Đối với Việt Nam nói chung, ngành TN&MT nói riêng, chuyển đổi số (CĐS) là quá trình thay đổi mô hình cũ, mô hình truyền thống sang dạng tổ chức số, dựa trên những ứng dụng công nghệ mới, như: Big data, internet vạn vật IoT, điện toán đám mây,… nhằm thay đổi phương thức điều hành, quy trình làm việc và văn hóa lao động trong ngành. Đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động, CĐS làm thay đổi phong cách làm việc, thay đổi quy trình thực hiện công việc.
Dựa theo các số liệu thống kê, phân tích và nghiên cứu chỉ ra các mục đích mà công tác CĐS hướng tới bao gồm: Tăng tốc độ phát triển, tăng vị thế cạnh tranh, thúc đẩy tăng trưởng KT-XH, tăng năng suất làm việc, công tác chuyên môn của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động.
Bộ TN&MT có quyết tâm chính trị lớn trong việc tổ chức triển khai thực hiện trong các cấp lãnh đạo, đến các cán bộ, công chức, viên chức và người lao động. Đặc biệt là vai trò của người đứng đầu Bộ (Bộ trưởng) cũng như thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Bộ. Bộ TN&MT đã thành lập Ban chỉ đạo CĐS, trong đó Bộ trưởng là Trưởng ban, Thứ trưởng phụ trách CNTT, CĐS là Phó Trưởng ban thường trực và thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Bộ là thành viên của Ban chỉ đạo. Đối với Bộ TN&MT, CĐS sử dụng thông tin, cơ sở dữ liệu và hệ thống công nghệ số nhằm thay đổi các quy trình cũ, tạo trải nghiệm mới đến tổ chức, cá nhân với các dịch vụ công do Bộ TN&MT cung cấp. Việc thay đổi hệ thống công nghệ cũng làm thay đổi nghiệp vụ, mô hình và phương thức hoạt động của bộ máy cơ quan nhà nước nói chung, với Bộ TN&MT nói riêng.
Chuyển đổi số cũng đang dần thay đổi nhận thức của những nhà lãnh đạo, những người đứng đầu các đơn vị, có khả năng tác động tích cực đến việc ra quyết định và sự thành công của đơn vị. Hiện nay, Chính phủ đã đầu tư rất nhiều vào hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin nhằm phục vụ cho quá trình CĐS trước những lợi ích mà nó đem lại. Đồng thời, cũng đưa ra nhiều biện pháp hỗ trợ, khuyến khích các tổ chức áp dụng những thành tựu của CĐS vào quá trình vận hành quy trình nghiệp vụ. Chính phủ, Bộ đã ngay lập tức áp dụng CĐS khi nhận thức được tầm quan trọng của công tác này. Cụ thể: Xây dựng, triển khai các Chiến lược, Chương trình, Kế hoạch về CĐS, phát triển CPĐT, chính phủ số lĩnh vực TN&MT; xây dựng, vận hành, cập nhật kiến trúc CPĐT và kiến trúc các hệ thống thông tin quan trọng trong lĩnh vực TN&MT; xây dựng, vận hành các hệ thống thông tin, CSDL lớn như đất đai, môi trường, khí tượng thủy văn,… phục vụ CĐS lĩnh vực TN&MT; bảo đảm an toàn, bảo mật thông tin và bảo vệ an ninh mạng; đào tạo, tập huấn cho lãnh đạo, cán bộ kỹ thuật về CĐS, CPĐT và chính phủ số.
Dễ dàng nhận thấy, công tác CĐS đã mang rất nhiều lợi ích đối với ngành TN&MT như thu hẹp khoảng cách giữa các đơn vị: Khi ứng dụng CĐS, sự liên kết thông tin giữa các đơn vị trong bộ, ngành được kết nối với một nền tảng hệ thống công nghệ đồng nhất. Mỗi đơn vị vẫn có các phần mềm riêng để phục vụ cho nghiệp vụ chuyên môn, nhưng vẫn có thể giao tiếp với các bộ phận khác thông qua hệ thống giao tiếp nội bộ. Điều này, giúp cho các vấn đề phát sinh trong đơn vị được giải quyết ngay khi xảy ra, giúp sự vận hành trong đơn vị không bị tắc nghẽn mà không rõ tiến độ của quy trình nghiệp vụ đang theo dõi.
Tăng sự minh bạch và hiệu quả trong hệ thống quản trị của đơn vị: Tham gia quá trình CĐS, người đứng đầu đơn vị có thể chủ động và dễ dàng truy xuất báo cáo về các hoạt động của đơn vị mình.
Tối ưu hóa năng suất cán bộ, công chức, viên chức và người lao động: CĐS sẽ giúp đơn vị khai thác được tối đa năng lực làm việc của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động. Bởi những công việc truyền thống, nhàm chán như chuyển công văn, tài liệu (trừ văn bản mật), hệ thống có thể tự động thực hiện, đồng thời cũng giúp cán bộ, công chức, viên chức và người lao động có thêm thời gian để nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ, thực hiện các công việc quan trọng khác. CĐS cũng giúp cán bộ quản lý dễ dàng đánh giá chất lượng công việc của từng công chức, viên chức và người lao động qua số liệu báo cáo nhận lại cuối ngày, cuối tuần, cuối tháng hoặc cuối quý.
Nâng cao chỉ số cạnh tranh: Bộ, ngành sở hữu nền tảng số hóa sẽ có thể triển khai và vận hành tổ chức công việc hiệu quả, chính xác và chất lượng. Bởi các giải pháp quản trị và vận hành số hóa sẽ tăng tính hiệu quả và chính xác trong các quyết định của đơn vị. Đồng thời, CĐS cũng giúp Bộ, ngành nâng cao chỉ số cạnh tranh với các Bộ, ngành khác trong việc tương tác nhanh chóng với các tổ chức, cá nhân, chính sách chăm sóc và phục vụ người sử dụng,…
Đối với tổ chức, cá nhân, CĐS cũng đang dần tác động vào trong cuộc sống khi có thể trải nghiệm các dịch vụ công hay các dịch vụ được cung cấp từ các bộ, ngành ngày càng thuận tiện, nhanh chóng. Các giao dịch đạt cấp toàn trình như làm visa, căn cước,… hoàn toàn có thể thực hiện qua mạng mà không cần phải đến tận nơi thực hiện.
Dịch Covid-19 cũng giúp tổ chức, cá nhân nhận thức được tầm quan trọng của CĐS, bởi trong thời gian cách ly xã hội, tổ chức, cá nhân buộc phải hạn chế ra đường, mọi giao dịch, các cuộc họp và xử lý công việc đều được thực hiện qua máy tính. Điều này bắt buộc tổ chức, cá nhân phải có máy tính và hệ thống truyền tải mạng dữ liệu ổn định mới đáp ứng được nhu cầu của công việc.
Xu hướng CĐS đã tạo ra rất nhiều dịch vụ có ích cho tổ chức, cá nhân cũng như tận dụng một cách hiệu quả nguồn lực nhàn rỗi của xã hội. Tuy nhiên, CĐS cũng tạo ra những mâu thuẫn, thay đổi cơ bản với mô hình quy trình nghiệp vụ truyền thống, bởi những thay đổi quan trọng trong chuỗi quy trình CĐS buộc các đơn vị, tổ chức sử dụng mô hình quy trình nghiệp vụ truyền thống phải có sự thay đổi mạnh mẽ để tồn tại và phát triển.
Chuyển đổi số hiện đang tác động tích cực vào công việc và cuộc sống hàng ngày của chúng ta. CĐS tác động vào tất cả lĩnh vực, thách thức tất cả các tổ chức thuộc mọi loại hình và quy mô. CĐS là một quá trình dài với nhiều thách thức đặt ra khiến các tổ chức, cá nhân phải thay đổi. Tuy nhiên, CĐS sẽ giúp Chính phủ ngày càng cải thiện chất lượng công việc của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động, cải thiện dịch vụ công, giúp giảm ách tắc và phục vụ nhu cầu của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động hiệu quả hơn.
Chuyển đổi số cũng giúp bộ, ngành và các đơn vị tiết giảm được chi phí hoạt động bởi khả năng kết nối vô hạn của quá trình số hóa, mặc dù quá trình này còn nhiều khó khăn do nguồn nhân lực chưa hoàn thiện mà hầu hết các đơn vị, tổ chức phải đào tạo lại. Do đó, cần nhanh chóng nâng cấp hệ thống cơ sở hạ tầng, thiết bị, số hóa giúp công cuộc CĐS hoàn thiện nhằm đáp ứng xu hướng tất yếu của công tác này trong tương lai gần.
Trong ba năm vừa qua, kết quả đánh giá CĐS các bộ, ngành của Bộ Thông tin và Truyền thông đã ghi nhận công tác CĐS ngành TN&MT từ vị trí xếp hạng thứ 15 năm 2020, lên thứ 7 năm 2021 và đặc biệt năm 2022, Bộ TN&MT đã vươn lên xếp hạng 3 trong tổng số 17 bộ, ngành (có cung cấp dịch vụ công trực tuyến).
Tác giả: MT
Nguồn tin: tainguyenvamoitruong.vn
Ý kiến bạn đọc