Bắt nhịp xu hướng số, hướng tới xây dựng nền hành chính điện tử, ngành TN&MT đã tích cực ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), đẩy mạnh chuyển đổi số, nâng cao hiệu quả trong quản lý, khai thác bền vững tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thân thiện với môi trường. Tiên phong triển khai Chính phủ điện tử Theo đánh giá, Bộ TN&MT là một trong những Bộ, ngành đi đầu về triển khai Chính phủ điện tử, đã cơ bản đạt các chỉ tiêu Nghị quyết số 17/NQ-CP ngày 7/3/2019 của Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2019 - 2020, định hướng đến năm 2025. Trước tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, Bộ TN&MT đã chủ động linh hoạt đẩy mạnh chuyển đổi số ở tất cả các lĩnh vực. Năm 2021 là năm Bộ TN&MT đưa nhiều thủ tục hành chính giải quyết trên môi trường số, đáp ứng mục tiêu hình thành Chính phủ điện tử. Vì vậy, chỉ số cải cách hành chính (PAR index) của Bộ tăng liên tục 11 bậc, từ thứ 16 năm 2019 lên thứ 5 năm 2020, trong đó chỉ số thành phần Hiện đại hóa hành chính luôn ở mức cao; Chỉ số sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng CNTT-TT (ICT index) tăng 6 bậc từ thứ 18 lên thứ 12. Bên cạnh đó, Bộ TN&MT cũng đi đầu trong việc thực hiện Quyết định số 28/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc gửi nhận văn bản điện tử khi quy chuẩn đã được chuẩn hóa xử lý từ khâu lập hồ sơ, văn bản trình lên các cấp. Hiện tại, Bộ đã triển khai 100% số lượng văn bản là văn bản điện tử và ký số, từ soạn thảo, trình, kiểm soát cho đến ban hành. Hoàn thành cung cấp dịch vụ công trực tuyến theo thẩm quyền với khối lượng hồ sơ tài liệu rất lớn. 100% thủ tục hành chính được thực hiện trên môi trường trực tuyến, trong đó dịch vụ mức độ 4 đạt tỷ lệ 52,3%.
Để đạt được những kết quả trên, Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin và Dữ liệu TN&MT Lê Phú Hà cho biết, xuất phát từ quan điểm chỉ đạo và quyết tâm của lãnh đạo Bộ TN&MT trong việc tổ chức, thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ về ứng dụng CNTT, thực hiện chuyển đổi số trong đơn vị; coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt của Bộ. Cụ thể, trong các buổi giao ban định kỳ tháng, quý, năm, Bộ TN&MT đều có báo cáo riêng về Chính phủ điện tử, đánh giá từng đơn vị trực thuộc. Đồng thời, thường xuyên tuyên truyền, phổ biến thực hiện Kế hoạch chuyển đổi số ngành TN&MT theo phương châm “4 không, 1 có” (Làm việc không giấy tờ; Hội họp không tập trung; Dịch vụ công không gặp mặt; Thanh toán không dùng tiền mặt. Có số hóa thông tin, dữ liệu). Việc phát triển Chính phủ điện tử cũng được thực hiện đồng bộ, có tính hệ thống, tuân thủ Kiến trúc Chính phủ điện tử triệt để, đồng thời thường xuyên đánh giá các ứng dụng qua hiệu quả thiết thực, giảm khối lượng công tác, tăng năng suất lao động, tiết giảm chi phí. Bên cạnh đó, Bộ đã quan tâm đến công tác an toàn thông tin, không để xảy ra sự cố giúp cán bộ, công nhân viên yên tâm ứng dụng CNTT; Sử dụng hiệu quả, tiết kiệm hạ tầng CNTT thông qua việc sử dụng các hạ tầng dùng chung như quản trị dữ liệu nhằm tiết kiệm và giảm chi phí. Theo Chương trình chuyển đổi số TN&MT đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đã được Bộ trưởng Bộ TN&MT phê duyệt, mục tiêu đến năm 2025, 80% cơ sở dữ liệu về TN&MT được xây dựng, cập nhật trên nền tảng dữ liệu lớn (Big data); 100% dịch vụ công trực tuyến cung cấp ở mức độ 4, được xác thực một lần, cung cấp trên nhiều nền tảng thiết bị, tối ưu hóa; 70% dịch vụ hành chính công phát sinh hồ sơ trực tuyến; tích hợp các dịch vụ công trực tuyến với Cổng Dịch vụ công quốc gia. Duy trì 100% hồ sơ công việc được xử lý trên môi trường mạng (trừ hồ sơ công việc thuộc phạm vi bí mật Nhà nước). Xây dựng cơ sở dữ liệu TN&MT trên nền tảng số Về kế hoạch, phương hướng triển khai Chính phủ điện tử trong thời gian tới, Cục trưởng Lê Phú Hà cho biết, Bộ TN&MT sẽ tiếp tục xây dựng cơ sở dữ liệu TN&MT thành một chỉnh thể thống nhất, đồng bộ, tạo nền tảng vận hành, phát triển Chính phủ điện tử, chuyển đổi số hướng tới Chính phủ số TN&MT, cung cấp dịch vụ công trực tuyến phục vụ người dân, doanh nghiệp, trong đó chú trọng đến cơ sở dữ liệu đất đai quốc gia, cơ sở dữ liệu nền địa lý, nền tảng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng hay đóng góp vào Hệ tri thức Việt số hóa. Triển khai vận hành nền tảng liên thông, cổng dữ liệu TN&MT và tạo lập thị trường trao đổi, sử dụng, thúc đẩy giá trị gia tăng từ tài nguyên dữ liệu số về TN&MT. Xây dựng, vận hành cơ sở hạ tầng kỹ thuật CNTT đồng bộ, bài bản, quản lý tập trung và chia sẻ sử dụng chung phục vụ triển khai Chính phủ điện tử của Bộ. Các trung tâm dữ liệu sử dụng công nghệ ảo hóa, điện toán đám mây, cung cấp tài nguyên tính toán, xử lý chung cho các đơn vị thuộc Bộ, bảo đảm các nhu cầu ứng dụng CNTT, xây dựng các cơ sở dữ liệu. Hiện đã cung cấp được 16 loại dịch vụ về hạ tầng CNTT. Đồng thời, thúc đẩy ứng dụng đồng bộ cách mạng công nghệ 4.0, định hướng chuyển đổi số ngành, phấn đấu đến năm 2025 là ngành TN&MT số bảo đảm an toàn, an ninh trên môi trường mạng. Mục tiêu đến năm 2030, giảm 30% thủ tục hành chính; 50% dịch vụ công có sự tham gia cung cấp bởi các tổ chức ngoài Nhà nước. 100% dịch vụ hành chính công phát sinh hồ sơ trực tuyến; tích hợp các dịch vụ công trực tuyến với Cổng Dịch vụ công quốc gia. 95% người dân và doanh nghiệp hài lòng về việc giải quyết thủ tục hành chính. Nguồn tin: baotainguyenmoitruong.vn |
Ý kiến bạn đọc