Ưu thế vượt trội của công nghệ
Trên thế giới ảo hóa và điện toán đám mây đang được ứng dụng rộng rãi, những doanh nghiệp đi đầu trong có thể kể đến như: VMWare, IBM, Intel, Microsoft, HP, Cisco, Amazon... Không dừng lại ở qui mô máy tính, máy chủ, công nghệ ảo hóa và điện toán đám mây còn được phát triển và ứng dụng trên điện thoại di động, các thiết bị cầm tay, thiết bị lưu trữ... Điện toán đám mây ngày càng được ứng dụng nhiều trong các cơ quan chính phủ tại nhiều quốc gia trên thế giới như Anh, Nhật, Mỹ và nhiều nước phát triển khác.
Trong nước, giải pháp ảo hóa và điện toán đám mây đã được nhiều công ty, trường đại học (ĐH Bách Khoa Hà Nội, ĐH Quốc gia Hà Nội…) ưu tiên nghiên cứu và là chủ đề mới trong lĩnh vực công nghệ thông tin. Tuy nhiên, kết quả nghiên cứu mới chỉ ở mức độ tìm hiểu công nghệ và các sản phẩm, khả năng ứng dụng mới đang ở mức độ ảo hóa trên từng hệ thống máy chủ riêng lẻ.
Vì vậy, công nghệ điện toán đám mây với những ưu thế vượt trội như: Tiết kiệm chi phí, tối ưu nguồn lực sẵn có, tận dụng sức mạnh xử lý nhàn rỗi được kỳ vọng sẽ là giải pháp thích hợp cho những khó khăn mà các nhà quản lý công nghệ thông tin trong các cơ quan chính phủ đang phải đối mặt như: Áp lực ngân sách, yêu cầu ngày càng cao về dịch vụ hành chính trực tuyến, không thể dự báo trước sự tăng trưởng ứng dụng... Ngành Tài nguyên và môi trường là cơ quan quản lý Nhà nước đa lĩnh vực với khối lượng dữ liệu của mỗi lĩnh vực là vô cùng lớn, trong khi việc số hóa dữ liệu và tin học hóa các nghiệp vụ mới ở mức khởi điểm. Vì vậy, trong tương lai, việc tăng trưởng dữ liệu cũng như hạ tầng công nghệ thông tin đáp ứng được nhu cầu thực tế là vô cùng quan trọng. Việc ứng dụng công nghệ ảo hóa và hướng nền tảng đám mây riêng là sự lựa chọn phù hợp với công nghệ cũng như yêu cầu thực tế của ngành.
Hiệu quả trong việc quản lý dữ liệu ngành
Sau khi tổ chức nghiên cứu ứng dụng theo 2 hướng: Nghiên cứu công nghệ ảo hóa và điện toán đám mây; nghiên cứu đặc thù, định hướng chiến lược của ngành tài nguyên và môi trường. Đến nay đã cơ bản hình thành Mô hình tổng quát ứng dụng công nghệ ảo hóa và điện toán đám mây riêng vào ngành tài nguyên và môi trường, trong đó gồm: Mô hình hệ thống điện toán đám mây tại Cục Công nghệ thông tin là hệ thống lõi, có khả năng cung cấp dịch vụ hạ tầng cho các đơn vị trong ngành, cũng là hệ thống đặt dữ liệu tích hợp của các lĩnh vực, được đầu tư năng lực phần cứng mạnh. Hệ thống này gồm 4 thành phần chính là hệ thống lưu trữ, hệ thống mạng, thành phần máy chủ vật lý, thành phần Middleware (cung cấp dịch vụ IaaS).
Mô hình hệ thống ảo hóa đặt tại các lĩnh vực của ngành tài nguyên và môi trường có khả năng cung cấp hạ tầng ảo hóa bản thân lĩnh vực đó, với quy mô nhỏ đủ đáp ứng nhu cầu của lĩnh vực. Hệ thống này gồm 3 thành phần chính là hệ thống lưu trữ, hệ thống mạng truyền dẫn và hệ thống máy chủ.
Hệ thống được thiết kế nhằm đảm bảo phục vụ tốt được nhu cầu hiện tại và có khả năng mở rộng linh hoạt để đáp ứng nhu cầu xuất hiện trong tương lai. Trên cơ sở kết quả nghiên cứu của đề tài mô hình ảo hóa và điện toán đám mây riêng. Ngành tài nguyên và môi trường thông qua các dự án đầu tư đến nay đã hình thành được 2 trung tâm dữ liệu có đủ khả năng cung cấp hạ tầng cho ứng dụng công nghệ thông tin của ngành.
Hệ thống hạ tầng ảo hóa đám mây của ngành cũng như của các đơn vị bước đầu đã đem lại hiệu quả trong việc quản lý, cung cấp và sử dụng tài nguyên trong việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý điều hành và tin học hóa nghiệp vụ của ngành nói chung và của từng lĩnh vực nói riêng. Qua đó, nhóm nghiên cứu đã đề xuất mô hình tổng quát và chi tiết ứng dụng công nghệ ảo hóa và điện toán đám mây để xây dựng đám mây riêng ngành tài nguyên và môi trường. Mô hình được xây dựng đã đảm bảo cơ bản phù hợp với đặc thù quản lý đa lĩnh vực và sự phân bố các đơn vị trên phạm vi cả nước của ngành. Đồng thời, thừa hưởng hạ tầng mạng WAN đang được xây dựng của ngành để tạo ra hạ tầng mạng đồng nhất, bảo mật và thông suốt cho việc xây dựng đám mây riêng toàn ngành.
Theo monre.gov.vn
Ý kiến bạn đọc