để xác định xem toà án hay là UBND huyện phải giải quyết vụ việc này.
DÙ LÀ “LỊCH SỬ ĐỂ LẠI”, VẪN PHẢI GIẢI QUYẾT
Ông Nguyễn Thành Trai- cán bộ giải quyết khiếu nại tố cáo Phòng TN&MT huyện Hoà Thành cho biết, đối với những trường hợp người dân khiếu nại liên quan đến vấn đề diện tích thực tế “chênh lệch” so với diện tích đất được cấp trong giấy chứng nhận QSDĐ, thì cần phải kiên trì giải thích cho người khiếu nại hiểu rõ những bất cập trong việc cấp giấy khi áp dụng bản đồ năm 1993. Đồng thời, cũng cần phải đi xác minh, tìm hiểu thực tế hiện trạng sử dụng đất từ khi người khiếu nại được cấp giấy chứng nhận cho đến ngày khiếu nại, xem có sự biến động, thay đổi nào không. Bởi vì, nếu xác định được hiện trạng sử dụng đất không thay đổi qua nhiều năm thì người dân dễ chấp nhận việc “chênh lệch” diện tích.
Riêng vấn đề trên đất “lúc có đường, lúc không” thì cần phải xác minh rõ nguồn gốc hình thành con đường; mời người khiếu nại đến đối thoại có sự tham gia của người dân sinh sống lâu năm. Từ đó thẳng thắn đưa ra kết luận việc bất cập giữa bản đồ cũ với bản đồ mới, cũng như thực tế hiện trạng sử dụng đất có sự khác nhau là do lỗi kỹ thuật, và cả sơ suất trong quá trình đo đạc lập bản đồ địa chính trước đây. Từ việc mạnh dạn nhìn nhận thiếu sót này, tin rằng người dân sẽ chấp nhận.
Theo ông Nguyễn Thành Trai, điều quan trọng nhất là khi xảy ra khiếu nại liên quan đến những vấn đề “lịch sử để lại” kể trên thì UBND xã phải tích cực, chủ động tìm hiểu, kiên trì giải thích cho người dân hiểu, nhằm thực hiện hoà giải thành ở cơ sở, tránh trường hợp người dân khiếu nại vượt cấp.
Đừng đổ cho “lịch sử để lại” mà không tận tình giải quyết những vấn đề thắc mắc, khiếu nại của dân đối với những trường hợp chênh lệch diện tích giữa giấy chứng nhận và trên thực địa.
Báo Tây Ninh (TẤN HƯNG)
Ý kiến bạn đọc