Chuyển đổi số toàn diện ngành tài nguyên và môi trường

Thứ năm - 24/02/2022 10:57 384 0
Thời gian qua, ngành TN&MT đã tích cực đẩy mạnh chuyển đổi số, nâng cao hiệu quả trong quản lý, khai thác bền vững tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thân thiện với môi trường.* Chuyển đổi số trên tất cả lĩnh vực

Trước tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, Bộ TN&MT đã chủ động linh hoạt đẩy mạnh chuyển đổi số ở tất cả các lĩnh vực. Năm 2021 là năm Bộ TN&MT đưa nhiều thủ tục hành chính giải quyết trên môi trường số, đáp ứng mục tiêu hình thành Chính phủ điện tử. Vì vậy, chỉ số cải cách hành chính (PAR index) của Bộ tăng liên tục 11 bậc, từ thứ 16 năm 2019 lên thứ 5 năm 2020, trong đó chỉ số thành phần Hiện đại hóa hành chính luôn ở mức cao; Chỉ số sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng CNTT-TT (ICT index) tăng 6 bậc từ thứ 18 lên thứ 12.

Bên cạnh đó, Bộ TN&MT cũng đi đầu trong việc thực hiện Quyết định số 28/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc gửi nhận văn bản điện tử khi quy chuẩn đã được chuẩn hóa xử lý từ khâu lập hồ sơ, văn bản trình lên các cấp. Hiện tại, Bộ đã triển khai 100% số lượng văn bản là văn bản điện tử và ký số, từ soạn thảo, trình, kiểm soát cho đến ban hành.

Theo Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin và Dữ liệu TN&MT Lê Phú Hà, đến nay, Bộ TN&MT đã cơ bản hoàn thành cung cấp 100% thủ tục hành chính trên môi trường trực tuyến gồm 108 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4; đồng thời triển khai cung cấp 100% dịch vụ công đủ điều kiện lên trực tuyến mức độ 4 đối với các thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của Bộ.

Cùng với đó, Bộ TN&MT đã tích hợp, cung cấp 40 thủ tục trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia được Thủ tướng Chính phủ giao; kết nối, tích hợp dùng chung hệ thống thanh toán trực tuyến; phối hợp với các đơn vị liên quan trực thuộc Bộ và một số bộ, ngành xây dựng các dịch vụ công thiết yếu theo đánh giá của Liên hợp quốc và triển khai thử nghiệm tích hợp, cung cấp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia: vận hành, cung cấp 7 dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 trên Cổng thông tin một cửa quốc gia theo Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN.

Đặc biệt, trong các buổi giao ban định kỳ tháng, quý, năm, Bộ TN&MT đều có báo cáo riêng về Chính phủ điện tử, đánh giá từng đơn vị trực thuộc. Đồng thời, thường xuyên tuyên truyền, phổ biến thực hiện Kế hoạch chuyển đổi số ngành TN&MT theo phương châm “4 không, 1 có” (Làm việc không giấy tờ; Hội họp không tập trung; Dịch vụ công không gặp mặt; Thanh toán không dùng tiền mặt. Có số hóa thông tin, dữ liệu).

Ngoài ra, nhiều cơ sở dữ liệu về tài nguyên và môi trường được Bộ thực hiện trong năm 2021 đem lại hiệu quả cao như: triển khai xây dựng, hoàn thiện cơ sở dữ liệu nền địa lý quốc gia, bản đồ địa hình quốc gia; cơ sở dữ liệu quốc gia về quan trắc tài nguyên và môi trường; cơ sở dữ liệu liên ngành Đồng bằng sông Cửu Long phục vụ phát triển bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu…

Tại Sở TN&MT các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương cũng đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về chuyển đổi số; thực hiện chuyển đổi nhận thức vai trò người đứng đầu trong việc chỉ đạo, điều hành hoạt động của cơ quan, đơn vị; hướng tới tổ chức số hóa dữ liệu quản lý chuyên ngành theo lộ trình, đảm bảo 100% dữ liệu của ngành hoàn thiện hệ thống thông tin chuyên ngành trên nền tảng số hóa và vận hành bởi quy trình số; bảo đảm kết nối, chia sẻ, tích hợp với cơ sở dữ liệu của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Một số Sở TN&MT đã xây dựng hệ thống hồ sơ địa chính và cơ sở dữ liệu quản lý đất đai trên nền tảng số; lắp đặt hệ thống quan trắc tự động theo dõi, giám sát, quản lý về môi trường, diễn biến thời tiết, dự báo thiên tai trên nền tảng số...

* Hướng tới “số hóa” ngành TN&MT

Theo Chương trình chuyển đổi số TN&MT đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, Bộ Tài nguyên và Môi trường đặt ra mục tiêu đến năm 2030, ngành TN&MT quản lý, điều hành cơ bản trên phương thức, quy trình, mô hình của công nghệ số và kết quả phân tích, xử lý dữ liệu số; áp dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và nhân lực chất lượng cao.

Theo kịch bản hướng tới chính phủ số ngành TN&MT phiên bản 2.1 do Bộ TN&MT đang xây dựng, chủ thể hướng đến là người dân, doanh nghiệp, cơ quan giao dịch phải thực sự dễ dàng, thông qua hệ thống một cửa nhất quán của Bộ. Trong đó, các công việc chuyển đổi số sẽ lấy người dùng là trung tâm, thống nhất tích hợp trải nghiệm đa kênh của người dùng thông qua định danh số tích hợp, các dịch vụ nghiệp vụ, dịch vụ dữ liệu, dịch vụ hạ tầng cá thể hóa theo người dùng…

Bộ đặt mục tiêu đến năm 2025, hoàn thiện cơ bản hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, tiêu chuẩn, quy chuẩn, quy định kỹ thuật bắt kịp thay đổi nhanh chóng của công nghệ, bảo đảm phát triển, vận hành Chính phủ điện tử ngành, đáp ứng yêu cầu tiến trình chuyển đổi số.

Để thực hiện kiến trúc chính phủ điện tử hướng đến chính phủ số ngành TN&MT, Bộ TN&MT sẽ triển khai 3 dự án lớn gồm: Hệ thống quản lý điều hành thông minh tại Bộ; hoàn thiện cơ sở dữ liệu tài nguyên môi trường kết nối liên thông với các cơ sở dữ liệu/hệ thống thông tin; chuyển đổi số ngành tài nguyên và môi trường (giai đoạn 1).

Mới đây, ngày 28/12/2021, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ký ban hành Quyết định số 2601/QĐ-BTNMT về việc Thành lập Ban Chỉ đạo chuyển đổi số ngành tài nguyên và môi trường. Theo đó, Ban Chỉ đạo sẽ nghiên cứu, đề xuất với Bộ trưởng để chỉ đạo, điều phối xây dựng, thực hiện các chủ trương, chiến lược, cơ chế, chính sách để thúc đẩy tiến trình chuyển đổi số, gắn kết chặt chẽ với cải cách hành chính; phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số; tạo thuận lợi cho việc triển khai Cách mạng công nghiệp lần thứ tư trong ngành tài nguyên và môi trường… Điều này thể hiện quyết tâm rất lớn của Bộ TN&MT nói riêng cũng như ngành Tài nguyên và Môi trường nói chung trong thực hiện chuyển đổi số, xây dựng chính phủ điện tử, cải cách thủ tục hành chính theo hướng hiện đại hóa.

Năm 2022, Bộ Tài nguyên và Môi trường đặt mục tiêu duy trì 100% dịch vụ công đủ điều kiện cung cấp trực tuyến mức độ 4, được cung cấp trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau, bao gồm cả thiết bị di động; 90%-100% dịch vụ công trực tuyến phát sinh hồ sơ và được tích hợp với Cổng Dịch vụ công quốc gia; 50% hồ sơ được xử lý trực tuyến; 90% người dân, doanh nghiệp hài lòng về việc giải quyết thủ tục hành chính. Bộ cũng duy trì 100% hồ sơ công việc tại Bộ, 70%-90% hồ sơ công việc của ngành tài nguyên và môi trường được xử lý hoàn toàn trên môi trường mạng. Toàn bộ các báo cáo tổng hợp, báo cáo định kỳ và báo cáo thống kê của Bộ được thực hiện hoàn toàn trên môi trường mạng, kết nối, tích hợp, chia sẻ dữ liệu với Hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ.

Đặc biệt, trong năm 2022, Bộ sẽ cơ bản hoàn thành xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai quốc gia, cơ sở dữ liệu nền địa lý quốc gia, các cơ sở dữ liệu chuyên ngành tài nguyên và môi trường trên nền tảng dữ liệu lớn và kết nối, chia sẻ, cung cấp dữ liệu mở phục vụ hoạt động của cơ quan nhà nước, cung cấp dịch vụ phục vụ người dân, doanh nghiệp, vận hành Chính phủ điện tử, tiến tới Chính phủ số, phát triển kinh tế số, xã hội số, đô thị thông minh.

Nguồn tin: monre.gov.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

  Góp ý

Mã bảo mật   
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây