Tây Ninh cần làm tốt hơn nữa để cải thiện môi trường đầu tư, cải cách hành chính, chuyển đổi số

Thứ ba - 22/10/2024 10:54 75 0
(Chinhphu.vn) - Chiều 27/9, Đoàn công tác của Chính phủ do Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh làm Trưởng đoàn đã có buổi làm việc với tỉnh Tây Ninh kiểm tra các hoạt động sản xuất kinh doanh, đầu tư xây dựng, xuất nhập khẩu 9 tháng đầu năm và kế hoạch công tác 3 tháng cuối năm 2024.

Tây Ninh cần làm tốt hơn nữa để cải thiện môi trường đầu tư, cải cách hành chính, chuyển đổi số- Ảnh 1.

Tây Ninh cần làm tốt hơn nữa để cải thiện môi trường đầu tư, cải cách hành chính, chuyển đổi số, bảo đảm an sinh xã hội - Ảnh: VGP/LS

Đi cùng đoàn có đại diện các Bộ, ngành Trung ương và các đơn vị thuộc Bộ Tư pháp.

Làm việc với đoàn có Bí thư Tỉnh uỷ Nguyễn Thành Tâm, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Ngọc và lãnh đạo sở, ngành địa phương.

Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh

Theo báo cáo của UBND tỉnh Tây Ninh, 9 tháng đầu năm, môi trường đầu tư của tỉnh tiếp tục được cải thiện tích cực, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, khôi phục và phát triển sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm cho người lao động. Tỉnh đẩy mạnh thu hút đầu tư và có chọn lọc nên các chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) và chỉ số tăng trưởng xanh (PGI) có chuyển biến tích cực (PCI tăng 35 bậc, xếp thứ 20/63, PGI xếp thứ 6/63 tỉnh, thành phố).

Tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) dự kiến đạt 45.722 tỷ đồng, tăng 7,2% so với cùng kỳ. Thu ngân sách nhà nước, trên địa bàn 9 tháng ước đạt 9.331 tỷ đồng, đạt 84,1% dự toán, tăng 14,6% so cùng kỳ. Hoạt động thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (vốn FDI) ước đạt 280 triệu USD, bằng 42,9% so với cùng kỳ, cấp mới cho 27 dự án với vốn đầu tư 147 triệu USD (tăng 4 dự án so cùng kỳ).

Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 13,4%, trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 13,7%. Hầu hết các sản phẩm công nghiệp chủ yếu đều tăng sản lượng. Trên lĩnh vực cải cách hành chính, chuyển đổi số, UBND tỉnh đẩy mạnh thực hiện danh mục thủ tục hành chính thực hiện dịch vụ công trực tuyến toàn tỉnh và danh mục thủ tục hành chính thực hiện dịch vụ công trực tuyến. Phê duyệt đề án thí điểm chuyển đổi số và xây dựng thành phố Tây Ninh trở thành đô thị thông minh.

Bên cạnh những thuận lợi, Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh Nguyễn Thanh Ngọc cho biết, tình hình kinh tế của tỉnh 9 tháng đầu năm tăng khá cao (7,2%) nhưng còn thiếu tính bền vững. Nếu chủ quan sẽ không duy trì được các động lực tăng trưởng, không đạt chỉ tiêu tăng trưởng 2024 đề ra (7%). Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá, các chỉ số kinh tế phục hồi tốt, du lịch phát triển ấn tượng với doanh thu đạt 103%, kim ngạch xuất khẩu tăng 12,8%. 

Tuy nhiên, so với yêu cầu của tỉnh thì vẫn chưa cao, cải cách hành chính, chuyển đổi số chưa đạt kỳ vọng. Mặc dù tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của tỉnh đạt cao hơn bình quân chung cả nước (47%) nhưng còn thấp so với kế hoạch đã đặt ra, công tác chuẩn bị đầu tư một số dự án trọng điểm còn chậm.

Báo cáo với Đoàn công tác, ông Nguyễn Thanh Ngọc cho biết thêm, năm 2024 có nhiều dự án lớn khởi công mới, việc giải ngân của các dự án trọng điểm sẽ vào cuối năm, ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân vốn đầu tư công theo định hướng của tỉnh. Hoạt động sản xuất kinh doanh trong một số ngành khó khăn, nợ xấu có xu hướng tăng. Tỷ lệ người dân, doanh nghiệp thực hiện thủ tục hành chính trên cổng dịch vụ công quốc gia còn thấp; vẫn còn tình trạng giải quyết thủ tục hành chính trễ hạn. Tình hình tội phạm về trật tự xã hội, tai nạn giao thông nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng chiều hướng gia tăng, các loại tội phạm lừa đảo diễn biến rất phức tạp với nhiều phương thức thủ đoạn mới, tinh vi và ngày càng đa dạng.

Về khó khăn trong phát triển kinh tế, Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh bày tỏ, tuy có nhiều điểm sáng trong bức tranh kinh tế, tuy nhiên các dự án đầu tư FDI giảm so cùng kỳ do bối cảnh, tình hình chung các tập đoàn kinh tế lớn nước ngoài cũng có những khó khăn do suy giảm kinh tế từ các cuộc xung đột và đang trong quá trình tái cơ cấu. Hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội chưa còn chưa đồng bộ, chủ yếu do thiếu vốn đầu tư trong khi ngân sách địa phương còn hạn chế.

Ông Ngọc kiến nghị Trung ương xem xét giải quyết điều chỉnh, bổ sung kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 từ nguồn ngân sách trung ương, trong đó bổ sung dự án Tưới tiêu khu vực phía Tây sông Vàm Cỏ Đông giai đoạn 2. Kiến nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư tham mưu cấp có thẩm quyền điều chỉnh, bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn để đảm bảo nguồn vốn triển khai thực hiện các gói thầu còn lại của dự án.

Bổ sung các kiến nghị của tỉnh, Bí thư Tỉnh uỷ Nguyễn Thành Tâm cho biết, Tây Ninh có một số bất lợi về giao thông kết nối vùng, dẫn đến việc thu hút đầu tư FDI chưa đạt kỳ vọng. Ông Tâm kiến nghị Chính phủ hỗ trợ đầu tư 2 trục giao thông kết nối vùng, giúp Tây Ninh tháo gỡ những điểm nghẽn để mở rộng giao thương…

Đóng góp cho kế hoạch phát triển Tây Ninh thời gian tới, đồng thời tháo gỡ các khó khăn của tỉnh, đại diện Bộ Kế hoạch Đầu tư cho biết đã nhận được những kiến nghị của tỉnh về dự án đầu tư công, dự án tưới tiêu phía Tây sông Vàm Cỏ Đông và đã tổng hợp, báo cáo Thủ tướng xem xét điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn. Đối với các dự án đã được xem xét gia hạn giải ngân vốn, đề nghị UBND tỉnh làm việc với Bộ Tài chính, Kế hoạch Đầu tư bám sát kế hoạch giải ngân.

Còn đại diện Bộ Tài nguyên Môi trường đề nghị tỉnh Tây Ninh quan tâm đầu tư hệ thống xử lý nước thải sinh hoạt, đưa vào vận hành hệ thống xử lý nước thải tại huyện Dương Minh Châu. Ngoài ra, Tây Ninh có số lượng trang trại chăn nuôi với quy mô công nghiệp lớn, cần quan tâm hơn đến vấn đề xử lý nước thải, xử lý mùi hôi từ các trang trại. Chỉ đạo thanh tra, kiểm tra giám sát xử lý các vi phạm, tập trung phòng ngừa xử lý ô nhiễm của 468 trang trại quy mô lớn. Kiểm soát ô nhiễm từ các khu công nghiệp có xả thải vào sông Vàm Cỏ Đông.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đề nghị Tây Ninh quan tâm cơ cấu lại ngành sản xuất nông lâm, theo quy hoạch vùng Đông Nam bộ, quan tâm xu hướng ngành để có các sản phẩm nông nghiệp chất lượng.

Bộ Giao thông Vận tải đề nghị Tây Ninh tập trung các quy hoạch đường bộ cao tốc TP HCM – Mộc Bài. Dự kiến trước năm 2030 khởi công cao tốc Gò Dầu – Xa Mát. Về đường sắt, các cơ quan trung ương đang nghiên cứu dự án đường sắt TP HCM – Tây Ninh dài 40 km. Đường hàng không, tỉnh Tây Ninh đã được Thủ tướng chấp thuận đưa vào danh sách nghiên cứu sân bay tiềm năng tại huyện Dương Minh Châu.

Tây Ninh cần làm tốt hơn nữa để cải thiện môi trường đầu tư, cải cách hành chính, chuyển đổi số- Ảnh 2.

Bộ trưởng Nguyễn Hải Ninh, Trưởng đoàn công tác của Chính phủ phát biểu tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Tây Ninh - Ảnh: VGP/LS

Xem xét từng vấn đề, từng kiến nghị, xác định những việc quan trọng tập trung lãnh đạo

Phát biểu kết luận buổi làm việc, Trưởng đoàn công tác của Chính phủ Nguyễn Hải Ninh ghi nhận nỗ lực của Tây Ninh trong các hoạt động lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, kế đến là sự điều hành, trách nhiệm, chủ động của UBND tỉnh về các chỉ tiêu, mục tiêu phát triển kinh tế xã hội. Thời gian qua, Tây Ninh nổi lên những điểm sáng, chỉ đạo sát sao, toàn diện, linh hoạt tích cực được cộng đồng nhà đầu tư, doanh nghiệp đánh giá cao. Đặc biệt, Tây Ninh có dư điạ phát triển về giao lưu quốc tế với các nước bạn.

Thời gian tới, Bộ trưởng đề nghị lãnh đạo tỉnh lưu ý các nội dung quan trọng, những phần việc trọng tâm và các giải pháp đột phá. Trong đó, Tây Ninh cần đẩy mạnh kinh tế biên mậu, đưa hoạt động du lịch trở thành điểm sáng, thành ngành kinh tế mũi nhọn, được nhiều nước biết đến. Có sản phẩm đa dạng, chất lượng, nâng tầm vị thế ngành du lịch của tỉnh.

Bộ trưởng cũng nhấn mạnh Tây Ninh cần làm tốt hơn nữa để cải thiện môi trường đầu tư, cải cách hành chính, chuyển đổi số. Phải khắc phục những nguyên nhân, lý do chủ quan trong lĩnh vực giải ngân đầu tư công, đặc biệt là các chương trình mục tiêu quốc gia. Đồng thời chú trọng hơn nữa an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo và phát huy giá trị văn hóa.

Đối với các khó khăn, kiến nghị của tỉnh với Chính phủ, Bộ trưởng Nguyễn Hải Ninh đề nghị UBND tỉnh trên cơ sở góp ý của các bộ, ngành, tỉnh tiếp tục hoàn chỉnh các báo cáo để các thành viên nghiên cứu, nhìn thẳng vào những khó khăn, tìm ra những giải pháp, những vấn đề của địa phương còn vướng mắc, tồn tại.

Với phương châm “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm”, Bộ trưởng cũng đề nghị Tỉnh ủy, UBND tỉnh Tây Ninh cần thực hiện các nhóm giải pháp trong thời gian tới. Trong đó cần rà soát các chỉ tiêu của Nghị quyết Đảng bộ tỉnh đã đề ra, phối hợp cùng các bộ, ngành tập trung nghiên cứu kỹ từng vấn đề, từng kiến nghị, xác định những việc quan trọng để tập trung lãnh đạo. Chỉ tiêu nào có khả năng không đạt được cần bàn bạc, tìm ra giải pháp thực hiện. Bộ trưởng cũng nhấn mạnh các vấn đề về hạ tầng giao thông của Tây Ninh, đặc biệt cần đẩy nhanh thực hiện quy hoạch tỉnh, gắn với định hướng, nhu cầu của các nhà đầu tư lớn. Gắn quy hoạch tỉnh với quy hoạch vùng, quy hoạch quốc gia, nâng cao các mô hình có dư địa tăng trưởng, quan tâm khai thác các quỹ đất tạo ra vùng kinh tế phát triển.

“Tuy được đánh giá là 1 trong 38 tỉnh được Chính phủ ghi nhận có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công cao của cả nước, nhưng lãnh đạo tỉnh cần quan tâm hơn nữa việc giải ngân vốn đầu tư công, làm tốt hơn nữa công tác bồi thường giải phóng mặt bằng cho các công trình, dự án trọng điểm. Đồng thời quan tâm hơn nữa công tác cải cách môi trường đầu tư, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, ưu tiên bảo vệ môi trường. Đặc biệt đoàn công tác sẽ kiến nghị Chính phủ ủng hộ triển khai hạ tầng giao thông trọng điểm, bổ sung 2 tuyến cao tốc để hình thành tuyến giao thương huyết mạch, tạo không gian kết nối cho Tây Ninh cất cánh”, Bộ trưởng Nguyễn Hải Ninh nêu rõ.

Tác giả: MT

Nguồn tin: baochinhphu.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

  Góp ý

Mã bảo mật   
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây