Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải: Tập trung nguồn lực để quản lý hiệu quả TN&MT

Thứ tư - 23/01/2013 16:10 762 0

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải: Tập trung nguồn lực để quản lý hiệu quả TN&MT

Sáng 22/1 tại Hà Nội, Bộ TN&MT đã tổ chức Hội nghị triển khai công tác năm 2013 và sơ kết một năm thực hiện Chỉ thị số 1474/CT-TTg về chấn chỉnh việc cấp Giấy Chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất và xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai. Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã tới dự và phát biểu chỉ đạo.


        Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang, các Thứ trưởng Trần Hồng Hà, Nguyễn Mạnh Hiển, Bùi Cách Tuyến, Nguyễn Thái Lai, Chu Phạm Ngọc Hiển đồng chủ trì Hội nghị. Các tỉnh, thành phố đã cùng thảo luận qua các đầu cầu trực tuyến.

 
Nỗ lực vượt qua một năm vất vả
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đánh giá, năm 2012 là một năm vất vả khó khăn trong bối cảnh chung của đất nước và thế giới. Ngành TN&MT với những lĩnh vực đa ngành, phức tạp đã làm được nhiều việc, thể hiện nỗ lực của toàn ngành.
Theo Phó Thủ tướng, trong lĩnh vực đất đai, điểm đáng chú ý là Bộ TN&MT đã tiến hành tổng kết Nghị quyết Trung ương 7, thu hút sự quan tâm của các ngành các địa phương, nhằm rút ra những điểm yếu cơ bản để khắc phục trong sửa Luật Đất đai tới đây. Từ tổng kết Nghị quyết Trung ương 7, Ban Chấp hành Trung ương đã ban hành Nghị quyết số 19-NQ/TW với những quan điểm đổi mới để hoàn thiện chính sách đất đai…
Trong lĩnh vực tài nguyên nước, Bộ đã tập trung xây dựng và trình Quốc hội thông qua Luật Tài nguyên nước, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu, Chiến lược Bảo vệ môi trường Quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 và Chương trình mục tiêu quốc gia về khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường; đã Công bố Kịch bản biến đổi khí hậu và nước biển dâng cập nhật chi tiết cho Việt Nam làm cơ sở cho các tỉnh, thành phố cập nhật lồng ghép vào các quy hoạch phát triển.
Quản lý tài nguyên khoáng sản đã có bước chuyển đáng kể. Từ nhận thức khai thác khoáng sản thô, các địa phương đã có ý thức khai thác có chế biến sâu và giải pháp phục hồi môi trường. Công tác điều tra cơ bản được chú trọng.
Dự báo khí tượng thủy văn đã đáp ứng yêu cầu, nâng dần độ chính xác, giảm thiệt hại trong thiên tai. Công tác hợp tác quốc tế được đẩy mạnh, nhất là hợp tác với Lào…
 
2013: Dành nguồn lực cho các nhiệm vụ chủ yếu
Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang cho biết, năm 2013 là năm có ý nghĩa quan trọng trong việc phấn đấu hoàn thành tốt kế hoạch giai đoạn 5 năm 2011 - 2015. Với mục tiêu tạo bước chuyển biến cơ bản trong công tác quản lý TN&MT, nâng cao giá trị đóng góp của ngành cho nền kinh tế quốc dân, tăng cường bảo vệ môi trường, góp phần ổn định xã hội, giữ vai trò là một trong những ngành chủ lực tham gia thực hiện mục tiêu phát triển bền vững đất nước, Bộ đã đề ra những nhiệm vụ chủ yếu, cần ưu tiên đầu tư thực hiện. Đó là tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách về TN&MT, như các Luật, văn bản hướng dẫn thi hành Luật… Năm 2013, Bộ tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm, trọng tâm là các lĩnh vực môi trường, khoáng sản, đất đai. Đồng thời đẩy mạnh công tác điều tra cơ bản, quan trắc và dự báo phục vụ đắc lực cho công tác quản lý Nhà nước về TN&MT.
 
Bộ trưởng Bộ TN&MT Nguyễn Minh Quang đọc báo cáo
 
Phải đưa Luật Tài nguyên nước đi vào cuộc sống, tăng cường đổi mới công tác quản lý khai thác, sử dụng tài nguyên nước là nhiệm vụ cần được chỉ đạo quyết liệt để triển khai có hiệu quả. Các Chương trình mục tiêu quốc gia về môi trường và biến đổi khí hậu, các đề án, chương trình bảo vệ môi trường cần được thực hiện trên phạm vi cả nước..
Kiện toàn tổ chức bộ máy ở Trung ương và địa phương, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước của ngành TN&MT, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, giáo dục pháp luật cũng cần được đẩy mạnh.
Phát biểu chỉ đạo thực hiện công tác năm 2013, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nhấn mạnh, cần dành nguồn lực để thực trên các nhiệm vụ trọng tâm này. Trong đó, Phó Thủ tướng đề nghị Bộ cần có giải pháp căn cơ để giải quyết các vụ khiến nại tố cáo kéo dài, đông người, phức tạp. Phải kiên quyết hơn trong quản lý môi trường lưu vực sông và cơ chế quản lý liên ngành, liên tỉnh phù hợp, có thẩm quyền xử lý nghiêm…
Trong việc sửa đổi Luật Đất đai, Phó Thủ tướng lưu ý, Bộ TN&MT và các địa phương cần tích cực trao đổi, thảo luận để các chính sách sát với thực tế, giảm độ “vênh” giữa văn bản và cuộc sống…
 
Cấp Giấy chứng nhận nhà, đất: Cần quyết tâm và linh hoạt
Sơ kết một năm thực hiện Chỉ thị 1474/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chấn chỉnh việc cấp Giấy Chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất và xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai (Giấy Chứng nhận), Bộ TN&MT đánh giá: năm 2012, các tỉnh đã có những tiến bộ rõ rệt trong cấp Giấy Chứng nhận nhà, đất song so với yêu cầu, tiến độ này vẫn còn chậm.
Kết quả cấp Giấy Chứng nhận của cả nước đạt được trong năm 2012 đã tăng mạnh, gấp hơn 2 lần so với kết quả thực hiện của cả 2 năm 2010 – 2011. Các tỉnh điển hình về đẩy mạnh tiến độ cấp Giấy năm 2012 là Thừa Thiên Huế, Bình Định, Bình Dương, Long An, Lạng Sơn, Đồng Nai, Quảng Ngãi, Hòa Bình, Hưng Yên, Hà Giang, Thái Nguyên, Vĩnh Long.
 
Toàn cảnh Hội nghị
 
Theo báo cáo của các địa phương, trong năm 2012, cả nước đã cấp Giấy Chứng nhận các loại đất lần đầu được gần 1,8 triệu Giấy Chứng nhận; nâng kết quả cấp Giấy Chứng nhận chung của cả nước lên hơn 33,8 Giấy Chứng nhận, với tổng diện tích là 19,25 triệu ha. Ngoài ra, trong năm 2012 các địa phương còn cấp đổi, cấp lại Giấy Chứng nhận được 2,15 triệu giấy.
Tuy nhiên, hiện cả nước chỉ có 6 tỉnh cơ bản hoàn thành cấp Giấy Chứng nhận lần đầu cho các loại đất chính (đạt từ 85-100 % diện tích) gồm Bình Dương, Long An, Bến Tre, Đồng Tháp, An Giang, Bạc Liêu; ngoài ra còn nhiều tỉnh cơ bản hoàn thành ở hầu hết các loại đất chính như Lạng Sơn, Hải Dương, Hà Nam, Hưng Yên, Quảng Bình, Đà Nẵng, Trà Vinh, Hậu Giang, Kiên Giang, Sóc Trăng, An Giang.
Khá nhiều tỉnh, thành phố có kết quả cấp Giấy Chứng nhận còn đạt thấp (dưới 70% diện tích cần cấp) ở nhiều loại đất chính.
Hiện có gần 5,4 triệu thửa đất còn tồn đọng, chưa được cấp Giấy Chứng nhận, tương đương hơn 2,1 triệu ha. Hai thành phố là Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh có tồn đọng lớn đối với các căn hộ thuộc các dự án phát triển nhà ở.
Để thực hiện mục tiêu Quốc hội khóa XIII đề ra là hoàn thành cơ bản việc cấp Giấy Chứng nhận vào năm 2013, Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang cho biết, ngành TN&MT sẽ huy động mọi nguồn lực để thực hiện tốt nhiệm vụ. Bộ TN&MT cũng kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính, Bộ Xây dựng, Bộ Tư pháp, Ngân hàng Nhà nước chỉnh sửa các văn bản cho phù hợp với thực tế và đơn giản các thủ tục hành chính.
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đề nghị các địa phương đặc biệt quan tâm đến công tác này, đảm bảo chi đủ 10% tiền sử dụng đất cho công tác đo đạc, cấp Giấy Chứng nhận... Chính phủ cũng đang xem xét, sớm phê duyệt Đề án xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai, tập trung nguồn lực cho công tác này. Đối với các kiến nghị của Bộ TN&MT, Phó Thủ tướng đề nghị Bộ tổng hợp, đề xuất với Chính phủ để tìm hướng giải quyết hợp lý.

Thông tin từ Bộ TN&MT

  Ý kiến bạn đọc

  Góp ý

Mã bảo mật   
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây